48. Nguyễn Quang Sáng
(1932-2014)
Ông Năm Hạng trở về đất lửa
Với chiếc lược ngà vượt Trường sơn
Bỗng mùa gió chướng vừa nổi dậy
Ông biến thành thằng nộm hình rơm
Xuân Sách
AT - Nhà văn
Nguyễn Quang Sáng được hầu hết những người đã và đang học sách giáo khoa cấp II
biết đến qua tác phẩm Chiếc lược ngà. Ông sinh năm 1932 tại An Giang và bắt đầu
cầm bút khi vừa tròn 20 tuổi (viết tiểu thuyết Đất lửa) lúc đang “ở rừng” như
cách gọi của ông.
AT - Nhà văn Nguyễn Quang Sáng được hầu hết những
người đã và đang học sách giáo khoa cấp II biết đến qua tác phẩm Chiếc lược
ngà. Ông sinh năm 1932 tại An Giang và bắt đầu cầm bút khi vừa tròn 20 tuổi
(viết tiểu thuyết Đất lửa) lúc đang “ở rừng” như cách gọi của ông.
Nhưng mãi
đến năm 1956 truyện ngắn đầu tiên Con chim vàng của ông mới được in báo Văn
Nghệ và tính đến nay nhà văn Nguyễn Quang Sáng có hơn 50 năm sáng tác. Ông luôn
luôn tự hỏi: “Tôi đã thật sự là nhà văn hay chưa? Đó là lời tự vấn nghiêm túc
và khắc nghiệt - Tôi đã trả lời, đang trả lời và sẽ trả lời trên trang viết
(trích Nhà văn Việt Nam hiện đại - Hội Nhà Văn VN 2007)". Còn bây giờ, nhà
văn Nguyễn Quang Sáng trả lời bạn đọc Áo Trắng về “thời áo trắng” của chính ông
bằng giọng nói Nam bộ rặt, do vậy ông xưng “tui” thay vì “tôi”.
* Đã là nhà
văn mang tên Nguyễn Quang Sáng hẳn thời đi học ông phải rất giỏi văn?
- Cái này do
hệ qui chiếu của nhiều người lấy hiện tại mà suy ra quá khứ. Nói cho trung
thực, hồi nhỏ tui dốt văn lắm. Tui còn nhớ một bài làm văn chỉ được 0,5/20
điểm. Tui dốt văn không phải do thầy dạy dở mà do tui không chú tâm. Nhưng bù
lại tui vẫn lên lớp được là nhờ các môn khác kéo, đặc biệt là môn toán. Sau này
ai cũng ngạc nhiên vì “thằng Sáng mà cũng viết được văn”. Ngay cả tui cũng
không nghĩ mình được người khác gọi là nhà văn.
* Vậy điều
gì khiến ông cầm bút?
- Cuộc sống.
Chính cuộc sống nó thôi thúc mình phải viết một cái gì đó cho bớt buồn phiền.
Còn với tui, chuyện hay - dở tùy thuộc vào vấn đề mình biết có rành hay chỉ lớt
phớt. Cái gì tui biết rành thì viết hay, không biết thì viết dở, thế thôi.
* Nhưng
nhiều người cũng sống như ông, cũng biết như ông sao họ không viết văn?
- Tui từng
nói nhà văn còn do bản năng quyết định tạo thành. Cùng nhìn, cùng nghe là một
chuyện song bản năng của nhà văn sẽ thôi thúc hắn phải suy nghĩ, phải tưởng
tượng. Cho nên không phải học giỏi văn là có thể trở thành nhà văn khi thiếu óc
tưởng tượng. Tui thành nhà văn hay không đều nhờ tự học cộng với tưởng tượng.
Việc cuối cùng là phải viết lên giấy, diễn đạt ra sao để chuyển tải hết ý của
mình.
* Như trên
ông vừa nói muốn viết hay thì phải rành vấn đề đang viết, vậy “muốn rành” có
đồng nghĩa với “phải học” không?
- Xét ở khía
cạnh nào đó thì giống nhau nhưng nó vẫn khác. Cho đến những năm sau này tui vẫn
viết bằng vốn sống của thời niên thiếu. Tui nói tui nghèo không ai tin vì “lý
lịch gia đình” tui có ba là chủ tiệm vàng, những năm 30 thế kỷ trước nhà tui đã
có xe hơi. Nhưng thời cuộc loạn lạc khiến tui từ “cậu ấm” thành “thằng nhóc”
bán thuốc lá dạo, học hành chỉ đến lớp 7. Do lăn lóc khá sớm khiến tui rành
nhiều thứ để viết lại sau này.
Tui học lớp
7 nhưng tui học được nhiều lắm, học đây tức là tự học, là đọc. Sau năm 1954 tập
kết ra Bắc tui mới có điều kiện đọc nhiều hơn. Đọc ngày chưa đủ đọc đêm. Đọc và
tự hỏi vì sao chỗ này nó hay, vì sao chỗ kia nó dở để rút kinh nghiệm. Thậm chí
đang đọc câu chuyện của người này, người kia nhưng bỗng lóe sáng câu chuyện của
chính mình.
* Cái sự đọc
là học của ông đem ra ứng dụng như thế nào?
- Hiệu quả
chớ sao! Văn xuôi thì tui tạm không nói, tui muốn nói về biên kịch phim. Các
phim Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang tui biên kịch… đều do tui thường
xuyên đi rạp xem phim rồi về nhà thắc mắc tại sao nó hay thế rồi bắt tay vô
viết kịch bản. Những năm đó, nhà nước cho nhiều người đi Nga học điện ảnh nhưng
tui đâu được vậy.
* Thưa nhà
văn, giờ ông đã trở thành “ông nội, ngoại”, ông thấy con, cháu trong nhà học văn
ra sao?
- Nhiều lần
đi họp phụ huynh tôi bị cô giáo mắng vốn: “Con ông học văn dở ẹc”. Bị mắng vốn
nhiều lần nên tui bực mình: “Cháu nó viết theo ý cô hay theo ý nó? Theo ý cô
thì giỏi còn theo ý nó thì dở à!”. Con tui một lần được 9 điểm văn do đề bài ra
“Em biết gì về nhà văn Nguyễn Quang Sáng”. Thì như tui đã nói, không biết làm
sao viết hay, nhất là viết theo “cái sự biết” của người khác.
* Được biết
tửu lượng của ông rất cao, xin hỏi ông biết uống rượu từ lúc nào?
- Năm 1951,
tết năm đó bạn học cũ gặp nhau bắt buộc mỗi thằng phải cạn 1 ly cối rượu đế.
Tui bịt mũi quất cái ực tỉnh bơ trong khi mấy đứa khác ngả nghiêng hết. Trước
đó, tui chúa ghét ông anh ruột hay say xỉn chứ đâu nghĩ mình cũng thuộc loại
“thần sầu”. Nhưng mà tui không quá đà à nhe, luôn luôn biết chừng mực.
* Ngòi bút
của ông cũng gần “thọ 60 năm”, vậy ông thấy cái gì cản trở các nhà văn trẻ bây
giờ viết hay?
- Phân tâm.
Anh em trẻ bây giờ bị phân tâm nhiều thứ quá nên viết khó hay. Hình như người
trẻ chỉ viết văn khi rảnh rỗi còn không thì bao nhiêu thứ đeo bám suy nghĩ,
thời giờ của họ suốt ngày. Tôi thấy cái đó cũng vượt qua được khi họ biết sống
trung thực với chính mình.
* Câu hỏi
cuối, hồi trẻ ông yêu như thế nào?
- Các bạn
bây giờ yêu ra sao thì hồi đó tui cũng yêu như vậy. Khác chăng là hình thức chứ
“nội dung yêu” vẫn như cũ. Nhưng tui không nói chi tiết vì rằng mối tình nào là
mối tình đầu và đâu là tình cuối thì chỉ có trời mới biết.
* Xin cảm ơn
nhà văn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét