Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Chìa khóa ngôn ngữ


                         

Cũng là nhân đọc một bài chủa Thanh Dạ trên trang Blog Thanh Dạ , thấy có dẫn từ điển ra để giải thích về ý và tứ  mà Đỗ Đình Tuân nảy ra cái ý viết bài “Chìa khóa ngôn ngữ”. Cái này thì nó sẽ đi xa vấn đề ý và tứ một tý. Rất có thể nó lại dắt dây, dắt thừng sang những vấn đề khác. Nhưng kệ nó. Bây giờ chúng mình toàn là những kẻ “rỗi hơi” cả, không dùng cái “hơi rỗi” ấy để mà cãi nhau cho nó sướng cái miệng? Chẳng lẽ lúc nào cũng cứ rượu với thịt chó mãi thì cũng ngấy.
Đầu tiên cũng cứ phải quay lại cái gốc xuất phát là ý và tứ. Cả hai chữ này đều là từ gốc Hán. Nghĩa là ta vay mượn của Trung Quốc. Nhưng ta giữ cái âm cổ và việt hóa đi. Loại âm ấy bây giờ chúng ta gọi là âm Hán-Việt. Viết thế nhưng không thể hiểu nó là âm chung của người Hán và người Việt. Mà phải hiểu nó là âm của người việt đọc những chữ có nguồn gốc từ chữ Hán. Cả cái lớp từ Hán Việt này có những chữ ta dùng nghĩa gốc, nhưng không ít chữ ta đã chuyển nghĩa. Thậm chí còn chuyển khác hẳn cả nghĩa gốc đi. Chẳng hạn chữ “độc lập” nếu dùng theo nghĩa gốc Hán thì chỉ có nghĩa là đứng một mình. Nhưng ta đâu có hiểu thế mà vẫn thường hiểu là tự chủ, tự lập, tự quyết định lấy vận mệnh của mình…Chữ “phương phi” nghĩa gốc Hán chỉ có nghĩa là “thơm tho”, vậy mà sang ta nó lại chuyển hẳn nghĩa thành “béo tốt”…rất nhiều và rất nhiều… Riêng hai chữ “ý” và “tứ” thì ta vẫn dùng cái nghĩa gốc Hán. Chữ “Ý”(意) thì trên là chữ “âm”(音) (tiếng nói) và dưới là chữ “tâm” (心) (lòng người) như vậy thì nghĩa gốc Hán (nghĩa từ vựng) của chữ Ý là tiếng nói ngầm ở trong lòng người. Còn để chỉ tiếng nói đã nói ra lại là “ngôn”(言) (lời). Cũng vì thế mà “ý nghĩa” là chỉ cái phần nội dung bên trong. Chữ “tứ”(思) thì hơi rắc rối một chút vì cả về âm và tự dạng đều có phức tạp. Chữ này âm thường đọc là “tư” (không có dấu sắc). và có một khu vực ý nghĩa khá rộng bao gồm cả những sự nghĩ ngợi, lo lắng, nhớ nhung, tưởng tượng… Về tự dạng trước đây viết trên là chữ “tín” (信) chứ (không viết là chữ “điền” (田) như hiện nay) và dưới là chữ “tâm” (心) (lòng người), để có ý chỉ rằng những hoạt động của bộ óc và con tim là có sự liên thông và hòa hợp với nhau. Một âm khác mới đọc là “tứ” (có dấu sắc) nghĩa của chữ “tứ” này gần với nghĩa của chữ “ý”. Vì thế mà chúng ta hay nói “ý tứ”. Nhất là các cụ ngày xưa thường hay dùng “thi tứ” chỉ ý thơ, “văn tứ” chỉ ý văn. Nhưng những ý nghĩa ấy hoàn toàn không phải là “tứ thơ” với tư cách là một khái niệm học thuật trong khoa văn học, như tôi muốn trình bày trong bài “ý và tứ trong thơ”. Xin tạm dừng ở đây, chờ dịp khác rỗi hơi lại bàn tiếp…

31/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Thơ “toạc móng lợn” vẫn hay như thường


      
Đỗ Đình Tuân thì lại thấy có rất nhiều bài thơ thuộc loại kể chuyện, tả cảnh, chính luận…toàn thấy nói “toạc móng lợn” nhưng câu chuyện hấp dẫn, lối kể linh hoạt, hình ảnh sinh động, đẹp đẽ mang sắc thái riêng; ý nghĩa sâu sắc, ngôn ngữ sắc sảo thì vẫn cứ hay. Thậm chí còn được liệt vào hạng bất hủ. Có thể kể ra rất rất nhiều ví dụ cụ thể để minh họa chẳng hạn về thơ kể chuyện như Màu tím hoa sim(Hữu Loan), Núi Đôi (Vũ Cao) chỉ kể lại những câu chuyện tình có thật ở ngoài đời mà lay động và ám ảnh lòng người khôn xiết. Về thơ tả cảnh thì “ Tịch cư ninh thể phú” (Nguyễn Hàng), “Hàn nho phong vị phú” (Nguyễn công Trứ), ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, Chợ Tết (Đoàn Văn Cừ)…Về thơ chính luận thì như “Nam Quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt), Bình Ngô Đại cáo (Nguyễn Trãi), …Ngay cả ở lĩnh vực biểu lộ tâm tư vốn là “địa hạt sân nhà” của thơ trữ tình, vẫn có những bài thơ nói “toạc móng lợn” ra mà vẫn hay đến lạ lùng:
Thương anh em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo anh bán em đi
Lấy anh em biết ăn gì
Lộc sắn thì chát, lộc si thì già
Lấy anh không cửa không nhà
Không cha không mẹ biết là cậy ai?
                              (Ca dao)
Cho nên theo tôi vấn đề có tính chất cơ sở vẫn là phải phân biệt rõ “ý” và “tứ”. Ý thì hầu như bài thơ nào cũng có, còn “tứ” thì chỉ có ở những bài thơ có ẩn ý. Cố nhiên đa phần đọc những bài thơ có tứ thường cảm thấy thích thú hơn, vì trí tưởng của ta được kích thích nhiều hơn. Nhưng thơ hay có nhiều loại. Có bài có tứ thì hay mà có bài không có tứ vẫn hay. Và tất nhiên sẽ có rất nhiều bài thơ có tứ mà vẫn dở, nếu như cái tứ thơ ấy khô cứng và rỗng tuyếch. Nhưng thơ dở thì chẳng ai nhớ được nó cả. Người đọc đọc xong là quên ngay, cho nó đi ngủ với giun ngay. Vì thế Đỗ Đình Tuân cũng chịu không tìm được ví dụ minh họa. Ai tò mò muốn biết thì xin mời ra các nghĩa địa thơ, hiện đang la liệt trên mặt đất. Nhất là ở xứ ta.

29/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Lại bàn về ý và tứ

-->


Đọc Tri Ân thấy có bài tranh luận lại với bài “ý và tứ trong thơ” của Đỗ Đình Tuân. Ở bài ấy Đỗ Đình Tuân mới chỉ nêu khái niệm thế nào là “ý” và thế nào thì lại gọi là “tứ”. Đấy là những khái niệm về cơ bản đã được nhiều người nhất trí rồi. Thanh Dạ đưa ra một khái niệm mới để tranh luận lại như thế là rất tốt. Những ý kiến trái chiều, phản biện bao giờ cũng là những tiền đề để “trí tuệ con người” vận động trong quá trình đi kiếm tìm chân lý. Trong cuộc sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị thì chân lý thường thuộc về kẻ mạnh. Hít le là tác giả nổi tiếng của câu nói “Chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Nhưng chữ chân lý mà Hít le dùng đã chuyển nghĩa và đồng nhất với “kẻ được, kẻ thắng”. Chân lý không còn cái nghĩa nguyên thủy của nó là “lẽ phải” là "sự thật khách quan” không thể không công nhận.
Còn trong khoa học thì lại khác hoàn toàn. Chân lý rất nhiều trường hợp lại không thuộc về kẻ thắng, không thuộc về số đông. Trong suốt thời kỳ trung cổ nhà thờ giữ độc quyền chân lý. Họ khẳng định trái đất hình vuông và là trung tâm của vũ trụ (thuyết địa tâm). Nhưng các nhà thiên văn như Ga li lê, Cô péc nic thì lại khẳng định trái đất hình tròn và mặt trời mới là trung tâm vũ trụ (thuyết nhật tâm). Cả hai nhà bác học này đều bị nhà thờ đưa lên giàn hỏa thiêu vì tội tuyên truyền “tà giáo” chống lại nhà thờ. Vậy là ở thời ấy, các ông là những người thua. Nhưng chính các ông mới là người nắm giữ chân lý. Điều này chứng tỏ một chân lý thực sự là: “Kkông thể lấy máu mà dìm được chân lý”.
Nếu trên sân chơi làng Tri Ân mà lại có những cuộc tranh luận về văn chương thì thật là quá tuyệt vời. cho nên điều đầu tiên là Đỗ Đình Tuân rất hoan nghênh tinh thần nói thẳng, nói thật cái quan niệm của mình tham gia thảo luận. Đỗ Đình Tuân cũng không bao giờ giám “độc quyền chân lý” mà cũng chỉ trình bày thành thật những suy nghĩ và cách hiểu của mình mà thôi. Rất mong mọi người cùng tham gia thảo luận. Đỗ Đình Tuân nghĩ đó là cách tốt nhất để chúng ta giao lưu và học hỏi thật sự ở nhau.
Còn riêng ý kiến của Thanh Dạ thì tôi tạm suy nghĩ như sau: quan niệm về “tứ” của Thanh Dạ là có khác với quan niệm về “tứ” của Đỗ Đình Tuân. Đỗ Đình Tuân thì quan niệm một cách dứt khoát rõ ràng: Ý là một nội dung mang tính khái quát trừu tượng. còn tứ là một dạng thức tồn tại cụ thể của ý (ý được gói trong một hình ảnh cụ thể).Ý giống như “người” ở dạng khái niệm: một loái sinh vật cao cấp, có ý thức, có n thuộc tính kèm theo nữa. Cón “tứ” là con người ở dạng cá nhân, là con người ở dạng cụ thể. Người là một “Ý” chung cho 7 tỷ người đang tồn tại trên trái đất. còn “tứ” thì chỉ như một con người cụ thể: là Đỗ Đình Tuân, là Thanh Dạ...Còn quan niệm của Thanh Dạ thì tôi thấy nó chưa được rõ ràng lắm. Tôi đọc đi đọc lại vẫn chưa thấy sự phân biệt giữa “ý” và “tứ”. Hình như theo Thanh Dạ thì ý và tứ không tách nhau ra được nó gắn bó với nhau như hình với bóng. Nhưng “ý” là hình, “tứ” là bóng” hay ngược lại thì cũng phải chỉ cho rõ. Mệnh đề tiếp theo của Thanh Dạ: “Từ ý đến tứ là có sự gia công sâu hơn về ý tưởng và nghệ thuật”. Nhưng thế nào là “gia công sâu hơn về ý tưởng và nghệ thuật?” thì lại là một đánh đố người đọc. Đem một mệnh đề chưa rõ ràng để gải thích một mệnh đề khác thì người đọc mông lung lắm.
Hai bài thơ Thanh Dạ đem ra minh họa đều là hai bài thơ cùng một tứ. Đều được cấu trúc theo lối tả-bình. Hai câu trước tả, hai câu sau bình. Bài trước và bài sau chỉ thay đổi có hai câu bình. Đó là sự thay đổi góc nhìn từ về một thằng “hèn” sang góc nhìn về một “người hùng”. Ở đây chỉ là sự thay đổi về ý. Nói cho đúng thì đây là hai bài thơ có một vỏ bọc ngoài các ý thì giống nhau nhưng ý bọc bên trong thì lại lại khác nhau. Để làm rõ hơn về sự khác nhau giữa "ý" và "tứ" tôi xin dẫn ra dưới đây 2 câu tục ngữ và một bài thơ ngược lại với hai trường hợp trên: Vỏ bọc ngoài thì khác nhau nhưng ý gói trong thì lại giống nhau:
-Bụt chùa nhà không thiêng
-Dao sắc không gọt được chuôi
                           (Tục ngữ)
-Lặng lẽ trên bàn mà cháy
Mà soi sáng xung quanh
Chỉ thương cây đèn ấy
Không sáng nổi chân mình
                      (Trần Đăng Khoa)
Cái ý chung của nó là rất gần nhau, nếu không nói là giống nhau, nhưng hình tượng mà nó ký ngụ lại hoàn toàn khác nhau. Đó là “Bụt chùa nhà”, là “con dao sắc” là "ngọn dèn dầu”. Hiểu như vậy ta có thể suy ra thực chất của quá trình sáng tạo thi ca là tìm ra tứ mới. Quá trình sáng tạo những tứ mới trong thơ từng diễn ra như thế nào tôi xin trình bày ở những bài sau. Tạm thời xin khất.

Chí Linh 28/10/2011
Đỗ Đình Tuân





Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Ngồi chờ




Bao giờ làng Toán có màu
Làng Văn lại nhậu một chầu thật vui
Bây giờ thịt chó chưa thui
Củ giềng chưa giã cứ ngồi mà trông
Ngồi chờ chả nhẽ ngồi không
Thôi thì rượu sếch với chồng bánh đa.

27/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Bỗng đâu…



Tôi đang đọc mạng một mình
Bỗng đâu có bạn Hà Thành chát thơ
Thơ rằng:
“Ước gì bù được cho nhau
Để tôi bớt béo, anh mau bớt gầy
Hai ta cùng đẹp hây hây
Như hai người mẫu ở Tây mới về”
Vui vui tôi cười hề hề
Gọi Thu, Thu mải si nê màn hình
Kệ tôi đọc mạng một mình…

25/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Bá cáo



Hôm nay “lang Hóp” vừa sang
Bệnh gầy tôi được thuốc thang kịp thời
Một đoàn “hội chẩn” đông vui
Rượu tây, thịt chó nói cười mênh mông...


Bệnh gầy có khỏi hay không
Còn tùy cái tạng của ông đồ già
Tinh thần thì đã béo ra
Văn chương thơ phú chắc là càng rôm.

24/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Gửi ông lang Hóp



Thuốc hay thang cũng tuyệt vời
Chỉ cần thêm một lời mời là chi
Thịt cầy rượu Hóp nhâm nhi
Mỗi tuần một chén bệnh gì chả lui
Châm tay, xông, dán…phần người
Tôi ưa bài thuốc: “cuốc chui-thịt cầy”
Làm sao cho hắn bớt gầy
Để còn bá cổ các thày chụp chung.

22/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Kêu làng



Tri Ân giờ lắm thuốc hay
Vẫn không bài thuốc chữa gầy cho tôi
Ước gì có thịt, có xôi
Có nhiều món nhắm cho tôi đỡ gầy
Cứu người đột quỵ cần thay
Nhưng chưa cấp cứu bằng gầy của tôi
Ới làng ơi…Ới nước ơi…!!!

22/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

42 năm trước*



Bốn hai năm trước Đỗ Đình Tuân
Cũng béo như ai chả kém phần
Ấy vậy bây giờ xuân bảy chục
Tuân già Tuân mới chịu trơ gân.

20/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Ảnh : Hội đồng giáo viên trường cấp 3 Chí Linh
chụp ngày 22/12/1969 trong buổi hành quân kỉ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam
Trong ảnh:
Hàng người ngồi, từ trái qua phải: Vĩnh, Sáu, Hải, Tuân, Tạo, Điểu, Chiêu, Cao Giang, An
Hàng người đứng, từ trái qua phải: Tư, Thịnh, Huân, Hải, Tạc, Tuấn, Điền, Lập, Thành, Nghị, Dục.
(Đỗ Đình Tuân chụp lại và đưa lên mạng ngày 20/10/2011)

Vợ chồng nhà ấy

                  
 
Ảnh : Hội đồng giáo viên trường cấp 3 Chí Linh
chụp ngày 22/12/1969 trong buổi hành quân kỉ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam
Trong ảnh:
Hàng người ngồi, từ trái qua phải: Vĩnh, Sáu, Hải, Tuân, Tạo, Điểu, Chiêu, Cao Giang, An
Hàng người đứng, từ trái qua phải: Tư, Thịnh, Huân, Hải, Tạc, Tuấn, Điền, Lập, Thành, Nghị, Dục.
(Đỗ Đình Tuân chụp lại và đưa lên mạng ngày 20/10/2011)

             

Tôi biết "vợ chồng nhà ấy" từ lúc họ đang còn yêu nhau. Khoảng cuối năm 1969, anh chồng về trường cấp 3 Chí Linh nhận công tác. Còn cô vợ, mới là một  “nhân tình nhân ngãi” thì lại về trường cấp 3 Kinh Môn. Lúc ấy chúng tôi chỉ biết Hắn chứ chưa biết Thị. Duy nhất có một lần, vào khoảng đầu năm 1970, ngày chúng tôi đang ở khu “Phố Cùa”, Hắn có đưa Thị lên chơi. Nhưng cũng chỉ thấy hai người  rì rầm, khúc khích ở trong phòng riêng, chứ Thị không lộ diện. Mãi đến lúc Hắn đưa Thị đi, qua hành lang “Phố Cùa”, trước cửa phòng chúng tôi thì chúng tôi mới có dịp thoát kiến. Lần ấy Thị mặc chiếc quần đen, chiếc áo cánh gụ, nhưng hình như đều hơi rộng nên tôi có cảm giác là hơi xụng xịu chứ không đáy đo, bén sát gì. Ấn tượng nhất với tôi là gương mặt Thị. Không hiểu là vì xấu hổ hay sung mãn mà gương mặt thị hôm ấy đỏ như da bồ quân. Nhưng khả năng vì xấu hổ nhiều hơn. Bởi vì trông Thị  vẫn có dáng vẻ của một gái làng hay thẹn thùng và bẽn lẽn. Còn tôi, Khởi Giang và một số thày khác, …toàn giai đinh, giáo trẻ cả mà cứ khơ khớ kha khá, bô lô ba la ở một phòng gần cạnh. Rất có thể là vì thế mà Thị lại nghĩ rằng chúng tôi đang “cười” Thị chăng?
Năm sau thì Hắn cưới Thị hay là Thị cưới Hắn cũng không rõ nữa. Rồi họ được hợp lý hóa về cùng trường Chí Linh cả. Tôi gần gũi với Hắn nhiều hơn. Còn với Thị thì cũng bình thường thôi. Bởi vì Thị sống hơi khép mình, lại lề dề dẻo dớt nữa. Nhất là sau một lần sẩy thai, đến lần có mang Cẩm Vân thì Thị lại càng lề dề tợn. Thị đi rất chậm, bước chân rất ngắn. Hình như Thị vừa đi, vừa nghe ngóng, nghĩ ngợi xem đứa con trong bụng có triệu trứng gì không? Nhưng ông trời thật khéo xếp. Bù lại cái lề dề dẻo dớt của Thị, Hắn là một chàng trai rất nhiệt tình, hăng hái và dốc vác trong mọi chuyện. Trong giảng dạy, trong phấn đấu công tác và cả trong việc xây tổ ấm riêng tư nữa. Hắn lại thường hay có “rơ mooc” theo sau nên phải lo việc xin đất làm nhà riêng sớm hơn nhiều người trong chúng tôi. Chúng tôi ai cũng nghĩ rằng chắc cái cặp vợ chồng này sẽ gắn bó với Chí Linh mãi mãi. Ấy vậy mà chỉ được có hơn chục năm. Hắn lại bán nhà, bán đất, bốc hót cả vợ chồng con cái về thị xã Hải Dương. Sau lại về Hưng Yên và bây giờ thì lại đang Hà Nội. Giỏi, giỏi, Hắn thế mà giỏi. Cứ mỗi một lần chuyển đổi là Hắn và cả Thị nữa lại một lần thăng tiến. Tuy vợ chồng nhà ấy càng ngày càng có vẻ ngoi lên tầng lớp trên, nhưng đối với bạn bè cũ, Hắn và Thị không tỏ ra có gì là vênh váo. Nhất là với những người như tôi, phải lộn cổ xuống hàng dưới đáy, Hắn vẫn luôn tình nghĩa trước sau như một. Trong suốt thời gian xa nhau ấy, tôi biết hắn vẫn luôn quan tâm đến tình hình của tôi. Thỉnh thoảng có dịp về qua Chí Linh, Hắn vẫn đến tận nhà thăm tôi. Có lần gặp và cũng có nhiều lần không gặp. Còn tôi, chỉ duy nhất có một lần đến được cái tổ ấm của Hắn ở khu nhà tập thể Bình Minh ở thị xã Hải Dương. Hắn đến thăm tôi nhiều mà tôi thăm đáp lại được Hắn thì ít. Cho nên bây giờ thỉnh thoảng Hắn vẫn đòi nợ tôi là phải lên thăm Hắn trên Hà Nội. Nhưng cái khoản nợ ấy tôi vẫn chưa trả được.
Thấm thoát thế mà đã hơn bốn mươi năm. Chúng tôi ai cũng già nua tuổi tác và hoàn thành nghĩa vụ với đời và với trời cả rồi. Đang lững thững đi nốt cái phần đời còn lại. Không phải gánh vác gì thì tự nhiên ai cũng trở về với chính mình. Những trầm tích trong lòng đều muốn được giãi bày thổ lộ. Người cao tuổi bây giờ hay làm thơ, viết văn là vì thế. Cũng không ít người trong số này mắc chứng hiếu danh, không biết lượng sức mình, vô tình thành tự phơi bày những non kém cá nhân trước bàn dân thiên hạ. Nhưng đa phần là chân thành đúng mực, đáng trân trọng và chia sẻ cả. "Vợ chồng nhà ấy" thuộc vào cái diện này. Nhưng cái hay của "vợ chồng nhà ấy"  là cho đến tận bây giờ, đến khi đã trở về với ngay chính lòng mình, họ vẫn như một và là một:
Ý thơ em đã lựa rồi,
Anh đem viết để thành lời đẹp hay.
Câu thơ chung cả hai tay,
Anh gieo phần chữ, Em say phần tình
           (Những câu thơ)
            Về cái khoản này thì tôi, người viết bài này, xin một lần được “lấm mũi”. Bởi vì vợ chồng nhà tôi, trên cái lĩnh vực văn chương thì cứ ông chẳng bà chuộc, cãi nhau như mổ bò. Thậm chí còn tranh giành đấu đá nhau chả khác gì các phe cánh của làng Vũ Đại “nhè từng chỗ hở để mà trị nhau”. Đến nỗi, như mọi người thấy đấy, chung một nhà, chung một giường, mà phải tách hộ, hai niêu thì có buồn không? Mà thế đã yên đâu. Thỉnh thoảng vẫn dòm dỏ, hóc hách, dè bỉu nhau luôn đấy. Thế mới biết trên lĩnh vực văn chương khó thật. Ít người tri âm, tri kỷ với nhau lắm. Ngày xưa, khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha vác đàn đến mộ, thắp hương vĩnh biệt bạn rồi cũng đập đàn luôn. Bởi  Bá Nha nghĩ rằng trên đời này sẽ không còn ai hiểu được tiếng đàn của mình nữa. Nhưng cực đoan như Bá Nha cũng là dại. Cứ cho là trên đời chẳng còn ai hiểu mình đi, thì mình cũng phải tự hiểu lấy mình, tự giải treec cho chính mình chư lị. Đập đàn đi như thế thì còn gì để bầu bạn. Rất nhiều cô gái đang yêu chỉ làm bạn với mỗi cuốn sổ ghi nhật ký. Còn ngày xưa ở vùng đất Hy Lạp cổ đại, có một xứ sở nọ có một ông vua có đôi tai lừa. Đôi tai ấy đầy lông lá và dài ngoẵng, trông rất xấu xí. Dĩ nhiên là ông ta giấu kín, không cho ai biết, từ Quan trong Triều đình cho đến thần dân của Vương quốc, chỉ trừ một người là ông thợ hớt tóc cho Vua. Người thợ hớt tóc biết rằng đây là một bí mật rất hệ trọng liên quan đến mạng sống của mình, nên ông ta phải bấm bụng giữ gìn. Nhưng giữ mãi cũng không chịu được, ông cảm thấy bất an. Một ngày kia, ông bèn đi vào rừng, chọn một hang đá hoang vu, vào bên trong và hét lớn nhiều lần:“Ông vua tai lừa! Ông vua tai lừa!...” cho đến lúc khản cổ và cảm thấy hết ức chế, mới chịu quay về. Ông tiếp tục làm công việc hớt tóc cho Vua và giữ kín điều bí mật như mũi kim châm trong lòng. Thỉnh thoảng ông lại một mình đi vào hang đá…
Bây giờ thì chúng ta sung sướng hơn nhiều, chúng ta không phải vào rừng tìm hang đá nữa mà chỉ cần ngồi vào Blog. Blog cũng chính là một cái cửa sổ dẫn ta vào một cái hang ảo rộng vô cùng vô tận. Tha hồ mà "xả stress". Lòng ta sẽ được gửi đến muôn nghìn bầu bạn. Tôi cho rằng chỉ sợ lòng ta thum thủm khó ngửi thôi, còn lòng thơm dạ sạch thì lo gì không gặp được bạn tri âm. Về khoản này thì tôi hơi bị may mắn. Tuy lòng mề tôi cũng chưa được tới mức "lòng thơm dạ sạch"như tôi mong muốn, nhưng tôi vẫn gặp được bạn tri âm, tri kỷ. Gần đây còn thêm cả bạn “tri mề” nữa. Thế thì có sướng hay không? Cho nên chả dại gì mà tôi bỏ cái khoản chơi blog. Tôi viết blog của tôi và tôi đọc những trang blog của những người cần đọc.Âu cũng là một cách để tìm bạn và để hiểu người. Văn chương của tôi thì nó hơi “đa ngôn và lắm giọng”. Khi khóc, khi cười, khi ngậm ngùi than thở…Nhưng chung quy nó cũng chỉ là tiếng lòng gọi bạn.
            Ngoài việc họ hơn đời ở chỗ rất gắn bó với nhau ngay cả trong cái chặng đời cuối cùng này, “vợ chồng nhà ấy” còn làm thơ một cách rất có ý thức. Họ có tuyên ngôn, có mục đích hẳn hoi:
Ta bằng lòng với ta thôi,
 Tài hèn, sức mọn giữa đời mênh mông.
 Bằng lòng làm cánh sen hồng,
 Đầm sâu thơm mát, biển đông xa vời.
 Bằng lòng một chút hương trời,
 Vàng bạc, châu báu ở đời chớ tham.
 Bằng lòng một chút thanh nhàn,
 Giữa  muôn dâu bể, giữa vàn mối tơ.
 Bằng lòng gom lại ước mơ,
 Đời thanh thản những vần thơ xế chiều.
                                   (Bằng lòng)
Vậy là vợ chồng nhà ấy chỉ chung tay nhau viết những “vần thơ xế chiều” cốt để cho đời thanh thản. Họ chỉ nguyện làm một “cánh sen hồng” tỏa chút hương thơm chốn  đầm sâu thôn dã. Nghĩa là chỉ làm những việc gì đúng với sức mình, hợp với hoàn cảnh của mình.
Nhưng sẽ viết những gì thì "vợ chồng nhà ấy" cũng nói rất rõ:
Câu này tặng Mẹ ,Cha mình,
Người cao bóng hạc, người sinh bệnh già.
Câu này tặng cháu con ta,
Tình yêu kết trái đơm hoa cho đời.
Còn câu này nữa anh ơi,
Tặng người tri kỷ một thời bên nhau.
Những câu thơ cứ bắc cầu,
Tặng học trò nhỏ Theo nhau ra trường.
Câu nào ta thấy vấn vương,
Đem về để tặng quê hương ,mái đình.
Những câu đậm nét trữ tình,
Thì Em gĩư lại cho mình yêu nhau
                             (Những câu thơ)
Có đến 6 chủ đề mà vợ chồng nhà ấy sẽ đề cập đến: viết về cha mẹ, viết về con cháu, việt về bầu bạn, viết về học trò, viết về quê hương và cuối cùng mới là viết về những cái của riêng mình. Trong tình hình “lạm phát thơ” hiện nay vị trí của thơ bị tụt dốc. Độc giả  đâm ra ngại đọc thơ. Bởi lẽ các nhà thơ chuyên nghiệp thì nghiêng về cách tân đổi mới. Chẳng rõ là họ đã cách tân đổi mới được những gì nhưng trên thực tế họ đang tách thơ ra xa công chúng. Còn thơ truyền thống thì công bằng mà nói cũng có nhiều người viết hay, nhiều bài đọc thích, nhưng lại bị trộn lẫn với hàng đống thơ phong trào nhạt phèo phèo và dai nhanh nhách. Nhiều khi đọc hàng tập thơ mà chẳng thu gom được tí mật nhụy nào. Lâu dần sinh nản. Đành quay trở về đọc thơ của người gần và bạn quen. Còn thơ xã hội thì cứ nghe ngóng xem chỗ nào nổi đình nổi đám rồi mới dám ngó. Đã “khôn vặt” thế rồi mà nhiều khi vẫn cứ phải ngơ ngơ ngác ngác không hiểu là do mình “dốt” hay bị “đánh lừa” ? Nhưng đã chấp nhận đọc thơ của người gần, bạn quen thì phải đọc vì tình là chính chứ không đọc vì thơ được. Bởi những người gần và bạn quen của mình có phải là nhà thơ đâu. Họ chỉ làm thơ để “xả stress”, để cho “đời thanh thản” chút thôi. Nhưng đã đọc rồi thì có gì hay, gì thích cũng xin cứ to mồm mà khen toáng lên cho thiên hạ biết. Còn cái gì chưa thích, hoặc mới thích vừa vừa thôi thì tôi xin để bụng. Cũng hy vọng với những lời khen ấy có thể ít nhiều chia sẻ được với bầu bạn chăng?
Đọc thơ của “vợ chồng nhà ấy” tôi đặc biệt thích một khía cạnh khá “độc” mà ít các vị “gái già” làm thơ đề cập đến. Đó là sự tiếc nuối nhan sắc của một thời son trẻ. Đây là một vấn đề rất phụ nữ mà rất nhiều phụ nữ làm thơ  lại cứ bỏ qua. Cái điệu “sáo” chung của họ là “tuy tuổi gìa nhưng tâm hồn vẫn trẻ, vẫn thế nọ, vẫn thế kia…”. Bản thân tôi cũng cứ bị cuốn vào cái điệu “sáo” ấy, cho nên ở một một số bài thơ “nịnh đầm” tôi cũng viết:
Ngày thường là gái trần gian
Khi lên múa hát thành đàn tiên sa
Các bà múa Hoa chăm pa
Bện nhau vấn vít ngỡ là chim công
Tuổi già vẫn đáy lưng ong
Đã miễn chiều chồng, lại chẳng nuôi con
Bao nhiêu nét đẹp, nét giòn
Các bà dồn cả vào son đố mì…
            (Đàn tiên sa-Đỗ Đình Tuân)
Tôi chỉ “khôn lỏi” hơn mọi người ở chỗ là tôi cóc viết bằng cái giọng thật thà như đếm, mà viết theo cái lối nửa đùa nửa thật. Viết nửa đùa nửa thật như thế đọc vừa vui mà nhỡ như khi có mụ nào hóc hách, buộc tội cho là “nói sỏ” họ thì cũng còn có chỗ để mà chuồn. Rất may là họ đều nghĩ tôi khen họ cả. Cho nên đọc xong, họ cứ cười rú lên khành khạch và vỗ tay ràn rạt. Cũng thấy nở cả mũi.
Cho nên đọc đến bài Soi gương là tôi giật mình ngay. Đâu phải tất cả phụ nữ làm thơ trên đời này đều bị cuốn vào cái điệu “sáo” lạc quan ấy. Vẫn còn có những người phụ nữ  sống thực với lòng mình:
Soi gương thấy tóc phai màu,
Dáng kiều xưa đã ẩn sâu nét ngài
Thưa nét trúc, nhặt nét mai,
Chỉ còn những nếp nhăn dài đầu mi.
                                                 3/2005
            Không nói buồn nói tiếc gì, chỉ như một sự chợt nhận ra thôi, mà sao mất mát và man mác thế ? Ở chủ đề này còn có thêm hai bài nữa: Chải đầu, viết năm 2009 và Bình hoa tết viết năm 2010, nhưng cả hai bài ấy mỗi bài một tật tôi chỉ thích nó vừa vừa thôi.
            Đặc biệt hơn là ở mảng ký ức miền quê thì nhiều đoạn đặc biệt thú vị. Đây là cái cô Cẩm Tú thời còn con trẻ:
Tuổi thơ cho, lại đòi ngay,
Chỉ mấy viên sỏi cũng bày ăn quan.
Tuổi thơ chẳng thích phàn nàn
Xé tàu lá chuối quấn làm tóc tiên.
Tuổi thơ cũng chẳng ưu phiền,
Nhặt cành lá khế làm tiền mua khoai.
Tuổi thơ nói một không hai
Đã đi là chẳng đợi ai bao giờ.
Tuổi thơ đầy những ước mơ,
Cho đến bây giờ lớn vẫn muốn theo
                          (Tuổi thơ của tôi)
Đây là cảnh sinh hoạt của một gia đình nông dân, lam lũ nhưng quấn túm và  đầm ấm biết bao:

Đi xa mà vẫn nhớ nhiều,
Sáng rợp bóng khế, nửa chiều bóng sung.
Mùa hè chị em tắm chung,
Lội hái củ ấu nước tung trắng đầu
Buổi trưa thả chiếc cần câu,
Bắt con rô nhỏ nấu rau tập tàng.
Chiều về bên cầu rộn ràng,
Em ngồi vo gạo, Bà đang rửa trầu,
Chị băm bèo lợn phía sau,
Đàn vịt cạc cạc tranh nhau miếng mồi.
Bố mẹ lưng đẫm mồ hôi,
Xuống cầu ao thấy lòng vơi nhọc nhằn.
                                (Chiếc cầu ao)
Và đây là những hương vị làng quê, mùa nào thức ấy, còn lưu luyến mãi trong lòng người xa quê:
Vải thơm vườn trước ngõ sau,
Hoa sen mùa hạ đầm sâu thơm nhà.
Chuối thơm thờ cúng Ông Bà,
Mít, dứa  thơm đến mấy nhà vẫn thơm,
Thơm ấm mùi thơm của rơm,
Thơm ngon, thơm dẻo bát cơm đầu mùa
Thơm mật khoai nướng đồng trưa,
Thảo thơm cô Tấm thị vừa chín cây.
Nếp thơm ,thơm đĩa xôi đầy,
                              (Hương quê)
Ký ức nào cũng sống động, gợi lên cảnh sinh hoạt và hương vị làng quê bằng một thứ ngôn ngữ khá tự nhiên và hoạt bát.Những ký ức ấy thức dậy trong ta biết bao nhiêu kỷ niệm về một thời quá vãng chưa xa. Lam lũ, vất vả nghèo khó thật, nhưng trời đất trong lành, tình người ấm áp. Thương làm sao, nhớ làm sao và cũng tiếc làm sao!

18/10/2011
Đỗ Đình Tuân


Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

TÌM TRONG SỔ CŨ

(Tạp ghi năm 1996)


Xin đừng tí tởn

“Mát xa” rồi lại mát gần
Âm dương dẫu có cách lần cao su
Nhưng trong cái chốn tù mù
Biết đâu nó dãn, nó hư thế nào
Ka ve, gái gọi dính vào
Trăm anh ít có anh nào “Ết” tha
Đời tàn sớm hóa ra ma
Vợ con liên lụy, cửa nhà …thương ôi!
Mình làm mình chịu vậy thôi
Xưa nay trừng phạt luật trời vẫn nghiêm
Vậy nên trong cõi “rất riêng”
Một anh một chị hãy xiếng lấy nhau
Xin đừng tí tởn đi đâu
Tí dấm tí mẻ mà mau tàn đời.

1996
Đỗ Đình Tuân


Giầu nhanh?

Không biết ngài lấy tiền đâu
Người ta chỉ biết ngài giầu lên nhanh
Nhà to hơn cả cái đình
Lên xe, xuống ngựa ngông nghênh giữa đời
Con ngài đẹp, vợ ngài tươi
Quanh năm suốt tháng chơi bời dong nhan
Miệng ngài có thép có gang
Ý ngài có ngọc có vàng ở trong
Ai hay trong cõi thâm trùng
Chữ tâm đã thối, chữ lòng cũng thiu?

1996
Đỗ Đình Tuân

Chả nhẽ


(Lại họa thơ Thanh Dạ)

 

Chả nhẽ bươu đầu lại nhổ tăm
Nhất là Thanh Dạ sắp sang thăm
Thôi thì một nhịn nhưng lành chín
Có cả cày tơ lẫn rượu tằm

19/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Ngày ngày tớ vẫn…



(Họa thơ Thanh Dạ)

Thăm tớ hay là chẳng đến thăm
Ngày ngày tớ vẫn tửu cùng tăm
Dù ai cho phép không cho phép
Hết rượu nhung hươu lại rượu tằm…

18/10/2011
Đỗ Đinh Tuân

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Cám ơn Thanh Dạ



Nhiều hôm có thịt có xôi
Mấy chàng “râu quặp” đành ngồi ăn suông
Đưa cay mượn chén giải buồn
Thừa cơ cứ phải vào buồng nhắm chui
Cám ơn Thanh Dạ nhất đời
Làm thơ dạy được vợ tôi chăm chồng
Tôi nay thỏa chí tang bồng
Suốt ngày bí tỉ, Thị không phàn nàn
Cám ơn Thanh Dạ vô vàn
Làm thơ can được “mụ gàn” nhà tôi.

18/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Mộc mạc



Sắp ngày “Phụ nữ lên ngôi”
Cũng xin mộc mạc mấy lời nôm na:
Chúc cho lớp “gái chớm già”
Hương lẫn sắc
Thảy mặn mà cả hai
Chúc cho lớp “gái lão lai”
Hương càng đậm
Sắc dù phai ít phần
Đàn bà cả xóm Tri Ân
Thơ hay
Múa dẻo
Trong ngần tiếng ca
Trang nào cũng tựa ráng pha
Bà nào cũng tựa Hằng Nga giáng trần.




17/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Làng ảo



Làng tôi-làng ảo
Lắm nhiêu, nhiều lão
Không tiên chỉ, thứ chỉ
Chẳng lý trưởng
Chẳng trương tuần
Những công chức hưu thành “hội tư văn”
Những cựu chiến binh thành “hội tư vũ”
Có đôi chục hộ nhưng không nóc nhà
Chẳng có cây đa
Cũng không giếng  nước
Dân cư rải rác ở khắp ba miền
Người cày ruộng ở Lạng Giang
Người coi đền ở làng Mo: Đền Sinh-Đền Hóa
Người bán thuốc Trảng Bom
Người chăn bò Sao Đỏ…

Làng tôi chưa mấy đông người
Chị em
Bầu bạn
Vài đôi vợ chồng
Hưu nhàn lại sẵn máu ngông
Rủ nhau vác bút cày đồng văn chương.

16/10/2011
Đỗ Đình Tuân



Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Hỏi Thích Ka?




Đời là bể khổ ai ơi
Sao khi từ giã cõi đời lại thương?
Linh hồn xuống cõi Diêm Vương
Lại mong sớm được lên đường đầu thai?
Làm người trên cõi trần ai
Được sờ, được nắn, được nhai sướng là
Bạo mồm xin hỏi Thích Ka
Đời là “Bể khổ” hay là “thần tiên”?

14/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Chồng em *




Người ta mặt trận xông pha
Chồng em nhút nhát chẳng ra cái gì
Ngày ba bữa chén tì tì
Động nói kháng chiến thì ỳ mặt ra
Gặp người khách lạ ba hoa
Nói thánh nói tướng tỏ ra anh hùng
Chợt nghe tiếng súng nổ đùng
Anh chàng hốt hoảng lăn đùng xuống ao
Dân quân đắp lũy đào hào
Nhà em nhăn nhó rằng tao nhức đầu
Đồng tiền bạc ác cơ cầu
Không bao giờ giúp đồng bào tản cư
Việc gì thì cũng ậm ừ
Hễ ai hỏi đến đợi bu nó về
Không làm mà lại hay chê
Anh kia cấc lấc chị kia lắm điều
Dân quân luyện tập chiều chiều
Anh ta mắc võng nằm khoèo ru con
Chẳng lo nghĩ việc giang sơn
Chồng em như thế có buồn hay không
Nhắn cho những bạn chưa chồng
Những anh hèn nhát xin đừng kết duyên.

* “Chồng em” là một bài thơ dân gian lưu hành trong vùng du kích của huyện Chí Linh  thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Đỗ Đình Tuân chép lại từ lời đọc của cụ Trấn, thôn Trại Nẻ, xã An Lạc, trước đây vài năm.

Dịch bài thơ chữ Hán của Nguyễn Công Canh mừng thọ ông Ngô Như Sâm (Đại Mỗ, Hà Nội)





知蘭業風祖天二一
己朋修雅度頒時世
酢受文豪康爵齡為
酬敕字花彊壽壯師
知蘭業風祖天二一
己朋修雅度頒時世
交祝精識明祿聲榮

壬辰年孟春
知交阮功庚
敬筆祝賀


Thọ

Nhất thế vi sư nhất thế vinh
Nhị thời linh tráng nhị thời thanh
Thiên ban tước thọ thiên ban lộc
Tổ độ khang cường tổ độ minh
Phong nhã hào hoa phong nhã thức
Nghiệp tu văn tự nghiệp tu tinh
Lan bằng thụ sắc lan bằng chúc
Tri kỉ tạc thù tri kỉ giao
                              
Nhâm Thìn niên mạnh xuân
Tri giao Nguyễn Công Canh
Kính bút chúc hạ 


Chúc thọ
                                    
Một đời dạy học vẻ vang
Một đời làm lính lại càng thanh danh
Trời ban lộc, thọ đã đành
Tổ cho sức khỏe, tinh nhanh vậy mà
Văn phong trí tuệ hào hoa
Văn chương câu chữ nghiệp đà luyện tinh
Nhận bằng bạn được vinh danh
Đôi câu tri kỷ gọi tình tương giao.

14/10/2011
Đỗ Đình Tuân
dịch

Bên kia giấc ngủ



Bên kia giấc ngủ
Nhiều giấc mơ ta bỏ lại…

Giấc mơ gặp mẹ thời con gái
Quần đen, áo lụa tơ tằm
Mái tóc xõa dài mẹ nâng tay hong
Mẹ nhìn ta rất kỹ…

Bên kia giấc ngủ
Mỗi lần EM bụng mang, dạ chửa
Ta đều mơ thấy trẻ con theo
Đứa khóc trên lưng
Đứa nhảy tưng tưng đòi leo xe đạp
Và lần nào bố cũng hẩy tay:
-Cho mày đấy! Đem vào mà nuôi!

Lạ một điều
Những đưa trẻ cha “Cho mày đấy!...”
Em định nạo, em hãi...
Em uống thuốc gì chúng cũng không ra
Chúng thành CHI, thành LƯỢNG bây giờ.

Có phải bên kia giấc ngủ
Ta còn mẹ cha?

14/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Người có tâm hồn trẻ trung nhất làng

                              

Tuy cùng làng cùng xóm với Thị, nhưng nhà Thị hình như toàn những đàn bà và trẻ con, nên tôi cũng ít dịp vào thăm. Nhưng rồi một hôm thấy mấy cụ lăng xăng trong cái “Hội Tư văn” của làng bàn cãi ầm ỹ  về một vụ án khó xử liên quan tới Thị, nên  tôi mới đâm ra chú ý. Tôi cũng không rõ đầu đuôi câu chuyện của vụ án như thế nào. Chỉ thấy những người rỗi hơi, hay quan xiêm đến chuyện của người khác, ngầm xì xèo và chỉ trỏ với nhau: “đấy nó đấy…nó đấy…”. Tôi nhìn theo. Thì ra là Thị. Nhưng chính vì là Thị, nên tôi lại càng thắc mắc. Tôi la cà nghe ngóng thêm mới vỡ lẽ ra rằng đây chỉ là một vụ án có tính chất lịch sử. Bởi vì câu chuyện xẩy ra đã từ lâu lắm rồi. Từ cái thời ông Pi nô chê bên nước “Chi Lê, chi táo” gì ấy lật đổ cái ông A gien đê ấy cơ. Biết vậy nên tôi nghĩ bụng “mấy cụ trong cái “Hội Tư văn” làng này quả là đa sự. Chuyện xẩy ra mãi từ trước khi thành lập làng đến hàng mấy thập kỷ vậy mà các cụ còn bới ra làm gì?”. Nhưng dù sao thì sự ồn ào ấy cũng làm tôi thắc mắc. Vì thế mà tôi mới quyết định đến thăm nhà Thị.

Nhà Thị ở mãi tận cuối xóm. Tôi phải rê chuột mãi rồi mới tìm thấy cổng  nhà thị. Tôi nháy khẽ chuột. Cổng nhà Thị mở bung. Chẳng biết ai thông tin cho Thị biết mà vừa mở cổng tôi đã thấy Thị, ngồi trên một bãi đá, mắt đeo kính râm, miệng toe toét cười, tay giơ cao chào đón. Lòng tôi khấp khởi hẳn lên bởi còn gì vui hơn là được vị chủ nhà tiếp đón bằng một nụ cười niềm nở như vậy. Bãi đá Thị ngồi thì mặt viên đá nào cũng được vẽ một cái mặt nạ bằng sơn trắng trông rất ngộ. Phía trên, góc trái của bãi đá treo một cái biển lớn: LINH TINH HỌC. Bên Dưới biển chữ ấy là một khẩu hiệu kêu gọi mọi người: “Hãy cười lên! Cả thế giới sẽ cười với bạn!”. Tôi nghĩ bụng “bà chủ này là một người vui tính đây”.

Nhà Thị ở sâu hun hút. Tôi đi khắp một lượt và nhận ra rằng cổng nhà Thị thế nào thì trong nhà Thị cũng bày biện y như thế: Vừa linh tinh, vừa ngộ nghĩnh. Nhưng tôi cũng bắt gặp được những trang văn thật hay:
Chị Tuyết vào, mang theo cốm mới. Xanh và dẻo thơm đến lạ kỳ. Hay vì mình quá nhớ cốm xanh mùa Thu mà mình thấy vậy nhỉ!
Cốm dẻo. Gói lá sen. Buộc bên ngoài là cọng rơm cũng còn tươi và thơm. Hương thơm lan tỏa trên bàn tay. Mình như đứa trẻ bốc vội một nhúm cho ngay vào miệng. Vẫn nguyên cái cảm giác ngày nào. Ngòn ngọt, beo béo, dẻo và thơm. Mùa Thu dìu dịu tan trong miệng. Man mác và ngọt ngào.
Giữ chặt gói lá sen thơm ngát. Cầm trên tay mùa Thu thoang thoảng hương trời!(Hương cốm)
Ngỡ như vài dòng nhật ký ghi vội mà tinh lọc và thơm tho đến thế. Ăn cốm mà cảm thấy cả cái mùa thu đang “dìu dịu tan trong miệng. Man mác và ngọt ngào” thì sự thưởng thức ấy đã thật sự văn hóa và sành điệu.
Nếu như Hương cốm là một tản văn ngắn, một bài thơ bằng văn xuôi thì Ăn vụng hồng tuy chỉ là một đoạn hồi ức, nhưng lại có dáng dấp của một truyện ngắn. Thậm chí là một truyện ngắn hay. Chỉ vài nét vẽ thôi mà nhân vật nào ra nhân vật ấy. Ông cụ Bột là một ông già tình nghĩa, tận tâm và chu đáo. Nhân vật má là một ngượi mẹ thương con và độ lượng. Cu Trung thì mải chơi. Riêng “Nó” thì hồn nhiên và trung thực. Trong câu chuyện này “Nó” được vẽ kỹ nhất và hay nhất. Nó tự nhận một cách khái quát về mình: Nó thì rất nhiều lần nói dối. Và cũng rất nhiều lần tự ý làm không xin phép má và các chị. Một vài ăn vụng.” Chỉ bớt đi có một chữ mà cái câu “Một vài ăn vụng” lạ và hay hẳn lên. Giữa lời dặn của má với sự hấp dẫn của mấy quả hồng chín đã làm diễn ra trong nội tâm “nó” một cuộc đấu tranh: “Đĩa quả hồng thì cứ ngày một đỏ rực. Các cuống của nó đã quắt lại rồi. Ghé mũi ngửi nó thấy thơm đến quắt ruột. Thế rồi, cái gì đến phải đến. Nó tắc lưỡi cái bép. Nhón tay chọn quả chín nhất. Sau một hồi lưỡng lự và sợ sệt, cái tắc lưỡi thứ hai đánh gục sự sĩ diện. Vậy là nó quên hết. Chỉ còn vị ngọt của quả hồng làm nó mê tơi. Nó cứ nhấm nháp từng tí, từng tí một, chỉ sợ quả hồng hết”. Tâm lý, hành vi của một đưa trẻ háu ăn, vì thèm quá mà ăn vụng hồng đã được miêu tả rất hay, rất giỏi. Nếu ai trong một trường hợp tương tự mà chỉ viết : “Lần ấy, vì thèm quá,  không kìm được, tôi nhón lấy hai quả ăn vụng” thì chỉ còn lại có thông tin thôi chứ không còn gì là văn vẻ cả. Mà không có văn vẻ thì làm sao mà hút được hồn người? Cái vụ ăn vụng hồng này để lại ấn tượng rất sâu sắc trong
 “nó”, nhưng lạ một cái là mỗi lần nhớ lại “nó” lại có một tâm trạng rất khác nhau: “Hồi đầu, mỗi lần nhớ nó xấu hổ lắm. Nhưng càng về sau thì nỗi xấu hổ ấy cứ chuyển dần sang thành nỗi nhớ tuổi thơ. Còn bây giờ thì nó thực sự thích thú về lần ăn vụng ấy”. Chính lối viết như thế này đã làm cho câu truyện tuy ngắn mà vẫn có tầng có lớp, tạo chiều sâu cho câu truyện. Có thể nói đây là một truyện có nhiều thành công nhưng thích nhất là ở lối văn kể, tả theo cách nhìn và nghĩ của một đưa trẻ “Sao mà đỏ, sao mà mọng, sao mà ngon thế chứ lị!”
Rõ ràng là Thị có năng khiếu và có tài hẳn hoi trong việc viết văn và làm truyện. và cái quý nhất trong văn chương của Thị là sự hồn nhiên và trẻ trung. Theo sự lý giải của Thị thì hình như cái “hồn nhiên vui tươi” của Thị là do trời ban tặng. Bài Con bé “Bọc” của Thị viết: “Nếu truyền thuyết là thật thì có lẽ nó là đứa con chính hiệu nhất của Bà Âu Cơ. Nó nằm gọn lỏn trong một cái bọc khi sinh ra. Chính vì thế mà nó mất cơ hội được hét to một tiếng “oa!!!!!!!!!!!!!!!” để trình diện mọi người. Bà đỡ nó hay kể: xé bọc lôi ra mà nó cứ nằm im thin thít, mắt thao láo! Nó được bà gọi là “Con Bọc”, Giờ gặp lại, bà vẫn hay gọi như thế, dù nó đã 52.
Nó sinh ra lúc 4,5 giờ sáng gì đó. Nó không biết cái giờ ấy vận thế nào vào cuộc đời mình. Nhưng, má nó rất hay an ủi nó: “ Không sao đâu con à! Chuột lúc ấy cũng đã no bụng rồi, về hang ngủ rồi!”
Nó vẫn luôn tin là vậy, đến tận giờ vẫn nhớ và tin những lời của má. Nó rất yên tâm mà vui vẻ rằng: Lúc nào nó cũng no bụng và không bao giờ giàu! Thế là quá tốt rồi còn gì nữa. Khi cơm trong nồi vẫn có, nước trong giếng không cạn, con người cần gì nữa chứ!Và cũng như lúc được lôi ra khỏi bọc, không khóc mà toét ra cười!  Để làm gì đâu, chỉ là “để gió cuốn đi thôi” mà! Hehehe!!!”.
Nhưng nếu thị viết, viết như Hương cốm và Ăn vụng hồng thì tôi tin là cái “toét ra cười” của Thị, sẽ thành cái “toét ra cười” của nhiều người, thành một rừng cười, thành một niềm vui bất tận.

13/10/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

TỔ ẤM


Đọc mạng thấy loạn xị ngậu
Có vạn món nhậu
Có ngàn món ăn
Xin chớ băn khoăn
Tùy tâm lựa chọn…

Đọc mạng thấy loạn xị ngậu
Có thùng, có chậu
Có sông, có ngòi
Có cả biển khơi
Trập trùng sóng vỗ
Hàng trăm cửa mở
Tha hồ thênh thang…

Đọc mạng thấy loạn xị ngậu
Có bạn có bậu
Có cả người dưng
Con mắt tráo trưng
Ngôn từ bỗ bã
Có quen, có lạ
Nhưng vui hơn cả
Có xóm có làng
Dẫu chẳng thênh thang
Nhưng mà TỔ ẤM 

12/11/2011
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...