Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (11)

                                Bài 11

                              Nếm thơ

Ban đầu tôi chỉ hiểu chữ “nếm” có nghĩa là “ăn thử” của những người nấu bếp. Cái “sự ăn” được gọi là “nếm” ấy cũng mỗi người một kiểu. Có người chỉ nhúng đũa vào nồi nấu, cốt cho nước của nồi nấu dính vào đầu đũa rồi đưa lên miệng mút mút vài cái là đã bảo “ được rồi đấy, vừa vặn lắm, bắc ra ngay đi…”. Có người thì cũng gắp lấy một miếng con, đưa vào miệng nhấm nhấm một tý, ngẩn người ra ngẫm nghĩ một tẹo, rồi mới phán “ Uống rượu thì vừa, nhưng ăn cơm thì hơi nhạt …”. Lại cũng có người đầu tiên thì cũng chỉ khiêm tốn gắp một miếng con con. Nhưng ăn vào, thấy ngon miệng, lại gắp thêm miếng nữa, thêm miếng nữa…cũng hơi nhiều nhiều. Cái sự “nếm tục” ấy đã biến sự “ăn thử” thành “ăn thật”.
Thời vợ tôi buôn bán hoa quả, tôi cũng thấy rất nhiều khách hàng trước khi mua họ cũng đòi “nếm”. Đa số, họ cũng chỉ “ăn thử” một ít thôi, thấy vừa ý hoặc tạm vừa ý là họ mua. Thậm chí, nếu khéo mời thì tuy chưa ưng ý lắm, nhưng vì nể tình, họ cũng đã mua cho. Nhưng cũng có một số ít người cứ thấy “ăn thử” mãi mà vẫn chưa thấy nói đến chuyện mua hay không mua. Trường hợp này thì cứ phải lên tiếng mà tống cổ đi. Cố nhiên, họ thường chạy sang một hàng khác, cách một đoạn xa xa thì mới xin “nếm” tiếp. Nhưng ai thì cũng vậy thôi. Đã gọi là “nếm” thì chỉ được phép ăn in ít thôi. Chứ ăn nhiều, quá cái ngưỡng của sự “nếm” thì người ta lại phải đuổi đi. Nhưng cái loại người này, họ “mặt trơ, trán bóng” lắm. Họ lại sẽ sang hàng khác. Vài ba hàng như thế thì họ cũng “bĩnh bầu” rồi. Thì ra, với họ chữ “nếm” lại có nghĩa là đi “ăn boóng”.
Đọc ca dao tôi lại thấy có một cô con gái vu vơ mời mọi người rằng: “Ai ơi nếm thử mà xem / Nếm ra mới biết rằng  em ngọt bùi”. Cái thịnh tình ấy của cô gái chắc chẳng mấy ai dám từ chối. Nhưng thịt người ai mà “ăn” được. Cho nên chữ “nếm” ở đây không còn có nghĩa là “ăn thử” nữa mà lại có nghĩa là “làm thử”. Nghe nói thời nay còn có nhưng cô sinh viên cho các cậu sinh viên “nếm thử” đến hàng tháng, hàng năm. Người đời gọi cái “nếm thử” dài dài ấy là “sống thử”. Thế là “nếm” lại còn có cả nghĩa là “sống thử”. Nhưng nghĩ ra thì thấy cũng có lý. Trước khi sống với nhau cả một đời dài dằng dặc mà không cho nhau “sống thử” thì biết hay dở thế nào? Vả lại vài tháng đến một năm so với một đời mù xa tít tắp vẫn là ít, vẫn gọi là “nếm” được. Có điều nếu cứ cho “nếm”như thế thì dễ biến các cậu con trai thành người đi “ăn boóng” lắm. Ấy cái nghĩa của từ “nếm” ở ngoài đời nó đa dạng và phong phú thế đấy.
Nhưng trong từ điển thì nghĩa của từ “nếm” lại khá đơn giản. Nó chỉ là “ăn hoặc uống một ít để biết vị của đồ ăn, thức uống” và một nghĩa thứ hai nữa là “biết qua”. Vậy chúng ta cũng chỉ nên “nếm” thử một số đoạn thơ, câu thơ để khảo sát xem nó đã tác động vào tâm trí ta, tạo ra trong tâm trí ta những nhận biết và những rung động khác nhau như thế nào? Và vì sao nó lại có những tác động khác nhau như vậy? Đầu tiên xin hãy “nếm” mấy câu sau:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư bắc mạ mưa sa đầy đồng.
                             (Ca dao)
Sau khi đọc những câu trên trí óc ta có nhận biết được những thông tin chứa ở bên trong các câu chữ: Đó là một loại nông lịch của bốn tháng đầu năm. Tháng giêng vẫn là tháng hoàn toàn nghỉ ngơi, thư giãn. Hết tết Nguyên đán lại đến tết Thượng nguyên. Rồi hội hè, đình đám, lễ bái… Nhưng bắt đầu từ tháng hai, là đã tíu tít vụ trồng mầu xuân-hè. Tháng ba, tháng tư thì làm đất và gieo mạ để chuẩn bị cho vụ làm mùa. Ngoài những thông tin đó ra ta không  nhận biết được bất kỳ một thông tin nào thuộc về cá nhân người viết cả: Không bày tỏ ý kiến, thái độ; không bộc lộ những rung động tình cảm vui buồn yêu ghét gì. Vì thế trái tim ta cũng hoàn toàn chưa có rung động gì. Nó cứ dửng dưng và vô cảm. Trí óc ta cũng chỉ mới thụ động tiếp nhận thông tin chứ chưa hề nảy sinh ra một vấn đề gì phải suy nghĩ. Xin tạm gọi cái trạng thái này là  “độ thơ bằng không”. Cũng có nghĩa là những câu trên đây chưa thể gọi là thơ được. Nó mới chỉ là những câu văn vần, những câu vè mà thôi. Nhưng nếu “nếm” những câu sau đây:
Buồn về một nỗi tháng giêng
Bánh chưng chấm mật nằm nghiêng thở dài
Buồn về một nỗi tháng hai
Mưa xuân lác đác hoa nhài nở ra
Buồn về một nỗi tháng ba
Mưa dầu nắng lửa người ta lừ đừ…
                               (Ca dao)
Ta lại thấy tâm trí ta đã đâu còn dửng dưng được nữa. Có một nỗi niềm riêng tư gì đó đang đè nặng lên tâm tư và day dứt người trong cuộc-cái con người hiện đang nằm hay ngồi ở trong câu chữ của các câu thơ. Cái nỗi niềm riêng tư ấy, đã truyền sang ta, cũng đang đè nặng lên trái tim ta, ám ảnh tâm trí ta, làm ta day dứt và cũng nao nao buồn. Những câu thơ trên đã bắt đầu có một sức truyền cảm. Đó chính là dấu hiệu của chất thơ đấy. Xin tạm ghi nhận cái mức độ thơ như thế này là “độ thơ bằng một”. Tương tự ở cấp độ này có thể là những câu như sau:
-Thương anh em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo anh bán em đi
Lấy anh em biết ăn gì
Lộc sắn thì chát lộc si thì già
Lấy anh không cửa không nhà
Không cha không mẹ biết là cậy ai.
                                (Ca dao)

-Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua cửa thấy con mình bò
Con mình những đất cùng tro
Ta đi gánh nước rửa cho con mình.
                                 (Ca dao)

Nói chung ở cấp độ này, dù kể chuyện hay giãi bày đều còn ở trình độ giản đơn và trực tiếp. Cố nhiên về thơ thì đã hay thậm chí rất hay. Nhưng về nghệ thuật biểu hiện thì chưa phải đã cao. Ở những cấp độ thơ cao hơn thì nghệ thuật biểu hiện thường kín đáo và gián tiếp. Nhưng chính sự kín đáo và gián tiếp lại làm tăng thêm chiều sâu và tạo thêm sự hứng thú cho thơ. Chẳng hạn  khi thơ biết mượn những vật trung gian để biểu hiện:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn chẳng tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên.
              (Ca dao)
Ở đây thì chiếc khăn, ngọn đèn, đôi mắt đã đóng vai trò như những đạo cụ để diễn tả nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Chính cái khăn, ngọn đèn, đôi mắt đã cụ thể hóa cái “nỗi nhớ chàng” của người con gái: sao mà bồn chồn, khắc khoải thế, vật vã và thao thức thế? Trong trường hợp này nỗi niềm của cô gái được hiện lộ không phải bằng phép so sánh mà bằng phép phụ họa. Một phép phụ họa tuyệt vời.
Ở trường hợp bài Thương của Phạm Đình Ân thì lại khác:
Suốt đêm kéo lưới mệt đằm
Sớm về chụm bến thuyền nằm ngủ say
Thương thuyền vất vả tối ngày
Biển xanh chao võng sóng đầy lời ru.
Ở đây, cái “hình ảnh người mẹ biển chao võng sóng và hát ru những đứa con thuyền đang ngủ bến” chỉ là cái hình ảnh mà Phạm Đình Ân mượn để dùng làm “tứ thơ”, gửi gắm tấm lòng yêu thương và trân trọng đối với những người lao động trên biển. Tấm lòng ấy là của riêng tác giả nhưng cũng là của chung mọi người. Thơ ca chân chính không bao giờ lên giọng dạy đời phải thế nọ, phải thế kia. Nó chỉ làm nhiệm vụ diễn tả lòng tốt, diễn tả cái hay, cái đẹp và làm hiện diện nó sang lòng người đọc. Tại đây, chính người đọc sẽ làm cái nhiệm vụ tự cảm hóa mình, tự hướng thiện cho mình. Bài thơ này thuộc dạng vừa có ý lại vừa có tứ. Cũng xin tạm gọi cái cấp độ diễn tả này là “độ thơ bằng hai”. Tương tự ta cũng có thể đọc thêm:
-Thân em như cái quả xoài trên cây
Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc
Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành
Một mai rụng xuống
Biết vào tay ai
Kìa cành trúc, nọ cành mai
Đông đào,  tây liễu biết lấy ai bạn cùng.
                                  (Ca dao)

-Lặng lẽ trên bàn mà cháy
Mà soi sáng chung quanh
Chỉ thương cây đèn ấy
Không sáng nổi chân mình
                          Trần Đăng Khoa
-Sáng đi bóng hãy còn dài
Trưa về bóng đã nghe ai bóng tròn.
                                  (Ca dao)

Ở cấp độ cao hơn, nghệ thuật diễn tả của thơ thường đẩy vấn đề đến chỗ tận cùng, siêu thoát hoặc chứa đựng bên trong những liên tưởng đầy bất ngờ thú vị:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra?
                                    (Ca dao)
Chao ôi, sự chậm chân của anh đã gây hậu quả “đắng đời”. Suốt đời em sẽ phải làm chim trong lồng, cá mắc câu để mà ôm hận. Những câu thơ đã đưa ta đến chỗ tận cùng của sự xót xa, tiếc nuối! Ai đã từng đọc thơ Nguyễn Bính , dù chỉ là đọc qua và một lần thôi, cũng rất khó quên những câu thơ như thế này:
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng hiểu về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly
               (Những bóng người trên sân ga)
Sân ga vốn là nơi chứng kiến các cuộc chia ly của con người: em tiễn chị, bạn bè tiễn nhau, người yêu tiễn người yêu, vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con…Cuộc tiễn đưa thông thường nào cũng có hai bên kẻ đi và người ở. Vậy mà đột khởi lên, có một cuộc tiễn đưa lại chỉ có một mình. Hình như anh ta là một chàng thi sĩ ? Không quê hương, không có nơi đi và chốn đến. Đầu óc cũng vô phương. Chân bước hững hờ, chiếc thân lẻ bóng, không một người thân thích nào đến chia tay. Đành phải “Một mình làm cả cuộc phân ly”. Câu thơ đã đẩy sự cô đơn lên đến cùng cực. Không có sự cô đơn, chiếc bóng  nào còn có thể cô đơn hơn được nữa. Đọc thơ Huy Cận, ta cũng rất khó quên những câu thơ:
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi cứ ngủ anh hầu quạt đây
Hồn anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường…
                                   (Ngậm ngùi)
Trong đoạn thơ, ta cảm thấy dường như đang có hai con người cùng tồn tại.Một con người đang yêu mang tâm trạng đượm buồn và mê đắm. Rất dịu dàng và âu yếm. Một con người khác nữa, hình như là một chàng thi sĩ đang chăm chú dõi theo với một  cái nhìn ngơ ngác và những liên tưởng kỳ lạ. Chính cái con người thi sĩ đã “khép đôi lá rầu” cho cây trinh nữ vườn hoang. Đã kéo cái “sợị buồn” ra cho con nhện “giăng mau” Đã biến cái động tác “mở quạt” của chàng trai thành “mở hồn”. Và nhất là biến cái động tác âu yếm quạt hầu cho người yêu ngủ thành “trăm con chim mộng”. Thật là lạ lùng và kỳ diệu quá. Hai con người ấy khác nhau nhưng lại đang đồng hành và tô vẽ lẫn cho nhau. Làm cho vẻ đẹp của đoạn thơ vừa đằm thắm, vừa diệu kỳ. Ta cũng có thể tìm thấy những vẻ đẹp thơ, những liên tưởng thơ đầy ngẫu hứng và diệu kỳ tương tự trong các đoạn sau đây của Ngô Văn Phú, Trần Đăng Khoa, Đồng Đức Bốn:
-Cúc tần hoang dại xanh bờ bụi
Tơ hồng quấn quýt sợi vàng au
Chao ơi, muôn vật trong trời đất
Cỏ cây còn biết phải lòng nhau.
                     Ngô Văn Phú

-Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lóc
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách
Cười
Cây dừa
Sải tay
Bơi
Ngọn mồng tơi
Nhảy múa.
          Trần Đăng Khoa

-Câu thơ nấp ở sân đình
Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau
Nhuộm buồn những hạt mưa mau
Thành sao nở trắng vườn cau trước nhà
Nhuộm hương của các loài hoa
Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em
                                  Đồng Đức Bốn
Xin cứ tạm gọi những đoạn thơ vừa dẫn ra và phân tích là có “độ thơ bằng ba”. Như vậy, là qua việc “nếm” thử một ít thơ trên, ta cũng đã chia thơ ra được thành bốn loại. Một loại chưa thành thơ xin cứ trả cho nó về với văn vần. Còn ba loại sau đã thành thơ, nhưng ở những cung bậc nghệ thuật khác nhau. Cố nhiên là mọi sự phân chia, phân loại đều chỉ là tương đối, nhất là trong lĩnh vực thi ca. Nhưng dù sao nó cũng tạo cho ta có những ấn tượng nhất định, giúp ta có thể nhận biết và cảm thụ thơ một cách tinh tế và thấu đáo hơn.
19/8/2011
Đỗ Đình Tuân







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...