Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (9)

                                 Bài 9

                   Thơ trong xứ sở văn vần

Xưa nay THƠ đã được dùng với nhiều mức độ ý nghĩa rộng hẹp rất  khác nhau. Có thời người ta dùng nó với ý nghĩa đại diện cho nghệ thuật. Ở thời đó thì  thần thoại, sử thi, bi kịch, hài kịch… đều bỏ chung vào một túi gọi là THI CA hết. Thi ca được nhắc đến chỉ là để phân biệt giữa nghệ thuật với triết học và các khoa học khác. Nhưng phổ biến hơn thì thi ca được dùng với ý nghĩa là văn vần. Như thế càng quá rộng. Bởi lẽ ngày xưa người ta dùng văn vần phổ biến lắm. Cái gì người ta cũng muốn đem diễn ca viết ra thành văn vần : kinh Phật diễn ca, lịch sử diễn ca, đạo đức cũng diễn ca. Thậm chí truyện cổ cũng lại đem diễn ca nốt. Tìm được “nàng thơ” trong cái “đám hội văn vần” này quả đâu có dễ.
Khoảng đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam  xuất hiện một lớp học giả tân học. Một số vị đã  sưu tầm, phân loại văn học Việt Nam. Chẳng hạn thơ ca dân gian, bắt đầu được chia  thành các thể loại: tục ngữ, ca dao, vè… Đại khái ta có thể hiểu tục ngữ là những câu nói cửa miệng, thường gặp trong dân gian. Cũng có thể xem nó là những câu danh ngôn hay một kiểu thơ đặc sắc: đặc sắc trong vần điệu, đặc sắc trong cấu tứ và khái quát cuộc sống: Cốc mò cò xơi, Ngồi mát ăn bát vàng, Khẩu Phật tâm sà, Ông nói gà bà nói vịt, già néo đứt dây, Lạt mềm buộc chặt…
Còn ca dao chính là lời của những bài hát khi nó được tách ra khỏi làn điệu, tách ra khỏi nhịp phách, tiếng đệm và những luyến láy riêng của từng làn điệu. Có lẽ vì ban đầu làm ra là để hát nên nó giầu nhạc điệu và rất trữ tình. Nó chỉ khác với thơ bác học ở chỗ do nhiều người góp vào, sau lại qua tay nhiều người nhuận sắc lại, nên những dấu ấn cá nhân thường bị mài mòn đi. Nó vẫn xứng đáng được gọi là thơ, còn là thơ hay  là đằng khác. Chẳng hạn như trong nghệ thuật hát chèo, khi Thiện Sĩ cưới Thị Kính về, đôi vợ chồng trẻ đã hát điệu Đường trường phải chiều và múa Vu quy. Lời hát, điệu múa và đôi vợ chồng trẻ cứ quấn quýt bên nhau, căn vặn, thề bồi. Nhạc với múa với lời thơ  đã  cộng hưởng với nhau mà nâng chất trữ tình tươi vui đầm ấm đến độ hoàn mỹ. Ta có thể xem đi xem lại mà không bao giờ thấy chán mắt, nhàm tai. Trái lại lần nào ta cũng xúc động và sung sướng đến rưng rưng lệ. Điệu hát Đường trường phải chiều ấy nếu ghi cả nhịp phách, đệm đà, luyến láy thì nó có dạng:
Duyên phận i / ta phải i chiều i / ì ai ơi i í đôi thời / đôi / lứa i i i ta (xt 2) thời / này duyên i / ới i phận đôi lứa ta thời duyên / i phận / ta phải i / i i chiều i / i i i y i / i i y (LK4)
Dây / tơ i hồng thời / khéo y i xe / mà vấn vít i / i i y i / i í / i í y (xt2) thời / này duyên i / ới i phận đôi lứa ta thời duyên / i phận / ta phải i / i i chiều i / i i y i / i í y ( LK4)
Ơi / chỉ thề thời / có y bên / mà mà nước biếc i / i i y i / i i y (xt2) ấy mấy i đạo i / i y i i i hằng / xin i / ai chớ quên ơi / chứ ai ơi i i ta thời / ta rủ nhau (xt2) thời / này lên i / ơi i miếu ta rủ nhau cùng lên / i miếu / ta xuống / i ì đền i / i í y i / í ì y
Nhưng rút lại thì phần lời thơ chỉ gồm có 5 câu lục bát:
Đôi ta duyên phận phải chiều
Tơ hồng vấn vít, chỉ điều xe săn
Cầm tay giao mặt dặn rằng
Chỉ thề nước biếc đạo hằng chớ quên
Rủ nhau lên miếu xuống đền
Nhạc dân ca của ta ngày xưa thuộc nhạc “ngũ cung” lại chưa biết cách ghi nhạc theo kiểu 5 dòng kẻ như bây giờ, nên giai điệu thường chỉ được nhập tâm trong người ca sĩ . Khi đã có lời thơ, họ sẽ tách các câu thơ ra theo một cách thức nhất định rồi cài nó vào với nhịp phách luyến láy thì sẽ thành ra lời hát. Cho nên có thể xem dân ca là các trình thức hóa khác nhau cho việc phổ thơ cũng được. Vậy ca dao là lời của những bài hát dân ca hay là những bài thơ sẽ được đem phổ nhạc? Điều đó thì cũng khó mà xác định.
Riêng kể vè thì chưa thể gọi là thơ được. Nó mới chỉ là một bản tin, một bài báo được viết ra bằng văn vần mà thôi. Ở ta ngày trước thường thấy có hai lối kể vè. Một lối kể vè mang tính chất đồng dao, kể theo thể thơ bốn chữ:  vè vẻ vè ve / nghe vè lá lốt / Anh A cũng tốt / Chị B cũng xinh / Hai bên rập rình / Cũng muốn lấy nhau…Trong đời sống làng xã ngày xưa, nếu trong làng có một sự kiện gì xảy ra, lập tức sẽ có người đem kể thành vè  rồi mớm cho bọn con trẻ đi hát rêu rao khắp làng. Đó chính là một dạng báo chí dân gian đấy. Còn có một lối vè nữa kể theo thể thơ lục bát thường diễn ca lại một sự kiện xã hội, một nhân vật lịch sử nhất định. Chẳng hạn như Chính khí ca kể lại sự kiện thất thủ thành Hà Nội và cuộc chiến đấu hy sinh của vị quan giữ thành Hoàng Diệu. Vè chàng Lía kể về một anh hùng khởi nghĩa nông dân có tên là chàng Lía. Những bài vè này tuy rất có giá trị về mặt tư liệu lịch sử nhưng chưa có giá trị gì về nghệ thuật thi ca.
Trong khu vực văn chương bác học thì vốn đã có sự phân loại rồi. Nhưng chủ yếu vẫn là sự phân loại theo thể thơ. Nếu chỉ tính riêng thơ chữ Nôm thì có 4 thể được sử  dụng phổ biến nhất là phú, bát cú Đường luật, du nhập từ Trung Quốc nhưng được Việt hóa đi nhiều,  với hai thể thơ khác là lục bát và song thất lục bát là thể thơ thuần túy của Việt nam.
Những sự phân loại như trên là cần thiết nhưng vẫn chưa giúp ta nhận ra được chất lượng và trữ lượng thơ. Trong công trình nghiên cứu Đi tìm mật mã của thơ, Nguyễn Vũ Tiềm đã có một ý tưởng tốt là muốn tạo ra một cái thước để đo thơ. Cái thước đo thơ của Nguyễn Vũ Tiềm được chia ra thành 4 nấc như 4 cái nấc thang ấy. Nếu tính từ dưới lên, thì 4 nấc ấy như sau:
-Nấc 1: Miêu tả, kể sự việc, đưa ra khái niệm
-Nấc 2: Diễn đạt bằng hình ảnh
-Nấc 3: Diễn đạt bằng hình tượng
-Nấc 4: Diễn đạt bằng biểu tượng
Giữa nấc 1 và nấc 2 thì tương đối rõ ràng minh bạch, có thể dùng làm chuẩn để đo được. Nhưng còn giữa nấc 2 với nấc 3, giữa nấc 3 với nấc 4 thì nó cứ mờ mờ ảo ảo, nhấp nhoa nhấp nhoáng, nhộm nhoạm vào nhau, khó lòng dùng làm chuẩn để mà đo thơ được. Thành thử có thước đấy, nhưng dùng được thước để mà đo lại thành ra khó. Cuối cùng, vẫn cứ phải bằng vào sự nhạy cảm của trái tim mà nhận ra thôi. Cứ đem thơ mà gõ vào trái tim mình, rồi nghe tiếng của con tim nó phát ra mà xác định. Muốn thế thì phải giữ cho trái tim mình tĩnh tại đừng để cho nó lắc lư. Phải giữ cho nó thanh sạch, chớ để cho ruồi bâu, kiến bò hoặc màng nhện bồ hóng bám vào. Tâm hồn mà nhộn nhạo, bẩn tưởi thì thơ dù có hay mấy nó cũng chẳng rung đâu. Xin mọi người hãy thử trải nghiệm, hãy tĩnh tâm và lắng nghe rồi đọc thử mấy đoạn thơ sau:

- Củ gì có bướu, có gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Cùng làng cùng họ với sen
Ai ăn cũng phải ngợi khen ngon bùi

- Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

Ở hai bài thơ trên, câu chữ chẳng khác nhau là mấy, lại cùng nói về một sự vật. Nhưng chất lượng và trữ lượng thơ chứa đựng ở bên trong thì lại là một trời một vực. Một đằng chỉ thấy hiện ra có một củ ấu. Còn một đằng thì lại làm hiện ra một cô gái vô cùng duyên dáng và ý vị. Lại còn dám sẵn sàng mời anh xơi nữa chứ. Bạo dạn và hiện đại chưa? Đây là một người con gái rất đáng yêu và tâm hồn cũng đang đầy ắp một khát vọng được yêu.
12/8/2011
Đỗ Đình Tuân










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...