Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Chí Linh phong vật chí (30)



                         LÀNG TRỰC TRÌ
                                (kỳ 1)
Dịch âm:
Khoa việt tương thừa diễn thế văn
Trực Trì danh ấp hữu tam Trần
Hộ tào Lễ viên tham thiên chúc
Tướng ấn nhung mao trọng nhất thân
Trú gấm song toàn nhân thế hãn
Thái kỳ lưỡng diệu thánh nhân ân
Ngũ thế thù ân di hiếu tử
Cô thành xướng nghĩa kiến tiên quân
Khuyến trung dĩ đại Ngô hoàng điểm
Từ lộc thiên cam dật lão bần
Chính thị văn gia tiêu nhất thế
Huân danh phong tiết tại nhân văn.
Dịch nghĩa:
Dòng dõi khoa hoạn đời đời nối tiếp
Làng trực trì danh tiếng có ba người họ Trần
Làm quan ở Bộ hộ và Bộ Lễ
Ân tướng cờ nhung tấm thân sang trọng
Hai cha con áo gấm về làng cùng ngày, người đời hiếm có
Một lá cờ thêu câu đối ban cho, nhà vua ân cần
Năm đời đền ơn dành để cho con hiếu
Một thành xướng làm việc nghĩa, được gặp vua ngày trước
Từ bổng lộc, dành làm quan hưu thanh bạch
Khuyên trung nghĩa được nhà vua lục dụng
Chính là nhà văn tiêu biểu thời bấy giờ
Phong tiết công danh người sau còn nghe tiếng
Tạm dịch thơ:
Làng Trực Trì văn khoa lừng lẫy
Nhà họ Trần mừng thấy ba ông
Dự quyền bộ Lễ, bộ Công
Vẻ vang ấn tướng cờ nhung sáng ngời
Hai áo gấm vinh hồi quê cũ
Một cờ thêu ơn chúa gia ban
Năm đời hưởng thụ công ân
Một thành xướng nghĩa trung quân hết lòng
Khuyên trung nghĩa ghi trong quốc sử
Từ lợi danh tìm thú tiêu dao
Một nhà nức tiếng văn hào
Huân danh phong tiết đời sau còn truyền.

Trần Đạo
          Ông là người làng Trực Trì, tục gọi là Rồng, tổng An Hộ, đậu đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Canh Tuất năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Trị đời Lê Trung Hưng, làm quan đến chức Quang tiến thận đại phu, Quang lộc tự khanh, phong tước Nam, sau được phong chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ tả thị lang, phong tước Phương Trì hầu, cho tên hèm là Trung Cẩn.
Trần Cảnh
          Là con của Trần Đạo, đậu đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Mậu Tuất năm thứ 14 niên hiệu Vĩnh Thịnh, làm quan đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Công bộ tả thị lang, phong tước Sách huân bá, cho tên hèm Trung Lương. Khi ông 21 tuổi đậu hương cống, năm 40 tuổi đậu tiến sĩ. Xét lời truyền lại: ông Trần Cảnh lúc nhỏ tên là Thiều, lớn lên tên là Cảnh, tên tự là Oảnh Phủ, sinh giờ Thìn ngày 14 tháng 11, niên hiệu Chính Hòa thứ 5, con bà họ Trần, là vợ cả ông Trần Đạo. Người anh cả ông mất sớm, ông là con trưởng. Khi 1 tuổi, mồ côi bố. Ông chăm học, cùng cậu thứ  du học ở kinh đô, nổi tiếng học giỏi. Hội tập văn quang Thượng ra văn làm ngay tại chỗ. Đề thơ: “Đô dân hạ Ngu Thuấn tức thiên tử vị” (nhân dân mừng Nghiêu Thuấn lên ngôi thiên tử) dùng vần “thiên” và một bài đoan, hẹn đốt hết nén hương là làm văn xong. Thơ ông làm rằng:
Câu phá: Kỷ tại thần lòng dược tại uyên
                         Nhất triêu hỷ kiến tiện phi thiên
          2 câu thực (mất)
          2 câu luận:
                       Bồ địa hân quan hồng nhật xuất
                        Thần kinh khoái đổ tử vân triều
          2 câu kết:
                        Trung quang doãn hiệp tương hà chúc
                        Nguyện hiệu phong nhân chúc đế tiền
Dịch nghĩa:
Bao năm rồng thần nhảy ở nơi vực thẳm
Một buổi sớm mừng thấy được bay lên trời
…………………………………………….
…………………………………………….
Đất Bồ bản (1) mừng thấy mặt trời mọc
Chốn thần kinh (2) vui xem đám mây tía quanh
Hợp với trùng quang (3) biết lấy gì dâng chúc
Xin bắt chước ngoài đất Hoa phong (4) dâng chúc trước vua.
Tạm dịc thơ:
Bao thuở rồng thiêng nhất vực sâu
Ngày nay được thấy thoắt bay cao
…………………………………..
……………………………………
Bồ bản vui xem vừng nhật hiện
Thần kinh mừng thấy đám mây bao
Trùng quang không biết dâng gì chúc
Xin học phong nhân chúc thánh trào.
Quan chấm văn khen ngợi không ngớt. năm ông 22 tuổi, tháng 11 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ nhất, thi đậu tam trường (5) tháng 11 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 thi đậu hương cống (6), tên thứ 2 trên bảng thi văn đều hạng ưu mà quan trường để thứ 2. Mùa xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14, ông thi hội đậu thứ , thi đình văn văn đáng đậu Hoàng giáp chính bảng, vì chút lầm không hợp cách nên tên ở thứ 7. Khi ông làm quan, vì bậc lão thành tự trọng không theo thói tục, nên làm quan lâu năm mà không được đề bạt. Tới khi ra làm quan ở ngoài quận, có nhiều giặc dã, ông được vua ban lá cờ “ Bình nhung đại tướng quân” với một gươm nắp vàng, một ống kính thiên lý, trăm trận xông pha, đến đâu được đó. Khi ông 65 tuổi, lấy cớ tuổi già xin về hưu trí, vừa gặp lúc con út ông là Trần Tiến đậu tiến sĩ, vua chuẩn y cho hai cha con ông về vinh quy cùng một ngày, ai ai cũng đều khen ngợi! Vua ban cho lá cờ thêu đôi câu đối
Kế thế đăng khoa tằng tích hữu
Lưỡng vinh đồng nhật lại kim hy
(Nối đời thi đậu xưa từng có
Cùng lúc vinh quy nay hiếm thay)
          Lại còn bài trướng của triều đình mừng vẫn còn truyền tụng
          Đến giờ dần ngày 5 tháng 6năm Mậu Dần niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19, ông mất tại quê nhà, thọ 5 tuổi.

Ghi chú:
(1)   Bồ Bản: chỗ vua Ngu Thuấn đóng đô ở đó
(2)   Thần kinh: kinh đô của nhà vua, có ý tôn kính
(3)   Trùng quang: sáng láng tưng bừng, nghĩa bóng là nói đức vua Thuấn sáng láng tưng bừng như ánh mặt trời, mặt trăng, ngôi sao.
(4)   Hoa phong: xưa người đất Hoa phong chúc vua Nghiêu bằng câu chúc”Tam đa” là đa phú, đa thọ, đa nam tử nghĩa là nhiều của, nhiểu tuổi thọ và nhiều con trai.
(5)   Tam trường: thi hương có 3 kỳ: nhất trường, nhị trường và tam trường
(6)   Hương cống: người đậu thi hương, sau gọi là cử nhân.

7/2/2014
Đỗ Đình Tuân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...