23. Nguyễn
Bính
(1918 – 1966)
Hai lần lỡ bước sang ngang
Thương con bướm đậu trên giàn mồng tơi
Trăm hoa thân rã cành rời
Thôi đành lấy đáy giếng thơi làm mồ.
Xuân Sách
Tham khảo thêm
Di sản vô giá của Nguyễn Bính - nhà thơ mùa xuân
02-03-2015
Trần Ngọc Lan
(Dân trí) - Gia tài
của nhà thơ nếu đã đọc một lần sẽ đủ nhớ suốt đời không chỉ là những bài thơ
với hương vị tình yêu nồng nàn và sức sống mãnh liệt mà còn là một không khí
mùa xuân tươi tắn và trong trẻo vô bờ bến, sống mãi với nhân gian.
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa Xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay…”
Đã gần 50 năm sau ngày giã biệt cõi thế (1918-1966) của nhà thơ “Chân
quê”, “Mưa xuân”, “Lỡ bước sang ngang”, “Tương tư”, “Cô hái mơ”… nhưng thế
gian vẫn luôn thấm đẫm hồn thơ của người thơ vô cùng đặc biệt này. Hễ nhắc đến
mùa xuân là nhắc đến ông, cái sức sống phơi phới, cái mùa xuân nõn nà trong thơ
ông làm say lòng bất cứ người đọc nào bởi vẻ đẹp vừa kín đáo, đoan trang của cô
thôn nữ, vừa lồ lộ, mời gọi của kẻ đa tình, vừa uyên bác, trí thức của người có
học.
Nhân ngày thơ Việt Nam năm nay (ngày rằm tháng giêng âm lịch), xin giới
thiệu tới độc giả bài viết của tác giả Hòa Bình về di sản vô giá của nhà thơ
Nguyễn Bính (LTS).
Đọc một lần đủ nhớ suốt đời
Nguyễn Bính sinh ra ở làng quê Nam Định nhưng cuộc đời kháng chiến đã đưa
ông phiêu dạt khắp vùng đất nước, vào miền Trung rồi cả miền Nam. Thời của các
nhà thơ mới, hầu như tên tuổi nào cũng để lại những dấu ấn cách tân, ảnh hưởng
của văn học phương Tây thì ông chủ bút báo Trăm hoa một thời lại đậm đặc tinh
hoa dân gian Việt Nam với sự chắt lọc tinh túy của ca dao, dân ca và truyện thơ
dân gian.
Thời nay, phố phường càng ồn ã, đông đúc, người đọc càng thương nhớ chốn
quê mùa hồn hậu của ông. Hàng cau, giàn trầu, rặng mùng tơi, cây bưởi, cây
chanh, thôn Đoài, thôn Đông… hiện lên trong thơ ông trong leo lẻo với nắng mới
óng ả, làn gió nhẹ tha thướt, tà áo nâu sồng chân chất, chiếc quần lụa thâm
giản dị, mái tóc mướt dài của cô thôn nữ… Và tất cả đều đã trở thành những biểu
tượng thơ Việt. Mà như nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học
nghệ thuật Việt Nam ghi lại nơi nhà lưu niệm cố thi sĩ thì: “Nguyễn Bính thuộc
số các nhà thơ dù chỉ đọc một lần cũng đủ nhớ suốt đời”.
Nhà thơ “Chân quê” lãng tử chẳng kém gì công tử Bạc Liêu. Ông yêu
nhiều, mà yêu ai cũng say sưa, đắm đuối, cũng trở thành một ảo ảnh thi ca. Thế
rồi, khi con đường cách mạng đưa ông xuôi về vùng non nước Nam Bộ, ngay trong
lần gặp đầu tiên với bậc nữ lưu miền Nam – bà Hồng Châu đã khiến ông mê mẩn nói
chẳng nên lời.
Tình yêu sét đánh và những nỗi đau… sét đánh
Hồng Châu là tên gọi trên đường kháng chiến của bà, còn tên thật là Nguyễn
Lục Hà. Thời điểm gặp ông, bà Hồng Châu đã trải qua muôn vạn dặm trường của đói
nghèo, khổ cực, những năm tháng đầu tiên gây dựng phong trào cách mạng gian khổ
ngặt nghèo. Bà là nữ chiến sĩ cách mạng thời kỳ bí mật, cái chết luôn rình rập
lơ lửng sát trên đầu. Và cả những ngậm ngùi đau đớn khi chia tay người yêu đi
vào vùng kháng chiến không hẹn ngày trở lại, rồi lần lượt những dấu ấn cuộc đời
cay nghiệt khi buộc phải lập gia đình như mặc lên mình một tấm áo che thân để
dễ bề hoạt động sau khi đã thoát khỏi chốn lao tù biệt giam.
Gian khó cùng mình, đói nghèo bủa vây, con thơ đầu lòng lao lực cũng đành
mất, những nỗi đau bóp nghẹt trái tim người mẹ khiến bà như chết đi sống lại,
còn đau hơn cả những lúc thân thể nát bấy, bầm dập vì đòn thù hiểm ác. Điện
giật dùi đâm dao cắt lửa nung đã khiến bà gần như liệt mất nửa con người, nhưng
tinh anh vẫn luôn tỏa sáng, từ ánh mắt trung trực tới khí tiết hào sảng, bà
không chỉ đẹp, quý phái mà còn là bậc nữ lưucó học và tài hoa văn chương. Chỉ
có bà mới đủ sức giữ chân người thơ trên con đường kháng chiến, và hôn sự của
hai người cũng như một nhiệm vụ mà người Đảng viên chân chính phải chấp hành.
Đám cưới kháng chiến vui nhớ đời, bạn bè từ khắp nơi nghe tin Nguyễn Bính
cưới vợ, dù sông sâu ngăn cách rừng thẳm nhưng cũng tranh thủ về dự, tranh thủ
coi mắt xem cô dâu là ai mà dám lấy anh chàng thi sĩ nghèo rớt mùng tơi,
suốt đời mắc vào duyên bút mực, bị trời đày làm thơ này.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Nhà thơ nghèo, tâm hồn lại mênh mông vô
phương neo giữ, nên căng thẳng nhất là thời điểm bà sinh con gái. Hồi ký của bà
Hồng Châu ghi lại, chồng bà sắp có con đầu lòng thì vui lắm nên nhà thơ nhắm
nhe: “Sanh con gái đầu lòng, đặt tên Anh Thơ nhé! Còn nếu là con trai, ta lập
thành dòng họ Nguyễn Bính Hồng…” Mới nghe tới đó, bà đã nghẹn ngào gắt: “Khi
tôi lấy anh, tôi chấp nhận tất cả, tôi biết anh yêu nào cô Tuyên (Nguyễn Bính
lấy tên nhân vật của mình là Tú Uyên), cô Oanh, cô Dung, cô Phùng… nhưng tôi
chưa bao giờ có ý ghen tuông nghĩ ngợi gì cả. Đối với chị Anh Thơ, tôi cho rằng
mối tình rất đẹp. Mặc dù tôi rất tôn trọng anh chị, nhưng tôi không chấp nhận
việc anh lấy tên người ta đặt cho con tôi. Tôi nói thật lòng chứ không có hàm ý
ghen tuông gì. Anh hiểu cho rằng tôi là mẹ, tôi có công mang nặng đẻ đau thì
tôi phải có trọn quyền làm mẹ”.
“Thôi nếu sau này nó là con gái, em muốn đặt tên gì tùy ý, con trai thì anh
đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Chân” – Nguyễn Bính đấu dịu – Hồng Chân là chân lý
màu hồng. Anh muốn lấy tên cha mẹ đặt cho con, để mai sau lớn lên, nó tự răn
mình không làm điều sai quấy, ảnh hưởng đến mẹ cha”…
Cuối cùng, lúc bà làm khai sanh cho con gái, ông hộ tịch vừa viết xong ba
chữ Nguyễn Hồng Cầu, thì nhà thơ ở đâu chạy tới hỏi:
- Vợ tôi khai sanh tên con nhỏ là gì đó ông Báu (tên ông hộ tịch)
- Chị Năm đặt tên cho cháu là Nguyễn Hồng Cầu, mẹ Hồng Châu, chị lấy tên
lót của mẹ đặt cho con gái, tên nghe hay quá.
Nguyễn Bính mặt ỉu xìu nói:
- Ấy ấy… Ông thêm một chữ Bính nữa vào tên cháu!
Ông hộ tịch ngẩn ngơ xoay xoay cây viết trong tay, nhìn nhà thơ hỏi:
- Thêm chữ Bính vào đâu? Trời ơi! Tên con gái gì nghe dài thòn, kỳ cục, lại
còn Bính nữa!
Ông Báu bỏ viết cười lăn. Mọi người có mặt ở đó cũng cười theo. Nhưng
Nguyễn Bính không cười, mặt rất nghiêm, anh chỉ vào giấy khai sanh, nơi ghi tên
họ con nhỏ, sau chữ Nguyễn và nói:
- Ông thêm vào chỗ này: Nguyễn Bính Hồng Cầu! Có cha có mẹ mới có con.
Không phải một mình mẹ nó đẻ ra nó. Mai sau khôn lớn nhớ tên cha mẹ đặt cho nó
mà ăn ở phải đạo làm người. Nó là con đầu của tôi đấy!
Bà Hồng Châu nhắc:
- Hôm đó vợ chồng đã thỏa thuận với nhau, con gái thì tôi muốn đặt tên gì
tùy ý, con trai thì anh đặt, sao bây giờ anh lại đổi ý!
Nguyễn Bính thật sự nổi nóng:
- Không có tôi, sao hồi trước cô không giỏi đẻ đi! Thêm một chữ Bính vào,
có chết ai không? Con gái tôi là Nguyễn Bính Hồng Cầu.
Nguyễn Bính nhìn xoáy vào mắt vợ, nói từng tiếng:
- Đây là đứa con đầu lòng của tôi, của người vợ đầu tiên danh chánh ngôn
thuận, nên tôi mới lấy tên họ tôi mà đặt cho nó, ý nghĩa ở chỗ đó, cô hiểu
chưa?...
Cô con gái Nguyễn Bính Hồng Cầu vừa tròn lên hai thì ngày chia ly thật sự
tới. Nguyễn Bính có tên trong đoàn quân tập kết ra Bắc, về lại nơi quê hương xa
tít trùng khơi. Nhưng miền Nam với người vợ miền Nam và đứa con gái đầu lòng đã
trở thành quê hương thứ hai của tác giả Lỡ bước sang ngang, và ông không
nỡ rời xa họ. Vậy mà vì vướng bận mẹ già, con nhỏ, nhiệm vụ cách mạng giao phó,
bà Hồng Châu được phân công ở lại miền Nam.
Tàu từ từ tách bến, Nguyễn Bính cố nhoài ra boong tàu, đưa cao hai ngón tay
hẹn với Hà ngày anh trở lại. Hà vẫy tay lưu luyến tiễn chồng. Hồng Cầu cố nhoài
người theo phía con tàu khóc quẫy đòi cha. Nó đâu biết rằng con tàu ấy đã chở
đi của nó một người cha. Và vĩnh viễn không bao giờ trả lại cho nó…” – Trích
hồi ký của bà Hồng Châu.
Mười hai năm sau cuộc chia tay trên bến tàu, Nguyễn Bính mất trong một cơn
bạo bệnh, không giữ tròn lời hẹn ước với người vợ miền Nam. Trở ra Bắc, nhà thơ
có thêm một người vợ chính thức và một người khác không chính thức. Những người
con của ông sau này thành đạt nhưng chẳng ai theo nghiệp viết lách, trừ mỗi
người con gái đầu, với cái tên Nguyễn Bính Hồng Cầu đã được viết xuống trang
giấy khai sanh trong những căng thẳng, đau đớn, loạn lạc ly tán, nhiều hôm dầm
kênh chạy càn tưởng chết, nhiều hôm đạn bom ràn rạt quanh mình.
Hồng Cầu tâm sự, hồi còn nhỏ, cô cũng giận cha mình lắm, mãi sau này mới
hiểu đời ông bất hạnh nhiều. Ông cứ phải đi tìm cái bóng hạnh phúc cho đến khi
nhắm mắt xuôi tay vào đêm mùa xuân sầm sập tới đúng lúc giao thừa năm 1966.
Mùa xuân thăm gia tài của cố thi sĩ
Giờ đây, chính cô con gái đầu lòng đã xây dựng và chăm sóc nhà tưởng niệm
thi sĩ Nguyễn Bính tại số 23, đường 11, phường 11, quận Gò Vấp - TP. Hồ
ChíMinh. Cô sưu tầm lại toàn bộ những kỷ vật liên quan đến cha. Những tấm ảnh
từ thời kháng chiến ố màu thời gian, những bức chân dung, cuốn sách cũ “Xuân
tha hương”, “Lỡ bước sang ngang”, “Bóng giai nhân”, “Người con gái ở lầu hoa”,
“Cây đàn tì bà”, “Tuyển tập thơ văn”, “Tiểu thuyết thứ bẩy”, “Thơ tình hay
nhất” của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử…, chiếc lư
hương, nghiên mực… Những bức viết tay bằng chữ thảo, những bức tranh chữ do nhà
thơ hoặc bạn bè chép lại, họa lại thơ ông. Đặc biệt, trong góc phòng trong
cùng, bức thêu tay “Đôi mắt” của người nữ thư ký yêu ông và có với ông
một đứa con, được trang trọng treo ở đó, rất gần bàn thờ thi sĩ nhưng khá kín
đáo, nếu không để ý, khách thăm quan sẽ lướt qua.
Ngắm từng di vật của cố thi sĩ, mà trong lòng xao xuyến nghe từng giọt buồn
rơi nằng nặng nơi giọng nói của người con gái đầu lòng của ông, và chiêm nghiệm
về những người phụ nữ đi qua cuộc đời kỳ lạ của nhà thơ. Để rồi lòng thật bình
an khi vẫn an nhiên tự tại đọc báo, nghe đài, xem tin tức thời sự ngay cạnh đó,
trên chiếc tràng kỷ phôi pha màu thời gian, chính là người vợ miền Nam – bà
Hồng Châu nay đã bước vào tuổi chín mươi lăm.
Gần một trăm năm cho một cuộc đời người thật nhiều sóng gió, bão bùng. Bà
trân trọng sự xuất hiện của ông, trân trọng tài năng, chữ nghĩa của ông, và tôn
trọng những nhịp đập của trái tim ông, cho dù nó hướng về muôn ngả. Và con gái
bà, với cái tên ông phải đấu tranh để đặt dấu ấn của mình vào tờ giấy khai
sanh, bây giờ lại là người hàng ngày nhang khói, sống với những kỷ vật, di vật
của người thơ.
Năm mới tháng Giêng mùng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân…
Câu thơ của ông đã vận vào người. Nguyễn Bính ra đi đúng vào lúc giao thừa,
khi đất trời vần vũ chuyển giao khí tiết sang một năm mới tới. Lạnh lùng và đau
đớn chẳng khác nào một cuộc sinh nở, như nguyên tắc của vũ trụ, tận diệt hóa
sinh. Liệu đó có phải là một cuộc sinh nở vĩ đại để khai sinh ra mùa xuân? Và
đất trời ưu ái lắm nên đã đưa nhà thơ của mùa xuân ra đi trong mùa xuân vĩnh
hằng. Thế nên xác thân ra đi về nơi cát bụi nhưng hồn thơ mùa xuân thì còn lại
mãi với nhân gian…
Hòa Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét