Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Một lượm lặt thú vị về kinh dịch



TINH HOA ĐẠO DỊCH VÀ VĂN HÓA Á ĐÔNG
(Lượm lặt trong kho tàng trí tuệ Á Đông)

Cái hay cái đẹp của thế gian nhiều vô tận, mà tinh hoa Dịch học và văn hóa Á Đông là những kho báu trí tuệ cô đúc hàng ngàn năm học mãi không cùng... Sở đắc được đôi điều tinh hoa của cổ nhân để lại, mạnh dạn viết ra thay nén tâm hương thành kính xiển dương đạo cao đức cả của các bậc Phật Tổ, Thánh Hiền, đó là tâm nguyện của lòng tôi. Đây là phần khó nói, khó viết, khó hiểu vì Đạo dịch - Đạo phật - Đạo lão đều là tinh hoa trí tuệ siêu Việt của các bậc Đại giác ngộ viên mãn, phải sẵn có tâm "Biến dịch" "Vô thường" "Vô kỷ" "Vô công" "Vô danh" mới đồng thanh tương ứng được, vì rằng Đạo học là "Tâm truyền" là "ý tại - Ngôn ngoại" nên văn từ thuộc về tịnh giới không làm sao biểu diễn được cái động, cái "Biến dịch" mau chóng của Đạo dịch, lẽ "Vô thường" hay "Đạo thường" của Phật và Lão - đó là các bộ "Tâm kinh" "Vô tự" "Tâm truyền" bàn về lẽ tuyệt đối bản thể của vũ trụ - cái "Bản lai diện mục" cao tột của Nhân tâm... đặt trong sự biến dịch - Vô thường Đạo thường của các vị - Nên dùng lời nói nhị nguyên không thể diễn tả. Vì "Sách không hết lời, lời không hết ý" (Dịch kinh) - Cũng vì lẽ đó mà Thiền đề xướng "Bất lập văn tự" lão chủ trương "Hành bất ngôn chi giáo" hay "Ngôn vô ngôn" sự bất thường biến dịch của Âm dương, vạn vật không thể lấy mãi một hình thức nào làm điểm yếu "Bất khả vi điểm yếu"... Trời có nói gì đâu mà cứ hết ngày đến đêm... hết xuân sang hạ... mãi tuần hoàn - biến cùng bất biến - dịch cùng giao dịch - quân bình - qui củ - lặng lẽ trong Thái Không vạn vật phải tùng theo guồng máy vô thanh vĩ đại đó.
Sự huyền vi của Dịch thật bao la rộng lớn - Cổ nhân đã hiểu rõ và trân trọng: Dịch là một "kỳ thư" bao gồm mọi nguyên lý: Sinh - Thành - Suy - Hủy của vạn vật. "Dịch quán quần kinh chi thủ" Là quyển sách đầu não bao quát tất cả mọi kinh sách của nền văn học nghệ thuật và khoa học của Trung Hoa. Nghĩa chính của Dịch là "biến" mà là ''biến hai chiều xuôi ngược'' - Tương đồng với "Vô thường" "Đạo thường" của Phật và Lão - phản ánh sự vận động không ngừng nghỉ (Trong từng Sát Na) của vũ trụ và vạn vật - nên đọc Dịch - Phật - Lão mà "chết" Trong lời là chưa biết đọc. Phải hiểu rõ 4 chữ Thời - Vị - Trung - Chính thì đọc dịch mới thông trong hệ từ viết "Dịch cùng tắc biến - biến tắc thông - thông tắc cửu" mà sự biến thiên theo luật "Cương nhu tương dịch" "Âm tiệm tiêu - Dương tiệm trưởng - Dương tiện tiêu - Âm tiệm trưởng".
Học dịch để biết chữ "Thời" - "Tùy thời chi nghĩa đại hỷ tai" và "Thời hành tắc hành, thời chỉ tắc chỉ" ''Không thái quá, không bất cập'' vì ''vật cùng tắc biến - vật cực tắc phản''... Người quân tử dùng không đúng thời, đặt không đúng chỗ, sẽ không dùng được chỗ nào hết - trái lại tiểu nhân mà đặt đúng chỗ dùng đúng thời vẫn đắc dụng. "Chu Dịch nhất bộ thư, khả nhất ngôn, nhi tế chi viết thời" Toàn bộ chu dịch có thể tóm một lời là chữ Thời mà thôi.
Đắc thời vị trung chính là quân tử phùng thời đắc dụng - đắc thời vị mà bất trung bất chính là tiểu nhân phùng thời đắc dụng. Vậy học dịch cần nghiên cứu tiên thiên và hậu thiên của Hà Đồ và Lạc Thư. Đó là học cái Đạo "Nội thánh - Ngoại vương" mới rõ được "cái thể" và "cái dụng" của dịch - để thấu cái đạo xuất - xử ở bất cứ hoàn cảnh nào. Hà đồ dùng trong đạo "Tu thân giải thoát" - Lạc thư dùng cho đạo xử thế "Khai vật thành vụ" và "Tu - tề - Trị bình".
Lấy vài quẻ trong dịch để minh chứng sự biến dịch cùng lẽ vô thường mà cổ nhân từng vận dụng "Xuất - xử" cho thuận theo cái lý của trời đất cái tình của vạn vật.
          Quẻ Thiên Địa Bĩ
                                      Đồ hình quẻ Bĩ


Chỉ thời vận bế tắc, là sự bất giao hòa âm dương.
Thoán từ viết: Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi quân tử trinh, đại vãng, tiểu lai.
Dịch: Bĩ không phải đạo người "Phỉ nhân" không phải là chính đạo "Lớn đi - Nhỏ lại" Dương tiêu, âm trưởng, trên là càn (dương) thăng - dưới là khôn (âm) giáng, âm dương không giao nhau. Âm thịnh (trưởng) ở quẻ nội (Âm làm chủ) - Dương suy (tiêu) ở quẻ ngoại (Dương là khách)
Đại tượng khuyên gặp thời bĩ người quân tử nên thu cái đức của mình lại để tránh tai họa "quân tử dĩ kiêm đức tỵ nạn, bất khả vinh dĩ lộc" nghĩa là nên ở ẩn không màng danh lợi. Tương đồng với quan điểm Lão Tử: "Tri kỳ hùng - Thủ kỳ thư, tri kỳ bạch - thủ kỳ hắc, tri kỳ vinh - thủ kỳ nhục" (Biết như con trống, giữ như con mái, biết trắng, giữ đen, biết vinh giữ nhục) trong thời hắc ám. Đây cũng là thời bĩ mà tiên sinh Chu Văn An và Nguyễn Trãi đã gặp phải các vị đó đã làm theo đạo dịch "Thiên địa bĩ hiền nhân ẩn" Sống giữa thời bĩ mà vẫn thanh nhàn An Lạc... Người quân tử thất thời nỗi buồn rưng rưng kim cổ...
          Lại lấy quẻ Địa thiên thái trong dịch để xét chữ Thời
                                     Đồ hình quẻ Thái

Thái là khí âm dương giao hòa, thông thuận khôn là âm giáng - càn là dương thăng.
Thoán từ viết: Tiểu vãng - đại lai, cát, hanh.
Dịch: Thái là cái nhỏ (âm) đi - cái lớn (dương) lại tốt hanh, thông.
Theo cách giảng của Cụ Phan Bội Châu - Khôn là âm nhu (Là tiểu nhân) - càn là Dương cương (là quân tử) - quẻ thái là tượng tiểu nhân (Âm) tiêu mòn - đạo quân tử (dương) đang lớn mạnh. Trong dương cương (là chủ) - ngoài âm nhu (là khách). Đây là thời của chính đạo, là thái bình, thái hòa, là sự phồn thịnh của thời hoàng kim - người quân tử được đắc dụng. Là sự biến dịch kết thúc cái cũ - để hóa sinh cái mới tốt đẹp hơn "Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai" vậy. Nhờ thời thái mà các vị Phật Tổ, Thánh Hiền mới xiển minh được chính đạo, để lại cho hậu thế những lâu đài trí tuệ Hùng vĩ nguy nga, cái hay cái đẹp của nhân tâm - đạo đức trong thế gian mới được biểu dương cổ vũ... Kìa phật tổ trí tuệ viên dung cao tột là Đại Hùng - Đại Lực - Đại bi. Dạy chúng sinh vô ngã vô thường... để cuộc đời an vui, hoan hỷ, chẳng mảy may hệ lụy lợi danh. Và Lão Trang chủ trương vô vi thanh tĩnh, là: Vô công - Vô kỷ -  Vô danh giữa cõi đời ngùn ngụt, đua tranh, dạy thế nhân ung dung tự tại - tâm thanh nhàn tiêu dao cùng biển rộng trời cao ... Đây văn nhân tài tử đức hạnh viên dung, nhờ thời thái điểm tô Càn - Khôn thêm đẹp - trời đất giao hòa vạn vật rực rỡ xanh tươi... thời thái là thời hoàng kim vậy.
Tiếp theo xin lấy quẻ Trạch Sơn hàm
                             Đồ hình quẻ Hàm
Thoán từ viết: Hàm hanh lợi trinh, thứ nữ cát
Dịch: Giao cảm thì hanh thông, giữ đạo chính thì lợi, lấy con gái thì tốt.
Giảng: Đất trời cảm nhau thì vạn vật hóa sinh - con người cảm nhau thì nhân loại hòa bình, vạn vật thông suốt. Thiếu nữ (Đoài) ở trên. Thiếu nam (Cấn) ở dưới hạ mình cầu cạnh là chính đạo - ngược lại thì là bất chính.
Nay ta xem cụ Nguyễn Duy Cần xét quẻ hàm theo bình diện khác "ở quẻ hàm kinh dịch lời tượng có câu: "Sơn thượng hữu trạch, hàm, quân tử dĩ hư thụ nhân" quẻ trạch sơn hàn tức là hình tượng trên núi lại có chằm (Đầm) nước. Trên núi mà có nước là nhờ có cái "Lòng trống không" (Hư vô) mới chứa được nước.
Người quân tử xem tượng ấy mà ngộ rằng - Lòng có hư không, nghĩa là không chấp chứa thành kiến nhị nguyên, chia phân thị phi thiện ác, vinh nhục... thì mới có thể dung nạp được thiên hạ.
Trong cổ ngữ thường ví: "Lòng thái sư rộng như biển cả" là nói về đức quẻ hàm vậy. tương đồng với "Dĩ đức báo oán" của nhà Phật. "Dụng tâm nhược kính" (Chí nhân dụng tâm nhược kính) của Trang Chu: Hãy để tâm mình như chiếc gương trong, phản ánh khách quan mọi sự vật, nhưng không tàng trữ một hình ảnh nào dù tốt hay xấu nhà Thiền gọi là "Pháp môn bất nhị" bao dung vạn vật, vị tha tất cả, như bà mẹ hiền thương cả đứa con hư, đó là lòng đại từ bi, năng hỷ xả của bậc bồ tát. Cổ nhân có nói: "Nuốt được cái cay đắng trong cái cay đắng mới làm được hạng người trên loài người" hay "Khí tượng như chim phượng hoàng, liệng trên mây xanh thì những lợi hại cỏn con không động được tâm nữa" Học dịch, nên tùy thời mà luận quẻ...
Tiếp theo là xem xét:
                             Quẻ ly 
                              Đồ hình quẻ Ly (đơn)
                              Quẻ khảm
                                      Đồ hình quẻ Khảm (đơn)
Mà thánh nhân gọi là đạo cương - nhu, vận dụng trong xử thế. Quẻ ly 2 hào dương bao ngoài, còn hào chính - trung là âm nghĩa là: "Ngoại thực, nhi trung hư" Thể của nó là âm - mà dụng nó là dương (Cương đạo) Tượng của nó là Lửa. Theo phân tích của tâm lý học - bên ngoài tỏ ra, cương cường, thô bạo, nóng nảy bao nhiêu - là sự biểu hiện mất tự chủ, yếu đuối - ở bên ngoài phô trương hào nhoáng rực rỡ, thường thì bên trong thiếu hụt kể cả đạo đức, bản lĩnh, trí tuệ... "kẻ nào phô mình ra ánh sáng thì kẻ đó không sáng" những người đó còn bị ngoại vật sai xử. Chưa thắng được bản ngã của mình.
Quẻ khảm: 2 hào âm bao ngoài, còn hào chính trung là hào dương, nghĩa là "Ngoại hư nhi trung thực" thể của nó là dương, mà dụng nó là âm (Nhu đạo) tượng của nó là nước. Theo tượng quẻ ta có thể luận rằng những người bên ngoài luôn mền mỏng, bao dung, độ lượng gặp hiểm nguy, nghịch cảnh, oan trái... vẫn ung dung, điềm tĩnh, thản nhiên như không có việc gì, người đó bên trong có sức mạnh phi thường... Luận về những bậc đại dũng Tô Đông Pha nói: "Thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ gặp việc ngang trái cũng không giận" đó là bậc đại dũng. Họ là những người đã thắng được bản ngã của mình. Nên ngoại vật không tác động được tâm họ nữa... Trái lại " Khi bị xúc phạm thì rút gươm xốc đánh" Đây là cái dũng của tiểu nhân vậy.
Lối xét người của cổ nhân thật tinh tường thấu đáo và dùng quẻ ly (Hỏa) Tượng cho cương đạo. Quẻ khảm (Thủy) tượng cho nhu đạo, mà "Nhu nhược thắng cương cường" "Bất tranh nhi thiện thắng".
Thật vậy: Tiếng thét của Trương Phi dù đuổi được trăm vạn quân Tào - nhưng không chịu được cái cười lạnh lùng của Khổng Minh Gia Cát. Những kẻ chau mày nghiến răng đâu đáng sợ bằng những kẻ im chẳng đãi đằng...
Tiếp theo ta xem xét quẻ Lôi Phong Hằng
                             Đồ hình quẻ Hằng
Cổ nhân thường lấy quẻ Hằng để nói về sự lâu dài, hanh thông, hòa hợp - tượng trưng cho đạo vợ chồng.
Thoán từ: Hằng Hanh, Vô cữu, lợi, trinh, lợi hữu du vãng.
Giảng: Chấn (Trưởng Nam) Dương Cương ở trên - Tốn (Trưởng nữ) Âm nhu ở dưới - chấn động trước - tốn theo sau (phu xướng - phụ tuỳ) thế là thuận đạo nên được lâu dài, xét các hào trong quẻ, 3 hào âm tương ứng với 3 hào dương (1-4,2-5,3-6) Đây cũng là hợp lẽ âm dương, vợ chồng, chấn là sấm, tốn là gió cả 2 đều ở trạng thái động mà vẫn trung hòa, cân bằng (trong sự biến dịch - giao dịch - bất dịch) thật minh triết đạt cái lý của trời đất - thấu tình vạn vật. Trong nhân gian và vũ trụ sự sự vật muốn được dài lâu thì phải động biến mới thông.
Âm dương tương ứng - dương xướng âm họa mà vẫn giữ được trung chính là hợp thiên đạo và nhân đạo vậy.
Cụ Nguyễn Duy Cần phân tích quẻ hằng ở góc độ khác: "Người đắc đạo là người luôn luôn sống trong hiện tượng" của "thiếu dương" lấy quẻ chấn làm cơ bản (nhất dương sinh thuộc về hướng đông) chấn là lôi, đối phương là tốn là phong (gió) lập thành quẻ lôi phong hằng "hằng" theo dịch là tượng trưng con người đắc đạo, luôn luôn chí động, nhưng động trong tĩnh (hằng) đó là nghĩa của lẽ hằng trong cái chuyển (Tĩnh trong động).
Người Trung Hoa dùng quẻ hằng (Lôi phong hằng) để ám chỉ bậc hiền giả. Hạng người ấy đâu phải (như người ta hiểu) là một kẻ thản nhiên bất động (vô vọng) mà thực sự họ như gió to giông lớn, trước ngọn cuồng phong ấy không một vật gì đứng vững nổi, và người ta cũng không thể nào biết chặn đứng được nó chỗ nào. Họ là sấm sét (Lôi) chỗ nào cần phải nổ thì nổ, không trung nhờ thế mà được trong sạch (không còn vấn vương âm khí) nói theo Lão Tử, họ là đạo trời "Tổn hữu dư - Bổ bất túc" (Bớt chỗ thừa, bù chỗ thiếu) để lập lại quân bình trong trời đất - xã hội, luôn luôn thay đổi để thích ứng kịp với các hiện tượng biến đổi ở bên ngoài "Nội ngoại tương dịch" và "Duy biến sở thích", vì vậy, dịch lý dạy ta cách sống lâu mà không già (Trường xuân cửu thị hay bất lão) tức là phải biết "Sống trong hiện tại".
Qua phân tích một số quẻ dịch cùng những điều lượm lặt được. Tôi tâm đắc cái nghĩa "Tùy thời" của đạo dịch, lẽ "vô thường" trong đạo Phật "Vô vi" "Vô kỷ" "Vô công" "Vô danh" của Lão Trang...
Cõi đời mênh mông, lòng người ngùn ngụt, âm dương phản phúc vô thường... đâu là "Sông mê - Bến giác" là "Thoát tục - ly trần" là "Nhục vinh - họa phúc" là "Thanh trọc - Thánh phàm" là Thấp cao - Sáng tối" là "Hoa trước gương - Trăng dưới nước" đâu là mộng hão huyền bào ảnh thế gian...
May nhờ ân đức cổ nhân đôi điều rạng tỏ... nguyện gắng công tu tập tích lũy phúc lành để khi rời "quán trọ cuộc đời"... lâng lâng chút hành trang phúc thiện mang theo, hoan hỷ kính dâng bái tạ Chư Phật - Thánh hiền cùng Tiên Tổ./.
                                                          Sao Đỏ 26/5/2012
                                                           Phạm Khắc Uyên 

7/8/2012
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...