Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Vài ý nhỏ về sự phân loại các bài viết trên Tri ân cuộc đời


Một cái cây là một thể thống nhất liên tục từ rễ đến ngọn. Nhưng trong nhận thức chung của con người lại phân ra làm ba bộ phận: phần ngầm dưới đất gọi là gốc rễ, phần từ mặt đất đến chỗ bắt đầu có sự phân nhánh gọi là thân, phần từ nhánh cành gọi là ngọn…Sự phân loại đó là rất hợp lý nhưng cũng không thể bao gồm được mọi loại cây. Không ít cây lại ra rễ ở ngọn, ra quả ngay tại rễ. Các loại dây leo như bí ngô thì cứ bò một đoạn thân lại ra rễ bấm xuống đất để rồi lại ra nhánh…cứ thế nó có dạng rễ thân lá cấp 1, rễ thân lá cấp 2, rễ thân lá cấp 3…Dẫn ra thế để thấy rằng mọi sự phân loại đều chỉ là tương đối. Trong văn học nghệ thuật thì sự phân loại càng phức tạp hơn, sự tương đối và cả sự nhập nhằng nữa càng dễ thấy hơn. Tuy vậy nó cũng phải đạt đến một mức độ hợp lý nhất định để bạn đọc có thể chấp nhận.
Theo thông lệ xưa nay đã có những cách phân loại sau:
1.     Phân loại theo phân môn
 Theo cách này người ta thường chia ra thành hai sáng tác và nghị luận Trong sáng tác lại có các phân môn như ký, truyện, thơ ca, kịch. Trong từng phân môn ấy lại tiếp tục phân chia thêm nữa như ký thì có bút ký, phóng sự, ký sự, tùy bút, hồi ký…Bây giờ lại có xu hướng gọi gộp chung các thể ký là tản văn hoặc tạp văn. Truyện cũng có truyện ngắn mi ni (truyện cực ngắn), truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài…Thơ ca cũng vậy, người ta thường chia ra  thành ca vè và thơ. Loại văn vần thiên về kể việc như “Chùa Nam”, Vè Bảo Đại” thì gọi là vè. Loại thơ thiên về biểu hiện tâm tư tình cảm và những suy nghĩ của con người gọi là thơ trữ tình. Loại thơ cười vui hoặc phê phán châm biếm gọi là trào phúng. Trong thơ trữ tình riêng cái mảng thể hiện tình yêu lứa đôi giữa nam và nữ và đạt đến độ chuẩn mới được gọi là thơ tình. Dưới chuẩn nghĩa là còn dễ dãi, thậm chí nhảm nhí, người đời tặng cho cái tên “thơ huê tình”. Nghĩa là thơ ghẹo gái tán gái. Các loại văn sáng tác này gọi là văn chương.
Nghị luận văn học bao gồm tất cả các loại bài nghiên cứu về văn học như lý luận văn học, phê bình giới thiệu tác phẩm, sưu tầm phân loại tư liệu, chú giải, khảo dị (hoặc khảo đính)…thuật ngữ chính xác của nó là “Văn học” (khoa học nghiên cứu về văn chương)
2.     Phân loại theo đề tài, chủ đề
Chẳng hạn trong văn chương người ta có thể chia thành đề tài nông thôn, đề tài thành thị, đề tài miền núi, đề tài lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài phụ nữ…
Trong văn học người ta có thể chia ra thành các đề tài như đề tài Nguyễn Trãi, đề tài Nguyễn Du, đề tài Hồ Xuân Hương…đề tài thơ mới, thơ chống Pháp thơ chống Mỹ…
Nói tóm lại là theo kiểu này sẽ có rất nhiều tiêu chí
3.     Kết hợp hợp lý giữa theo phân môn và theo chủ đề
Chẳng hạn trong THƠ TRỮ TÌNH ta có thể chia thành thơ tình (chủ đề tình yêu nam nữ tiền hôn nhân):
Nửa chiều tìm về chốn cũ
Lang thang như người mộng du
Chân trời hoàng hôn xuống vội
Quê xưa liệu có người chờ

Nửa chiều tìm về chốn cũ
Mong thầm gặp lại người xưa
Chân vừa chạm hờ trước ngõ
Đã nghe tiếng trẻ chào thưa…

Sông nước bao mùa vơi cạn
Người đi đâu hẹn ngày về
Em không dại khờ hóa đá
Nhìn nhau nói cười vô tư…
               (Chốn cũ- Nguyễn Chính)
Thơ đề vịnh (thường là tả cảnh ngụ tình):
Vằng vặc lưng trời ngọc thỏ trong
Thi nhân ngồi viết trước thi phòng
Mây trôi lãng đãng mây thành phượng
Cá  quẫy tưng bừng cá hoá long
Mải đọc vần thơ Hằng cúi mặt
Mê nghe tiếng sáo Cuội say lòng
Đêm thu vàng rộm màu thu cảm
Thơ chửa xong bài đã rạng đông
              (Thu cảm-Tạ Anh Ngôi)
Thơ thế sự (các vấn đề về đời sống xã hội):
          Đi học thì CHẠY vào trường
           Ra trường CHẠY VIỆC,có lương CHẠY QUYỀN
           Chạy gì cũng phải mất tiền
           Mất rồi thì phải nghĩ liền cách xoay…

           Mỗi người như một con quay
           Suốt đời chạy tít – biết ngày nào yên
           Mọi người đều CHẠY NHƯ ĐIÊN
           Mình mà KHÔNG CHẠY – ĐỨNG YÊN LÀ ĐẦN !
                             (Chạy – Thanh Dạ)
          …
Trong THƠ TRÀO PHÚNG người ta cũng có thể chia nhỏ thêm: loại có nội dung phê phán thói hư tật xấu gọi là thơ châm biếm :
Việt Nam “xứ sở mộng mơ”
Mới đây xuất hiện “nhà thơ nhập đồng”
Bao nhiêu thi xã hãi hùng
Bao nhiêu thi hữu lẫy lừng ngợi ca?
Chỉ buồn công chúng xứ ta
Xem xong bịt mũi cười khà…vậy thôi
Nay mai mang đấm xứ người
Chẳng kêu cũng gióng một hồi cho kêu (!)
                     (Thơ nhập đồng-Đỗ Đình Tuân)
Loại không có mục đích phê phán chỉ gây cười mua vui thì gọi là khôi hài, nhưng gọi thơ vui là đúng nhất:
Đứa lớn đi rồi bé cũng bon
Ông bà trơ lại vợ chồng son
Khi không con mọn đời đâu trẻ
Lúc đã răng thưa lợi cũng mòn
Miếng thịt miếng bì tuy chợn chụa
Câu thơ chén rượu vẫn bùi ngon
Đố  ai biết cái xuân xanh cũ
Liệu có âm thầm chịu héo hon ?
                      ( Vợ chồng son-Đỗ Đình Tuân) 
Như vậy thì thơ trào phúng có thể chia thành hai loại "thơ châm" và "thơ vui".
Trên đây là sơ qua một cách đại lược nhất về phân loại trong văn chương và văn học. Cố nhiên là không có cách phân loại nào là thật sự rạch ròi được cả mà cách nào, kiểu nào cũng đều có sự đan xen chồng lấn lẫn nhau. Bởi trong thực tế tồn tại có sự phân loại đâu. Các hiện tượng trong thế giới khách quan đều phát triển theo một quá trình liên tục. Có điều để nhận biết được bản chất của hiện tượng tư duy con người cần phải phân tích và tổng hợp các hiện tượng. Phân loại cũng là một cách vừa phân tích, vừa khái quát làm minh bạch hóa vấn đề giúp cho quá trình nhận thức được dễ dàng hơn.
Sau hơn hai năm phát triển, khối lượng bài viết trên trang Tri ân cuộc đời đã lên đến hàng nghìn. Để quản lý và tra cứu được khối lượng bài ấy đã đặt ra vấn đề cần phải phân loại. Ban quản lý trang mạng đã làm công việc này là rất đúng lúc. Đại bộ phận các loại mục phân chia của trang mạng là khá hợp lý như Blog video, bình thơ, chúc mừng, ký sự ảnh, thơ bạn bè…nhưng cũng có những loại mục chưa ổn: chẳng hạn như loại mục KHẢO DỊ là dùng chữ sai. Vì khảo dị (hoặc khảo đính) chỉ có nghĩa là xem xét bàn bạc về sự khác nhau giữa các văn bản của cùng một tác phẩm. Đây chỉ là một tiểu mục nhỏ trong các sách biên khảo giới thiệu các tác phẩm văn học cổ, vì các tác phẩm cổ thường có nhiều dị bản. Ví dụ như bài Tỵ khấu sơn trung của Nguyễn Phi Khanh:
避簆山中
山房盡日醉 昏昏
世路難危懶出門
六袞茲身千里隔
两年蔻亂一身存
風塵天地空搔髮
烟瘴林蠻只断魂
謾有寸懷勞耿耿
夜依牛斗望中原
              阮飛卿
Phiên âm:
Tỵ khấu sơn trung 1*
Sơn phòng tận 2* nhật túy hôn hôn
Thế lộ nan nguy 3* lãn 4*xuất môn
Lục cổn từ thân thiên lý cách
Lưỡng 5* niên khấu loạn nhất thân tồn
Phong trần thiên địa không 6* tao phát
Yên chướng 7* lâm man chỉ 8* đoạn hồn
Mạn hữu thốn hoài lao cảnh cảnh
Dạ y 9* ngưu đẩu vọng 10*trung nguyên. (1)
Dịch nghĩa:
Lánh giặc trong núi
Dưới mái nhà trong núi suốt ngày say li bì
Đường đời nguy nan ít ra khỏi cửa
Mẹ già sáu mươi tuổi cách xa ngàn dặm
Loạn lạc hai năm nay một thân vẫn còn
Đất trời gió bụi mà cứ gãi mái tóc suông
Lam chướng núi rừng, chỉ những mòn mỏi tâm hồn!
Dai dẳng một tấm lòng canh cánh lo âu
Đêm đêm theo sao Ngưu sao Đẩu trông ngóng về trung nguyên.
Dịch thơ
Suốt ngày trong núi rượu triền miên
Nguy hiểm đường đời ngại chẳng lên
Xót mẹ tuổi già nghìn dặm cách
Thương ta lánh nạn một thân tuyền
Đất trời gió bụi lo suông vậy
Lam chướng núi rừng mệt mỏi thêm
Canh cánh nỗi lòng da diết nhớ
Đêm nhìn ngưu đẩu ngóng trung nguyên.
                                Đỗ Đình Tuân dịch
Ghi chú
1.Trung nguyên: chỉ vùng trung tâm của đất nước
Có phần khảo dị như sau:
1*TTCGLT: có thêm hai chữ 有感 (nghĩa là trong “Tinh tuyển chư gia luật thi” đầu đề bài thơ có thêm hai chữ hữu cảm. Tên bài này trong sách ấy ghi là “Tỵ khấu sơn trung hữu cảm”).
2* TTCGLT: (chữ “tận” trong TTCGLT là chữ “đông”)
3*  TVTL2: 艱難 (chữ “nan nguy” trong Toàn Việt thi lục 2 là chữ “gian nan”)
4* TTCGLT: ( chữ “lãn” trong TTCGLT là chữ “lại”
5* TVTL2: ( chữ “lưỡng” trong TVTL 2 là chữ “bách”)
6* TTCGLT: ( chữ “không” trong TTCGLT là chữ “dung”)
7* TVTL3: ( Chữ “chướng” (khí độc) trong TVTL3 lại là chữ “chướng” (che lấp)
8* TVTL3: ( chữ “chỉ” trong TVTL3 là chữ “vấn”)
9* TTCGLT,  TVTL2: ( chữ “y” trong TTCGLT và TVTL2 là chữ “hoài”)
10* TVTL3: (chữ “vọng” trong TVTL3 là chữ “thúy”)
Trong một bài thơ nhỏ mà có đến 10 điểm có những dị biệt. Khảo dị có nghĩa là như vậy. Còn các bài viết trong loại mục KHẢO DỊ của Tri ân cuộc đời thực tế lại là những bài sưu tầm và giới thiệu  những tác giả và tác phẩm cổ có liên quan đến đất và người Chí Linh, … Cho nên những bài viết thuộc loại này cứ gọi nó là Sưu tầm giới thiệu
Theo suy nghĩ của riêng tôi thì nên phân chia các bài viết trên TRI ÂN CUỘC ĐỜI như sau:
Mảng văn ( cả sáng tác và bình luận) chỉ nên chia thành ba mục tạp văn, truyện ký và bình luận (Bao gồm các bài bình thơ, điểm thơ, giới thiệu...)
Mảng  thơ, là khu vực đông đảo hội viên tham gia nhất cũng nên phân loại cho đại khái thôi. Theo tôi chỉ nên chia thành thành ba khu vực: Thơ hội viên, thơ bầu bạn , thơ giao lưu xướng họa (bao gồm cả xướng họa, đối đáp, giữa hội viên với nhau và với bầu bạn xa gần. Không nên để những mục như   “thơ tình” nhất là “thơ men”. Tuy trong cuộc đời ai cũng có thể có đôi ba mối tình vắt vai, nhưng có phải cứ yêu là viết được thơ tình đâu. Thơ men càng như vậy. Nhiều người biết uống rượu nhưng không phải ai uống rượu là viết được thơ men. Trong xóm ta, tôi mới thấy có ông Thanh Dạ viết được bài “Uống rượu uống nhau”. Nhưng thực tình chỉ mới nghe tên bài thơ ấy là tôi đã phát hoảng và rất sợ phải uống rượu với ông Thanh Dạ. Bởi sơ sểnh một tý là hắn có thể nuốt chửng mình ngay. Đó là một bài“thơ khủng” thì đúng hơn.
Dành riêng cho Ban quản lý nên có mục Thông báo bao gồm mọi thông tin về hiếu hỉ và phổ biến nội bộ. Cũng nên có thêm mục Diễn đàn hoặc Trao đổi để ghi nhận những ý kiến đóng góp của mọi người và trao qua đổi lại lẫn nhau…         
 Trên đây là một vài ý nhỏ trình bày với cả xóm và Ban quản lý. Rất mong được mọi người tham khảo. Xin trân trọng cám ơn.
                                                  Chí Linh 12/9/2012
                                                      Đỗ Đình Tuân









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...