Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Đưa bài đăng với ảnh

Nội dung chữ...

Đỗ Nguyên Lượng
Đưa ảnh lên để chứng minh bộ nhớ blog lưu hình ảnh của bố là chưa hết.
Nhưng những hôm trước bố đưa ảnh lên thì mạng đều đưa ra đoạn văn thông báo sau:
"Rất tiếc! Bạn đã hết bộ nhớ. Bạn hiện đang sử dụng 100% hạn ngạch 1 GB cho ảnh. Nâng cấp bộ nhớ
Ảnh được lưu trữ trong tài khoản Album Web Picasa của bạn và được bao gồm trong 1 GB hạn ngạch bộ nhớ miễn phí cho ảnh của bạn. Bộ nhớ bạn mua thêm được chia sẻ giữa một số sản phẩm của Google và bổ sung vào hạn ngạch bộ nhớ miễn phí của bạn. Tìm hiểu thêm".
Hôm nay bố lên ảnh thì lại thấy được. Hay là Google lại cho bổ sung thêm hạn ngạch miễn phí ?

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Ngày tận thế





Đọc tin trên mạng nghĩ mà kinh
Tận thế ai ai chẳng giật mình
Trái đất tự nhiên thành vỡ vụn
Muôn loài tất yếu phải hy sinh
Người lo tích nước phòng khô khát
Kẻ chúi hầm sâu tránh cực hình
Còn tớ cứ bơi thuyền hái muống
Nhờ bè rau muống hắn công kênh.

28/11/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Bàn qua về từ láy



                                       Bàn qua về từ láy

          Từ láy là một lớp từ khá đặc biệt trong tiếng Việt. Nó đặc biệt trong cách cấu tạo từ và càng đặc biệt trong khả năng diễn tả. Gọi là từ láy(lấp láy, lặp lại) nên ít nhất cũng gồm hai tiếng (Người ngợm, rung rinh, đỏng đảnh,),Cũng có từ ba tiếng (Ngấy ngầy ngậy, dửng dừng dưng, vẻ vè ve…), Hoặc bốn tiếng (cấm ca cấm cảu, ngấm nga ngấm nguýt, lục đà lục đục…). Căn cứ vào yếu tố được lặp lại người ta thường chia từ láy thành ba loại:
          a/Lặp âm: ở dạng này các âm sau lặp lại nguyên xi các âm trước (đỏ đỏ, xanh xanh, trắng trắng…). Cũng có thể biến đổi thanh điệu để đọc cho thuận miệng (đo đỏ, trăng trắng, lành lạnh…).Riêng ở những chữ mang thanh nhập thì thay đổi thanh điệu đồng thời cũng phải biến đổi cả vần nữa thì đọc mới thuận miệng (phắc phắc thành phăng phắc, quác quác thành quang quác, khít khít thành khin khít...)
          b/Lặp vần:các âm sau chỉ lặp lại phần vần của âm trước, không lặp lại phụ âm đầu (loay hoay, lục đục, lung tung, lênh khênh…).
          c/Lặp phụ âm đầu: các âm sau chỉ lặp lại phụ âm đầu của âm trước, không lặp lại phần vần (ngúng nguẩy, cấm cảu, nghênh ngang, dềnh dàng, khập khiễng…)
Cách cấu tạo từ độc đáo này đã phân biệt nó với hai lớp từ ghép khác là các  lớp từ:
a/ Ghép chính phụ:  từ có hai yếu tố trong đó có một yếu tố giữ vai trò trung tâm và một yếu tố phụ thêm để xác định rõ hơn cho yếu tố trung tâm (đất đai, chó má, chanh chua, đánh mạnh, đỏ lòm, xanh thẫm…).
b/ Ghép đẳng lập: từ ghép trong đó hai yếu tố ngang bằng nhau không phân chính phụ (người người, quần áo…;  đánh đập, hát hò,mong muốn,  hoan hỉ…; đậm đặc, thưa thoáng, mỏng mảnh…)
Nhưng có nhiều trường hợp cũng rất dễ nhầm giữa từ láy với các lớp từ khác. Chẳng hạn như ngẫu nhiên mà cả ba trường hợp của thày Tư, thày Hiểu và cô giáo Vân Anh đều rơi vào trường hợp nhầm lẫn ấy.
-Động từ của tiểu vế thư ba của thày Tư hoan hô không phải là từ láy. Tra cứu ra thì đây lại là hai từ gốc Hán: (hoan) là vui mừng và là reo hò, kêu to. Như vậy thì hoan hô là một động từ ghép đẳng lập gồm “hoan” là một nội động từ ghép ngang bằng với “hô” là một ngoại động từ để làm thành một động từ ghép chỉ việc thể hiện thái độ tán thành khuyến khích của một đám đông bằng cách reo hò tán thưởng hoặc vỗ tay. Hoan hô không phải là từ láy, nhưng rất dễ nhm với từ láy phụ âm đầu (ở đây là phụ âm h)
-Tương tự từ thưởng thức của thày Hiểu cũng vậy. Đây cũng là một động từ ghép đẳng lập gồm hai động từ gốc Hán (thưởng) là xem, ngắm cảm thụ một cách thích thú và (thức) là  nhận biết. Như vậy thì “thưởng thức” có nghĩa là cảm thụ và nhận biết một cách thích thú. Đó cũng không phải là từ láy. Nhưng ta vẫn dễ nhầm với một từ láy phụ âm đầu (ở dây là phâm th)
-Trường hợp đấm đá của cô giáo Vân Anh thì càng rõ hơn. Đó cũng là một động từ ghép đẳng lập gồm hai động từ đơn thuần Việt: “đấm” là động tác đánh đối phương bằng sức của cánh tay và điểm trực tiếp tác động vào đối phương là “nắm đấm” (bàn tay nắm chặt). Nó gần nghĩa với “thụi” nhưng “thụi” thì xác định hướng tác động theo chiều nằm ngang cánh tay. Còn “đấm” thì không có chuyện xác định này.  “đá” là động tác đánh đối phương bằng sức của cẳng chân mà điểm trực tiếp tác động vào đối phương là mũi bàn chân hoặc mu bàn chân. Nó gần nghĩa với “đạp” nhưng “đạp thì xác định hướng tác động từ trên xuống và điểm tác động là gan và đáy bàn chân. Còn “đá” thì chỉ hoặc ngang, hoặc hất lên.
Cho nên cả ba trường hợp tuy đều là những câu đối hay nhưng đều chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người ra cho nên Đỗ Đình Tuân xin kiến nghị với Ban biên tập Tri Ân như sau:
        1-Vì Ban biên tập chưa có ý kiến quyết định trao giải nhất trong kỳ này nên Đỗ Đình Tuân xin hoãn việc trao giải tặng hoa vào dịp khác.
        2-Đề nghị Ban biên tập khuyến khích và theo dõi, tổng kết kịp thời để đúng dịp đón tết mừng xuân Quý Tỵ sẽ công bố giải. Vào dịp đó Đỗ Đình Tuân xin gửi hoa tặng.
        3-Những ý kiến bàn bạc trên đây chỉ là ý kiến cá nhân nhằm bàn bạc để rút kinh nghiệm chung chứ không  nhằm chê bai phê phán gì cả. Rất mong mọi người thông cảm. Xin cám ơn.


28/11/2012
Đỗ Đình Tuân


Khuyên bạn làm nhà



Được tuổi năm nay quyết dựng nhà
Thôi thì hãy hoãn việc ngâm nga
Câu thơ cặp đối vo viên lại
Đống gạch thùng vôi dở mối ra
Thiết kế thi công ông tính trước
Tiền nong bếp núc bà lo xa
Ngổn ngang bận rộn đừng to tiếng
Chớ thượng tay ông hạ cẳng bà.

28/11/2012
Đỗ Đình Tuân

Tỉnh




(Họa nguyên vận bài “Say” của Tạ Anh Ngôi)

Hôm nay sao lạ cái ông này
Rượu uống tì tì chẳng thấy say
Nồi lẩu giữa mâm luôn bốc khói
Rổ rau cạnh chiếu thoáng vèo bay
Chuẩn dâu, gái ccùng ngồi đó
Một rể, ba trai có cả đây
Vui chuyện càng tu càng thấy tỉnh
Rượu sâm, rượu thuốc... cứ vần xoay...

27/11/2012
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Mấy vế đối hay trong mùa đối mới



Trước hết phải kể đến vế đối của thày Nguyễn Minh Tư: “Hào hứng hò, hào hứng hét, hào hứng hoan hô”. Vế này thày Tư dùng với hai mục đích: thứ nhất là để đối lại vế ra của Đỗ Đình Tuân “Nhẩn nha đọc, nhẩn nha chơi, nhẩn nha nhấm nháp”. Ở mục đích này vế đối của thày Tư trội hơn vế ra ở chỗ cả hai động từ ở tiểu vế 1 (hò) và tiểu vế 2 (hét) cũng đều có phụ âm đầu là hờ (h) làm cho cả vế đối đều chung phụ âm đầu. Về mặt câu chữ đây là một câu đối chuẩn. Hơn thế nữa về mặt ý nghĩa cũng rõ ràng chặt chẽ và hợp lý. Bởi “hò”,  “hét”, “hoan hô” đều là những động từ thể hiện cùng một trạng thái tâm lý “hưng phấn”. Có thể nói đây là một vế đối rất trọn vẹn. Nếu đem ghép với vế ra sẽ thành một cặp đối rất đẹp:
-Nhẩn nha đọc, nhẩn nha chơi, nhẩn nha nhấm nháp
-Hào hứng hò, hào hứng hét, hào hứng hoan hô.
                                      (Đỗ Đình Tuân-Nguyễn Minh Tư)
Còn mục đích thứ hai là thày Tư muốn mời mọi người đối lại vế này để cùng vui. Theo dõi trên Tri Ân, tôi mới thấy có Tạ Anh Ngôi đối lại: "Hân hoan hát, hân hoan hô, hân hoan hò hẹn". Ở vế đối này riêng về mặt chữ nghĩa thì tạm gọi là được nhưng ý nghĩa thì còn vênh váo lắm, nghe chưa ổn. Hân hoan hát thì được. Nhưng hân hoan hô thì có lẽ chưa ổn. Bởi trong văn cảnh này chữ "hô" có nghĩa là "kêu to", chứ không phải là "hoan hô". Tương tư "hân hoan hò hẹn" cũng rất khó chấp nhận. Bởi hân hoan là trạng thái tâm lý hào hứng. Còn hò hẹn chỉ là sự nhắn gửi, hoặc hứa hẹn mang tính riêng tư giữa hai cá nhân. Tình huống này thường gặp trong tình yêu trai gái như hò hẹn nhau đi chơi hoặc hứa hẹn với nhau giữ gìn tình yêu chung thủy "Tóc tơ căn vặn tấc lòng / Trăm năm tạc một chđồng đến xương" (Truyện Kiều). Trong trạng thái này con người ta cũng vui nhưng là thvui say, vui nồng nàn đắm đuối, một niềm vui hướng nội nhiều hơn, chứ không vui hướng ngoại theo kiểu hân hoan...
Thày Xuân Hiểu cũng có một vế đối chỉnh: “Thẩn thơ vịnh, thẩn thơ ngâm, thẩn thơ thưởng thức”. “Bé” Vân Anh  cũng có một vế đối đọc rất thú  “Đùng đùng quát, đùng đùng la, đùng đùng đấm đá”. Đọc nghe cứ  thấy như “ông xã” đang thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với “bé” vậy. Có thể nói đó là những vế đối được cả về chữ lẫn nghĩa. Rất tiếc là ở cả hai trường hợp chọn vế ra để đối lại lại không chính xác. Bởi ở cả hai người đều mang vế này đối lại với vế ra là: “Nhẩn nha đọc, nhẩn nha chơi, nhẩn nha nhấm nháp”. Hãy thử đem ghép nó với vế ra:
-Nhẩn nha đọc, nhẩn nha chơi, nhẩn nha nhấm nháp;
-Thẩn thơ  vịnh, thẩn thơ ngâm, thẩn thơ thưởng thức.
                                       (Đỗ Đình Tuân-Nguyễn Xuân Hiểu)
-Nhẩn nha đọc, nhẩn nha chơi, nhẩn nha nhấp nháp;
-Đùng đùng quát, đùng đùng la, đùng đùng đấm đá.
                                         (Đỗ Đình Tuân-Nguyễn Vân Anh)
Đều không làm thành những cặp đối mới bởi ở chữ cuối cùng của vế đối không “đối thanh” được với về ra.Nhưng đây chỉ là lỗi ở ch chọn nhầm vế ra. Chỉ cần chọn vế ra là vế 2 trong cặp ra : 
“Nhẩn nha đọc, nhẩn nha chơi, nhẩn nha nhấm nháp;(1)
 Nhúc nhắc trồng, nhúc nhắc hái, nhúc nhắc nhâm nhi”(2)
Thì các vế đối trên mới kết hợp được với vế ra để làm thành một cặp đối mới được:
-Thẩn thơ vịnh, thẩn thơ ngâm, thẩn thơ thưởng thức;
-Nhức nhắc trồng, nhúc nhắc hái, nhức nhắc nhâm nhi.(2)
                                           (Nguyễn Xuân Hiểu-Đỗ Đình Tuân)
-Đùng đùng quát, đùng đùng la, đùng đùng đấm đá;
-Nhúc nhắc trồng, nhúc nhắc hái, nhúc nhắc nhâm nhi.(2)
                                            (Nguyễn Vân Anh-Đỗ Đình Tuân)
Năm 2012 (Nhâm Thìn) sắp qua, năm 2013 (Quý Tỵ) sắp đến. Làng Tri Ân ta dường như cũng dục dịch bước vào “mùa đối mới”. Đỗ Đình Tuân xin có vài ý nhỏ góp cùng các thi hữu trong làng. Rất mong được người làng lưu tâm cùng nhau trao đổi, mạn đàm, cùng học, cùng hành làm cho mùa đối của làng ta năm nay bội thu hơn.


Cuối cùng để góp vui, tôi xin có một vế đối lại với vế đối ấn tượng của “bé Vân Anh”:

-Đùng đùng quát, đùng đùng la, đùng đùng đấm đá
-Nghiêng ngả ngồi, nghiêng ngả ngáp, nghiêng ngả ngủ nghê.
                                             (Nguyễn Vân Anh-Đỗ Đình Tuân)

Và một cặp câu đối sớm để tạm gọi là góp vui trong dịp mừng năm mới sắp đến:
-Mười hai qua, mười ba lại, vòng nhật nguyệt không đầu không cuối;
-Nhâm Thìn hết, Quý Tỵ sang, xóm Tri Ân có trước có sau. 

                                                                    (Đỗ Đình Tuân)

 

26/11/2012
Đỗ Đình Tuân


Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Họa thơ ông Phạm Sĩ Lục





Nảy chồi xuân
(Họa nguyên vận bài “Thơ mời họa tuổi 75”)

Chúc ông sức khỏe sẽ tăng dần
Quý Tỵ ta cùng vui đón xuân
Mừng tuổi bảy nhăm bày cỗ lớn
Trang thơ xướng họa đậm tình thân
Vợ chồng một dạ đi theo đảng
Con cháu đời đời hiếu với dân
Nối gót tổ tiên làm việc thiện
Quế hòe lớp lớp nảy chồi xuân.

23/11/2012
Đỗ Đình Tuân

Phụ chép bài
Thơ mời họa  tuổi 75

Bố mẹ sinh tôi tuổi Mậu Dần
Thơ mừng Quý Tỵ bẩy nhăm xuân
Yêu em xướng họa vần say đắm
Quý bạn xa gần ý mến thân
Công đức tổ tiên bồi hậu thế
Tài năng con cháu nguyện vì dân
Trồng người chữa bệnh làm điều thiện
Đi bộ yêu thơ mạnh khỏe xuân.
                                  Phạm Sĩ Lục

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Danh nhân nho sĩ viết về Chí Linh 16




                                  Á Nam Trần Tuấn Khải
                                         (1895 – 1983)

Trần Tuấn Khải người làng Quan Xá, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Xuất thân là nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Cha ông đậu cử nhân khoa thi Hương tại Nam Định năm Canh Tý (1900), nhờ vậy năm lên 6 tuổi, ông bắt đầu học chữ Hán với cha. Năm 12 tuổi, ông đã biết làm đủ các thể thi bằng chữ Hán.
Năm 1921, ông xuất bản tập thơ thứ nhất "Duyên nợ phù sinh I", được giới văn học đương thời lưu tâm. Năm sau, ông được mời vào Ban biên tập nhật báo Khai Hoá tại Hà Nội và nhận lời viết giúp cho nhiều báo khác. Đến khi ông cho xuất bàn "Bút quan hoài I"(1927), gồm nhiều bài bi tráng và được nhiều người hoan nghinh; Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tập thơ đó. Năm 1954 ông vào Nam, làm việc tại Thư viện quốc gia, Viện khảo cổ, chuyên viên Hán học tại Nha văn hoá và các báo Đuốc Nhà Nam, Văn hoá nguyệt san, Tin văn...
Năm 1966, ông cùng một số trí thức tiến bộ kí tên yêu cầu chính quyền Sài Gòn trực tiếp hiệp thương với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hoà bình, nên bị buộc nghỉ việc. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông giữ chức cố vấn Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ 1975 cho đến khi mất, (1983).  Hưởng thọ 88 tuổi.
Với Chí Linh ông có hai bài thơ Kỷ niệm Đức Hưng Đạo đại vươngHai chữ nước nhà viết về Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi. Bài Hai chữ nước nhà trước đây được truyền tụng rất rộng rãi trong vùng và thường được gọi là bài Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi.



Kỷ niệm Đức Hưng Đạo đại vương

Hơn sáu trăm năm trải mấy triều?
Khí thiêng phảng phất núi non cao.
Sông Đằng tưởng tượng quân Nguyên chạy,
Đất Kiếp mơ màng tiếng kiếm gieo.
Tấc dạ trung trinh theo sóng nổi.
Mảnh gương chính khí ngất trời treo.
Năm năm tháng tám trung tuần đó!
Khắp bốn phương dân hội dập dìu.



Hai chữ nước nhà

Nghĩ lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyễn Trãi
khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:

Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!

Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi đất khóc giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất
Sóng Long Giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau…
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con

Con nên nhớ tổ tông khi trước
Ðã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao (1)
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây

Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi

Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy

Giở lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?

Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu “Gia, Quốc” đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng

Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa sá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non

Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há để nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng

Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục
Thân tự do chiên chúc (2) mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời

Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đọa tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?

Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!

Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!

Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi, con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên

Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!

Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với xương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu

Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân sẻ với san hà
Tượng đồng bia đá họa là cam công

Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch máu tanh
Làm cho đất động trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!

Nghĩa vụ đó, con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất khách gửi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già

Con ơi! hai chữ NƯỚC NHÀ...

(1) Sách sử chép, những nơi giáp giới nước ta với nước Tàu thì ngọn cỏ chia lả ra hai bên. Nghĩa là nửa đường bên kia thì ngọn cỏ lả về Tàu, mà bên này thì ngọn cỏ lả về bên ta, cho nên gọi là phân mao; phân mao tức là chia ngọn cỏ vậy.
(2) Chiên chúc: rau cháo.




21/11/2012
ĐĐình Tuân



Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Quà mừng 20 tháng 11









21/11/2012
Đỗ Đình Tuân

Xướng họa lục bát với Ngô lão sư





Chúc “Ngô lão sư”

Nhân ngày “Nhà giáo Việt Nam”
Chúc thày khỏe mạnh và ham học hành
Hán Nôm chữ nghĩa thêm rành
Dịch thơ thêm sáng , hội đình thêm vui…

18/11/2012
Đỗ Đình Tuân



Ngô lão sư trả lời
(Họa ngược vận)

Rằng tôi nào có gì vui
Ngẫm đi ngẫm lại tội tôi rành rành
Vợ luôn vặn tỏi vặn hành
Sao thân đất Bắc, hồn dành trời Nam ?

20/11/2012
Ngô lão sư 

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Bé Minh Hiển ba tháng tuổi










Múp đầu hơi giống tăng ni
Đùi như cầu thủ, cun thì như chim
Ai thăm cháu cũng ngó nhìn
Hễ lạ thì mếu, hễ quen là cười.

20/11/2012
(7/10/Nhâm Thìn, tính ngày 
dương lịch thì thiếu 3 ngày nữa)
 Đỗ Đình Tuân 

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Chúc Minh Hương



Minh Hương qua tuổi lăm nhăm
Như gà nhảy ổ, như tằm nhả tơ 
Càng già càng đặm tâm tư
Càng bền gân cốt, càng dư tiếng cười.

19/11/2012
Đỗ Đình Tuân  

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Vài lời nói thêm về dự đối cải tiến





Rất cám ơn các thi hữu Vũ Thị Song Thu và Tạ Anh Ngôi đã tham dự “đối vui cải tiến”. Đỗ Đình Tuân đã “nhâm nhi”, đã “nhấm nháp” và thấy một vấn đề cần nói rõ thêm như sau:
-Vì cách mi đối của Đỗ Đình Tuân không giống cách mời đối hay thách đối truyền thống nên tạm gọi là cách đối cải tiến. Xin tạm hiểu chữ “cải tiến” ở đây mới chỉ có nghĩa là “khác truyền thống” , chứ nó tiến, hay nó lùi thì cũng chưa biết và chưa chắc. Nhưng Đỗ Đình Tuân “cải tiến” chỉ là vì “cách mời này” nó cho phép “người đối lại” (đối giả) có nhiều sự lựa chọn hơn, để mở rộng điều kiện tham gia cho mọi người.
-Về khả năng  lựa chọn thứ nhất “Làm một cặp câu đối mới tương đồng về mặt câu chữ với cặp ra” nghĩa là về mặt cú pháp (tổ chức câu chữ) phải giống như cặp ra. Như vậy các cặp câu đối mới cũng không cần phải đảo vế kiểu như của Vũ Thị song Thu để đối lại làm gì. Vì thông thường trong một cặp câu đối có hai vế thì vế 1 thường kết thúc bằng thanh trắc và vế 2 kết thúc bằng thanh bằng nghe thuận tai hơn. Cố nhiên khắc phục kiểu này không khó vì chỉ cần đảo vế lại là xong. Có lẽ việc khó nhất ở khả năng này là chọn đúng các động từ là từ láy. Chẳng hạn ở cặp 1 của Vũ Thị Song Thu các chữ “thương”, “nhớ”, “chán chường” đều là “nội động từ” cả và “chán chường” đúng là từ láy. Như vậy vế này là hoàn toàn chỉnh. Nhưng ở vế sau trong vế con “chòng chành chếnh choáng” thì “chếnh choáng” chưa chắc đã là động từ. Cũng tương tự ở cặp dưới chữ “đỏng đảnh” cũng chưa chắc đã là động từ ???
-Về khả năng lựa chọn thứ hai và thứ ba thì hoàn toàn đã trở về như cách mi đối truyền thống. Ở đây Đỗ Đình Tuân chỉ mở rộng khả năng lựa chọn cho người đối ở chỗ có quyền chọn bất cứ vế nào làm vế ra cũng được. Nhưng ở các khả năng này người đối phải chú ý là cặp đối lại của mình phải kết hợp được với vế ra để thành một cặp đối hoàn chỉnh. Chằng hạn “Hào hứng ăn, hào hứng uống, hào hứng hát hò” (Vũ Thị Song Thu) thì rõ ràng kết hợp được với “ Nhẩn nha đọc, chẩn nha chơi, nhẩn nha nhấm nháp” (Đỗ Đình Tuân) thành một cặp đối hoàn chỉnh. Hoặc nữa “ nhì nhắng cấy, nhì nhằng gặt, nhì nhằng nhấm nhá (Tạ Anh Ngôi) thì hoàn toàn có thể kết hợp được với “ Nhúc nhắc trồng, nhúc nhắc hái, nhúc nhắc nhâm nhi” (Đỗ Đình Tuân) để thành một cặp đối hoàn chỉnh.
Xin có vài lời nói thêm như vậy để cuộc chơi tiếp tục chuẩn xác hơn. Một lần nữa xin chân thành các thi hữu đã dự đối và đang chuẩn bị dự đối. Xin chào trân trọng và chúc thành công.
                                                                         17/11/2012
                                                                       Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Vun bón tình thân




(Thơ mời họa)

Ngót hai năm rưỡi xóm Tri Ân
Bầu bạn xa xôi cũng hóa gần
Trò chuyện thăm nom nhờ ngõ mạng
Sẻ chia tâm sự gửi trang văn
Kẻ quen người lạ đều tri k
Bạn cũ thày xưa thảy cố nhân
Vun bón tình thân làm gốc rễ
Đơm hoa kết trái nảy thêm vần.

14/11/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Mời đối cải tiến



Cặp ra có chđề là:

Sống chậm

-Nhẩn nha đọc, nhẩn nha chơi, nhẩn nha nhấm nháp;
-Nhúc nhắc trồng, nhúc nhắc hái, nhúc nhắc nhâm nhi.

Đối giả” có thể chọn một trong các cách đối lại như sau:
1-Làm một cặp câu đối mới:  tương đồng về mặt câu chữ với cặp ra (mỗi vế gồm ba vế con, mỗi vế con được cấu tạo bằng một từ láy + một động từ; riêng vế con thba thì cả từ láy và động từ đều phải là từ láy)
2-Chọn vế 1 làm về ra: đối lại bằng vế 2 tương đương như vế 2 của cặp ra đối
3-Chọn vế 2 làm vế ra: đối lại bằng vế 1 tương đương với vế 1 của cặp ra đối.
Rất hân hạnh được “nhấm nháp” và “nhâm nhi” các cặp hoặc vế đối của bầu bạn, dân làng...  Đỗ Đình Tuân nhờ Ban biên tập trang mạng làm trọng tài chấm  giải. Người đọạt  giải nhất sẽ được nhận một bó hoa tươi nhân ngày 20/ 11/2012 (Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà  giáo Việt Nam: 1982-2012). Xin trân trọng cám ơn.
                                                             Chí Linh 13/11/ 2012
                                                                  Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Dịch theo đề ra của lão sư





Lời “Lão sư” phê và cho điểm:

 "Tích "Tam cố thảo lư" đây. Câu đầu rất khó dịch mà thầy dịch như thế kể cũng là giỏi. Nhưng chưa thật rõ ý . Những câu sau được đấy tạm phê 8,5 điểm".

                                                                                                     NNS 




諸葛亮

三顧頻煌天下計
两朝開濟老臣心
出師未捷身先死
長史英雄沮滿襟

Gia Cát Lượng

Vì ba lần đến hỏi mưu
Hết lòng giúp rập hai triều mở mang
Ra quân chưa thắng thân tàn
Anh hùng ôm hận dở dang nghìn đời.

12/11/2012
Đỗ Đình Tuân




Ý kiến trả lời của bạn trò Tuân

Thưa “lão sư”! Đúng là câu một quá khó dịch: đã “cố” ( ngoảnh lại), lại “tần” ( nhiều lần) , rồi lại “hoàng” (rực rỡ)…nhưng trong văn cảnh này nó chỉ có ý nhấn mạnh vào sự chân thành hết lòng, cố gắng hết sức của Lưu Bị khi đến tìm Khổng Minh cầu mưu kế bình thiên hạ (thiên hạ kế). Mà yêu cầu của “Lão sư” là phải chuyển sang thể lục bát. Nghĩa là câu thứ nhất chỉ có 6 chữ để thể hiện tất cả những tinh thần ấy. Vì thế sau khi nghiên cứu “lời phê” của “lão sư” trò Tuân cũng chỉ có thể thay từ “hỏi” ở câu 1 bằng từ “cầu”. Có thể chữ “cầu" sẽ chuyển tải ít nhiều được tinh thần của nguyên tác hơn. Thế nên trò Tuân xin sửa lại như sau:
Vì ba lần đến cầu mưu
Hết lòng giúp rập hai triều mở mang
Ra quân chưa thắng thân tàn
Anh hùng ôm hận dở dang nghìn đời.
                              Chí Linh 13/11/2012
                             Trò bạn Đỗ Đình Tuân



Lời nhắc nhở của Lão sư



Thầy ơi! Chữ trong bài thơ là chữ PHIỀN ( phiền nhiễu )

  phiền     


   hoàng)


 không phải chữ HOÀNG ( huy hoàng ) . Do thầy bị nhầm nên hiểu nghĩa huy hoàng càng thêm khó dịch .Tuy vậy thầy dịch như thế cũng là loại cao thủ rồi đấy. Lần này nâng thêm 1điểm nữa là 9,5 được chưa ????


Cố gắng để đạt điểm 11 /10. 


 Thân NNS


Lời cám ơn của trò Tuân:

Cám ơn "lão sư" đã chỉ giáo chỗ nhầm của trò Tuân
Lão sư cho điểm hơi rộng quá đấy.

Dịch đã là Phản mà cho đến 9,5 điểm thì quá giỏi còn gì?
Liệu thiên hạ họ có biểu tình phản đối không?


13/11/2012
Trò Tuân

 

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...