Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Một bức chân dung tự họa…



 « Trông sau người bảo vẫn trai son »,…
 Đó là câu “thừa đề” của bài Tuổi tám mươi của cụ Vũ Bá Huyên, nguyên văn như sau:
Tôi thọ năm nay tám chục tròn
Trông sau người bảo vẫn trai son
Là nhờ nhà nước tinh thần tốt
Lại được gia đình vật chất ngon
Thể dục năng rèn cơ chậm tóp
Dưỡng sinh siêng luyện cốt lâu giòn
Rượu chè thuốc sái a lê tuốt
Nên tuổi tuy già dáng vẫn thon.

Bài thơ là một bức chân dung tự họa khá thành công của tác giả. Đọc bài thơ ta thấy hiện lên một ông già tuổi tuy cao nhưng vẫn tinh tường nhanh nhẹn. Cụ có một đời sống vật chất tuy đạm bạc nhưng đầy đủ tươm tất, một đời sống tinh thần trong sáng lành mạnh và khá viên mãn. Giọng điệu bài thơ thì  vừa tự nhiên lại vừa vui nhộn chứng tỏ tác giả là một người rất vui tính. Cái ông già hay hay trong thơ ấy chính là cái hình bóng khá trung thành của ông già Vũ Bá Huyên trong đời thực...

Tôi biết cụ Vũ Bá Huyên từ khi về công tác tại Trường cấp III Chí Linh tháng 9 năm 1968. Lúc ấy cụ phụ trách công tác văn phòng của nhà trường. Ấn tượng đầu tiên tôi thấy ở cụ là một người nhanh nhẹn, hoạt bát và vui tính. Ngày ấy cụ mới ở độ tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc” nhưng xem chừng cụ vẫn là người “trẻ hơn tuổi”. Cụ chưa hề làm thơ nhưng chịu khó đọc sách và hay kể chuyện tiểu thuyết cổ Tầu. Những mấu chuyện kể trong Tam quốc diễn nghĩa hay Chinh Đông chinh Tây cụ thuộc lắm. Cụ cũng hay kể chuyện Tiếu lâm để cho mọi người cùng rôm rả...

Thấm thoắt thế mà đã hơn bốn mươi năm. Bây giờ thì cụ đã ngót chín chục xuân rồi - người cao tuổi nhất trong CLB mình. Cụ cũng đã làm xong những công việc cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi xa. Nhà cửa đất cát đã sang tên tặng cho cháu nội. Thế là về danh chính, cụ chẳng còn tài sản, của nả gì vướng bận ở cõi đời này nữa. Bây giờ cụ ở vào cái tư thế sẵn sàng chờ lệnh lên đường. Năm ngoái cụ cũng đã tập hợp các sáng tác của mình kể từ khi về hưu (1982) vào trong một tập thơ lấy tên là Kiếp người gồm 63 bài thơ Lục bát cùng các thể thơ khác và 194 bài thơ Đường luật (chủ yếu là bát cú,chỉ rải rác mấy bài tứ tuyệt).Tổng cộng là 257 bài.

Ở phần thơ Lục bát, đáng chú ý có bài Tiểu sử diễn ca phả. Đây là bài tác giả tự kể về cuộc đời mình theo lối diễn ca lục bát. Qua đây ta có thể thấy được tên khai sinh của cụ là Vũ Bá Huyên, tên thường gọi ở làng là Thiên. Trong gia đình cụ là con út “rốt lòng”. Quê ở thôn Sàng, Đạo Lý , Lý Nhân, Hà Nam, thành phần cố nông. Trước nạn đói năm 1945, nghe theo lời kêu gọi của Việt Minh, cụ theo dân làng đi phá kho thóc Nhật.  Nhưng sau đó quân Nhật đi truy lùng thu hồi thóc và bắt giết những người tham gia phá kho. Cụ phải bỏ làng đi tha phương cầu thực. Vì có người quen ở làng Thủ Chính xã Đồng Lạc huyện Chí Linh nên cụ đã nương náu tại đây và làm thuê gánh mướn độ thân. Sau cách mạng cụ được tham gia vào dân quân và dạy bình dân học vụ. Khi Pháp đánh chiếm Chí Linh (3/1946) cụ tình nguyện lên đường tòng quân. Năm 1951 vì tình hình sức khỏe cụ phải dời quân ngũ lại trở về Thủ Chính, Đồng Lạc vừa tham gia dân quân du kích, vừa dậy bình dân, bổ túc. Hòa bình cụ làm Trưởng ban bổ túc, vỡ lòng ở xã rồi sau đó được điều lên dạy phổ thông. Năm  1966 cụ lên làm công tác văn phòng ở trường cấp 3 Chí Linh và ở đây gần như liên tục cho đến lúc về hưu(1982). Kết thúc bài thơ Tiểu sử diễn ca phả ấy cụ viết:
Hôm nay con cháu sum vầy
Đông vui tôi kể lại ngày đã qua
Phòng khi tôi vội đi xa
Tiểu sử đã được viết ra thực lòng
Tiếng ai như cụ Tào Công
Đưa thuyền đã gọi mời ông lên đò
Ngân Hà sông rộng sóng to
Vĩnh hằng có chuyến hẹn hò kiếp sau.

Thì ra cụ viết lại tiểu sử của mình chỉ là nhằm cho con cháu sau này biết được cuộc đời của cụ thôi. Tập thơ còn có bài Bạn cũ người xưa để lộ ra một mối tình thuở thiếu thời, thật hồn nhiên và gắn bó.
Lúc kiếm củi , khi hái rau
Khi xuống ao tắm té nhau đùa cười
Không mấy khi là xa rời
Có tấm mía cũng chẻ đôi để phần
Học trên lớp cũng ngồi gần
Chấm chung lọ mực toán văn truy bài
Xuân là gái, tôi là trai
Bạn bè cứ chế là hai vợ chồng.

Hai người cũng đã có tình ý với nhau. Hai bên gia đình cũng đã dọn đường đi lại. Vậy mà hai người phải mãi mãi xa nhau. Cụ đi biệt tích không về. Cô Xuân ở nhà vẫn có ý đợi chờ. Rồi Xuân chết trong một lần đi cắt cỏ về giữa sông Hồng gặp tố lốc chìm thuyền. Lần đầu tiên cụ trở lại quê thì Xuân không còn nữa. Cụ choáng váng chỉ còn biết ra mộ thắp hương viếng người tình cũ. Lạ thay, từ đó cô Xuân thỉnh thoảng vẫn hiện về trong mộng dường như vẫn có ý đợi chờ ở thế giới bên kia... Chỉ tiếc là mối tình trong đời thực thì nặng thế mà bài thơ thì còn nhẹ, chưa xứng tầm. Có lẽ do cụ chưa đầu tư cho đủ độ sâu, độ chín... Bản tính cụ là người nhanh nhẹn dốc vác. Làm việc gì cũng săm sắn muốn xong ngay. Cái tính ấy với những việc cụ thể ngoài đời như vận động đi họp, thu bài, thu tiền... thì tốt, nhưng đem nó vào việc làm thơ thì lại không ổn. Cứ có ý định làm thơ là tôi thấy cụ xoay trần ra viết, hăm hở viết cho bằng được. Cố nhiên rồi bài thơ cũng hoàn thành nhưng đa phần nó khô, nó nhạt, nó không mang được cảm xúc và hồn vía của người viết. Có lẽ vì thế mà tuy cụ viết khá nhiều nhưng những bài còn để lại ấn tượng cho người đọc thì không nhiều lắm.

Ở chủ đề tự sự, tự họa này còn phải kể đến bài Kiếp người. Khác với Tuổi tám mươi, ở Kiếp người có cái giọng than nghèo khá xót xa:
Tôi sinh Giáp Tý năm đầu hội
Tám mốt tuổi rồi của nả đâu
Miệng vẫn rau dưa ngày mấy bữa
Mình thì áo vải  vận dài lâu
Sáng ra đi giậm vài con tép
Chiều lại vun trồng mấy luống rau
Muốn được giầu sang chờ kiếp khác
Kiếp này khấm khá hẳn còn lâu !

Bài thơ gợi ra một niềm thương cảm đối với những kiếp người lương thiện mà suốt đời nghèo hèn không dám mơ tưởng đến giầu sang...Đó cũng là thân phận của nhiều người thuộc thế hệ cụ. Đáng mừng là con cháu bây giờ đã khấm khá hơn. Chúng có thể báo đáp phần nào cho các cụ. Nhưng quen sống trong cảnh nghèo, sự tằn tiện đã thành thiên tính, nên dù chẳng túng thiếu gì, cụ vẫn sống rất thanh bần, đạm bạc. Có điều là con cháu phương trưởng, ông bà song toàn, lạị đã có đến chắt nội thì còn gì phúc ấm hơn thế nữa. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2010 xin chúc cụ luôn mạnh khỏe và vạn sự như ý.

10/11/2010
Đỗ Đình Tuân
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...