Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Danh nhân nho sĩ viết về Chí Linh 2



                                              Lê Tắc                               

            Không rõ năm sinh, năm mất. Theo lời tự kể của tác giả thì lúc bé ông học rất giỏi, 19 tuổi đã dự khoa thi Thần đồng, sau được gọi vào hầu cận Trần Thái Tông(Trần Cảnh), rồi làm quan đến Thị lang, được chuyển sang giúp việc cho Chương Hiến Hầu Trần Kiện.
            Năm 1285, quân Nguyên xâm lược nước ta, Trần Kiện được giao nhiệm vụ chống nhau với cánh quân của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra. Trần Kiện không chống đỡ nổi và đã đem thuộc hạ ra đầu hàng quân Nguyên (trong đó có cả Lê Tắc).Thoát Hoan cho bọn Trần Kiện sang Trung Quốc để ra mắt vua Nguyên. Nhưng bọn Trần Kiện đi đến ải Chi Lăng thì bị quân ta chặn đánh. Trần Kiện bỏ mạng. Lê Tắc cố ôm thây chủ, chạy qua Khâu Ôn (Lạng Sơn), chôn cất vội vàng rồi cùng đám tàn quân còn lại chạy thục mạng sang Trung Quốc. Triều đình nhà Nguyên ra sức vỗ về bọn này, chọn Trần ích Tắc phong cho làm An Nam Quốc Vương, bọn thủ hạ cũng đều cho chức tước để an ủi, Lê Tắc được phong tòng Thị lang.
            Năm 1287, vua Nguyên cho binh lính hộ tống Trần ích Tắc về nước để lấy danh nghĩa lật đổ Trần Nhân Tông. Nhưng bọn Việt gian này ngay lập tức bị quân ta đánh cho tan tác, mỗi tên chạy đi một ngả. Lê Tắc lại cùng với một vài tên tay chân, bè bạn chạy trốn  về Trung Quốc. Từ đó cả bọn Trần ích Tắc đều phải bỏ quê hương làm dân vong quốc. Năm 1292, Tắc được hàm Phụng sự lang, giữ chức Đồng Tri châu An Tiêm( chỉ là chức danh suông). Lúc này Tắc cũng an phận dưỡng lão và chuyên nghiên cứu sách vở soạn ra bộ An Nam chí lược này.
            Trong lời tựa cuốn sách, Lê Tắc có viết: “Tôi sinh trưởng ở đất Nam Việt, đã làm quan ăn lộc của bản quốc. Trong mười năm về trước, đi xứ nọ qua xứ kia, trải khắp nửa nước An Nam, hơi biết đươc hình thế sơn xuyên địa lý. Từ khi nội phụ Thánh triều đến nay đã hơn năm mươi năm rồi. Tự xét đã quê mùa laị ngây dại, học thức theo lối xưa mà không thấu đáo, đến tuổi già lại ham sách, tiếc rằng đã muộn, nên các văn tịch cổ kim không thể xem hết được.
          Nhân trong lúc rảnh rỗi, gom góp lượm lặt những điều đã ghi trong quốc sử các triều đại, Giao Chỉ đồ kinh, lại tham khảo bộ Phương kim hỗn nhất điển cố, mà làm ra bộ An Nam chí lược, 20 quyển”.1
            Trong cuốn sách này, Lê Tắc có ghi chép về một số địa danh ở Chí Linh, xin chép ra đây để bạn đọc cùng tham khảo:
                             
                               Núi

*Núi Phổ Lại  2: Năm Định hợi Chí Nguyên(1287), quan binh 3 có tới làm hàng rào cây, để chứa lương thực ở đó.

          *Núi Vạn Kiếp: trở mặt ra con sông lớn, sau lưng có núi muôn trùng, rừng rậm tre cao, dưới nước trên cầu, phong cảnh rất đẹp. Hưng Đạo Vương đã từng ẩn ở trong ấy.

          *Núi Kiệt Đặc: đi đường tắt vào núi thì thấy hoa và cây rậm rạp tốt đẹp, có suối ngọc chảy mòn đá, lửa đóm rước người(vào chơi), mát mẻ lạ lùng, cõi đời không có.

                                 Chuông đồng Phả Lại

            Hai nhà sư (Không Lộ và Giác Hải) 4 thường vào Trung Quốc, xin đồng để đúc chuông, lúc về có thần nhân ủng hộ, thuyền đi một buổi chiều về đến quê hương, đúc hai cái chuông, một cái lớn, một cái nhỏ, treo ở chùa núi Phả Lại, mỗi lúc đánh tiếng vọng rất xa, tiếng đồn đến Trung Quốc. Chưa được bao lâu, cái chuông lớn chạy vào khe Bài Nam, mưa lớn nước dâng lên trôi đi mất. Nhà sư sợ cái nhỏ cũng đi theo, bèn lấy sắt đóng lại, nay đương còn.

Ghi chú
1. An Nam chí lược đã được Nhà xuất bản Thuận Hóa, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây dịch và  ấn hành năm 2002. Những tư liệu giới thiệu trên đây dựa theo cuốn sách này.
2.Bản dịch sách  An Nam chí lược khi thì ghi Phổ Lại, lúc lại ghi Phả Lại, vì “phổ” và “phả” chỉ là hai âm của cùng một chữ.
3. Quan binh ở đây chỉ quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3
4-Không Lộ và Giác Hải: tức Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không, hai thiền sư nổi tiếng thời nhà Lý.

13/9/2012
Đỗ Đình Tuân 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...