Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Chìa khóa ngôn ngữ 3


                                     
Trong bài thơ “Cùng chia sẻ” của tôi họa lại thơ ông Tạ Anh Ngôi có cái câu kết “Sống đẹp làm nòng:LẼ ÁI NHÂN”. Cái chữ “ái nhân” này có lẽ vì người Việt ta ít dùng nên tác giả mới nhờ ông Thanh Dạ “Kính thư” lại một thắc mắc như thế này: “ Chữ nòng trong Lẽ Ái Nhân / Xin thày giảng giải cho dân xóm hiều (hiểu)”. Tôi cũng đã  trả lời trong “nhận xét 2” ở cuối bài thơ ấy rồi. Nhưng đêm nằm vẫn chưa thấy yên tâm, nên thức giấc vội phải viết thêm “Chìa khóa ngôn ngữ 3” để nói được rõ hơn về điều này.
Thực ra thì “nòng” chỉ là một từ thuần Việt. Tôi nghĩ tự nhiên ai cũng hiểu rồi mới phải chứ ? Sao ở đây các nhà thơ lại phân vân? Nhưng mà chưa hiểu thì cứ mở “Từ điển tiếng Việt” ra tra cứu là rõ ngay thôi. Cũng có thể là do các quý vị nhà thơ chưa mua từ điển, hay còn có ý háy hó gì đó cho rằng Đỗ Đình Tuân viết sai chính tả chăng? Vậy thì tôi xin phép được tra cứu “Từ điển tiếng Việt” giúp các vị. nòng  là một danh từ có các nghĩa như sau: 1. Lõi của một số vật. 2. Bộ phận của súng, hình ống, nơi viên đạn được phóng ra. Ngoài từ nòng “Từ điển tiếng Việt” còn ghi thêm hai từ nòng cốt, nòng cột đều có nghĩa như nhau là “bộ phận chủ yếu, làm chỗ dựa vững chắc cho các bộ phận khác xung quanh nó” (hết trích).
Thực ra trong câu ấy  cái chữ “vướng tai” nhất chính là từ “ái nhân”. Bởi trong tiếng Việt ta rất ít dùng từ này. Có ái quốc, có ái dân, có ái xuân, có ái vân mà lại không mấy nói ái nhân. Nhưng các thánh nhân bên Trung Quốc ngày xưa thì có dùng. Chẳng hạn Trang Tử giải thích về “lòng nhân” như sau: “爱 人 利 物 之 調 仁” (ái nhân lợi vật chi điều nhân): yêu người và làm lợi cho vật đều là lòng nhân cả. Nhưng tôi dùng lại mà đọc cũng tự thấy cứ vương vướng cái lỗ tai như thế nào ấy. Nghe không xuôi. Trong trường hợp cụ thể của tôi có thể lựa chọn một trong ba từ: Đức nhân, chính nhân hoặc ái nhân. Đức nhân thì giáo huấn dạy đời. Chính nhân thì cao ngạo, mà ái nhân thì vướng tai. Tôi chọn “ái nhân” là để cố tránh đi những từ đời đã quen dùng mà mình lại chưa đủ sức tạo ra một nghĩa mới, thì rất dễ sáo mòn, sơ cứng.
Đó cũng là lý do tôi không thích chơi thơ xướng họa lắm. Bởi vì bản thân thơ Đường luật đã lắm quy phạm khắt khe rồi. Đến quy cách chơi thơ xướng họa lại càng thêm lắm thứ nhiêu khê. Nào là phải “ cùng đề tài”, nào là phải “không được phép dùng lại các từ áp vận”. Có nơi , có cụ còn bảo không những trả vần mà còn phải trả lại cả cú pháp nữa…Vì thế mà làm thơ họa rất dễ bị tắc. Mà đã tắc thì buộc phải “gò vần ép chữ” chứ tránh đi đâu được ? Cho nên không nên sa đà vào thơ xướng họa. Sa đà vào thơ xướng họa tức là tự trói buộc mình và giết chết thơ đi.
Thơ vốn là xứ sở của tự do. Nhà thơ cũng đồng nghĩa với nhà tự do. Người yêu thơ cũng là người yêu tự do. Những ý này tôi đã nói trong Nghĩ về thơ:
Thơ như mây bay ngang trời
Thơ như sóng vỗ trùng khơi…
Chợt thành
Chợt biến
Khi đầy
Khi vơi…

Tâm trí ta
không với tới
Vòng tay ta
không ôm được
Ngẩng đầu
Mắt ngước
Lòng ta vời vợi theo…
Và gần đây trong bài thơ sau:
Sao không?
(Thơ mời họa trên Tri Ân)
Xướng họa giao lưu với bạn bè
Bằng bằng trắc trắc đến là khe
Văn theo khuôn mẫu văn thường sáo
Chữ ép hài thanh chữ dễ què
Voi nhốt trong chuồng voi giống lợn
Hổ giam vào cũi hổ như be
Sao không đánh thức hồn thơ dậy
Lục bát, tự do én xập xòe…?
Đấy là tôi cỏ xúy cho thơ lục bát và thơ tự do, cho sự tìm kiếm đích thực, chứ không phải là cổ xúy cho lối xướng họa bằng thơ tự do và thơ lục bát. Bởi vì xướng họa bằng các thể thơ này thì còn tắc tị hơn cả  xướng họa bằng thơ Đường luật. Xin tạm dừng.

1/12/2011
Đỗ Đình Tuân







Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Làm thế nào để xác định “thơ thật” và “thơ giai thoại”?


Tri Ân vừa mới đưa giai thoại “Bác Hồ đối đáp câu đối và họa thơ”. Sau đó có một bạn đọc nặc danh hỏi bài thơ đó có đúng là thơ của Hồ chí Minh không? Qua đây tôi thấy rằng chắc chắn sẽ có nhiều bạn đọc khác cũng thắc mắc và hồ nghi như thế. Nhất là với Bác Hồ, một nhân vật lịch sử còn rất gần gũi với chúng ta. Bác Hồ lại còn là một lãnh tụ rất hay làm thơ, hay vận dụng ca dao hò vè… nên chúng ta càng dễ tin hơn đó là thơ của Bác Hồ thật. Muốn xác định bài thơ trong giai thoại đó có phải là của Bác thật không, cách đơn giản nhất là căn cứ vào những văn bản chính thức do nhà nước ta công bố. Cụ thể là Hồ Chí Minh toàn tập. Hiện nay  thì chưa thấy có, nhưng nhỡ như Hồ Chí Minh toàn tập cũng còn bỏ sót thì sao?
Theo tôi vẫn có thể căn cứ vào một số điểm sau đây để xác định:
Thứ nhất là căn cứ vào nội dung bài thơ có phù hợp với mục đích chính trị của cụ Hồ Chí Minh hay không? Năm 1946, với tư cách là lãnh tụ tối cao của Đảng, nhưng đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, Bác  đã tuyên bố “giải tán” Đảng Cộng sản. Thực ra là rút vào hoạt động bí mật. Sau đó lại mời đại biểu các đảng đối lập khác cùng tham gia chính quyền. Nguyễn Hải Thần còn được mời làm Phó Chủ tịch nước. Mục đích chính trị của cụ Hồ Chí Minh lúc ấy là đại đoàn kết dân tộc để cố kết lực lượng toàn dân chống giặc ngoại xâm, cứu nước. Vậy thì sao ngay trong lúc ấy, cụ Hồ Chí Minh lại nói vỗ mặt với Nguyễn Hải Thần “Ông biết phần ông, tôi biết tôi” thì còn đoàn kết cái nỗi gì? Cụ Hồ Chí Minh không thể ấu trĩ về mặt chính trị như vậy được.
Thứ hai là căn cứ vào giọng điệu bài thơ có phù hợp với tính cách và khẩu khí của cụ Hồ Chí Minh không? Trong đời thực, cụ Hồ là người rất  khiêm tốn, giản dị và hòa nhã với mọi người. Nhất là đối với các nhân sĩ, trí thức, các bậc cao niên, Bác thường xưng hô một điều cụ, hai điều cụ chứ không ông ông tôi tôi kiểu cá mè một lứa như trong bài thơ họa. Càng rất khó tin cái giọng điệu “làm phách”: “Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi / Cờ tàn mới biết tay cao thấp / Há phải như ai cá đớp mồi”.
Cũng vào giai đoạn này ở Chí Linh cũng rộ lên một câu chuyện Bác Hồ về thăm đền Kiếp Bạc và có đề thơ. Nguyên văn bài “thơ giai thoại” ấy như sau:
Cũng mày cũng mặt cũng anh hùng
Tôi-Bác cùng nhau bạn kiếm cung
Bác giết quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng
Bác có anh linh cười một tiếng
Giúp tôi độc lập chóng thành công.
Mãi đến thời chống Mỹ, nhiều phụ huynh còn hỏi tôi về bài thơ này có phải thật là của Hồ Chí Minh không? Tôi cũng chỉ bằng cứ vào cái giọng điệu phi Hồ Chí Minh của bài thơ mà giải thích là không phải. Sau này đi hỏi thăm một số cụ ở Phả Lại tôi mới biết bài thơ đó là do một nhóm các cụ nhà nho ở thị xã Bắc Ninh làm ra thôi.

29/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Triết lý của chú em đồng hao


Chư vị từ nay chớ vẽ vời
Những nào chụp ảnh với hoa tươi
Mấy cân lòng lợn, vài chai rượu
Bí tỉ anh em sướng kịch đời !

29/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Sao không...?


(Thơ mời họa trên Tri Ân)

Xướng họa giao lưu với bạn bè
Bằng bằng trắc trắc đến là khe
Văn theo khuôn mẫu văn thường sáo
Chữ ép vào khung chữ dễ què
Voi nhốt trong chuồng voi giống lợn
Hổ giam vào cũi hổ như be
Sao không đánh thức hồn thơ dậy
Lục bát, tự do... én xập xòe…?

29/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Cùng chia sẻ


(Họa thơ Tạ Anh Ngôi- ngược vận)

Hội ngộ hôm nay nhớ những lần
Ngày xưa ao ước bước thanh vân
Tim hừng nắng lửa bình minh hạ
Mộng nức hương hoa buổi sớm xuân
Đâu biết cuộc đời nhiều trắc trở
Nào hay sự thế lắm xoay vần
Kẻ may người rủi cùng chia sẻ
Sống đẹp làm nòng: LẼ ÁI NHÂN

28/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Chẳng thể nhàn


Dính nghiệp nông gia chẳng được nhàn
Vườn trên, ao dưới cỏ miên man
Không năng tay cuốc, liền tay xới
Vườn tược hơn gì bãi cỏ hoang.

Dính nghiệp thi thư chẳng thể nhàn
Rừng nho, biển thánh rộng mênh mang
Mắt không năng đọc, đầu năng nghĩ
Tâm huyết, tình yêu dễ nguội tàn.



Thu nhập vườn ao chẳng đáng gì
Đồng rau, đồng mắm đỡ tiền chi
Tha đi, tha lại không đầy lỗ
Được cái chân tay cũng bớt ỳ.

Văn chương ngốn sức, ngốn thời gian
Chỉ để giao lưu với xóm làng
Cầu Phật, cầu Trời cho mấy ý
Di ngôn con cháu chữ hơn vàng.

28/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Vài ý nói thêm về thơ họa hợp cách



Trong cách ăn, cách chơi của các cụ ngày xưa thường có những quy cách rất chặt chẽ. Từ các lối hát đúm, hát ca trù, quan họ…đến chơi thơ xướng họa... Những người tham gia cuộc chơi thường phải tuân thủ rất nghiêm nhặt các quy định ấy. Riêng trong hát ca trù nếu sai quy cách còn phải bị phạt.
Trong các cuộc thi tuyển nhân tài ngày xưa, có một môn thi bắt buộc là thi thơ làm về một đề tài nào đó. Nếu thơ làm sai luật thì sẽ bị loại ngay từ vòng đầu. chỉ những bài hợp cách mới được xem xét bình chọn về độ hay dở. Tôi cũng đã từng đọc một tài liệu giới thiệu về một CLB thơ của các cụ nho sĩ ngày xưa ở Thanh Hóa. CLB này hàng tháng cũng tổ chức thi thơ để đọ tài cao thấp với nhau. Những người làm thơ không sạch nước cản cũng bị loại khỏi CLB.  Đủ biết các cụ nhà mình  ngày xưa rất coi trọng phép tắc và luật lệ.  
Còn quy cách chơi thơ xướng họa như thế nào tôi đã giới thiệu ở bài “ví dụ về thơ xướng họa hợp cách” rồi. Sở dĩ tôi phải viết bài ấy vì ở các chiếu thơ Đường hiện nay người ta rất hay chê bôi  dè bỉu nhau về niêm với luật, về quy nọ với cách kia. Chẳng hạn có một tác giả có bài mời họa thế này:
Hội thơ cao tuổi của phường ta
Đoàn kết chung vui tựa một nhà
Sinh hoạt thường kỳ luôn nảy lộc
Thơ ca tháng tháng vẫn đơm hoa
Nam thì sôi nổi thơ cùng nhạc
Nữ cũng tưng bừng múa với ca
Đất nước thanh bình tươi sáng mãi
Sân chơi lành mạnh thật chan hòa.
                                (HV)
Có một ông họa lại như sau:
Sao Đỏ thân thương của chúng ta
Thi hữu bên nhau một mái nhà
Tuổi cao đâu chỉ vui hưởng lộc
Góp cho đời trái ngọt thơm hoa
Phái mày râu say thơ với nhạc
Phái đẹp ngọt ngào điệu dân ca
Sống khỏe sống vui đời trẻ mãi
Nặng nghĩa anh em mãi chan hòa.
                        (NVT)
Và cái bài họa này bị chê rất nhiều: nào là chưa biết làm thơ Đường vì thất niêm, vì đối không chuẩn, rồi chưa biết họa thơ vì dùng lại chữ áp vần của bài xướng (chan hòa)…Nghe thì thấy khó chịu nhưng nghĩ ra thì thấy rất trúng và rất công bằng.  Lời ngay thường hay trái tai mà. Nhưng thường thì những lời chê ấy cũng chỉ xì xèo ở bên ngoài thôi vì phải giữ “hòa khí”. Nhưng nếu không thật lòng thì “hòa khí” cũng chỉ là giả tạo.
Đọc trên Tri Ân tôi thấy nhiều bài thơ họa sai quy cách quá. Chắc chắn là thiên hạ coi thấy người ta sẽ đánh giá các thày chẳng ra sao. Vì thế mới có bài “ví dụ về thơ xướng họa hợp cách”. Cố nhiên đây mới chỉ là nói về quy cách chứ không bàn gì  đến chuyện hay dở cả. Thơ đúng cách chưa chắc đã hay mà thơ phá cách đôi khi lại rất hay.
Sau bài đó ít hôm trên Tri Ân lại thấy xuất hiện hai cặp thơ xướng họa giữa  Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, giữa Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh và đưa một cách rất lửng lơ. Không hề có một chú giải gì về mục đích đưa ra. Điều này đã gây ra những băn khoăn thắc mắc cho người đọc. Thanh Dạ trong lời cảm ơn đã viết: “Còn như trong 02 cặp xướng họa do TRI ÂN đưa lên thì BÀI HỌA vẫn có quyền lặp lại cả những từ,những chữ ÁP VẬN ?”
Tôi xin thưa với ông Thanh Dạ rằng quy cách và luật chơi luôn luôn vẫn là quy cách và luật chơi. Không vì Nguyễn Thị Lộ, Hồ Chí Minh không hợp cách  mà quy cách và luật chơi phải thay đổi theo. Chưa kể mấy cặp thơ xướng họa ấy là rút ra từ giai thoại văn học. Tức là do dân gian bịa ra chứ đâu phải thật sự là thơ của Nguyễn Thị Lộ và Hồ Chí Minh. Những ví dụ ấy để trong giai thoại có nó thì được nhưng tách ra như từng giới thiệu trên Tri Ân thì lại là một sai lầm nghiêm trọng.  Bởi vì nó sẽ làm cho người đọc nghiễm nhiên hiểu rằng đó là thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và Hồ Chí Minh thật. Cứ giở Nguyễn Trãi toàn tập, Hồ chí minh toàn tập ra mà coi (phần ghi tác phẩm ấy) sẽ không thấy những bài thơ ấy đâu.

28/11/2011
Đỗ Đình Tuân




                         

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Cháo ngan



Hôm qua Duy Dự sang chơi
Từ xa đã thoảng thấy hơi cháo gà
Hỏi rằng đãi khách phương xa
Sao không cá chép, ba ba, thịt cầy?
Rằng đoàn khách khó tính thay
Không mê rượu Hóp thịt cầy như ta
Chỉ mê gạo nấu thịt gà
Để thiên lý mã đường xa nhẹ nhàng
Cháo về phố biển Nha Trang
Cháo vào Thanh Hóa, Nghệ An, Tuy Hòa
Lần sau nếu khách lại ra
Tôi chuyển cháo gà thành món cháo ngan.

27/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

HAI Ý THƠ MỚI NẢY


Nói kháy


Hắn “hòa thơ” * nói kháy ta
Coi như những hạt mưa sa ngoài đồng
Hắn “hòa thơ” nói kháy chồng
Coi như những hạt ngoài đồng mưa sa.

*Chữ có 2 âm: một âm là “hòa” thường hiểu là đều cùng, là trộn chung vào. Một âm nữa là “họa” vốn vẫn nghĩa như “hòa” nhưng lâu nay thường hiểu là đáp lại. Nhưng tôi nghĩ hiểu theo nghĩa nào cũng được.

23/11/2011
Đỗ Đình Tuân


Vẫn ham


Vẫn ham lướt mạng
Vẫn ham cuốc vườn
Cột xương sống lỏng
Nên thành như ươn

Vừa cuốc vừa nghe
Sợ đau xương sườn
Vừa đội vừa che
Sợ đầu tai ương

Nghĩ được câu vè
Là vào mạng luôn
Làm được thì khoe
Gọi là văn chương.

23/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Ví dụ về thơ xướng-họa hợp cách



                        

Xướng-họa là một lối chơi thơ thù tạc của các thi hữu nho sinh, nho sĩ ngày xưa. Thể thơ nào cũng có thể xướng-họa được, nhưng do tâm lý “sùng nho, sùng Tầu” mà thể thơ “Bát cú Đường Luật” được sử dụng nhiều hơn cả. Còn một lý do nữa là thể thơ này khá hiểm hóc, dễ “nắn gân” và làm “đo ván” nhau. Cái tâm lý chơi thơ xướng-họa, nhưng ngầm ý là để thư tài nhau để xác định chiếu trên, chiếu dưới vẫn còn khá nặng nề trong các chiếu thơ Đường hiện nay. Ở sân chơi Tri Ân chưa thấy xuất hiện tâm lý này, nhưng đề phòng khả năng thiên hạ trông vào, người ta sẽ dè bỉu, lườm nguýt không hay, nên tốt nhất chúng ta nên làm thơ xướng-họa cho hợp cách. Vả lại muốn làm một bài thơ họa hợp cách cũng không khó khăn gì. Chỉ cần chúng ta đọc kỹ một ví dụ mẫu mực dưới đây là có thể gỡ ra. Đó là cuộc xướng-họa mang tính chất bút chiến giữa hai nhà nho Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị. Tôn Thọ Tường thì hàng Pháp còn Phan Văn Trị thì chống Pháp.

             Tôn phu nhân quy Thục

                                       BÀI XƯỚNG

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng (1)
Ngàn năm rạng tiết gái Giang Đông (2)
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh hồng (3)
Son phấn thà đem dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông (4)
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.(5)
                          Tôn Thọ Tường

                    BÀI HỌA

Cài trâm sửa trấp vẹn câu  tòng (1)
Mặt giã trời chiều biệt cõi đông (2)
Ngút tỏa vầng Ngô in sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm mầu hồng (3)
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông (4)
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng ! (5)
                            Phan Văn Trị

Chú ý:
-Các chữ in đậm là vần, các chữ in nghiêng là chữ áp vần
-Nguyên tắc đòi hỏi một bài họa phải trả đủ vần cho bài xướng, nhưng các chữ áp vần lại không được dùng lại các chữ áp vần của bài xướng. Trong bài họa của Phan Văn Trị ta thấy ông đã trả đủ 5 vần của Tôn Thọ Tường : tòng, đông, hồng, sông, chồng. nhưng các chữ áp vần của Tôn Thọ Tường là: chữ, giang, má, non, bụng. Còn các chữ áp vần của Phan Văn Trị lại là: câu, cõi, mầu, núi, thờ. Phải như vậy mới gọi là hợp cách.
-Cùng là họa vần nhưng cho phép người họa chọn một trong ba cách sau đây:
            1. Họa nguyên vận: Trả đủ vần và đúng thứ tự (1), (2), (3), (4), (5)
            2. Họa ngược vận: Trả đủ vần nhưng ngược thứ tự (5), (4), (3), (2), (1).
            3. Họa đảo vận: Trả đủ vần nhưng thứ tự đảo đi tùy ý người họa.

22/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Tùy cảnh, tùy người…

(Họa thơ Thanh Dạ)




Về hưu tất yếu được an nhàn
Có tính nhưng mà chẳng phải toan
Năm tháng thong dong ngày chẳng hết
Văn chương ngúng nguẩy chữ không tàn
Đám này, đám nọ xơi nhiều món
Hội nọ, hội kia  dự lắm ban
Tùy cảnh, tùy người ta kết bạn
Tình thân sau trước vẫn chan chan.

22/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Quen lạ, mới cũ trong thơ


                                            

Đọc thơ in trên Văn nghệ Hải Dương thấy một âm điệu chung là rất quen thuộc, rất truyền thống. Quen thuộc, truyền thống nhưng không nhàm, không cũ. Nhất là ở cái “đề tái muôn thưở”. Những mối tình lỡ dở thì có lẽ hầu như ở người làm thơ nào cũng có. Nhưng viết được những câu thơ:
Nửa đời
Nhặt giấc mơ hoang
Một đêm vấp nhớ
Bàng hoàng gọi em
(Nửa đời-Thanh Trắc Nguyễn Văn-trang 4, số 112)
Quen trong cái âm điệu lục bát mà lạ trong “giấc mơ hoang”, trong “vấp nhớ”. Câu thơ gợi một nỗi nhớ chợt đến nhưng cồn cào thảng thốt, không cầm lòng được. Điềm tĩnh hơn, ta gặp lại trong thơ Triều vân:
Cuốc kêu da diết hàng tre
Bờ sông khao khát nắng hè phôi pha
Tấc gang đã bậc ông bà
Bâng khuâng lọn gió đồng xa ngược về
(Gần xa-Triều Vân-trang 15, số 104)
Có rất nhiều quen thuộc. Nhưng cái “lọn gió đồng xa ngược về” thì thật lạ. Ở đây ta thấy có đậm, có nhạt; có tản, có tụ; có bồi hồi mà có cả bâng khuâng. Vừa  mơ hồ lãng đãng lại vừa hiện hữu. Những trạng thái lung linh, chập chờn  này của tình cảm, cảm xúc,  có lẽ chỉ có nghệ thuật thơ ca là diễn tả được gọn gàng và hiệu quả đến như vậy?
Nguyễn Ngọc Hưng lại thường trực hơn, thao thiết hơn. Cả trong nỗi nhớ, cả trong lời tự trách đau đớn và đầy tiếc nuối:
Giếng làng
văn vắt gương trong
Dòng sông ơi
nhớ ai
 ròng rã
 trôi

Đáy ao
trăng
lặn mất rồi
Bạc mầu rong dại
trắng đôi mắt khờ

Vọng về
xa ngái tuổi thơ
Còn xanh tiếng sóng ru bờ
miên man…
(Miên man-Nguyễn Ngọc Hưng-trang 6, số 110)
            Trở về chốn cũ, gặp lại ngày xưa, nhưng vắng bóng người xưa, thế là tự nhiên thành bơ vơ, cô quạnh. Cái cảnh ngộ ấy, cái tâm trạng ấy, phổ biến lắm, quen thuộc lắm. Vậy mà đọc “Về thăm núi Thúy” của Vũ Minh Tuấn, ta vẫn thấy những câu thơ rất lạ:
              Đá im lặng thế buồn chưa
 Tường vi lại nở thêm mùa xa nhau.
(Về thăm núi Thúy-Vũ Minh Tuấn-trang 16,số 110)
Đá im lặng là một lẽ tự nhiên. Vậy mà ở đây hình như nó lại thành vô lý không thể chấp nhận được.Hoa cũng thế “Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình” (Nhật ký trong tù-Hồ Chí Minh) mà ở đây tự nhiên “lại nở thêm mùa xa nhau”? Cái lối “cưỡng ép” tự nhiên này tưởng là vô lý, nhưng theo logic của tình cảm cảm xúc thì lại thành hợp lý. Hãy giả như trong chuyến về thăm núi Thúy này, tác giả tình cờ lại gặp được “người xưa”? Cũng rất khó đoán ra những cảm xúc cụ thể, nhưng có nhiều khả năng đá sẽ phải hát, hoa sẽ phải cười…
Hình như ở cái đề tài “cũ rích và muôn thưở” này, nếu cảm xúc chân thành, rồi nhờ tài năng sáng tạo của  nhà thơ, nó được đông kết lại trong những không gian tâm trạng cụ thể và riêng biệt, thì nó thành hay, thành mới lạ. Và cái mới lạ trong sự quen thuộc này mới là cái mới lạ hợp lẽ tự nhiên. Cũng giống như một lớp chồi non nảy nở từ những cành gốc cũ, một lớp người trẻ từng hoài thai, sinh thành và được nuôi dưỡng từ lớp người già. Những cái mới, cái lạ gắn bó với truyền thống này, khi đạt chuẩn của cái đẹp, nó sẽ được định hình và không bao giờ cũ nữa. Còn những cái mới lạ học đòi, vay mượn, những cái mới, cái lạ đứt đoạn với truyền thống,…thì mới rồi lại cũ, cũ rồi sẽ thành rác vứt đi. Nó cũng giống như chúng sinh cứ mãi mãi trầm luân trong bể khổ luân hồi, hết làm kiếp người lại sang làm kiếp trâu, kiếp ngựa…Rất ít có khả năng thoát khỏi vòng kiếm tìm luẩn quẩn.
Ở những đề tài “xê dịch”, thơ in trên Văn nghệ Hải Dương, có nhiều mới lạ hơn. Hình như các nhà thơ Hải Dương đều mang “tâm hồn đồng bằng”, nên khi đi lên miền núi họ phát hiện ra nhiều cái mới lạ lắm. Chẳng hạn:
Đường đồi
Nắng khấp khểnh
Ngã xuống bờ khe
Gượng dậy
Đã hoàng hôn…
(Đường đồi-Thái Bá Lý-trang 35, số 107)
“Nắng khấp khểnh” là cái nắng rất mới, rất lạ, rất cựa quậy. Chưa ai nói thế bao giờ cả. Chu Văn An ngày xưa ở Chí Linh có hai lần nhắc đến nắng nhưng đều là ánh nắng chiều, tuy rất ấn tượng nhưng trầm tĩnh. Một lần là cái nắng soi sáng nửa lòng khe: “Tà dương đạm mạt bán khê minh” (Linh sơn tạp hứng). Một lần là vệt nắng chiều vắt ngang sườn núi: “Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành” (Thanh Lương giang). Cái nắng trong Ngậm ngùi của Huy Cận thì hình như cũng đang đi sao mà vẫn tĩnh tại thế: “Nắng chia nửa bãi, chiều rồi”…Chỉ có cái “Nắng khấp khểnh” của Thái Bá Lý là chật vật quá: trượt chân ngã xuống bờ khe rồi phải ỳ ạch mãi đến tận hoàng hôn mới gượng dậy được. Thái Bá Lý đã làm cho “nắng ngã” để người xem được một “trận cười”, một niềm hào hứng hiếm có.
 Nguyễn Siêu Việt vượt Cống Trời, đinh ninh rằng mình đang thoát tục lên tiên. Cứ nghĩ chắc sẽ gặp nhiều cái mới cái lạ và đẹp như mộng. Nào ngờ lại gặp ngay cái rất quen, rất trần tục: Núi Vú Nàng. Và chàng ta bỗng “sững sờ, xốn xang…” trước cái cặp vú thiên tạo này:
Cặp ngực non trần thế
Cứ vạn năm chẳng già.
(Núi Vú Nàng-Nguyễn Siêu Việt- trang 7, số 104)
Thực ra thì núi Vú Nàng cũng chỉ lạ ở số lượng ít có, lạ ở quy mô ít gặp, chứ vật liệu tạo nên nó chắc cũng chỉ là đất đá? So với vẻ đẹp của những “đôi gò bồng đảo” bằng da bằng thịt ngoài đời thì sao bằng được? Từ hàng nghìn năm trước khi sáng tạo ra chữ diệu (妙) để chỉ sự tinh khéo, thần tình, mầu nhiệm… không thể hơn được, con người đã phải mượn hình ảnh người thiếu nữ để gợi ra ý ấy (chữ diệu gồm chữ “nữ” và chữ “thiếu” gộp lại). Cũng có nghĩa là từ hàng nghìn năm trước con người đã phải thừa nhận cái vẻ đẹp đỉnh nhất chính là cái vẻ đẹp của người thiếu nữ.
            Trần Nhuận Minh có điều kiện đi xa hơn nên “ghi chép ở VANCOUVER” cũng có nhiều sự lạ so với xứ ta nhất. Mầu “cờ Nước” của xứ ấy cũng đỏ nhưng lại là mầu đỏ của lá phong. Mà cuộc sống thì bình yên thân thiện quá:
            Hải cẩu bò lên bến cảng
Bồ câu đậu xuống vai người
Công viên hoa đua nhau nở
Thủ hiến dắt chó đi chơi…

Thành phố trong sương huyền ảo
Dãy nhà óng ánh kim cương
Gấu rừng xin ăn trước cửa
Ngủ đêm xe để ngoài đường…
(Ghi chép ở VANCOUVER-Trần Nhuận Minh-trang 8, số 105)
Người với vật, quan với dân, thiên nhiên hoang dã với văn minh hiện đại  cứ bá vai bá cổ nhau mà chung sống. Con người xứ ấy sao mà thuần hậu, xã hội xứ ấy sao mà an ninh, yên ổn thế? Đọc “Ghi chép ở VANCOUVER” tôi cứ liên tưởng đến xã hội thời Nghiêu-Thuấn. So với xứ ta thấy cái gì họ cũng khác. Có lẽ điều duy nhất họ thua ta là ở xứ họ lại không có anh hùng và chắc cũng ít nhà thơ?
Núi sông không có anh hùng
Bình yên cho mọi tấm lòng, màu da
Thì ra cái kém của họ cũng lại là một cái hơn. Và đó cũng là vấn đề chúng ta đáng suy nghĩ nhất?

Trong tình hình “loạn thơ” hiện nay, đầy rẫy những thứ lạ hoắc, càng đầy rẫy những thứ quen nhàm, đọc thơ in trên Văn nghệ Hải Dương, thấy các nhà thơ tỉnh ta rất hiền lành và điềm tĩnh. Chủ yếu họ vẫn lầm lũi và bền bỉ kiếm tìm trong dòng thơ truyền thống. Tuy không thời thượng nhưng vừa tầm với khả năng của họ và gần gũi với số đông độc giả sẻ chia hơn. Thơ họ có hay và cũng có cả chưa hay. Cũng tất yếu như “nhân vô thập toàn” vậy thôi. Nhưng nhìn chung họ tránh được những xu hướng bất cập hiện thời là quen nhàm và lạ hoắc. Vì thế mà rất đáng đọc.

22/11/2011
Đỗ Đình Tuân





Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Chúc ông anh rể nhà nông Trịnh Viết Kỷ



Nhân ngày nhà giáo
Nhà giáo chúc nhà nông:
Mạnh khỏe
Ngừng đẻ
Cày cuốc hăng
Thu nhập tăng
Phòng thủ tốt
Uống rượu tốt…

20/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Từ một tiết dậy văn



-Em không thể nhận ra thày
Thày gày nhỏ
Thày hom hem quá
Nhưng tiết dậy văn
Hoàng Lê nhất thống chí
Sao thày giảng lại hay đến thế
Đến bây giờ em vẫn nhớ không quên.


-Thày nắm tay trò…
Hỏi thăm lại họ tên
Người trò cũ… thày cũng đâu nhớ nữa
Nhưng âm ỉ một niềm vui
nảy nở:
Nơi hào khí những trang đời, trang sử
Thày trò ta từng gặp gỡ sẻ chia nhau.

16/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Con cóc là cậu ông giời



Cóc ngồi trong hang tối
Cóc ngồi trong góc nhà...
Thỉnh thoảng mới nhảy ra
Để vồ ruồi, đớp muỗi...

Cóc hiểu được lòng giời
Bằng bản năng của cóc
Chỉ một nghiến răng thôi
Trời đang cười bỗng khóc

Dân gian tuyệt vời lắm
Mới gọi Cậu ông giời
Chỉ những người vô cảm
Làm thơ con cóc thôi.

15/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Nghĩ về thơ



Thơ như mây bay ngang trời
Thơ như sóng vỗ trùng khơi…
Chợt thành
Chợt biến
Khi đầy
Khi vơi…


Tâm trí ta
không với tới
Vòng tay ta
không ôm được
Ngẩng đầu
Mắt ngước
Lòng ta 
              vời vợi theo…

14/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011


                           Thơ tươi

Khi đọc thơ, tìm hiểu thơ của đời mà thực chất là tự học để thỏa mãn tính ham mê của riêng mình trên thực tế cũng là tự tích lũy vốn hiểu biết văn chương. Thường thì khi gặp những vấn đề chưa rõ tôi phải đi tìm tài liệu viết về những vấn đề đó để vỡ vạc. Những cái gì mình cho là hợp lý thì lại kiểm chứng lại trong thực tế tác phẩm. Cái công việc tìm tòi đọc đạch ấy đã dần dần hình thành những ý kiến riêng. Chính trên cơ sở những ý kiến riêng này mà tôi viết nghị luận văn chương. Cũng chỉ với mục đích đóng góp một tiếng nói, chứ không dám cả quyết rằng cái gì mình nói ra cũng đúng, hay chí ít cũng hợp lý cả. Khi cần minh họa cho những ý kiến của mình, về cơ bản tôi chỉ sử dụng những tác phẩm thành công và đã được khẳng định. Đôi khi cũng có dùng thơ mình, thơ bạn, những cũng lựa chọn kỹ, chứ không phải bài nào cũng dùng được cả. Bởi vì dẫn chứng không tiêu biểu thì nó làm xụp đổ ngay cả luận điểm của mình, chứ đứng làm sao được. Đó là khi viết nghị luận.
Còn khi làm thơ, thì cứ nảy ra ý gì, hứng gì thì tôi viết về cái ấy. Tôi không quan tâm đến “cấu véo” cái gì cả. Cứ viết tự nhiên. Nó muốn ra thế nào thì nó ra. Nó có thể hay, có thể dở…Kệ nó. Cái gì hay được bầu bạn thích, bản thân mình để lâu lâu rồi mà đọc lại vẫn còn thấy thích thì giữ lại, ghi vào sổ. Đồng thời cũng ghi luôn trong trí nhớ. Bây giờ cao tuổi, trí nhớ giảm sút nhiều thì phải lấy ghi chép làm tin. Còn những bài dở thì vứt đi. Chẳng luyến tiếc làm gì. Với lại tôi cũng chẳng có tài cán gì trong việc làm thơ. Chủ yếu thơ tôi cũng chỉ là chắp vần, kể vè. Cho nên mở đầu bài “Tự bạch” tôi mới viết “Tôi tuy nặng gánh phó thường dân / Không dám làm thơ chỉ ghép vần”. Đấy là lòng thành nghĩ thật, chứ chẳng phải là “khiêm tốn với chả khiêm kém” gì cả. Cho nên ai chê thơ tôi dở thì tôi xin nhận cả.Còn ai khen hay, tôi cũng chỉ xin nhận một tỉ lệ phần trăm nhất định, đủ để “nở mũi” một chút thôi. Cái tạng của tôi là cái tạng hay vui đùa, hay tào lao, tếu táo “Câu đùa, câu thật bỡn người thân”. Mà người đời đâu phải ai cũng thích đùa. Thành thử cũng nhiều lần phải trả giá. Cộng thêm với việc viết nghị luận phê bình, tuy cũng chỉ là viết chung chung giữa đường giữa chợ, nhưng người đọc lại cứ hay liên hệ vơ vào, rồi họ cho tôi là có ý này, ý nọ…Tôi thường rất khó xử với cái mái tóc tôi là vì thế. Tôi không dám để nó dù. Nó dù thì cái mặt còm của tôi trông khác gì mặt khỉ? Nhưng cũng không dám cạo trọc. Cạo trọc thì trông nó lại giống cái mặt “cụ Chí Phèo”. Bởi nó sẽ lộ bem ra không biết bao nhiêu là vết sẹo, dấu vết của những lần va chạm “sứt đầu, mẻ trán”. Nhưng cái nghiệp thế rồi, đành phải thế chứ biết tính sao đây? “Văn chương dẫu chẳng nên cơm cháo / Nghiên bút còn vương chút nợ nần”. Mà đã là “nợ nần” thì tất nhiên phải trả. Chứ chẳng lẽ lại ỳ ra như cái anh Vinashin, để chủ nợ người ta lại phải đâm đơn kiện thì còn ra cái thể thống gì nữa?
Tự kiểm lại thì thơ tôi đa phần là tả thực, là những câu vè vui vui thì đúng hơn. Chẳng hạn bài mới viết nhất ra đời trong một hoàn cảnh thế này. Tôi vừa bật máy tính ra thấy trên Desktop xuất hiện một File mới “Ảnh máy ảnh”. Tôi mở File này ra kiểm tra. Thì ra hôm chú Lượng về đem biếu bố cái xe đạp máy YAHAMA, mới lấy máy ảnh ra chụp lung tung rồi đưa vào đây. Xem những ảnh trong File này tôi thích nhất bức ảnh Minh Hà. Trông nó cười rất tự nhiên làm tôi cũng phải bật cười theo. Hai ông cháu nhìn nhau cười một lúc rồi tự nhiên mấy câu thơ chảy ra:  
Minh Hà cười rất tự nhiên
Sờ mò lục lọi huyên thiên suốt ngày 
Giòn cười lại khóc tươi ngay 
Có Minh Hà xuống nhà đầy niềm vui
(Cháu nội Minh Hà-DoDinhTuan’s blog thứ tư ngày 9 tháng 11 năm 2011).
Giá như ngày trước, những bài thơ như thế này có điên lắm cũng chỉ đọc cho vợ con nghe một lần rồi vứt đi. Nhưng bây giờ thì sẵn có DoDinhTuan’s blog đấy. mà DoDinhTuan’s blog là cái gì? Chẳng qua cũng chỉ là một tờ báo liếp dán ngõ nhà riêng. Nhưng cái ngõ nhà riêng ấy bây giờ lại nối với đường làng ngõ xóm, rồi thông ra đến xã lộ, huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ…đến đại đại lộ thông tin toàn cầu. Cho nên không cần đọc, cứ dán lên đấy là sẽ có người xem. Ít nhất là những người quan tâm đến mình. Cũng có thể thêm vài người vãng lai, do có duyên kiếp gì đó với mình mà dừng lại ngó qua tí chút. Thế chẳng đã vui sao? Vả lại đã sinh ra cái tờ báo liếp ấy thì cũng phải có cái gì mà bôi lên đấy chứ. Không bôi lên thì ai người ta còn ngó ngàng tới nữa? Nhưng loại thơ như thế này tôi chỉ tự gọi là loại THƠ TƯƠI:
Thơ mình là loại thơ tươi
Chung vui đôi chút, cùng cười vài giây
Xin đừng phân biệt dở hay
Phân chia cao thấp béo gầy làm chi
Chóng chầy rồi cũng vứt đi
Kẻ đem đút bếp, người thì vo viên
Mấy ai lắm bạc nhiều tiền
Thuê nhà xuất bản đem in để đời
Để đời, đời mở ra coi
Thấy không bưng mũi, trề môi là mừng.
                                            2008
Nó cũng giống như cá tươi, sau sống. Cứ chế biến cho tươm tất và sạch sẽ. Cho chúng chung cả vào một nồi lẩu nước sôi sình sịch, nhâm nhi chén bát với nhau một bữa cho thật đã. Chúng sẽ nằm trong bụng ta khoảng một đêm. Những cái gì tinh túy béo bổ nó sẽ được cơ thể ta tinh lọc và đưa vào máu thịt. Những cái gì còn bất cập thì cơ thể sẽ thải loại.Nhưng đời vẫn cần những bữa ăn tươi, cần những thực phẩm tươi sống. Thế thì tôi cứ xin vui vẻ mà làm thơ tươi. Có điều đã là thơ tươi thì phải sử dụng ngay. Không được để quá đát. Để quá đát chúng sẽ thành rác thơ. Không dùng được mà lúc ấy chúng còn làm khổ ta. Vậy thôi.

11/11/2011
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...