47. Đào
Hồng Cẩm
(1924-1990)
Bắt đầu từ lão nghị hụt
Cầm dao giết mạng người
Chị Nhàn phải đi bước nữa
Lấy đại đội trưởng của tôi
Cuộc đời mấy phen nổi gió
Phải đem tổ quốc thề bồi
Lần này ông ra ứng cử
Chắc hẳn là trúng nghị viên thôi.
Xuân Sách
Đào Hồng Cẩm - Khắc tạc hình tượng anh hùng
chiến trận trên sân khấu
09 Tháng Bảy 2007 | 453 lượt xem
Các kịch phẩm "Chị Nhàn", "Nổi gió", "Tổ
quốc", "Đại đội trưởng của tôi"… của kịch tác gia Đào Hồng Cẩm
là những khúc hùng ca bi tráng tôn vinh hình tượng con người Việt Nam đẹp nhất
trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta.
Trong
những ngày nắng lửa tháng bảy này, kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ
(1947-2007), những khán giả yêu sân khấu và giới kịch nghệ lại nhớ tới nhà văn,
nhà viết kịch quân đội Đào Hồng Cẩm, người suốt đời cầm bút viết về chiến sĩ
nơi tuyến đầu, đặc biệt đã xây dựng thành công hình tượng anh hùng chiến trận,
những người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp độc lập tự
do của Tổ quốc, sống mãi cùng năm tháng, sống mãi trong lòng nhân dân. Những tác phẩm tiêu biểu của ông đã được Nhà
nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật năm 1996.
Đào Hồng Cẩm tên thật là Cao Mạnh Tùng sinh năm 1924 tại xã Hải Phú, huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Bút danh Đào Hồng Cẩm là ghép tên ba người chị gái của ông. Năm 1947, đang là thầy giáo một tỉnh miền núi, chàng trai thư sinh ấy đã nhập ngũ, trở thành anh bộ đội đi phá bốt công đồn. Vừa cầm súng anh lính trẻ vừa tích cực tham gia sinh hoạt sân khấu lửa trại của đơn vị. Sự ham mê đầu đời đã được phát huy trong thời gian ở đoàn văn công Đại đoàn 308 nổi tiếng. Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và đời sống chiến sĩ nơi đối đầu với kẻ thù xâm lược đã ùa tràn vào tâm hồn người nghệ sĩ- chiến sĩ Đào Hồng Cẩm, là chất liệu hiện thực dồi dào làm nên những tác phẩm kịch xuất sắc sau này của nhà văn quân đội tài năng ấy.
Năm 1961 tác phẩm “Chị Nhàn” xuất hiện trên sân khấu kịch nói Tổng cục Chính trị, gây tiếng vang rộng lớn trong dư luận. Đào Hồng Cẩm trở thành một tác giả kịch nghệ nổi tiếng. Nhàn là một cô du kích chiến đấu ở làng quê, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh thật éo le. Lòng yêu trọn vẹn giành cho Đức, hai người đã từng hẹn ước. Sau đó Đức đi bộ đội. Vì yêu cầu của cách mạng, ở quê Nhàn phải lấy Phú, một lính nguỵ, cháu ruột của tên ác gian Chánh Tòng. Bao nhiêu vật vã trong cuộc đời người nữ du kích.
Trận công đồn phối hợp với bộ đội tiêu diệt địch, Nhàn đã ngã xuống bởi phát súng bắn lén của Chánh Tòng. Chị trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của người yêu giữa ngày làng quê giải phóng… Chuyện kịch chân thực và cảm động. Nhân vật Chị Nhàn lưu giữ mãi trong tâm tưởng người xem, hơn 1500 buổi diễn vẫn chưa thoả mãn sự mến mộ của khán giả. Có thể nói Chị Nhàn là hình tượng người anh hùng liệt nữ tiêu biểu trong những kịch phẩm viết về thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1964 nhà viết kịch quân đội lại thành công vang dội với tác phẩm “Nổi gió”. Nhân vật trung tâm cũng là phụ nữ, chị Vân. Khác với chị Nhàn trước kia có chồng lầm đường theo giặc, chị Vân chồng là người kháng chiến cũ bị kẻ thù thủ tiêu. Với tội danh “vợ cộng sản” chị Vân phải sống trong vòng kìm kẹp đến ngạt thở. Không chịu nhẫn nhục, chị Vân đã cùng bà con vùng lên đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Dù bị chúng dã man đốt cả mười đầu ngón tay người phụ nữ kiên cường ấy vẫn làm cho bọn giặc khiếp sợ. Trước cái chết chị Vân khảng khái thét vào mặt chúng: Mày tưởng tao sợ chết à! Không, dù có cố tình nhắm mắt lại, chúng mày cũng đã phải thừa nhận rằng hàng chục triệu đồng bào của tao đã vùng dậy. Tao có bị giết thì rồi bão táp cách mạng cũng sẽ quật cổ chúng mày xuống!
Chuyện kịch xảy ra tại một vùng thuộc Nam bộ vào khoảng giữa năm 1957, thời kỳ địch điên cuồng chống phá hiệp thương tổng tuyển cử, ráo riết khủng bố trắng, triệt phá cơ sở cách mạng. Hình tượng Chị Vân chói ngời trong thời kỳ đen tối ấy gieo vào lòng người xem niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi ngày mai… Kịch bản “Nổi gió” sau chuyển thành tác phẩm điện ảnh càng có sức sống mạnh mẽ, sâu rộng tới đông đảo công chúng. Sự hy sinh của những người như Chị Nhàn, Chị Vân… từ hiện thực cuộc kháng chiến gian khổ, thần thánh của dân tộc trở thành hình tượng “chim báo bão”trên bầu trời sân khấu nước nhà thập niên 60 thế kỷ trước…
Sau thành công của “Chị Nhàn” và ‘Nổi gió”, Đào Hồng Cẩm còn viết những vở đáp ứng yêu cầu thời sự những năm tháng đó, như “Bước theo Anh”, “Một người mẹ”…, nhưng một nỗi niềm cứ đau đáu trong suy tư nhà viết kịch: Tôi đã viết nhiều kịch bản… nhưng chưa phải là kịch về bộ đội ta, các chiến sĩ nơi tuyến đầu. Các chiến sĩ ta có cái gì lớn lắm, tôi chưa hiểu thấu! Chính từ suy tư ấy, niềm đau đáu ấy đã thôi thúc Đào Hồng Cẩm vào tuyến lửa, sống và chiến đấu nhiều năm tháng cùng chiến sĩ ở thời điểm khốc liệt nhất của chiến trường chống Mỹ. Những trang bản thảo kịch phẩm “Tổ quốc” và “Đại đội trưởng của tôi” đã hình thành ngay trong bom rơi đạn nổ ầm ã suốt ngày đêm. Được tận mắt chứng kiến tinh thần quyết chiến “nhằm thẳng quân thù mà bắn” của quân dân ta, khóc nức lên trước những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sỉ trẻ, hình ảnh những anh hùng chiến trận cứ ngời lên, sáng chói... Cùng với Xuân Đức, Đào Hồng Cẩm đã tái tạo sống động cuộc chiến đấu ác liệt chưa từng thấy trên thế giới này trên mảnh đất Vĩnh Linh, nơi ngọn cờ đỏ sao vàng là biểu tượng Tổ quốc thiêng liêng… Đã bao người ngã xuống, đã bao người vùng đứng dậy. Hàng ngàn tấn bom tàn bạo dội xuống tưởng sẽ biến Vĩnh Linh thành vùng đất chết, nhưng ngọn cờ Tổ quốc vẫn ngạo nghễ bay giữa bầu trời nắng lửa… Đất thép Vĩnh Linh vẫn hiên ngang đối đầu với hung thần thời đại!
Năm 1974 Đào Hồng Cẩm viết những trang kịch bản đầu tiên cho thiên tráng ca “Đại đội trưởng của tôi”. Ông bộc bạch: Tôi đã từng viết kịch và kịch tính trong nhiều vở đó đã hấp dẫn tôi khá mạnh. Nhưng chỉ đến lần này tôi đã chảy nước mắt khi viết “Đại Đội trưởng của tôi”. Hình ảnh cao quý của người chiến sĩ của Đảng cầm súng trên tuyến đầu Tổ quốc đã làm tôi rung động. Tôi đã để cho các nhân vật kịch bản giữ nguyên tên của những chiến sĩ đã góp phần xương máu và góp chiến công trên mặt trận mà tôi được sống mấy năm qua…”(TCSK-2/1976). Quả vậy, những sư trưởng Quỳnh, chính uỷ Mậu, đại đội trưởng Hùng, tiểu đội trưởng Thục, các chiến sĩ An, Thắng, Tường, Học… và các nhân vật khác như chính từ tuyến lửa trở về hiện diện trên sàn diễn. Chân thực, sinh động vô cùng. Những phong dáng quả cảm phải ngưỡng mộ, những khoảnh khắc yếu lòng đến rưng rưng, những phút giây đồng đội với đồng đội thương nhau đến thắt lòng… Hình ảnh người chiến sĩ “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” toả sáng, ngời ngợi, sừng sững. . .
Các kịch phẩm “Chị Nhàn”, “Nổi gió”, “Tổ quốc”, “Đại đội trưởng của tôi”… của kịch tác gia Đào Hồng Cẩm là những khúc hùng ca bi tráng tôn vinh hình tượng con người Việt Nam đẹp nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Những người không tiếc tuổi xuân hy sinh cuộc sống, hy sinh một phần xương máu cho thắng lợi cuối cùng, cho cuộc sống hôm nay. Tổ quốc ghi công!Anh hùng liệt sĩ sống mãi trong lòng nhân dân, sống mãi với thời gian…/.
NSƯT Vũ Hà – Theo VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét