Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (6)

                                       Bài 6

                           Sức vóc của một cây bút

Đa phần các cây bút xóm  Tri Ân ta lấy thơ làm trận địa để thử bút. Nhưng tỏ ra có sức vóc ngay từ những loạt đạn đầu, trước hết phải kể đến Nguyễn Văn Thế. Ngày 13/5/2011 anh công bố Bốn mươi năm một chặng đường để nhớ. Chắc là hôm ấy có cuộc họp đồng ngũ để kỷ niệm tròn  40 năm ngày vào lính:
Chúng tôi giờ nhiều người đã lên ông
Nội, ngoại, gái, trai đầy đủ
Có người còn nhiều lam lũ
Có người đã về với trời xanh
Ký ức những ngày đầu tiên
Chúng tôi còn giữ mãi
Cứ dịp tháng 5 lại háo hức tìm về đồng đội
Chỉ để nhìn thấy mặt nhau
Hỏi thăm vài câu
Thế là sung sướng.
Không văn hoa lá cành , cũng chẳng cầu kỳ làm duyên làm dáng gì, giọng điệu thơ của Nguyễn Văn Thế dung dị mộc mạc nhưng hồn hậu và đầm ấm tình người. Dường như Nguyễn Văn Thế cố kìm nén câu chữ lại chỉ để cho tình đồng đội của những người lính già thời hậu chiến tràn trề lên khắp câu thơ.
Bài thơ cũng vào đề rất tự nhiên:
Đất nước chiến tranh
Chúng tôi học hành dang dở
Chưa là thày
Không là thợ
Nhập ngũ ngày 13 tháng 5
Không than thở gì nhưng vẫn thấy xót xa.
Nhắc đến những kỷ niệm những ngày đầu đời lính thấy có hai cuộc tiễn đưa, một lần ở Đò Vạn và một lần ở ga Tiền Trung. Mỗi lần mỗi khác nhưng đều trĩu nặng  cả. Lần ở Đò Vạn thì:
Những chuyến đò chở nặng
Cứ nghiêng về một bên
Phía bờ có những người thân
Những bàn tay vẫy  mãi
Cái hình ảnh “Những chuyến đò chở nặng / Cứ nghiêng về một bên”  sao mà nặng tình đến thế. Hỏi đã có ai đem tình người ra cân được như thế hay chưa. Chỉ có trong thơ Nguyễn Văn Thế mới có thứ tình người làm nghiêng những chuyến đò.Trước đây, Trần Hữu Thung trong bài Thăm lúa đã có một câu thơ “Lúa níu anh trật dép” được trầm trồ khen ngợi mãi. Riêng tôi nghĩ, cái chi tiết này trong thơ Nguyễn Văn Thế cũng chẳng kém gì. Đến lần ở ga Tiền Trung thì cao trào hơn. Cái tình ấy trong những người lính trẻ đã đột nhiên  vỡ òa ra thành nước mắt:
Đêm tiễn biệt ga Tiền Trung biết bao bịn rịn
Nhiều nước mắt đã rơi
Những người lính tuổi mười tám, đôi mươi
Có người khóc òa như con trẻ.
Nhắc lại những ngày luyện quân ở Kinh Môn, Nguyễn Văn Thế cũng rất giỏi sử dụng những chi tiết sống động và khơi gợi. Chỉ cần thoáng qua một nét thôi là nhân vật, sự kiện đã hiện ra đúng như nó từng tồn tại:
-Chính trị viên Như giảng bài và hay cầm nhịp hát
Đại đội trưởng Vượng hô “Nghiêm” nghe như tiếng gầm của cọp
Đại đọi phó Doãn cao to chuyên việc hậu cần.

-Cơm đâu mà no bụng trẻ
Nhiều cậu ăn nhanh rồi vòng đánh “tăng hai”

-Có chàng còn tìm được người yêu
Chẳng có mấy thời gian gặp nhau
Thế là bỏ gác
Thế là lại khổ  thêm cho bao người khác
Đang đêm báo động đi tìm…

Nguyễn Văn Thế cũng rất hợp lý trong việc cài cắm giữa hiện tai với quá khứ, giữa tiền tuyến với hậu phương. Viết về năm 1971, Nguyễn Văn Thế đã không quên nhắc lại cái sự kiện phân lũ. Nỗi khổ của người dân Chí Linh, cụ thể là của gia đình Nguyễn Văn Thế hiện ra rất cảm động:
Nước lụt ngang trời ba tháng
Nhà cửa, ruộng vườn ngâm trong nước trắng
Mẹ tôi gầy thầm khóc hàng đêm
Mẹ thương mấy đứa em không đủ cái ăn
Mẹ thương con trai mình vừa ra mặt trận
Mẹ thương cha suốt nhiều đêm ngồi như pho tượng
Cha càng gầy, hai mắt lõm sâu.
Hơn hai tháng sau Blog Nguyễn Văn Thế lại thấy xuất hiện bài Thầm mong thăm lại Trường Sơn. Lần này thì Nguyễn Văn Thế không dùng thể tự do, có vẻ như sở trường với Nguyễn văn Thế hơn. Anh thử sức vào thể thơ lục bát. Ở thể thơ quen thuộc này cứ tưởng là dễ làm, dễ viết nhưng thực ra lại rất khó làm hay. Người chưa đủ bản lĩnh dễ bị vần điệu lôi đi vào sự lan man nhạt nhẽo, vào chỗ na ná giông giống như mọi người, chả ai nhận được ra mình nữa. Nguyễn Văn Thế cũng bị cái nguy cơ ấy đe dọa. Cho nên thực tình khi đọc bài thơ này tôi cứ lo thay cho tác giả không khéo lại  vô tình để đánh mất mình. Nhưng rất may là Nguyễn Văn Thế vẫn là Nguyễn Văn Thế. Có lẽ là vì anh luôn luôn  nghiêm túc với mình, anh chẳng vay mượn ai cả, anh cũng không dễ dãi bằng lòng với những lời nói quen thuộc chung chung thiếu khơi gợi. Anh cứ bằng vào cái vốn liếng trải nghiệm của riêng mình mà chắt lọc ra những chi tiết lấp lánh  rồi đem nó thêu dệt vào những câu thơ. Với cách viết cân nhắc thận trọng, tìm tòi công phu  nên thơ anh  tuy thường viết dài nhưng không lỏng lẻo, nhạt nhẽo. Trái lại luôn cô đọng, đủ độ hàm súc cần thiết cho câu thơ có sức vóc. Ở chỗ nào ta cũng có thể bắt gặp những câu thơ lay động và tạo dựng trong tâm não người đọc nên một hình ảnh, một không khí gì đó:

-Vào thăm lại những dấu chân
In trên vách đá rêu trơn thưở nào

-Vào thăm rau lá tầu bay
Tai chua, trái bứa đậm say tình người.

-Vào thăm lèn đá trú chân
Anh em đồng đội quây quần bên nhau
Người ra bên suối hái rau
Người ngồi băng lại vết đau chưa lành

-Vào thăm lại dốc Ba Thang
Quân đi như đứng xếp hàng nối nhau
Trùng trùng lớp lớp trước sau
Gót chân người trước người sau đụng đầu

-Vào thăm đồng đội yêu thương
Đơn  côi nằm lại tuyến đường năm xưa
Âm thầm dầu dãi nắng mưa
Chiến tranh kết thúc vẫn chưa biết gì

-Vào thăm bà Mẹ Lào Thưng
Lào Lum. Lào Sủng làm nương nhọc nhằn
Mối tình cá nước quân dân
Vì đường Mẹ đã mấy lần rời xa
Bản Lào vắng vẻ hoang  sơ
Cây chăm pa đứng ngẩn ngơ đợi người…

Người lính trẻ năm xưa nay “tóc đã pha sương” rồi. Anh đâu còn có điều kiện thời gian và sức khỏe để đi thăm lại chiến trường xưa. Anh đành “Mượn thơ thăm đường” làm một cuộc viễn du trong tâm tưởng vậy. Và chính thơ anh cũng đã mở lối cho chúng ta cùng nhập cuộc với anh. Đó là một chuyến đi không chuyển dời vị trí nhưng lại đầy hứng thú. Có thể nói thơ Nguyễn Văn Thế và văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã giúp ta hiểu biết thêm rất nhiều về lớp trẻ ngày ấy: Lắm hy sinh, nhiều thử thách nhưng rất đỗi quật cường. Thành công vang dội thì không mấy, nhưng tất cả đều thành người tử tế, giầu tấm lòng và nhân hậu biết bao.
8/8/2011
Đỗ Đình Tuân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...