Bài 13
Vần trong thơ Việt
Trong tiếng Việt thì những chữ có cùng khuôn âm là những chữ cùng vần. Chẳng hạn các chữ ba, cà, dá, đạ, hả, khã đều được coi là cùng vần “a”. Vì chúng có cùng khuôn âm “a”. Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu và các dấu thanh.Nhưng trong thơ thì có khác hơn. Ngoài yếu tố khuôn âm, vần trong thơ còn do thanh điệu chi phối nữa. Trong thơ thanh điệu được chia thành hai loại: thanh bằng gồm thanh không dấu và thanh huyền và thanh trắc gồm các thanh sắc, thanh nặng, thanh hỏi và thanh ngã. Chỉ những tiếng có cùng khuôn âm và cùng loại thanh điệu mới vần với nhau: “ba” vần được với “bà” vì cùng khuôn âm a và cùng thuộc thanh bằng nhưng “ba” không vần được với “bá” vì tuy cùng khuôn âm a nhưng không cùng loại thanh điệu. Bị co hẹp về mặt thanh điệu, nhưng bù lại vần trong thơ lại được mở rộng ra về mặt khuôn âm, có nghĩa là không nhất thiết cứ phải cùng khuôn âm mới được xem là vần. Ở đây lại cần có một sự phân loại vần. Đã từng có nhiều cách phân loại, nhưng theo tôi nên chia thành ba loại cơ bản là: 1.Nguyên vần gồm những tiếng cùng khuôn âm, cùng loại thanh điệu, chỉ khác nhau phụ âm đầu. 2. cận vần gồm những tiếng có khuôn âm gần nhau, cùng loại thanh điệu, khác nhau phụ âm đầu (e,ê,i ; o,ô,ơ,u,ư...). 3. Bán vần gồm những tiếng chỉ có một nửa hoặc một phần khuôn âm giống nhau , cùng loại thanh điệu, khác phụ âm đầu (an,ang...ăng, ưng...). Cố nhiên sẽ còn có loại vần lưỡng tính vừa là cận vần, vừa là bán vần nữa (en, ên, in...on, ôn, ơn...) nhưng không cần thiết phải xếp riêng thành một loại.
Trong thơ, trước hết vần có khả năng gắn kết các câu thơ lại với nhau thành một hệ thống. Mỗi thể thơ có một cách kết cấu hệ thống riêng, nhưng đều lấy vần làm trung tâm. Yêu cầu “hợp vận” trong thơ truyền thống là yêu cầu số một. Để đáp ứng yêu cầu này người ta có thể đảo câu bẻ chữ chứ không được bỏ vần.Trong mỗi câu thơ đều phải có những chữ mang vần. Những chữ mang vần này giống như những nút nam châm mang từ lực gắn kết các câu thơ lại. Có không ít những bài thơ, xét về mặt lôgic thì nội dung các câu thơ chẳng có gắn bó gì với nhau cả. Ấy vậy mà chỉ nhờ có sức hút của vần, chúng bỗng dính vào nhau, khăng khít:
Chi vi chi vít
Con vịt nằm trong
Con ong nắm ngoài
Củ khoai nằm giữa
Đốt lửa hai bên
Làng trên đám cưới
Làng dưới đám ma
Làng ta thổi kèn
Ù à ù ập.
Không gì khác, chính là nhờ cái hệ thống vần: vít-vịt-trong-ong-ngoài-khoai-giữa-lửa-bên-trên-cưới-dưới-ma-ta đã kết dính các câu thơ trên lại để tạo ra một bức tranh đầy ngộ nghĩnh và vui nhộn.
Ngoài khả năng gắn kết các câu thơ, vần còn có khả năng kết nối với nhau để tạo thành một dòng chảy ngữ âm chuyển tải nôi dung bài thơ vào tâm trí người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà đọc thơ có vần ta dễ nhớ dễ thuộc. Cũng không phải ngẫu nhiên mà khi chưa có chữ viết con người đã sử dụng văn vần làm một kênh chuyển tải thông tin rất đắc dụng. Hàng nghìn hàng vạn câu ca dao, tục ngữ; hàng trăm những trường ca cổ; những truyện thơ...có một thời chỉ lưu hành bằng miệng mà vẫn lưu giữ được trong tâm trí người đọc. Công của vần quả thực rất lớn lao trong việc lưu giữ cái kho tàng tri thức đồ xộ của nhân loại trong quá khứ. Ngay cả khi con người đã có chữ viết thì khả năng đặc biệt này của vần vẫn còn được vận dụng rất rộng rãi trong sáng tác thi ca, trong công tác tuyên truyền và dạy học...Trước cách mạng tháng Tám, trong quan niệm phổ biến của mọi người, kể cả các nhà thơ vẫn chưa có chuyện tách vần khỏi thơ. Ngày nay thì tình hình có khác, có rất nhiều người đang cách tân thơ, tách vần khỏi thơ, từ bỏ những lôgíc thông thường, tạo lập ra một thứ lôgic mới đứt đoạn, hỗn mang, rắc rối, ít người đọc nổi và hiểu nổi. Phải nói rằng xu hướng này đang rất được khuyến khích vì ai cũng mong mỏi tìm ra một cái thật sự mới cho thơ. Nhưng cái mới nào rồi cũng cũ. Cái cần có trong thơ rất có thể chỉ là những cái thông thường, quen thuộc nhưng không bao giờ cũ và bao giờ cũng cần thiết và gắn bó với đời sống con người, như cơm ăn, nước uống khí trời chẳng hạn ? Có thế thơ mới trở thành món ăn tinh thần của con người. Có thế thơ mới có thể tạo ra được sự cộng hưởng và sẻ chia giữa người làm thơ với người đọc thơ được. Vần đã từng giúp thơ làm tốt công việc này trong quá khứ và vẫn đang tiếp tục phát huy thế mạnh của nó trong dòng thơ truyền thống đương đại.
Trong rất nhiều trường hợp vần còn giống như một tầng ngôn ngữ ngầm giúp cho việc miêu tả và biểu hiện của thơ thêm sâu sắc, tinh tế, ý vị. Ai cũng biết bài ca dao quen thuộc:
Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cộc leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cộc leo vào leo ra.
Những hình ảnh của bài ca dao đã vẽ ra rất rõ một tình trạng quẩn quanh, bế tắc, không lối thoát. Nhưng nếu để ý đến hệ thống vần ta cũng thấy nó hoàn toàn khép kín. Đọc hết câu cuối, nếu đọc tiếp, lại quay lại câu đầu. Cứ thế ta muốn đọc bao nhiêu lần cũng được. Phải chăng sự khép kín của hệ thống vần ở đây cũng là ngầm diễn tả cái tình trạng quẩn quanh, bế tắc, không lối thoát ?
Có thể kể thêm trường hợp bài Thu ẩm của cụ Nguyễn Khuyến:
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
Lưng giậu phất phơ mầu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng giăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng say say chả mấy
Độ dăm ba chén đã say nhè.
Cái trật tự thời gian và không gian trong bài thơ không còn rõ ràng nữa. Sáng với tối, đêm với ngày, trên với dưới...cứ nhập nhòa đan xen. Nhất là ở những chữ mang vần của bài thơ đều gợi ra những hình ảnh chập chờn lay động. Tất cả gợi cho ta một cảm giác mơ hồ rằng hình như cảnh vật ở đây cũng đang nhếnh nhoáng cùng với cơn say nhè của tác giả...?
Có thể nói vần có nhiều khả năng khá kỳ lạ trong khâu truyền dẫn và phụ trợ cho thơ, nhưng bản thân vần không làm được cho thơ hay. Ý nông, tình nhạt thì dù bài thơ có “hợp vận” đến mấy, thơ vẫn nhạt. Nhưng nếu có ý tứ mới lạ, tình cảm chân thành sâu đậm rồi mà để vần lủng củng, cong vênh, gây phản cảm thì cũng thật đáng tiếc.
25/8/2011
Đỗ Đính Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét