Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (4)

                                 Bài 4
                              
       Con người xương thịt và con người tinh thần


Con người xương thịt cần có cơm ăn, nước uống, khí trời … để duy trì sự sống. Mà bản chất của sự sống được Ăng ghen định nghĩa là một “quá trình trao đổi chất”. Quá trình trao đổi chất này cũng diễn ra giống như một phản ứng cháy. Nghĩa là cũng có sự nhận Ô xi - đốt cháy nhiên liệu - giải phóng năng lượng - và thải ra Các bô níc. Cái phần năng lượng giải phóng ấy được cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể con người hoạt động. Khi “sự cháy” ấy không còn nữa thì cỗ máy cơ thể cũng “hết pin”. Quá trình trao đổi chất ngừng bặt. Đó là sự chết. Nhưng tùy địa vị xã hội của từng người, tùy thái độ của người nói đối với người chết mà tiếng Việt mình có rất nhiều chữ gọi: từ trần, tạ thế, khuất núi, về già, quy tiên, hai năm mươi, chầu giời, ngóm, toi, ngoẻo, ngoẻo củ tỏi…Đời con người thế là hết. Thế là đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng cũng chỉ là cách nói cho văn vẻ  thôi. Chứ cái xác ấy sẽ đứng trước hai khả năng: Thứ nhất, những người sống sẽ đem vùi xuống đất làm mồi cho thế giới vi sinh vật phân hủy. Mãi đến ba bốn năm sau họ mới lại móc lên. Đa phần thì hết thịt, chỉ còn có xương. Họ sẽ nhặt xương xếp gọn vào tiểu sành đem đi chôn chỗ khác. Hãn hữu, cũng có một đôi người, chẳng rõ là tội tình gì, mà các “ngài vi sinh vật” lại không chịu ăn thịt đi cho. Thì eo ôi, nhầy nhụa lắm! Khả năng thứ hai, họ sẽ đưa vào lò điện táng. Kiểu này nhanh hơn. Chỉ vài tiếng sau thôi,  hoặc sẽ thành xương khô, hoặc sẽ thành tro cốt. Cái con người xương thịt này, cả khi sống lẫn khi chết, đều có thể cân đong đo đếm được. Mà cái ông “thợ trời” cũng giỏi chế tác lắm. Trên 6 tỷ, gần 7 tỷ người rồi mà về cơ bản vẫn mỗi người mỗi vẻ. Ngay cả ở những người “giống nhau như đúc”, nhưng nếu cứ ở gần, sống quen, tiếp xúc với họ thường xuyên, ta vẫn nhận ra cái khác biệt giữa họ. Khác nhau, nhưng lại vẫn giống nhau, vẫn là người, chứ không thành hình nhân, không thành khỉ…Thế mới tài chứ. Cái tính chịu khó “luôn luôn làm mới mình, không chịu copy lại mình” của cái ông “thợ trời” này thật đáng nể. Các nhà nghệ sĩ nặn tượng, các ông nhà văn viết truyện, viết tiểu thuyết, phải miêu tả nhân vật có mà học bơi ra cũng chưa hết tài của cái ông “thợ trời”.
Cùng tồn tại với con người xương thịt, còn có một con người nữa, vô hình vô ảnh, không cân đong đo đếm được. Nhưng có thật. Đó là con người tinh thần, con người văn hóa. Ta yêu hay ta ghét, ta khinh hay ta trọng… đối với một con người nào đó, lý do chủ yếu là do cái con người tinh thần, con người văn hóa này. Nếu chỉ tính riêng phần thân xác, con người chúng ta thua xa nhiều loài động vật, cả về cân nặng và sức vóc. Vậy mà con người lại chỉ huy được tất cả, làm chúa tể được tất cả. Rõ là một nghịch lý? Cho nên thấy một con trâu to khỏe lại phải ngoan ngoãn vâng theo sự sai khiến của một anh nông dân, hổ ta  rất thắc mắc và hỏi trâu rằng: “ Sao anh to khỏe thế mà lại để cho con người bé bỏng thế kia sai khiến?”.  Trâu mới trả lời: “ Người bé nhưng người có trí khôn”. Hổ ta càng tò mò đẫy bèn ra hỏi anh nông dân: “Trí khôn của người đâu, cho ta xem được không?” – “Trí khôn ta để ở nhà. Hổ muốn xem thì hổ phải bằng lòng để ta trói hổ lại, ta sẽ về lấy trí khôn ra cho hổ xem”-“Nhưng sao lại phải trói ta?”- “Khi ta về, hổ bắt trâu ta ăn thịt mất thì sao, ai tin được?”. Thấy hợp lý hổ ưng thuận liền. Thế là anh nông dân lấy chão trói chặt hổ vào gốc cây, tháo bắp cày táng cho hổ một trận: “Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!...”. Đánh chán, anh ta mới đi lấy cỏ khô chất xung quanh mình hổ và cho một mồi lửa. Lửa cháy lèm lèm bắt cả vào lông hổ. Hổ vô cùng hoảng sợ cố vùng vẫy để thoát ra. Cũng may, lửa cháy làm chão đứt, hổ mới vùng chạy được. Còn trâu ta chứng kiến cảnh đó thì thích chí quá cười tít cả mắt lại. Không may, khuỵu chân ngã vập miệng vào một tảng đá, gẫy cả mất hàm răng. Người ta bảo sở dĩ bây giờ lông hổ vẫn còn những vết vằn đen và loài hổ rất sợ lửa chính là di chứng của cái trận đòn này. Còn trâu ta không có răng cũng là di chứng của cái trận ngã ấy. Đây chỉ là một câu “truyện ngụ ngôn” do con người bịa ra chứ đâu phải là sự thật. Nhưng “lẽ phải” gói trong câu chuyện thì lại là có thật. Đúng là sức mạnh của con người không nằm ở cơ bắp. Sức mạnh của con người nằm trong trí tuệ, là sức mạnh của “trí khôn”.
Trong câu chuyện “Tình yêu và Thượng đế” thì con người còn đi xa hơn: con người còn chiến thắng cả “đấng tối cao”, nắm trong tay “muôn phép lạ nhiệm mầu”  và sở hữu “tuổi thanh xuân vĩnh cửu”. Khác với khi sáng tạo ra muôn loài, khi sáng tạo ra con người, Thượng đế đã có ý ngầm thử thách đối với con người rồi. Ngài chỉ nặn ra một chàng trai và một cô gái, giao cho họ thêm một gói hạt giống, để họ giữa trần gian hoang sơ và bảo rằng: “Các ngươi phải tự tìm lấy cách duy trì nòi giống và nuôi sống các ngươi. Một năm sau ta sẽ xuống kiểm ta.”. Y hẹn, một năm sau, cùng với một vị tiểu thần tháp tùng, Thượng đế xuống trần gian thật. Chỉ thấy có một túp lều tranh, một đôi vợ chồng trẻ và một đứa bé sơ sinh đang nằm  trong nôi. Đôi vợ chồng trẻ vẫn nhìn say nhau không dời mắt. Từ trong ánh mắt ấy Thượng đế thấy toát ra một vẻ đẹp mà bản thân Thượng đế cũng chưa thể sáng tạo ra được. Thượng đế đánh giá rất cao vẻ đẹp đó coi là “Đẹp nhất cõi vô cùng / Hơn mọi vườn tiên bát ngát / Hơn cả vừng dương lúc hừng đông”. Thượng đế quá ngạc nhiên và choáng ngợp, hỏi vị tiểu thần thì vị tiểu thần ấy cũng khẳng định đó là vẻ đẹp của tình yêu con người. Thượng đế đã khẩn khoản đề nghị chàng trai truyền dạy cho ngài để ngài cũng “biết yêu”. Nhưng không rõ là vì  quá mải yêu vợ hay vì tình yêu là thứ không thể truyền dạy được mà chàng trai đã phớt lờ cái đề nghị của Thượng đế. Nhưng Thượng đế lại coi đó là một sự vô lễ và xúc phạm ngài nên ngài đã quyết định trừng phạt tình yêu bằng cách bắt con người phải già đi theo năm tháng “Để xem cái gọi TÌNH YÊU ấy / Còn đẹp được chăng mãi thế a?”.
Nửa thế kỷ sau Thượng đế mới lại xuống thị sát. Chiếc lều tranh khi xưa đã được thay thế bằng một “tòa nhà gỗ”. Đôi vợ chồng trẻ ngày xưa nay đã thành một đôi già da mồi tóc bạc. Xung quanh họ là một đàn cháu nhỏ, nội có, ngoại có, nô đùa vui vẻ “Ríu rít như bầy chim sơn ca”. Cảnh rừng núi hoang vu đã được thay bằng cảnh xóm làng trù phú giữa một mùa vàng bội thu: “Trên đồng thánh thót khắp nơi nơi / Trai gái vừa làm vừa hát vui / Lúa trải sắc vàng ra bất tận / Mênh mông như đến chạm chân trời”. Nhưng cái chính mà Thượng đế muốn kiểm chứng trong chuyến đi này là xem ngón đòn trừng phạt tình yêu của ngài từ năm mươi năm trước có hiệu quả gì không? Tiếc thay thời gian, tuổi tác và sự già nua lại không thể làm cho tình yêu lụi tàn. Trái lại nó càng đẹp thêm lên. Trong ánh mắt nhìn nhau của họ Thượng đế thấy ngoài vẻ đẹp của tình yêu nồng thắm, giờ đây còn ánh lên thêm một vẻ đẹp mới: vẻ đẹp thanh khiết của lòng chung thủy. Lòng ganh ghét của Thượng đế bị kích động, ngài lập tức ra đòn trừng trị tình yêu của con người bằng “cái chết”: “Thượng đế run lên vì giận giữ / Tuổi già chưa đủ hỡi con người / Ta sẽ bắt các ngươi PHẢI CHẾT / Phải xương khô mồ lạnh chôn vùi”.
Ba năm sau Thượng đế lại xuống. Bà già đã thành một nấm mồ. Ông già một mình đơn côi ngồi ấp mộ, mặt buồn rười rượi đăm chiêu nhìn xuống nấm mồ. Từ đôi mắt già nua và khổ não ấy thỉnh thoảng lại chắt ra một giọt lệ như sương rơi xuống . Qua những giọt lệ ấy, Thượng đế không những chỉ nhìn thấy vẻ đẹp của tình yêu, của lòng chung thủy, mà bây giờ còn thấy ánh lên cả vẻ đẹp của SỰ VẸN TOÀN BẤT DIỆT. Bây giờ thì Thượng đế đã hết sách. Ngài run lên vì sợ hãi bèn đành cúi đầu quỳ gối trước ông già, đàm phán mà cả một cuộc trao đổi bán mua. Ngài chấp nhận mang toàn bộ gia sản mà ngài có từ “tuổi thanh xuân vĩnh cửu” đến “muôn phép lạ nhiệm mầu” chỉ cầu đổi lấy được “tình yêu của cõi người” mà ông già đang nắm giữ. Nhưng khổ thay cho Thượng đế,  trong gia sản của ngài không có cái gọi là “cái chết” vốn là thứ cơ hồ có thể ngang giá được với “Tình yêu ven toàn bất diệt của cõi người”. Đó là cái lý do khiến cuộc “đàm phán” của ngài với ông già đổ vỡ. Không còn cách nào khác Thượng đế đành phải trở về với cõi vô cùng, hoang vắng  và cô đơn, trả lại xứ TRẦN GIAN ấm áp, đông vui và diễm lệ cho con người cai quản.
Câu “Truyện dân gian” TÌNH YÊU VÀ THƯỢNG ĐẾ đâu chỉ đơn giản kể lại câu chuyện tình đầu tiên của nhân loại. Điều quan trong hơn là thông qua câu chuyện tình ấy, nó bổ sung thêm một nét lớn trong sức mạnh tinh thần của con người: ngoài “trí khôn” ra còn cần phải có “tấm lòng” nữa. Mà theo như diễn giải của câu chuyện thì nội dung của “tấm lòng” đó chính là tình yêu thương giữa con người với con người, là lòng thủy chung son sắt trước sau như một, là đức hy sinh vừa như một hệ quả, vừa như một điều kiện cần để đảm bảo cho tình yêu được thực hiện.
2/8/2011
Đỗ Đình Tuân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...