Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

KHÓ XỬ


            Trong cuộc đời có rất nhiều chuyện khó xử. Trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy. Tôi từng chơi ở rất nhiều CLB thơ của người cao tuổi. Đầu tiên thi cũng rất chân thành, xem ai cũng như bạn thân của mình. Lại thường phải làm cái công việc biên tập vì có cái mác “học văn bài bản”. Vì trách nhiệm, nhưng trước hết là vì tình thân, đôi khi tôi cũng thò bút vào sửa một vài chữ. Nhưng với không ít người, thơ họ đã là tuyệt đích rồi, sửa chữa chỉ là làm hỏng thơ họ đi thôi. Cho nên tôi thường hay bị họ chửi bằng đủ kiểu: chửi sau lưng, chửi bằng thơ nặc danh, và cả chửi vỗ mặt. Sau này tôi mới được nghe một câu thơ Bút Tre dân gian: “Chỉ được khen, không được chê / Đây là thơ thẩn văn nghê quần chùng” (Văn nghệ quần chúng).
Từ lâu, khi đọc cụ Hoài Thanh, người bình thơ phải gọi vào loại “siêu” tôi đã rất tâm đắc với quan điểm của cụ là cứ tìm cái hay mà đọc mà khen, không bận tâm gì đến những cái dở, bởi vì cái dở sẽ bị thời gian thải loại. Suốt đời cụ không làm một câu thơ nào nhưng cụ thẩm thơ và bình thơ thì thật là tuyệt diệu. Lời bình Hoài Thanh, giọng ngâm Trần Thị Tuyết  từng là một món ăn tinh thần sang trọng một thời. Sau này những người yêu cụ (và là đại bộ phân) xem cụ là người làm thơ bằng phê bình. Nghĩa là xem cụ như một nhà thơ chính cống, thậm chí còn là bậc thầy của các nhà thơ. Nhưng vì “chỉ có khen, không có chê” nên trong một bài vè lưu hành dưới dạng dân gian truyền miệng đã chê “cái cổ hay gật gù” của cụ: “Cái cổ Hoài Thanh / Răng nanh Đức Phúc”. Đức Phúc ở đây là chỉ Vũ Đức Phúc một nhà phê bình hay đi “phang” người.Cay độc nữa là còn đặt ngang với cái này của Ngọc Tú (nhà văn nữ) với cái kia của Xuân Quỳnh (nhà thơ nữ) nữa chứ. Thế mới biết giữa cuộc đời “bá nhân bá khẩu” khó xử thật.
Trong lối viết phê bình có lẽ tôi cũng ảnh hưởng quan điểm của cụ Hoài Thanh nhiều, nghĩa là cũng chọn những cái hay ra khen là chính chứ không đề cập gì đến những cái mà mình còn cho là dở hoặc chưa hay. Nhưng áp dụng cái nguyên tắc này vào các CLB tôi thấy cũng không ổn. Vì cái hay thật thì không có, đành phải khen đến những cái tàm tạm. Thôi thì cũng coi như là chọn bó đũa lấy cột cờ. Nhưng rồi những người không được khen họ cũng thấy động lòng. Rồi họ cũng phật ý và sinh sự. Nhất là từ khi  tôi chơi máy tính, ngoài việc biên tập lại còn phải kiêm cả việc đánh máy nữa. Tuổi già lẫn cẫn, không ít trường hợp đánh nhầm thơ của họ, thế là họ cứ đổ diệt cho là chữa hỏng thơ của họ.Họ lại được dịp “trị cho một mẻ” cho bõ ghét. Định học cụ Hoài Thanh nhưng tôi lại thành “cụ hoài công”. Cái đầu “người thịt” của tôi trông thì có vẻ lành lặn, nhưng cái đầu “người tinh thần” của tôi thì cũng “hầm hố” lắm. Bởi vì nó đã qua quá nhiều những đụng độ, những va chạm. Nhất là lại viết phê bình nữa nên càng có nhiều người ghét. Nhưng quen mất nết đi rồi, viết phê bình cứ thấy thuận tay hơn. Khi viết phê bình bao giờ tôi cũng nghe theo lời mách bảo của một câu danh ngôn: “Khen người ta mà khen không đúng là hại người ta. Chê người ta mà chê không đúng là tự hại mình”. Tôi thường phải cố gắng hết mình để vươn tới một sự đánh giá công bằng và khách quan. Nhưng chết nỗi những người tự biết đánh giá mình một cách khách quan lại không nhiều. Phổ biến người đời vẫn cứ “Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay”. Cho nên dù cố gắng thế nào, cứ sau một bài phê bình, bên cạnh những người hồng hào nở mũi, thể nào cũng có đôi ba người xị mặt. Đó cũng là một chuyện rất khó xử.
Bởi thế nên cũng nhiều lần tôi định bỏ nó rồi. Tôi định bỏ phê bình để sang viết văn, viết truyện. Tôi rất thích viết truyện ngắn, đã thử nhiều lần nhưng chết nỗi cứ viết xong, đọc lại lại thấy tự chán mình. Mà đã chán mình thì còn dám công bố làm sao được nữa. Năm ngoái tôi đã mời Minh Hương làm “sư phụ” để dạy tôi viết truyện ngắn. Nhưng chả hiểu vì lý do gì Minh Hương nhất định không nhận, chỉ trước sau nhận làm trò cũ thôi. Đáp lại tôi cũng cóc nhận Minh Hương là trò cũ nữa. Lý do của tôi là: Trò cũ Minh Hương của tôi là một cô gái trẻ, tuổi mười tám đôi mươi và đẹp như Kiều, bây giờ đem một bà Minh Hương già cốc đế ra đánh đổi lấy cái danh hiệu “trò cũ của thày Tuân” thì thày Tuân thiệt quá. Không chơi. Thế là tôi đành giở bài ra học lỏm vậy. Tôi tìm đọc hết truyện ngắn của Minh Hương. Tự nhiên lại thấy có khi viết truyện ngắn cũng dễ. Thế là tôi lại ngồi viết thử. Lần này thì tôi viết được một truyện tạm ưng ý . Nhưng truyện có liên quan nhiều đến câu chuyện tình của tôi, nên tôi chỉ công bố cho các bạn xa biết, còn khu vực gần thì vẫn giấu. Nhưng để chắc ăn hơn tôi phải quay lại viết ký một thời gian nữa để làm quen với việc lựa chọn và sinh động hóa các tình tiết. Đó là lý do tôi viết Lan man chuyện làng tôi. Tác phấm này tôi viết trong khoảng thời gian nửa năm. Cái cốt thì dựa vào thực tiễn của đời mình. Toàn bộ tâm lực của tôi giành vào việc lựa chọn chi tiết nào và làm sinh động những chi tiết ấy như thế nào? Nếu như sau này tôi còn đủ tâm lực và trí lực để viết truyện thì tôi chỉ phải lo ý tưởng và cái khung chuyện để lồng ý tưởng thôi. Còn về các chi tiết đắp vẽ thì sẽ không tắc nữa. Trong khi viết ký tôi cũng tham khảo những bài ký của cậu Nguyệt và đặc biệt thích Chuyện của bạn bè tôi. Tôi cóp toàn bộ cái ký ấy vừa để học cách viết của cậu ấy, vừa làm tài liệu để dạy con mình: “ Đây, hãy đọc đi, xem chú Thảo, chú Hào…các chú ấy vào đời như thế nào để mà tự lo lấy đời minh”. Đọc ký của cậu Nguyệt tôi cũng nhận ra một điều, nhìn bàng quan, phớt phát bên ngoài ta cứ ngỡ như cuộc đời phẳng lặng, nhưng nếu đi sâu vào mới thấy nhiều bão táp phong ba.
Từ khi lao vào viết nhiều, tôi thấy xem mạng và chơi blog có nhiều kích thích hơn. Tôi không mấy mặn mà với các CLB nũa. Nhất là lại có va chạm, hoặc có mầm mống của sự va chạm. Nhưng lý do chủ yếu vẫn là các CLB ấy đã không còn đáp ứng được những nhu cầu tinh thần của tôi nữa. Bây giờ thì chủ yếu tôi chơi Blog. Nghĩa là mình chỉ chơi với mình, trung thực là mình. Bản tính tôi vốn đã lòng ngay dạ thẳng (ruột ngựa mà). Sau này càng học tôi càng thấy trung thực là phẩm chất quý. Cố nhiên nếu kết hợp được cả với sự khéo léo tế nhị nữa thì hoàn hảo hơn. Nhưng vì một lẽ gì đó không hoàn hảo được thì cũng không nên thiếu trung thực. Cách đây từ hơn hai nghìn năm cụ Khổng Tử chẳng đã dạy “Tri chi vi tri chi / Bất tri vi bất tri / Thị tri dã” (Biết nói là biết / không biết nói là không biết / thế là biết vậy”. Như vậy thì trung thực còn đồng nghĩa với hiểu biết nữa. Một kẻ dù thiên kinh, vạn quyển nhưng trí trá, điêu mèo vẫn là không hiểu biết. Ngược lại một người dù trong bụng chẳng có lấy một “hột chữ” nhưng trung thực thì vẫn được xem là một con người hiểu biết. Đó là những đúc kết rất sâu xa và mãi mãi hậu thế phải “lấm mũi” mà bái phục. Thời nhân văn giai phẩm  Phùng Quán cũng có những câu thơ thật chí lý:“Dù ai chiều chuộng nâng niu / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu”. Rất tiếc là có một thời người ta lại không dung những câu thơ trung thực như thế.
Chơi Blog, thì theo thông lệ như mọi người tôi cũng sẵn lòng “minh bạch” cái riêng mình trước bàn dân thiên hạ. Và nếu được nhiều người hạ cố “nhòm ngó” đến thì cũng cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Trang Blog của tôi ngày đông thì trên trăm lượt truy cập, ngày vắng thì cũng ba bốn chục lượt truy cập. Thế là tôi đã thỏa mãn lắm rồi. Đã là nguồn kích thích cho mình ngồi vào bàn mà đọc, mà học, mà viết lắm rồi. Mấy năm nay tôi viết khỏe hơn có lẽ là vì thế. Tôi rất cám ơn hai trang mạng “Tri ân cuộc đời” và “ngươichilinh.com” vì đó là những đầu ra khá thường xuyên của các bài viết của tôi. Cũng là cửa ngõ dẫn bạn đọc vào với trang Blog của tôi vậy. Ngoài ra đây cũng là hai nguồn gần gũi nhất cung cấp tài liệu cho tôi học tập và nghiên cứu.
Đặc biệt hơn nữa là xin chân thành cám ơn chương trình 1044 đã trang bị cho tôi phương tiện hiện đại giúp cho tăng năng xuất lao động lên rất nhiều. Không phải đâu xa, năm 2007, khi làm những công trình tập hợp tư liệu của người xưa viết về Chí Linh, hàng tháng tôi phải sang thư viện tỉnh Hải Dương mượn sách về đọc. Mà có nhiều cuốn cần vẫn không có hoặc không vào diện được mượn mang về. Lại phải đi tận Hà Nội tìm và mua vậy. Hiệu sách mới không tìm được, tôi lại ra hiệu sách cũ bà Triệu. Vậy mà cuốn Lê Quý Đôn toàn tập người ta hét những 800.000 đồng, lúc đó là quá lớn đối với tôi. Tôi sục vào các tủ sách của bầu bạn. Được Trần Đình Ngôn tặng cho mấy cuốn. Chỉ có Lịch triều hiến chương loại chí mới tái bản là mua được bộ mới. Thiếu Lê Quý Đôn toàn tập, tôi lại về tìm lục các thư viện ở huyện. Thư viện huyện thì tôi biết là không có từ lâu rồi. Nhưng tôi ngờ rằng thư viện 490 hoặc Trường quân sự Quân Khu Ba có thể có. Rất may là tôi đã tìm được bộ này ở thư viện Trường Quân sự Quân Khu Ba. Nhưng từ khi có laptop tôi chả phải đi đâu cả mà cần tài liệu gì thì hầu hết là có ngay. Thảng hoặc mới có tài liệu không tìm được.Thành thử đối với tôi cái phương tiện này là vô cùng quý giá. Tôi cũng biết đây chính là một sự ưu ái đặc biệt của trò cũ đối với tôi rồi.
Nhưng vì đã sứt đầu mẻ trán nhiều vì những chuyện “tế nhị” và “khó xử”, nên tôi rất thông cảm với những người quản lý điều hành trang mạng. Nhất là với trang mạng Tri Ân mà trong đó thành phần tham gia bao gồm nhiều mối quan hệ thày trò, đồng ngũ, bầu bạn…Trong đó mối quan hệ thày trò là tế nhị và khó xử nhất. Tham gia trang mạng Tri Ân với tư cách là một “thày cũ” cũng là một khó xử đối với tôi. Bởi vì trong mối quan hệ này rất khó nói đến chuyện bình đẳng và sòng phẳng được, và phần thiệt thòi chịu đựng chắc chắn thuộc về phía các em, về phía học trò. Mối quan hệ với đồng nghiệp cũ cũng lại là một khó xử khác. Một người bạn đồng môn của tôi đã tổng kết một cách chính xác rằng trên đời này chỉ có hai mối quan hệ bình đẳng, vô tư và trong sáng đó là quan hệ “Bạn đồng môn” và “bạn đồng ngũ”. Ngoài ra ít nhiều đều  có vướng  mắc và thành kiến cả, nghĩa là đều phức tạp. Nhưng không thế thì đã chẳng là đời. Dù sao thì riêng bản thân tôi cũng muốn cố gắng hết mình để giảm tải những khó xử ấy cho những người hữu trách. Cụ thể là tôi chỉ viết lên Blog của tôi thôi. Mà khi viết Blog cá nhân thì cố nhiên là tôi phải viết trung thực như những điều mình cảm nhận và suy nghĩ. Tôi chỉ tham gia các trang mạng của các em với một sự thuận tình cho các em hữu trách được xem blog của tôi như một nguồn tài liệu của nhà, được toàn quyền lựa chọn và sử dụng. Nhưng như thế thì cũng chẳng có gì là đặc biệt, vì tôi thấy rất nhiều bài viết của tôi cũng trôi nổi trên rất nhiều các trang mạng, mà có ai hỏi han gì tôi đâu. Hình như đã thành một tiền lệ là đưa bài lên mạng là mặc nhiên thành của chung? Nếu có cái tiền lệ ấy thì tôi cũng chẳng có gì là ưu ái với các em cả. Thậm chí tôi còn vô trách nhiệm, đẩy quả bóng khó xử về phía các em. Nhưng biết làm sao được, cái gánh khó xử ấy, thày không gánh thì trò phải gánh.


Chí Linh 9/10/2011
Đỗ Đình Tuân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...