Bài 7
Đọc thơ Thu nhân ngày sinh Thu
Trong xóm ta có một người vừa có chút ít khả năng lại vừa được học hành tử tế có lẽ là vuthisongthu. Dưng mà Thị lại ít viết. Rất ít viết. Cũng có lý do đấy. Bởi lẽ trong nhà Thị, thì chồng Thị đã vô tích sự rồi, đã chẳng làm nên được cái tang dạng gì rồi. Thị không thể ngồi hí húi làm thơ, viết văn được. Thị phải lo kiếm tiền, lo chạy gạo để nuôi chồng nuôi con. Chính chồng Thị cũng đã có lần phải thừa nhận và chia sẻ: “Áo cơm em một gánh hàng / Thơ anh chỉ đổi được tràng vỗ tay”. Còn Thị, trên trang Blog cá nhân, Thị cũng tự giới thiệu: “Hỏi tên: Rằng Vũ Song thu / Hỏi quê: Rằng gốc Phủ Cừ Hưng Yên / Hỏi nghề: Nguyên bản giáo viên / Một thời lưu lạc sang miền “con buôn” / Gồng gồng gánh sớm hôm / Vì chồng rồi lại vì con tảo tần…”.
“Thời lưu lạc sang miền con buôn” ấy của Thị kéo dài khoảng gần 13 năm: từ đầu năm 1983 đến giữa năm 1995. Trong 13 năm ấy, tôi thấy Thị có ba lần làm thơ nghiêm túc. Lần thứ nhất là bài Hoa dứa ông. Nguyên do Thị nẩy ra cái tứ thơ ấy cũng là từ một thực tế có thật. Khi hiệu sách nhân dân Chí Linh còn là một căn nhà lá, ông Đính có trồng một cây dứa ông trong khuôn viên trước cửa để làm cảnh. Đến khi người ta nâng cấp hiệu sách lên xây nhà gạch tường hoa thì cây dứa ông ấy bị chặt đi. Người ta vứt lay lắt nó ở một góc xó. Nó cứ âm thầm phơi sương, phơi nắng rồi héo quơ héo quắt. Cũng không ai để ý gì đến nó cả. Chỉ khi đến một ngày xuân nọ, cây dứa ông kia bỗng bung nở một chùm hoa lạ trước mắt mọi người thì người ta mới ngỡ ngàng nhận ra, xúm xít đến xem và trầm trồ kinh ngạc. Thị ngồi bán hàng gần đấy, cũng đến xem hoa và trong lòng bỗng nảy sinh ra một liên cảm. Và Thị viết:
Dứa ông ai chặt gốc rồi
Vứt lăn lóc giữa nắng trời mùa đông
Gốc teo: đen nhẻm, khô còng
Lá xanh quằn quại…nhưng lòng vẫn xanh…
Mưa xuân dứa bỗng hồi sinh
Một mầm măng thẳng cất mình vươn lên
Tầng tầng hoa nở bốn bên
Ngỡ như mâm pháo giữa nền trời trong
Chắt chiu từng hạt nhựa nồng
Để hôm nay trổ những tầng hoa thơm
Ngày xem hoa dứa bên đường
Đêm mơ còn thấy ngát hương một vùng
Bên ngoài chỉ là tả một cây dứa ông có thật: gốc đã bị chặt đứt rồi, đã rời khỏi mặt đất rồi, thân lá đã héo quơ, héo quắt. Vậy mà mùa xuân về, mưa xuân xuống, cây dứa ấy vẫn quằn quại vươn lên, đâm mầm rồi bung hoa. Sức sống của nó thật kỳ diệu, thật đáng kinh ngạc. Có lẽ xem cây dứa này Thị liên cảm đến thân phận mình, thị cảm phục "ông dứa" mà bỗng thấy tự tin hơn.Thị đã gửi gắm tất cả những rung động trong lòng Thị vào bài thơ ấy…Sau bài thơ này tôi thấy Thị cũng có vững tâm hơn giữa cuộc đời bụi bậm.
Phải đến gần chục năm sau, tôi mới thấy Thị viết bài thơ thứ hai. Đó là bài Hai cảnh tết. Cũng toàn nói cảnh đời thực ở Sao Đỏ cả thôi. Hai cảnh tết cũng là hai lối sống, hai quan niệm sống. Cảnh tết thứ nhất là lối sống của những gia đình giàu có, thừa thãi về đời sống vật chất, nhưng lại khiêm tốn và hơi mất gốc về đời sống tinh thần, đời sống văn hóa. Cho nên giầu có đấy, mà cuộc sống vẫn không đẹp, không hạnh phúc:
Nhà lầu cao ngất phố
Ti vi mầu rực rỡ
Đầy những kẻ giữ dằn
Lao vào nhau đấm đá
Cứ như là trâu lăn
Đèn nháy như xé mắt
Đài xập xình inh tai
Trên bàn thờ đấy ắp
Những lon và những chai
Chồng dắt a còng ra
Giục vợ về quê nội
Vợ không thèm ngoái lại
Vứt ra một xấp tiền
Nguýt dài thêm mấy cái
Con đi về không hỏi
Bật bia uống tơi bời
Nằm dài ông ổng hát
Bia ơi uống đời tôi
Còn cảnh tết thứ hai là lối sống của một một lớp người, tuy khiêm tốn về đời sống vật chất, nhưng giấy rách giữ lề, biết chăm chút đến đời sống văn hóa, đời sống tinh thần, nên chưa giầu có lắm nhưng vẫn đẹp, vẫn hạnh phúc:
Đây căn nhà mới lợp
Mái ngói còn đỏ tươi
Vôi trắng ve xanh mát
Bàn nhỏ ghế con thôi
Chậu quất vàng trĩu quả
Cành đào chúm chím cười
Trên bàn thờ dơn huệ
Cánh trắng khoe mầu tươi
Chiếc ti vi đen trắng
Đang diễn chèo thật hay
Cô Tấm hiền chăm chỉ
Đã gặp những điều may
Bé vỗ tay khoái chí
Cả nhà cùng vui lây
Tách cà phê bốc khói
Bố nhường mẹ tách đầy
Bánh kẹo mời cha mẹ
Con nâng bằng hai tay
Tiếng cười chen tiếng nói
Mừng xuân vui trọn ngày.
Để hai cảnh tết, hai lối sống song hành và đối chiếu lẫn nhau, bài thơ đã ngầm đặt ra một vấn đề nhân sinh rất thời sự và cũng khá sâu sắc: giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa thì cái gì quan trọng hơn đây? Và bài thơ cũng đã có câu trả lời. Nếu xác định mục đích của đời người là mưu cầu hạnh phúc thì con người phải giũ gìn cái nền gốc văn hóa, phải chăm chút đến đời sống văn hóa. Bỏ cái nền gốc này, chỉ chạy theo đời sống vật chất, con người dễ rước họa vào thân.
Mãi đến cuối cuộc đời “con buôn” tôi mới thấy Thị viết Nỗi lo đời thường . Lúc này thì hai đứa con của Thị đã phải đi học cả rồi. Nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn hơn mà buôn bán thì ngày càng thêm khó. Gánh nặng cơm áo cứ đè nặng lên tâm tư Thị mỗi ngày:
Mở mắt ra là đã lo
Mua sao táo đẹp, cam to, quýt vàng...
Mua rồi lại lo bán hàng
Gánh rong khắp cả phố phường, bến xe
Nắng mưa, gió rét dám nề
Chân đi, vai gánh, tai nghe, mắt nhìn...
Đằng kia xe đậu, nhanh lên
Lại đây người gọi, có liền dám lâu
Suốt ngày xuôi trước ngược sau
Gánh hàng rồi cũng dần lâu bớt đầy
Chiều buông, nhẹ gánh vai gầy
Lại lo tiền lãi hôm nay ít nhiều?
Bần thần chẳng được bao nhiêu
Mà sao lắm thứ cần tiêu, cần dùng
Gạo ngày mai hết chưa đong
Tiền con nộp học chưa xong, con vòi
Lại thêm mấy cái thiếp mời
Lại còn đám héo của người xóm bên...
Bời bời gan ruột rối lên
Cổng nhà mình đã đến bên lúc nào
Hai con bỏ nghịch reo chào
Mình đang vun tưới ngoắt vào, ngừng tay
Rì rào khóm trúc lung lay
Gà con lích tích, quất đầy quả tươi
Hai con nét mặt rạng ngời
Con ơi mẹ muốn trọn đời... được lo...
Mua sao táo đẹp, cam to, quýt vàng...
Mua rồi lại lo bán hàng
Gánh rong khắp cả phố phường, bến xe
Nắng mưa, gió rét dám nề
Chân đi, vai gánh, tai nghe, mắt nhìn...
Đằng kia xe đậu, nhanh lên
Lại đây người gọi, có liền dám lâu
Suốt ngày xuôi trước ngược sau
Gánh hàng rồi cũng dần lâu bớt đầy
Chiều buông, nhẹ gánh vai gầy
Lại lo tiền lãi hôm nay ít nhiều?
Bần thần chẳng được bao nhiêu
Mà sao lắm thứ cần tiêu, cần dùng
Gạo ngày mai hết chưa đong
Tiền con nộp học chưa xong, con vòi
Lại thêm mấy cái thiếp mời
Lại còn đám héo của người xóm bên...
Bời bời gan ruột rối lên
Cổng nhà mình đã đến bên lúc nào
Hai con bỏ nghịch reo chào
Mình đang vun tưới ngoắt vào, ngừng tay
Rì rào khóm trúc lung lay
Gà con lích tích, quất đầy quả tươi
Hai con nét mặt rạng ngời
Con ơi mẹ muốn trọn đời... được lo...
Đọc bài thơ ta cứ ngỡ như một lời tự kể. “Nỗi lo” của một “bà buôn” trong một ngày như thế nào, cứ thực tình mà kể ra, chẳng khó khăn gì. Nhưng đâu có đơn giản thế. Để vẽ ra được một bức tranh tâm trạng xen kẽ với những bức tranh đời sống đan cài vào nhau tự nhiên, nhuần nhuyễn, không một chút gân gợn, không một chút gương gạo,là cả một quá trình chọn lọc, lắp ghép rất công phu. Đúng ra là một quá trình nghiền ngẫm, nung nấu, ấp ủ, cho vấn đề “tự chín” thì khi viết ra mới tự nhiên được. Chưa kể, việc diễn tả tâm trạng trong bài thơ cũng khá là tinh tế. Những “nỗi lo” cứ kế tiếp nhau:lo mua hàng, lo bán hàng, lo lỗ lãi, lo chi tiêu…và dường như ở mỗi cung bậc nó lại tăng lên một cấp số. Cho nên ban đầu nó mới là “phải lo” thì đến cuối ngày nó đã thành “bời bời gan ruột rối lên”. Ấy vậy mà chỉ cần nhìn thấy con vui, chồng mừng là mọi “nỗi lo” của Thị đều bay biến cả. Đôi mắt Thị lại sáng lên, nhìn vật gì cũng thấy tươi hơn hớn:
Hai con bỏ nghịch reo chào
Mình đang vun tưới ngoắt vào ngừng tay
Rì rào khóm trúc lung lay
Gà con lích tích, quất đầy quả tươi
Hai con nét mặt rạng ngời…
Và chỉ cần có thế thôi, ngày mai, ngày kia… Thị sẽ lại sẵn sàng lo, sẵn sàng gánh vác cho đến hết cuộc đời. Bởi cái "phải lo" kia nay bỗng chuyển thành cái "được lo" rồi. Cái tưởng như là một "nỗi khổ" lại trở thành một "niềm vui". Cái đó dường như hơi nghịch lý nhưng thực ra nó là một chân lý: trong bất kỳ sự hy sinh nào cũng chứa đựng một niềm vui, một niềm vui cao cả. Thị đang sẵn sàng như thế thì đùng một cái, giữa năm 1995, một sĩ quan quân đội đến nhà mời Thị đi dạy học. Thị cũng rất sòng phẳng: “Nếu có tái tuyển được thì tôi mới dạy, còn không thì tôi cứ chạy chợ. Nếu chỉ dạy cho các ông một thời gian tạm thời thôi, tôi mới lại đi buôn thì mất khách”. Người ta cũng đồng ý chỉ tạm thời sáu tháng đầu thôi. Sau đó sẽ tái tuyển chính thức. Thế là thị lại trở về nghề cũ. Hôm từ biệt bỏ nghề “con buôn”, các bạn buôn của Thị có đến nhà làm một cuộc liên hoan nhỏ nhẹ coi như là chia tay. Hôm ấy Thị cũng đã đọc bài thơ này coi như một lời tiễn biệt. Nhiều bạn buôn của Thị đã rưng rưng nước mắt. Trong những giọt nước mắt ấy có sự tự thương mình, nhưng chủ yếu là một niềm vui sướng vì họ đã được sẻ chia.
9/8/2011
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét