Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (10)

                              Bài 10

                   Thực phẩm của tâm hồn

Những cái chứa trong câu chữ của văn chương; đường nét, màu sắc của bức họa; hình khối của pho tượng…  có khả năng làm cho trí óc ta bừng sáng thêm một lẽ phải; con tim ta rung lên thêm một lần yêu thương, chia sẻ; tâm hồn ta tràn ngập thêm một niềm vui sướng mới…Những cái đó có thể được coi là thực phẩm của tâm hồn. Nhưng bản chất của những cái mà tâm hồn con người có thể “ăn” được ấy là cái gì vậy? Đó chính là CÁI ĐẸP.
Nếu khái quát theo kiểu phương Tây thì CÁI ĐẸP bao gồm có những 5 “con đẹp”: cái HÙNG thường chứa trong  sử thi anh hùng ca. Cái BI THƯƠNG , cái CAO CẢ thường chứa trong bi kịch. Cái HÀI thường chưa trong hài kịch và cái ĐẸP (con) thường chứa trong thơ trữ tình đồng nội. Mỗi “con đẹp” ấy thường tạo ra một cảm hứng tương thích nhất định trong tâm hồn người thưởng thức. Chẳng hạn trước cái HÙNG con người thường cảm thấy sảng khoái và ngưỡng vọng; Trước cái BI THƯƠNG thì đau buồn và cảm thông; cái CAO CẢ thì cảm phục và ngưỡng mộ; cái HÀI thì bùng nổ, đồng tình; cái ĐẸP (con) thì mải mê đắm đuối…
Còn nếu khái quát theo kiểu phương Đông  thì yêu cầu đối với một hình tượng nghệ thuật-thực phẩm của tâm hồn- phải bao gồm 3 phẩm chất: CHÂN-THIỆN-MỸ. CHÂN tức là thật. mà thật tức là giống như cái “từng tồn tại”(thì quá khứ), cái “đang tồn tại” (thì hiện tai) hoặc cái “sẽ xuất hiện và tồn tại” (thì thương lai). Nếu là sự mô phỏng nội tâm thì phải giống như suy nghĩ của bộ óc, rung động của con tim, hoặc như những dòng tâm tư diễn ra trong tâm hồn con người…THIỆN tức là lành mà lành là giầu chất dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cao, không có độc hại; còn MỸ tức là CÁI ĐẸP. Cách nói khác nhau, nhưng tinh thần chung thì cũng đều là bàn về cái đẹp mỹ học cả. Phương Tây tuy không nói đến cái “thật”, cái “lành” nhưng một khi nó đã thành cái đẹp mỹ học rồi thì tất yếu sẽ mang theo trong đó cái “thật” và cái “lành”. Không có cái đẹp mỹ học nào chứa đựng độc tố cả. Cái đẹp mỹ học, khác cái đẹp trong đời thường. Trong đời thường người ta phân ra cái đẹp, cái xấu, cái ác và cái thiện…người ta yêu cái đẹp, người ta ghét cái xấu, người ta bênh vực cái thiện và người ta phản đối cái ác…Nhưng trong tác phẩm nghệ thuật thì ngay cả những hình tượng miêu tả cái xấu, cái ác nhưng chân thực, sinh động và hoàn thiện thì vẫn trở thành “cái đẹp mỹ học” và “cái đẹp mỹ học” ấy bao giờ cũng tạo cho ta sự thích thú. Đó là một phép mầu riêng của “cái đẹp mỹ học”. Chí Phèo không đẹp “Cái mặt hắn vằn ngang vằn dọc không biết bao nhiêu là vết sẹo. Dấu tích của những lần ăn vạ kêu làng”, “Nó không còn là mặt người. Nó là mặt của một con vật lạ. Nhìn mặt của một con vật lạ có bao giờ biết tuổi?”. Tính hắn lại cũng chẳng hiền lành “ Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: “chắc hắn trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?...”. Cả làng Vũ Đại sợ hắn, không ai dám giáp mặt. Thị nở cũng vậy. Thị xấu đến ma chê quỷ hờn. Tính tình thị lại ngớ ngẩn và hết sức vô duyên. Cả làng Vũ Đại người ta ghê tởm thị. Người ta tránh thị như tránh hủi. Ấy vậy mà qua văn tài của Nam Cao, sáng tạo nó thành nhân vật truyện, thành hình tượng nghệ thuật thì lại làm cho người đọc thích thú vô cùng.
Gần gũi hơn, xin dẫn thêm ra một “hình tượng nghệ thuật” nữa của một nhà thơ “cỡ nhớn” tầm “con ong cái kiến”: hình tượng cái “Nồi cụt quai” trong thơ Đỗ Đình Tuân chẳng hạn: “Mười năm trước là quà đám cưới / Nồi mới tinh bọc tờ giấy trắng tinh / Nấu bữa cơm đầu tiên cho một gia đình / Nó xám đen đi một ít / Trải qua biết bao lửa nồng, nước buốt / Đến bây giờ nồi cụt cả hai quai…”. Đó là một cái nồi có thật của “ nhà thơ”, cái nồi nhôm Liên Xô, loại nhôm cũng không dầy lắm. Ở gần miệng nồi, thấy có dập lõm xuống hai vành đai chạy quanh, tạo thành một cái vành nhôm cong lồi lên, chắc là để tăng thêm độ cứng làm chỗ gắn chân quai. Cái nồi ấy là món quà đám cưới do công đoàn giáo viên nhà trường tặng “nhà thơ” ngày “nhà thơ” xây dựng gia đình (1972).
Năm 1981, “nhà thơ” ốm một trận  thập tử nhất sinh, mười phần thì tưởng chết đến chín phần rưỡi. Rồi tiếp đó, không biết bao nhiêu  những “tai họa” cứ dồn dập đến với cuộc đời “nhà thơ”. Cuối cùng thì “nhà thơ” phải “về vườn”. Cùng lúc đó, cái món quà cưới mười năm trước cũng bị cụt mất cả hai quai. “Nhà thơ” không thể dùng nó để nấu cơm được nữa. Cái vung  thì “nhà thơ” đem đậy chum gạo phòng chuột nhắt chui vào vầy gạo và ỉa hôi. Còn cái thân nồi thì “nhà thơ” tiện đâu quẳng đấy: “Có khi để xó bếp / Có khi quăng góc vườn”… Suốt ngày “nhà thơ” làm bạn với cái “Nồi cụt quai”, cứ như một đôi bạn tri âm tri kỷ: “Sáng sớm ra vợi cám / Nửa buổi về sống cua /Đến độ non trưa lại đi vo gạo / Ai sai ai bảo / Cụt Quai cũng làm / Nhà có đám thì đựng xương / Có khi nấu cả nhựa đường / Đen trong đen ngoài nhễ nhại…”  Một “nhà thơ” về vườn với một cái “Nồi cụt quai” trở thành một cặp song trùng. Cho đến khi “nhà thơ” viết bài thơ này thì cũng chẳng rõ là “nhà thơ” viết hộ cái “Nồi cụt quai” hay chính cái “Nồi cụt quai” đã đứng ra kể chuyện về cuộc đời “nhà thơ”? Có lẽ phải đến những câu kết: “Ai cũng bảo Cụt Quai là dại / Già mõ đời có biết cái chi chi / Cụt Quai cũng chỉ cười khì /Cụt quai cũng chửa vứt đi còn dùng /Dẫu thôi nước buốt lửa nồng / Sớm hôm vẫn giúp vợ chồng người ta”. Thì người đọc mới chợt nhận ra đây là những lời tâm sự của “nhà thơ”, bởi vì chẳng lẽ “cái nồi” mà lại biết nghĩ và biết nói.
Lúc đó thì ở ngoài đời cũng có nhiều người hay chê cười “nhà thơ” lắm. Đọc bài thơ “Nồi cụt quai”, người ta càng cười đẫy. Nhưng cái cười do “Nồi cụt quai” mang lại đã là một tiếng cười hoàn toàn khác hẳn: Đó là một tiếng cười đồng tình và cảm thông. Đầu tiên thì người ta nghĩ đó chỉ là câu chuyện riêng của bản thân “nhà thơ” thôi.. Mà bản thân “nhà thơ” thì cũng cốt kể chuyện của mình là chính chứ hơi đâu, ăn vàng ăn bạc gì mà đi kể hộ chuyện thiên hạ? Ấy vậy mà về sau người ta lại dần dần hiểu khác đi. Đầu tiên là mấy ông giáo, ông Bùi Trác trường, ông vũ bá Huyên bảo rằng cái bài “Nồi cụt quai” đích thị là viết về các ông ấy. Sau lại đến lượt mấy bà thanh niên xung phong, người thì về hưu, người thì về mất sức, đồng lương thấp cứ phải đày ải tấm thân ra đầu đường xó chợ để kiếm thêm. Cũng nhếch nha nhếch nhác chẳng khác gì cái nồi cụt quai cả. Nhất là mấy bố thương binh “tàn nhưng không phế” cứ khăng khăng mà bảo rắng: “ Chỉ có chúng tớ mới “cụt” chứ các ông thì “cụt” cái gì?...Càng ngày càng thấy có nhiều người nhận vơ họ là cái “Nồi cụt quai”. Họ nói và nghĩ đúng đấy. Điều này có lẽ phải của nó. Đó là một quy luật: Cứ đi đến tận cùng cái riêng thì sẽ gặp cái chung.
Tiện đây cũng xin nói thêm một khả năng tuyệt vời của vẻ đẹp hài. Đó là một vẻ đẹp có độ ấm nóng nhất định. Hứng khởi mà nó tạo ra trong lòng người thường là một sự nhẹ nhõm, tươi nở và nồng ấm. Nó có tác dụng gần giống như một loại dầu gió: làm tan biến những ứ tụ, làm thông thoáng những ách tắc và làm dịu bớt sự nhức nhối. Vẻ đẹp hài mà nói cụ thể là “tiếng cười” bao giờ cũng có tác dụng làm dịu, làm mềm vấn đề đi. Vì thế nó dễ tạo ra sự thân tình gần gũi giữa con người với con người. Một “lời tự khen” nếu pha thêm chút hài hước vào, lời tự khen ấy bớt đi được sự kiêu ngạo. Một “lời khen người” pha thêm một chút hài vào nó sẽ bớt đi được sự nịnh hót. Và một lời phê phán dưới dạng một tiếng cười cũng dễ được đồng tình và tiếp nhận hơn là một lời chửi rủa tục tằn thô lậu. Giá trị văn hóa của tiếng cười rõ ràng là hơn hẳn. Nhưng tiếng cười chỉ là “độ ấm” chứ không phải là “độ nóng”, nên nó không thích hợp trước một không gian rộng lớn bốn bề giông gió. Trong không gian rộng lớn ấy nó rất dễ bị hiểu lầm, dễ bị làm nguội đi, tắt ngấm. Nó thường chỉ thích hợp trong một không gian hẹp: Một mái ấm gia đình; một xóm giềng tối lửa tắt đèn; một trang lứa cùng thuyền, cùng hội…Trong không gian hẹp này tiếng cười luôn là một món ăn khoái khẩu của tâm hồn con người.
15/8/2011
Đỗ Đình Tuân







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...