Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Chìa khóa ngôn ngữ 3


                                     
Trong bài thơ “Cùng chia sẻ” của tôi họa lại thơ ông Tạ Anh Ngôi có cái câu kết “Sống đẹp làm nòng:LẼ ÁI NHÂN”. Cái chữ “ái nhân” này có lẽ vì người Việt ta ít dùng nên tác giả mới nhờ ông Thanh Dạ “Kính thư” lại một thắc mắc như thế này: “ Chữ nòng trong Lẽ Ái Nhân / Xin thày giảng giải cho dân xóm hiều (hiểu)”. Tôi cũng đã  trả lời trong “nhận xét 2” ở cuối bài thơ ấy rồi. Nhưng đêm nằm vẫn chưa thấy yên tâm, nên thức giấc vội phải viết thêm “Chìa khóa ngôn ngữ 3” để nói được rõ hơn về điều này.
Thực ra thì “nòng” chỉ là một từ thuần Việt. Tôi nghĩ tự nhiên ai cũng hiểu rồi mới phải chứ ? Sao ở đây các nhà thơ lại phân vân? Nhưng mà chưa hiểu thì cứ mở “Từ điển tiếng Việt” ra tra cứu là rõ ngay thôi. Cũng có thể là do các quý vị nhà thơ chưa mua từ điển, hay còn có ý háy hó gì đó cho rằng Đỗ Đình Tuân viết sai chính tả chăng? Vậy thì tôi xin phép được tra cứu “Từ điển tiếng Việt” giúp các vị. nòng  là một danh từ có các nghĩa như sau: 1. Lõi của một số vật. 2. Bộ phận của súng, hình ống, nơi viên đạn được phóng ra. Ngoài từ nòng “Từ điển tiếng Việt” còn ghi thêm hai từ nòng cốt, nòng cột đều có nghĩa như nhau là “bộ phận chủ yếu, làm chỗ dựa vững chắc cho các bộ phận khác xung quanh nó” (hết trích).
Thực ra trong câu ấy  cái chữ “vướng tai” nhất chính là từ “ái nhân”. Bởi trong tiếng Việt ta rất ít dùng từ này. Có ái quốc, có ái dân, có ái xuân, có ái vân mà lại không mấy nói ái nhân. Nhưng các thánh nhân bên Trung Quốc ngày xưa thì có dùng. Chẳng hạn Trang Tử giải thích về “lòng nhân” như sau: “爱 人 利 物 之 調 仁” (ái nhân lợi vật chi điều nhân): yêu người và làm lợi cho vật đều là lòng nhân cả. Nhưng tôi dùng lại mà đọc cũng tự thấy cứ vương vướng cái lỗ tai như thế nào ấy. Nghe không xuôi. Trong trường hợp cụ thể của tôi có thể lựa chọn một trong ba từ: Đức nhân, chính nhân hoặc ái nhân. Đức nhân thì giáo huấn dạy đời. Chính nhân thì cao ngạo, mà ái nhân thì vướng tai. Tôi chọn “ái nhân” là để cố tránh đi những từ đời đã quen dùng mà mình lại chưa đủ sức tạo ra một nghĩa mới, thì rất dễ sáo mòn, sơ cứng.
Đó cũng là lý do tôi không thích chơi thơ xướng họa lắm. Bởi vì bản thân thơ Đường luật đã lắm quy phạm khắt khe rồi. Đến quy cách chơi thơ xướng họa lại càng thêm lắm thứ nhiêu khê. Nào là phải “ cùng đề tài”, nào là phải “không được phép dùng lại các từ áp vận”. Có nơi , có cụ còn bảo không những trả vần mà còn phải trả lại cả cú pháp nữa…Vì thế mà làm thơ họa rất dễ bị tắc. Mà đã tắc thì buộc phải “gò vần ép chữ” chứ tránh đi đâu được ? Cho nên không nên sa đà vào thơ xướng họa. Sa đà vào thơ xướng họa tức là tự trói buộc mình và giết chết thơ đi.
Thơ vốn là xứ sở của tự do. Nhà thơ cũng đồng nghĩa với nhà tự do. Người yêu thơ cũng là người yêu tự do. Những ý này tôi đã nói trong Nghĩ về thơ:
Thơ như mây bay ngang trời
Thơ như sóng vỗ trùng khơi…
Chợt thành
Chợt biến
Khi đầy
Khi vơi…

Tâm trí ta
không với tới
Vòng tay ta
không ôm được
Ngẩng đầu
Mắt ngước
Lòng ta vời vợi theo…
Và gần đây trong bài thơ sau:
Sao không?
(Thơ mời họa trên Tri Ân)
Xướng họa giao lưu với bạn bè
Bằng bằng trắc trắc đến là khe
Văn theo khuôn mẫu văn thường sáo
Chữ ép hài thanh chữ dễ què
Voi nhốt trong chuồng voi giống lợn
Hổ giam vào cũi hổ như be
Sao không đánh thức hồn thơ dậy
Lục bát, tự do én xập xòe…?
Đấy là tôi cỏ xúy cho thơ lục bát và thơ tự do, cho sự tìm kiếm đích thực, chứ không phải là cổ xúy cho lối xướng họa bằng thơ tự do và thơ lục bát. Bởi vì xướng họa bằng các thể thơ này thì còn tắc tị hơn cả  xướng họa bằng thơ Đường luật. Xin tạm dừng.

1/12/2011
Đỗ Đình Tuân







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...