Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Lượm lặt từ sổ ghi chép cũ 21




Vắng

Mùa nhạt hay mùa mới thắm đây
Giơ tay hứng gió gió không đầy
Môi ai mím nhẹ ngang làn tóc
Núi bỗng mềm xanh một nét mây.

Mong cứ hiu hiu nắng cứ vàng
Vô tình
Sóng nước chẳng buồn lan
Kìa tơ không mắc mong manh hiện
Kìa nhạc không lời lặng lẽ vang.
                        Trần Thị Huyền Trang


Khi nào hết đêm tối ?

Một thày nọ, một lần kia hỏi học trò:
-Bằng cách nào người ta có thể xác định rõ khi nào hết đêm tối và bắt đầu ánh sáng ban ngày ?
Một trò đáp:
-Thưa thày, đó là khi ta nhìn một con vật ở xa mà vẫn nhận ra là con cừu hay con chó.
Người thày bảo không đúng.
Một trò khác thưa:
-Thưa thày, đó là lúc ta nhìn một cây lớn ở xa mà phân biệt được đó là cây vải hay cây đào.
Vẫn không đúng-Người thày bảo vậy- và thày giải đáp:
Đó là lúc các con nhìn lên khuôn mặt của bất cứ ai, các con cũng nhận ra họ là anh em của mình. Vì nếu không nhận ra như vậy thì bất cứ đó là ginào cũng vẫn là bóng tối thôi.


Nhất tự vi sư

Ngày xưa, ở Trung Quốc có một nhà thơ nổi tiếng là Trịnh Cốc, tự là Tử Bằng. Ngay từ nhỏ, Trịnh Cốc đã có tư chất thông minh, đọc sách một lần là nhớ. Bảy tuổi đã làm được những ý tứ mới lạ, nếu không muốn nói là xuất chúng. Chỉ vài năm ông đã sáng tác được hàng nghìn bài thơ. Thời ấy, có một nhà sư là Tề Kỷ nổi tiếng thơ hay. Bài vịnh hoa mai (Tảo mai) của ông như sau:
Vạn hủy đồng dục chiết
Cô căn noãn độc hồi
Tiền thôn thẩm tuyết lý
Tạc dạ sổ chi khai.
Nghĩa là: vì băng giá hàng vạn mầm cây cứ theo nhau tàn lụi. Riêng có một gốc cây được hơi ấm làm sống lại , giữa chố tuyết rơi dày đặc ở đầu thôn. Đêm hôm qua lại thấy mấy cành mai nở.
Trịnh Cốc nghe bài thơ này bảo rằng: “Trong câu “Tạc dạ sổ chi khai” nên sửa một chữ “sổ” bằng chữ “nhất”. Hoa mai nở ra mấy cành thì còn sớm nữa đâu ? Tham lam mà đưa vào bài thơ mấy cành hoa, sao bng một nhánh, một bông ?
Một nhánh, “độc nhất, vô nhị” mới giầu sức sống, sự khỏe khoắn bật dậy của thiên nhiên trước sự khắc nghiệt của thời tiết, của tuyết dày. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, thơ càng nên thế.
Nghe nói Trịnh cốc sửa từ “sổ” bằng từ “nhất”, Tề Kỷ sung sướng, thán phục, công nhận Trịnh cốc là thầy của mình.
“Nhất tự vi sư” là tâm niệm của học trò nhớ tới công ơn thy, dù chỉ vẻn vẹn có “một chữ”.  Hơn thế nó nhắc nhở con người phải cầu tiến, khiêm tốn học hỏi người hơn mình. Chả thế mà trong dân gian có câu: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” (Trong ba người cùng đi tất sẽ có một người là thầy của mình). Câu chuyện cũng nhắc nhở đến trách nhiệm của người thầy dạy, dù “nửa chữ hay một chữ”  cũng phải chuẩn xác, vì mình là thầy. Vì vậy phải cẩn trọng về kiến thức  khi truyền đạt cho học sinh để xứng đáng là người thầy.

6/11/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...