Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (12)

                                Bài 12

                      Vần trong tiếng Việt

Ngay từ buổi  mới cắp sách đến trường, chúng ta ai cũng được học môn học đầu tiên là môn học vần. Nói là học vần, nhưng thực tế là học các chữ, các nguyên âm, các phụ âm, các dấu thanh… và quan trọng hơn là ghép chúng lại với nhau cho thành tiếng thành lời…Ghép các chữ cái với dấu thanh cho thành chữ, thành từ là học viết. Ghép các âm lại với nhau cho thành tiếng gọi là học đánh vần:
Ai về chợ huyện Thanh Lâm
Hỏi tham cô Tú đánh vần được chưa
Đánh vần năm ngoái năm xưa
Năm nay quên hết nên chưa đánh vần.
Trường hợp như của cô Tú người ta gọi là hiện tượng “tái mù”. Học bổ túc bổ tác, đã bập bẹ đọc chữ được, chữ hỏng, nhưng bỏ không dùng, thế là mù lại. Nhưng chắc là cô Tú chỉ “mù chữ” chứ cô Tú đâu có “mù nói”. Như vậy, thực chất của học vần là học viết và học đọc chữ, một thứ ngôn ngữ song hành với ngôn ngữ nói, ghi chép lại ngôn ngữ nói, chứ không phải là học nói đơn thuần. Có thể nói hầu hết chúng ta ngày nay ai cũng đã thuộc vần và rất thạo đánh vần. Nhưng nếu hỏi vần là gì, thì đa số lại ngớ ra, lúng túng, hoặc trả lời cho qua “vần là vần”. Chấm hết.
Ở giới động vật, chủ yếu chúng sống bằng bản năng. Thế giới tâm lý của chúng dù có chăng thì cũng còn đơn giản. Cho nên chúng chỉ cần một vài tiếng kêu là đủ: tiếng kêu gọi đàn, tiếng kêu gọi con, tiếng kêu dọa nạt và răn đe kẻ thù, tiếng kêu cầu cứu khi gặp nguy hiểm…Nhưng có lẽ khắc khoải và nhiều điều kỳ lạ nhất vẫn là tiếng gọi bạn tình. Có loài thì kêu la rền rĩ suốt cả “mùa yêu”. Có loài còn gửi cả thông điệp vào mùi nước tiểu. Con cái khi có nhu cầu “cần anh” nó sẽ tiết ra cái chất “cần anh” ấy vào ngay trong nước tiểu. Khi đi giải, nó sẽ tè vào một gốc cây, hơi cao hơn lúc bình thường một chút. Các “chàng trai” tìm bạn tình qua đây, sẽ có một anh may mắn nhận ra. Chàng ta sẽ hít hít cái gốc cây ấy vài cái để kiểm chứng. Nếu đúng là em đang cồn cào mong đợi, thì chàng ta sẽ mừng rơn, khoan khoái đứng lên, vươn vai rũ lông, cũng gọi là chỉnh trang tý chút, rồi khấp khởi đi tìm.
Nhưng ở loài người thì khác, đời sống tâm lý của con người ngày càng phát triển, kiến thức mà con người thu nhận được từ những hoạt động thực tiễn trong môi trường tự nhiên cũng ngày càng phong phú…Chỉ bằng vào mấy cái tiếng kêu như động vật thì bõ bèn gì. Nhu cầu nội tại của con người bức bách phải làm sao tạo ra được nhiều tiếng kêu ? Thế là bộ óc phải triệu tập các ủy viên trung ương thần kinh, họp bàn và ra nghị quyết. Nhưng không mấy khó khăn để các “ủy viên trung ương thần kinh” nhận ra chức năng chính khả dĩ có thể tạo ra được nhiều tiếng kêu ấy chính là buồng phổi, khí quản, yết hầu và dây thanh. Nhưng buồng phổi thì cũng chỉ biết phồng lên xẹp xuống như cái bễ để tạo nên nhịp thở cho luồng hơi đi ra đi vào. Khí quản thì cũng chỉ biết dẫn luồng hơi đi qua thanh quản. Còn dây thanh thì cũng chỉ như cái anh thiên lôi. Nghĩa là khi có luồng hơi đi qua thì hắn sẽ rung lên bần bật. Nhưng nếu không thì chúng cũng chỉ đứng yên. Thanh quản cũng không có một nội lực nào để tự rung lên được. Vậy thì trông chờ vào mấy cái cơ quan này cũng khó mà tạo ra được nhiều âm thanh. Chỉ có lưỡi, anh ta không có xương, linh hoạt và cũng lắt léo lắm. Anh khoang miệng thì nhờ có chị hàm dưới cũng có thể nâng lên hạ xuống ở nhiều mức độ rộng hẹp khác nhau được. Ngoài cùng là anh môi cũng có thể khi tròn, khi dẹt, khi mím, khi mở…Linh hoạt cũng chả kém gì anh lưỡi. Muốn tạo ra được nhiều âm thanh khác nhau chỉ có thể dựa vào mấy cái anh này thôi.
Chính sự kết hợp giữa lưỡi với khoang miệng và đôi môi đã khiến cho con người có khả năng tạo ra được nhiều kiểu khe hở, khe hở tĩnh và khe hở động để khi luồng hơi từ trong phổi đi ra qua dây thanh sẽ phát ra được thành nhiều loại âm khác nhau. Những cái khe dùng để tạo âm ấy là những khuôn âm. Những khuôn âm ấy chính là vần. Như vậy tìm hiểu vần trong tiếng việt thực chất là tìm hiểu những khuôn âm trong tiếng Việt đã được tạo ra như thế nào?
Nếu đem phân tách ra thì một chữ (tiếng) trong tiếng Việt, ở dạng đầy đủ hoàn thiện nhất sẽ gồm ba bộ phận: Phụ âm đầu + Vần + Thanh điệu. Trong đó vần là bộ phận cốt lõi giống như cái thân mình, phụ âm đầu giống như bộ quần áo mặc ngoài, còn thanh điệu chỉ như màu vẻ, như dáng điệu cao thấp của chữ( tiếng) mà thôi. Chẳng hạn như chữ ĐÈ : phụ âm đầu là Đ, Vần (khuôn âm) là E và thanh điệu là thanh huyền. Cái khuôn âm E khi phát âm thì hàm trên hàm dưới đều cố định ở một độ mở hẹp. Khuôn miệng cũng dẹt xuống theo chiều ngang và cố định. Hình như vì thế mà cái nghĩa “hẹp”, “dẹt” cứ hay ám ảnh vào các chữ (tiếng) có vần E (nhất là đối với các nghĩa nguyên thủy). Chữ đè mang nghĩa là “dùng sức nặng hoặc một sức mạnh nào đó đặt lên trên sự vật, nén nó xuống, để nó không ngóc đầu lên được, mà buộc phải bẹp dí xuống và dẹt đi theo chiều ngang. Thay phụ âm đầu thành BÈ vẫn có nghĩa là một vật có xu hướng phát triển theo chiều ngang. Rồi đền NHÈ cũng là đùn thức ăn ra theo chiều ngang. THÈ  là đưa lưỡi ra theo chiều ngang. Đến cái giọng nói LÈ NHÈ cũng là một cái giọng méo mó và dẹt đè đè của một thằng say rượu. Đến LÈ TÈ thì cũng đâu có cao lớn gì. Nếu thay đổi cả thanh điệu đi thì cái ý “hẹp” và “ mảnh” vẫn thấy cứ ám ảnh trong các nghĩa của từ mang vần E:. Khe là một cái chỗ hở hẹp. Kẽ là một chỗ lõm xuống mảnh. Hé là cái cửa chỉ mở ra có một tí. Khé là một điểm lốt nhốt ở trong cổ cũng rất rõ mà rất mảnh. Xé là dùng sức kéo ra cho một vật mỏng (tờ giấy, miếng vải) rách ra theo một đường hẹp. Rồi đến Lẻ Tẻ cũng thưa thớt và rời rạc lắm…
Bây giờ thử khảo cứu thêm một khuôn âm ở dạng động nữa xem thế nào. Khuôn âm EO chẳng hạn. Khi phát âm, khuôn miệng ở dạng âm E tức là đang rộng và dẹt. Nhưng đến nửa cuối khuôn miệng phải vo tròn lại ở dạng âm o. Rõ ràng là khi phát âm âm EO khuôn miệng đã mô phỏng một vật đang to thì bé thắt lại.Chính cái sự mô phỏng này đã tạo ra cái nghĩa nguyên thủy của âm EO. Một cô gái có vòng ngực, vòng mông to rộng nở nang, nhưng vòng bụng lại bé thắt lại, đấy là một cô gái có eo có ót. Không phải là tất cả, nhưng  nhiều chữ mang vần EO còn vương vất cái ý nghĩa nguyên thủy này: Teo là đang to bé lại. Sẹo là chỗ da co dúm vào khi vết thương đã lành. Vẹo là bị lệch đi. Méo là không nguyên dạng. Héo là đang tươi vì mất nước mà hoa lá quắt cả lại…
Tổng hợp lại thì trong tiếng Việt có các loại khuôn âm (vần) như sau:
1/ Vần do các nguyên âm tạo thành có: a, e, ê, i, y, o, ô, ơ, u, ư ( hai bán nguyên âm ă và â không tạo thành vần được. vì thế khi viết chữ “cá” ta không thể viết “că”, tương tự chữ “mớ” cũng không thể viết “mâ”).
2/Vần do các nguyên âm kép đôi và kép ba tạo thành như   ai, ay, ao, au, …  oai, oay, oao, oeo…
3/Vần do các nguyên âm kết hợp với các phụ âm cuối m, n, ng, nh tạo thành như am, an, ang, anh… ươm, ươn, ương…
4/Vần do các nguyên âm kết hợp với các phụ âm cuối là c, ch, p, t- tạo thành như ac, ach, ap, at… ươc, ươp, ươt
Thống kê sơ bộ thấy số khuôn âm trong tiếng Việt có:
-Khuôn âm 1nguyên âm: 10
-Khuôn âm 2 nguyên âm: 22
-Khuôn âm 3 nguyên âm: 10
-Khuôn âm có phụ âm cuối là m n ng nh: 60
-Khuôn âm có phụ âm cuối là c,ch,p,t :    60
            Tổng cộng: 162
Lấy các khuôn âm này làm cốt lõi, tiếng Việt tạo ra các từ mới bằng cách mặc thêm các phụ âm đầu vào rồi đè thêm các dấu thânh lên. Dấu thanh trong tiếng Việt cũng rất đặc biệt ở hai điểm: Một là giàu có nhất thế giới gồm những 6 thanh. Hai là đổi dấu thanh thì chữ cũng sẽ chuyển hẳn nghĩa. Chẳng hạn: chữ “ba” là bố nhưng, “bà” thì đã thành mẹ bố, “bá” lại thành chị mẹ, “bạ” là cái bờ phụ để giữ nước ruộng, “bả” lại là món thuốc độc, thứ mồi dử nguy hiểm, còn “bã” thì chả còn chất lượng gì nữa chỉ còn có sơ và cặn để thải vứt đi…Khi xã hội phát triển cao hơn và xuất hiện sự giao lưu giữa các nền văn hóa thì nguyên tắc vay mượn và ước lệ tục thành được bổ sung thêm vào cho quá trình hình thành ngôn ngữ phát triển thêm phong phú. Nhưng dù sao thì sự phong phú về khuôn âm và thanh điệu, sự phong phú về vốn từ mô phỏng, mô phỏng âm thanh và mô phỏng hình ảnh, cũng đã tạo ra cho các nhà thơ, nhà văn rất nhiều thuận lợi trong sáng tạo văn chương.
24/8/2011
Đỗ Đình Tuân



                                   


                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...