Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

DỊCH DANH NGÔN


                        DANH NGÔN
          CHỮ HÁN

          氣   忌   兇
                Khí        kỵ       hung
         心   忌   小
                  Tâm        kỵ        tiểu
         才   忌   路
                     Tài        kỵ       lộ

  Tính khí kỵ nhất hung hăng
 Tấm lòng kỵ nhất giá băng hẹp hòi
 Tài năng kỵ nhất ai ơi
 Khoe khoang kênh kiệu để người ghét ghen.
                       Đỗ Đình Tuân (dịch)
               
      

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (3)

                                 Bài 3

                    Hồn người trong thi ca

Tâm hồn con người là một thế giới trừu tượng và đầy huyền bí. Con người nhận ra nó nhưng không thể dùng ngũ giác để cảm nhận được. Không ai nhìn thấy tâm hồn mình hay tâm hồn người  khác to nhỏ, vuông tròn, xanh đỏ?. Cũng không ai sờ được tâm hồn mình hay tâm hồn bạn nhẵn nhụi, gồ ghề hay nóng lạnh? Tương tự cũng không ai có thể ngửi, nghe, hoặc nếm được tâm hồn của ai. Khi Tố Hữu viết: “Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu / Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng”, thì chữ “nghe” ở đây cũng đã được chuyển nghĩa đi rồi. Chẳng ai hiểu chữ “nghe” ấy theo nghĩa đen (sự nhận biết âm thanh bằng tai) mà chỉ hiểu nó theo nghĩa bóng: sự nhận biết bằng tâm thức. Trong truyện tiếu lâm ngày xưa cũng thế, đã từng có một anh chàng biết “ngửi văn” mà lại “ngửi” rất chính xác. Hàng xóm nhà anh ta có một anh “nhà văn”, viết văn thì rất dở nhưng lại hay khoe khoang, khoác lác. Một hôm nhà văn nọ quyết định thử tài “ngửi văn” của anh hàng xóm. Đầu tiên anh ta gói bộ Tam quốc vào một bọc rồi đưa anh nọ ngửi. Anh hít hít mấy cái rồi trả lời “Đây là bộ Tam quốc chí”. Sao anh biết? – “Vì tôi ngửi thấy mùi binh đao”. Anh ta lại gói bộ Hồng lâu mộng rồi đưa cho anh nọ ngửi. Anh cũng đưa lên mũi hít hít vài cái rồi trả lời “Đây là bộ sách Hồng lâu mộng”. Nhưng sao anh biết?- “Vì tôi ngửi thấy mùi son phấn”. Cuối cùng anh nhà văn gói bộ sách của mình vừa viết xong đưa cho anh nọ ngửi. Anh ta cũng hít hít vài cái rồi trả lời ngay tắp lự: “Đây là sách của anh, đúng không?”. Nhưng vì sao anh biết?-“Vì tôi ngửi thấy mùi thum thủm”!!! Tất cả những chữ “ngửi” rồi “mùi binh đao”, “mùi son phấn”, “mùi thum thủm” đều chẳng có một chữ nào mang nghĩa thật cả. Nó đều là những ẩn dụ của những ý tứ sâu kín trong cõi hồn người mà biến hóa thành. Nói tâm hồn con người gồm “thất tình” hay “cửu tình” thì cũng chỉ là phân loại một cách rất chung chung thôi chứ đi vào từng “chữ” còn có thể chẻ nhỏ ra thành rất nhiều “tiểu chữ”, và càng thành rất nhiều những biểu hiện cụ thể. Chẳng hạn như chữ “Ái” có thể chia thành “Luyến Ái”: tình yêu lứa đôi giữa một trai với một gái; “Nhân Ái”:tình yêu của một người với mọi người trong đồng bào, đồng loại; “Ái Quốc”: tình yêu của mỗi người với non sông đất nước mình…Ngay trong “Luyến Ái” thôi, cũng không biết bao nhiêu là trạng thái cụ thể. “Thân em như tấm lụa đào / Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”: mới chỉ là một trạng thái bâng khuâng chờ đợi của người con gái muốn được yêu. “Sáng đi bóng hãy còn dài / Trưa về bóng đã nghe ai bóng tròn” thì đã thấy trong đó sự ngỡ ngàng trách cứ với sự thay lòng đổi dạ rồi. “Thương anh em cũng muốn theo / Em sợ anh nghèo anh bán anh đi / Lấy anh em biết ăn gì / Lộc sắn thì chát lộc si thì già / lấy anh không cửa không nhà / Không cha không mẹ biết là cậy ai” là một nỗi băn khoăn giằng xé giữa “thương” và “sợ” đến tội nghiệp và đáng thương. Nhưng ở “Ba đồng một mớ trầu cay / Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không / Bây giờ em đã có chồng / Như chim vào lồng như cá cắn câu / Cá cắn câu biết đâu mà gỡ / Chim vào lồng biết thưở nào ra” thì sự “lỡ nhịp” đã để lại một nỗi xót xa tiếc nuối đến quặn lòng…Trong tình yêu nước “tình yêu” lại thường gắn với “nỗi lo”: “Lòng vì thiên hạ những lo âu / Thay việc trời dám trễ đâu / Trống năm canh còn đọc sách / Chiêng xế bóng chửa thôi chầu” (Lê Thánh Tông). Trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, tại núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ chí Minh cũng đã nhiều đêm thao thức vì lo việc nước như thế: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa / Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa / Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ / Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Xem thế thì chữ “Ái” với chữ “Ưu” cũng gần nhau lắm.
Thơ ca thường biểu hiên tâm tư tình cảm con người bằng nhiều cách khác nhau. Khi thì gọi tên trực tiếp: “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ / Nhớ ai ai nhớ bây giờ  nhớ ai?”. Nhưng cái tài, cái khéo của câu thơ này là ở chỗ tác giả dân gian chỉ nhấn nhá, điệp đảo có mấy chữ thôi mà vẫn làm hiện ra một nỗi nhớ dây dưa, day dứt đến không thể thoát ra được. Đúng là nỗi nhớ của những người đang yêu. Cũng có khi thì lại vừa gọi tên vừa miêu tả “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi / Như đứng đống lửa như ngồi đống than” Nỗi nhớ ở đây vừa được gọi tên: “nhớ” lại vừa được  miêu tả: “bổi hổi bồi hồi”, “đứng đống lửa”, “ngồi đống than”. Chính nhờ sự miêu tả mà người đọc cảm nhận được cái trạng thái cụ thể của nỗi nhớ ở đây thật bồn chồn và bức xúc. Nhưng đa phần trong thơ ca các tác giả chỉ sử dụng những ngôn ngữ hình ảnh để gợi ra cho người đọc tự cảm nhận. “ Từ nay góc bể chân trời / Nắng mưa thui thủi quê người một thân” đủ gợi ra lòng thương con đến đứt ruột của Vương Ông. “Nàng thì bằn bặt giấc tiên / Mụ thì cầm cập mắt nhìn hồn bay” đủ gợi ra nỗi sợ hãi của Tú Bà khi Thúy Kiều tự sát. “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời / Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm” gợi ra nỗi nhớ của Thúy Kiều đối với Từ Hải…Đến rất nhiều những trạng thái phức hợp khác của tình cảm, cảm xúc của con người cũng đều đã được nghệ thuật thi ca biểu hiện một cách vô cùng phong phú và đẹp đẽ:
-Lá phong đỏ như mối tình nhuộm lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa
                                         Tế Hanh
-Tâm hồn tôi khi tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi muôn sông diễm lệ
Con ngọc trai đêm hè đáy bể
Uống thủy triều bỗng sáng hạt châu.
                                        Chế Lan Viên
-Đành hanh cái nắng chớm thu
Nửa như nhớ hạ nửa như giận mình
Gặp thu cũng muốn ngoại tình
Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông
Cốm xanh vương vít trái hồng
Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa
Chớm thu nắng đổ về già
Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì…
                                     Trần Nhương
Ta có thể đọc thơ bắng mắt, nghe thơ bằng tai, cũng có thể kết hợp cả nghe với nhìn, nhưng thực chất vẫn là cảm nhận thơ bằng tâm thức. Bởi lẽ ngôn ngữ chỉ là một loại tín hiệu, tai mắt chỉ là bộ phận nhận tín hiệu. Còn giải mã và làm hiển thị, hiển thính các tín hiệu ấy thành hình ảnh, âm thanh…lại là do tâm não. Người làm thơ  thì khai thác hồn người mà chế tác ra các thi phẩm. Còn người đọc thơ thì lại từ các thi phẩm mà chế tác ra hồn người. Đọc thơ là một quá trình hồi sinh và nảy nở của tâm hồn con người. Nói người đọc thơ cũng là người đồng sáng tạo là vì thế. Nghệ thuật thơ ca tuy không trừu tượng như âm nhạc, không khó hiểu như hội họa nhưng cũng không hề đơn giản. Những người có đời sống tinh thần phong phú thì mới dễ nhận ra và cảm thụ được những phần tinh diệu của thơ và ngược lại. Nói đọc thơ là tự đọc mình và làm thơ là tự vẽ mình là nói ở cái khía cạnh này. Bởi lẽ “ người làm sao của chiêm bao làm vậy”. Không ai dấu được bộ mặt con người tinh thần của mình qua các thi phẩm cả. Người cầm bút cứ luôn phải thận trọng, công phu và tự khắt khe với mình là vì thế. Nhưng nếu vì lẽ đó mà lại buông bút thoái lui thì lại hoàn toàn không nên.
31/7/2011
Đỗ Đình Tuân
                                                                  


Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (2)

                                          Bài 2


                    ĐƯỜNG ĐẾN "QUÁN THƠ"

Trong bài “Bàn về thơ con cóc”, ta đã chạm tới vấn đề cốt lõi của thơ là phải biểu hiện “nội giới” của con người. “Nội giới” là chữ rút gọn của “thế giới nội tâm” tồn tại trong tâm hồn sâu kín của con người. Khác với “ ngoại giới” là “thế giới hiện thực  khách quan” tồn tại ở bên ngoài tâm hồn con người. Hai thế giới này cố nhiên là có quan hệ và tương tác lẫn nhau. Thế giới bên ngoài gồm có  môi trường thiên nhiên và cộng đồng xã hội. Còn cái thế giới nội tâm, người xưa từng khái quát trong “thất tình-lục dục” (bảy thứ tình cảm và sáu sự ham muốn”.
Sáu điều ham muốn của con người gồm: 1.Sắc dục: mắt thèm nhìn cái đẹp; 2. Thính dục: tai thèm nghe những âm thanh êm ái; 3. Hương dục: mũi thèm ngửi những mùi thơm tho; 4. Vị dục: miệng thèm nhai những thức ăn ngon; 5.Xúc dục: thân xác thèm được sung sướng; 6. Pháp dục: ý nghĩ thèm được thỏa mãn. Còn bảy thứ tình cảm của con người thì các sách tổng kết có so le nhau một chút: 1. Phật học từ điển là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn); 2. Kinh lễ của nho giáo là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn); 3.Đại thừa chân giáo là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ ( mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ); Dưỡng chân tập là: hỷ, nộ, ai, lạc, ưu, khủng, kinh ( mừng, giận, buồn, vui, lo, sợ, hoảng); Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục ( mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn). Nếu cộng cả lại thì phải thành mười một thứ tình cảm. Nhưng xét ra những cái "cụ" với "khủng" và "kinh" thực ra chỉ là một bởi chúng chỉ khác nhau về mức độ chứ cũng đều là "sợ "cả. Cụ-Khủng-Kinh gộp vào là một thứ cũng không hề sai. Cho nên nói “Thất tình” cũng chỉ là một thói quen, một giáo điều, chứ đúng ra phải là “Cửu tình”(chín thứ tình cảm) mới đúng. Cụ thể gồm: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục, ưu, cụ (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn, lo, sợ). Riêng sách “Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp còn phân chia “thất tình” ra ở ba cấp độ tích cực và tiêu cực khác nhau để khuyên con người phát huy những tình cảm tích cực và chế ngụ những tình cảm tiêu cực. Ba thứ tình cảm thuộc loại tích cực là hỷ, ái, lạc (mừng, thương, vui). Ba thứ tình cảm này con người cần phát huy. Cố nhiên vẫn ở mức độ cần thiết cho phép. Bốn thứ tình cảm còn lại đều thuộc loại tiêu cực nhưng ở hai mức độ khác nhau. Ở mức độ trung bình có ố và dục (ghét và muốn) con người cần phải chế ngự nó ở mức độ vừa phải. Ở mực độ cao có nộ và ai (giận và buồn) thì con người phải chế ngự nó một cách mạnh mẽ.
Chưa kể trong thế giới nội tâm, ngoài phần “ý thức” mà con người tương đối kiểm soát được, còn có phần “vô thức” nữa. Mà đã là “vô thức” thì ta đâu có nhận ra nó và cũng không thể điều hành được nó. Nó nằm ở trong ta nhưng ẩn sâu nấp kín. Với rất nhiều những con người “tỉnh táo” thì cái anh chàng “vô thức” này hoàn toàn tê liệt. Nhưng ở một số người, có thể rất bình thường, thậm chí có thể hơi ngớ ngẩn, còn chập chập cheng cheng  nữa là đằng khác…Nhưng cái anh chàng “vô thức” của anh ta lại hay quẫy đạp, thỉnh thoảng nó lại “đốc chứng” vùng lên, thức dậy…Khi ấy tâm hồn anh ta sẽ rơi vào cái trạng thái “lên đồng”, “thăng hoa”. Nếu có ý thức viết anh ta dễ có khả năng “xuất khẩu thành chương”, “nhả ngọc phun châu” ra những câu thơ lạ lùng, kỳ diệu mà những người “tỉnh táo” trong chúng ta có thể mất cả đời cũng không nghĩ ra được. Nhưng những hiện tượng “trời cho” như thế thường rất ít. Đa phần những người làm thơ xưa nay thường khởi điểm từ lòng đam mê, yêu thích hoặc khắc khoải một nỗi niềm bày tỏ mà cầm bút. Rồi vừa làm vừa mầy mò tự học, tự tích lũy, làm phong phú và khôn lớn con người tinh thần của mình. Đến một mức nào đó bỗng “thành tài”. Có thể cũng trở thành những tác giả danh tiếng hẳn hoi. Trong rất nhiều những người đi con đường này tìm đến “quán thơ” cũng chỉ hiếm hoi lác đác vài người “ghé đít” được vào quán thôi chứ đâu có nhiều. Nhưng có sao đâu? Chính lúc họ đi trên đường, chính lúc họ cầm bút, họ mầy mò tự học…là niềm hạnh phúc của cuộc đời họ đấy. Nói như Trần Nhương:
Ta đắm đuối với câu thơ, bức hoạ
Cũng vớ vẩn thôi nhưng ta được là ta…
Cỏ cứ mướt chân đê ngày tháng mới
Hoa cứ tàn bạc cánh lối người qua
...
Cho nên dù có “khả năng” hay “không có khả năng” nếu yêu thơ xin cứ mạnh dạn mà cầm bút. Thơ ta bây giờ có thể mới chỉ là thơ con cóc. Nhưng biết đâu đấy sẽ có ngày nó lại thành trái ngọt hoa thơm …và đó là một khả năng  hoàn toàn thực tế. Trong CLB thơ văn Cánh Phượng có một “nữ sĩ” cách đây chừng 10 năm, thơ cô ấy viết cũng thật thà như đếm, cứ có sao nói vậy thôi. Chưa biết chọn lọc và biến hóa gì.  Câu thơ vì thế thiếu hẳn sự lung linh cần thiết. Ấy  vậy mà đến vài ba năm gần đây, cô ấy bỗng viết những bài thơ ám ảnh và rưng rưng lạ. Bài nào cũng là một bức tranh thuần túy tâm trạng đầy biến ảo và thao thiết lắm. Xin dẫn ra đây một bài cô ấy vừa mới viết:-bài Ký ức học đường:
Mượn cây bàng chiếc ô che
Xưa cùng chơi dưới lửa hè nắng chan
Xế chiều ngược bến thời gian
Mượn chùm hoa phượng sưởi làn heo may

Mượn câu lục bát cầm tay
Để tôi tìm lại những ngày ấu thơ
Sân trường tôi đứng ngẩn ngơ
Lắng nghe lớp trẻ ngây thơ học vần

Muôn bàn tay lá ân cần
Lao xao vẫy đón bước chân tôi về
Tìm trong ký ức trường quê
Chúng tôi vui học say mê một thời

Tôi đi tìm những nụ cười
Bạn tôi bỏ lại trong thời chiến tranh.

            Riêng tôi, tôi cứ tin rằng, những người chơi thơ chúng ta, ai cũng có thể làm được thơ hay cả, khiêm tốn nhất là một bài và có thể còn nhiều hơn thế, nếu chúng ta biết lắng nghe mình, biết tự trang bị cho mình một vài công cụ để sẵn sàng “chộp giật” lấy nó  khi nó vừa hé lộ trong cõi lòng sâu kín của ta.                              25/7/2011                                                                                                                    
                                                                          

  

 





Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (1)

                                       Bài 1


                        BÀN VỀ THƠ CON CÓC
Muốn hiểu thế nào là thơ con cóc, trước tiên phải đọc lại mẩu chuyện về bài thơ con cóc trong kho tàng tiếu lâm Việt Nam. Mẩu chuyện ấy như sau: “Có ba ông vẫn tự đắc là mình hay thơ Nôm. Một hôm, rủ nhau đi chơi chùa, để cùng làm thơ tức cảnh. Nhưng đến chùa, không biết làm thơ gì, mới bảo nhau hãy đưa tiền cho ông tự đi mua rượu và đồ nhắm về đánh chén đã: hễ rượu vào rồi, thì tự khắc thơ sẽ ra tuồn tuột! Đồ nhắm được mua về, ba ông ngồi bắt chân chữ ngũ, gật gù uống rượu, rung đùi nghĩ thơ. Chợt thấy con cóc ở trong xó, nhảy ra. Một ông mới ngâm rằng:
   Con cóc trong hang,
   Con cóc nhảy ra.

Ông thứ hai  đọc tiếp:
   Con cóc nhảy ra,
   Con cóc ngồi đấy.

Ông thứ ba:
   Con cóc ngồi đấy
   Con cóc nhảy đi.

Ba ông cùng vỗ đùi, cười ồ cả lên khen rằng:
- Hay! hay! hay thật!
Cười chán rồi, một ông bảo rằng:
- Thơ ta tuyệt cú! mà ta xuất khẩu thành chương như thế thì tôi e lắm, hai Tiên sinh ạ. E rằng Thánh nhân người có dạy: ai mà linh khẩu lắm thì chẳng kẻo chết non. Vậy ta phải nên liệu trước.
Hai ông kia lấy làm phải lắm, bèn mời ông tự ra, nói hết đầu đuôi; rồi đưa tiền nhờ mua hộ ngay cho ba cỗ ván.
Ông tự cầm tiền đi mua. Một chốc đem về bốn cái áo quan. Ba ông hay thơ mới hỏi:
- Sao lại mua những bốn cái thế ?
- Thưa các Ngài, tôi mua thêm một cái để cho tôi, bởi vì tôi buồn cười quá, cũng đến chết mất.”
Thật là sâu sắc và hóm hỉnh. Ngẫm nghĩ trước câu chuyện này ta sẽ hiểu được thơ con cóc trước hết là sản phẩm của những “nhà thơ” mà đầu óc trống rỗng, không có hiểu biết gì, nhưng luôn luôn ngộ nhận về mình, tự nghĩ mình là loại “giỏi thơ Nôm”, nên họ rất  tự đắc. Rồi từ “tự đắc” đến tự tin họ mới rủ nhau ra chùa để cùng thực hành  “làm thơ tức cảnh”. Nhưng chết nỗi là cùng với đầu óc trống rỗng thì trong tâm tư của họ cũng chẳng có một “rung động” gì trước ngoại cảnh. Với họ thì có lẽ cái “tâm hồn ăn uống” mạnh hơn cái “cảm hứng làm thơ”. Cho nên khi đã ra đến chùa mà vẫn “chưa biết làm thơ gì” thì họ nghĩ ngay đến “đánh chén đã”. Họ hiểu một cách rất thô thiển rằng “ Cứ rượu vào rồi thì tự khắc thơ sẽ ra tuồn tuột”. Hình ảnh ba “nhà thơ” ngồi “bắc chân chữ ngũ, gật gù uống rượu, rung đùi nghĩ thơ” thật ra vẻ và đúng mốt. Nhưng thực ra họ cũng có nghĩ ra được cái gì đâu. Giữa lúc đó thì may thay có một con cóc từ trong xó nhảy ra cứu nguy cho họ. Cả ba “nhà thơ” như người chết đuối vớ phải bọt và họ quay ông kính hướng cả vào con cóc để chụp lấy chụp để:
Ông thứ nhất chụp được cảnh:
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Ông thư hai chụp được cảnh:
Con cóc nhảy ra
Con cóc đứng đó
Và ông thứ ba chụp được cảnh:
Con cóc đứng đó
Con cóc nhảy đi
Bài thơ tức cảnh đã hoàn thành và đúng là nó đã “ra tuồn tuột”.  Sáu câu thơ gợi ra hai bước nhảy của một con cóc rất chân thực và sinh động. Câu kết thúc của bài thơ lại là một câu thơ rất động “con cóc nhảy đi” đã khiến cho người đọc có cảm giác con cóc kia vẫn còn tiếp tục nhảy chứ chưa dừng lại cùng với bài thơ. Thơ tức cảnh như thế là rất giỏi về mặt miêu tả ngoại giới. Nhưng chết nỗi cái đó lại không phải là nhiệm vụ chính của thơ. Trong thơ “ngoại giới” chỉ là cái cớ nhà thơ mượn nó để biểu hiện cái “nội giới” của mình. Bài thơ con cóc, chẳng có cái “nội giới” cóc khô gì nên nó không phải là thơ. Ngay cả ở loại thơ gọi là thơ “hướng ngoại” hay thơ “tả thực”, “tả chân” gì đi nữa, thì cũng cứ phải “dính” ít nhiều cái “nội giới” của con người vào nó mới thành thơ được. Chẳng hạn cũng viết về con cóc nhưng dân gian lại viết “ Cóc chết bỏ nhái mồ côi / Chẫu ngồi chẫu khóc chàng ơi là chàng” thì lại là một câu thơ ghê gớm. Cả họ hàng nhà cóc, nhái chẫu chàng…đã hiện ra khóc thương nhau, nhưng vờ vĩnh quá, người chết một đằng, người khóc một nẻo. Đúng là trò thương vay khóc mướn, làm người ta phải bật cười. Nó không còn là câu thơ tả thực thuần túy và vô cảm nữa mà đã “dính” thái độ phê phán của người viết vào đấy rồi, dính cái “nội giới” của con người vào đấy rồi. Nó thành thơ là vì lẽ đó
22/7/2011
Đỗ Đình Tuân









Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

THU TIẾT

Nắng  nồng như giận giữ
Mưa dầm dề khúc nhôi
Trăng thanh tròn viên mãn
Đêm đầm đìa sương vui


Đầm sen tàn vẻ tươi
Lạnh se đầu ngọn gió
Vẽ mầu xanh da trời
Cho mùa thu muôn thưở.
                                      20/7/2011
                                   Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG


Mùa hè năm 1965, những ngày sắp sửa ra trường, chiến tranh phá hoại miền Bắc đã xẩy ra được mấy tháng. Một đêm trăng, đúng phiên mình đi gác, khi đi tuần qua khu tập thể nữ, tự nhiên mình đi tách khỏi tốp, rẽ ngang qua phòng thị. Ánh trăng từ phía chùa Thánh Chúa rọi qua cửa sổ chiếu sáng cả giường thị ngủ. Thị nằm ở giường tầng một, kề ngay cạnh cửa sổ hậu của phòng. Màn buông và thị thì đang ngủ. Một giấc ngủ có vẻ rất ngon lành và vô tư. Chẳng mấy lúc, hình ảnh ấy bỗng bật ra thành bài thơ EM NGỦ:
Anh trông em êm đềm như giấc ngủ
Em thơm lành như giọt sữa mẹ cha
Ngực căng mẩy phập phồng nhẹ thở
Gương mặt hiền đầy đặn nét Hằng Nga.
Mùa hè 1965
Ra trường, thị vượt Trường Sơn về quê thị. Còn mình thì cũng về Hải Dương quê mình dạy học. Mình toàn tâm toàn ý cho công tác và giảng dạy, chẳng để ý gì đến những phập phồng riêng tư vừa chớm nở và cũng lập tức bị dập vùi ngay trong những năm tháng ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Mình cũng cứ đinh ninh rằng “bụi thời gian” rồi sẽ phủ lấp mất tăm mất tích những kỷ niệm ngày xưa. Ai ngờ vào một đêm cuối thu đầu đông năm 1979, mình lại nằm mơ gặp thị. Vẫn đôi mắt tròn to, vẫn gương mặt đượm buồn, mái tóc vàng mầu hạt dẻ và một giọng nói trong trẻo nhưng đượm tình, ấm áp và dễ mến... Khi tỉnh giấc mình cứ bồn chồn mong, da diết nhớ...không sao ngủ lại được nữa. Bài thơ GẶP LẠI TRONG MƠ cũng hình thành ngay trong đêm đó:
Kỷ niệm cũ ngỡ đã quên hết cả
Sao vẫn còn “tấm hình chụp trong tim”?
Mười lăm năm em còn tươi trẻ lạ
Sao không thương, không nhớ, không tìm?

Anh quá mải mê đường sự nghiệp

Hững hờ với cả những riêng tư
Chỉ một đôi lần nghe gió rét
Bâng khuâng nhớ dậy nỗi bao giờ...

Có lẽ sau này anh hẹn gặp

Tìm em khi tuổi bạc đầu râu
Mái đầu hạt dẻ vàng như mộng
Nhắc lại tình xưa những kiếp sau.
Thu đông 1979
Tháng 8 năm 1998, thị có chuyến ra tham quan ngoài Bắc. Các bạn bè cùng lớp ở Hà Nội đã có thiện ý đưa thị về qua thăm mình tại Sao Đỏ. Mình thật sự bất ngờ, sung sướng và run rẩy quá. Chuyến ấy mình có cùng với bạn bè lên Hà Nội tiễn thị về Nam. Trong bữa tiệc, thị ngồi bên mình, gắp thức ăn cho mình và hướng dẫn mình cách ăn những món ăn mình còn lạ lẫm. Cũng trong bữa tiệc thị có một yêu cầu với mình và cũng nói công khai trước bạn bè: “Tuâng hãy để cho mình nuôi hộ một đứa trẻ nghe. Mình sẽ nuôi cho ăn học qua đại học hè!”. Mình thoáng nghĩ đến bé Nguyên Lượng, lúc đó mới 11 tuổi, nhưng hắn nhắng và thông minh lắm. Những năm tháng ấy hoàn cảnh kinh té nhà mình còn khá gieo neo . Bà Thu thì “Mở mắt ra đã phải lo” và suốt ngày phải vật lộn với “Áo cơm em một gánh hàng”…nhưng nhờ có bé Nguyên Lượng mà cuộc sống vẫn thấy nhẹ tênh tênh và trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Cố nhiên là hôm đó mình chưa thể trả lời thị được vì dù sao cũng còn phải bàn với Thu và xem nguyện vọng của các bé. Mình chỉ đọc một bài thơ hình thành ngầm ở trong đầu khi đang ngồi trên xe đi Hà Nội cùng bạn bè và thị: Bài EM ĐẾN:
Nghìn dặm dài em lại đến thăm anh
Chớp mắt vậy đã ngoài ba thập kỷ
Tha thứ cho nhau lỗi lầm son trẻ
Cho chúng mình vợi nhẹ nỗi đau riêng

Dẫu cuộc đời anh không thể có em

Bởi tất cả nay đã thành đôi ngả
Chút kỷ niệm xưa những ngày gặp gỡ
Đáy hồn mình anh cất giữ y nguyên

Dẫu cuộc đời anh không thể có em...

8/1998
Ngày hôm sau thì thị bay về nam. Từ năm đó trung thu năm nào thị cũng gửi quà cho bọn trẻ và  ngày 20 tháng 11 cũng thường có một món quà nhỏ gửi bà Thu. Rồi thì đến một năm bỗng dưng mất liên lạc. Lúc đó nhà mình còn chưa có điện thoại riêng nên phải ra bưu điện điện vào nhà thị để hỏi tình hình. Đầu dây bên kia là tiếng của một người phụ nữ lạ “ bà ấy chuyển đi chỗ khác rồi”. Mình nghĩ rất có thể là vì một lý do “tế nhị” gì chăng nên cũng ngại không tìm tòi và liên lạc nữa. Bẵng đi thế mà đã ngót chục năm, hôm 1/5/2011, một người bạn cùng lớp ở Hà Nội về Chí Linh chơi có ghé qua thăm mình. Mình có hỏi thăm tình hình các bạn. Tình cờ cũng hỏi thăm đến thị mới được biết thị đã mất vì tai nạn xe máy cách đây gần chục năm rồi. Các bạn trên Hà Nôi khi biết tin cũng có thu gom được mấy triệu đồng gửi vào phúng viếng thị. Vậy mà mình thì chẳng hay biết gì. Từ năm ngoái mình đã có ý định, nếu có dịp đi thành phố Hồ Chí Minh thì nhất định sẽ đến nhà thị chơi đáp lễ. Nhưng bây giờ thì âm đương đôi ngả rồi. Mình không còn điều kiện gặp lại thị nữa. Chẳng biết còn có một dịp nào đến thắp cho thị một tuần nhang hay không. Mình chép lại mấy bài thơ cũ mình viết để dành riêng cho thị. Xem như một nén hương lòng để tưởng nhớ bạn xưa. Câu chuyện này mình cũng chưa dám thổ lộ cùng ai, sợ lại chạm phải “tổ kiến lửa”, nên chỉ mới kín hở Giãi bày cùng Thanh Dạ:
Nghe tin người ấy ra đi
Bồn chồn thương nhớ vội ghi mấy dòng
Thôi còn chi nữa mà mong
Tiễn đưa một nén hương lòng vậy thôi.

Chí Linh 15/7/2011
Đỗ Đình Tuân

                                                                   

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

BẠN CŨ, TRÒ XƯA...MỪNG SINH NHẬT

Vài hình ảnh bạn cũ trò xưa đến mừng sinh nhật:







NHỚ THÀY GIÁO DẠY VĂN

Chẳng biết tự bao giờ, hoa phượng đỏ đã thành biểu tượng mùa thi. Phượng mãi đỏ trong ký ức của bao lớp học trò, trong đó có cả những người sẽ là thày cô giáo. Đọc bài thơ Mùa hoa phượng của thày Đỗ Đình Tuân, tôi lại thấy xốn xang nhớ về những mùa hè đầy xao động thời thiếu nữ. Và tôi nhớ những giờ học văn cấp III, nhớ thày dạy Văn mà tôi hằng kính yêu.
Lớp 8D của tôi được thầy Tuân dạy môn Văn. Tôi vẫn nhớ nét chữ thày viết to trên bảng: “Văn học là nhân học” trong giờ Văn đầu tiên với bài học nhập môn. Tôi không còn nhớ vì sao thày chọn tôi vào đội tuyển Văn, chỉ nhớ những buổi học thêm mà thày dày công dạy dỗ chúng tôi. Ba cô học trò tinh nghịch: Tô Hà – Hồng Minh – Trang Kim đã tiêu tốn bao tâm sức và thời gian của thày. Ngoài những giờ học trên lớp, những buổi học thêm của đội tuyển, thày còn đưa ba chúng tôi đi nghe nhà văn Nguyễn Đình Thi nói chuyện, đưa chúng tôi sang Nam Sách đến nhà của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, đi dọc đê Bến Bình đến Vạn Kiếp rồi Côn Sơn. Dọc đường đi thày nhắc chuyện Hội nghị Diên Hồng, chuyện Trần Quốc Toản. Thày chỉ nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đóng quân… Đến Côn Sơn, khi ấy chùa Hun còn vắng vẻ thanh tịnh, thày chỉ cho chúng tôi thấy giếng Ngọc. Thày nói nhiều về Nguyễn Trãi với cuộc đời thăng trầm đầy bi tráng. Qua An Mô, thày kể sự tích đền Mẫu, đền Hóa. Cứ như thế, thày đã dẫn dắt chúng tôi từ những bài học trong trang sách bước ra cuộc đời. Tôi thêm yêu mảnh đất Chí Linh vì tình Văn – tình Người mà thày đã truyền lại.
Không biết ngày ấy, có phải thày đã phát hiện ra giọng đọc của tôi hay không mà trong những buổi học thêm của đội tuyển, thày luôn bắt tôi tập đọc diễn cảm. Có lần thày bảo tôi đọc bài “Con chị Lộc”, tôi đọc mãi mà vẫn không thể hiện được bài văn. Thày cứ lắc đầu nhưng thày cũng không sao nói cho tôi hiểu được phải đọc như thế nào. Lúc đó có lẽ tôi còn quá dại, không hiểu hết tình cảm của chị Lộc trong bài văn nên câu chữ cứ tuột đi, không cảm xúc. Sau này, khi làm truyền hình, tôi đã gặp rất nhiều thể loại văn bản. Và tôi nhận ra một điều: Chỉ khi nào thực sự hiểu và rung động với văn bản thì mới có cảm xúc để thể hiện đầy đủ tác phẩm. Mỗi khi gặp một văn bản khó, tôi lại nhớ đến cái lắc đầu của thày. Và dù không phải là một phát thanh viên chuyên nghiệp, tôi vẫn luôn tự đòi hỏi mình rất cao trước mỗi văn bản. Trong công việc của mình, tôi không chỉ đọc mà còn nghe rất nhiều người khác đọc. Tôi phân biệt rất rõ giữa một giọng đọc kỹ xảo và một giọng đọc truyền cảm thực sự. Và tôi hiểu, khi ấy thày tôi yêu cầu tôi phải thật sự truyền được cảm xúc của mình đến người nghe.
Nhân ngày sinh của thày Đỗ Đình Tuân, tôi xin chia sẻ một vài kỷ niệm về những ngày được là học trò của thày, như một lời TRI ÂN với người thày đã cho tôi những bài học Văn và học làm Người.
Xin kính chúc thày mạnh khỏe và tiếp tục tỏa ấm Blog Triancuocdoi với những trang viết đầy ắp tình người. Và dẫu rằng: “Hoa phượng tiếp mùa hoa phượng/ Học trò lớp lớp sang sông/ Tung cánh bay đi khắp hướng” thì đò thày vẫn không “đậu bến không”. Bao lớp học trò sang sông, trong đó có em vẫn nhớ bến đò xưa, nhớ người chở đò đầy tâm huyết. Mong thày thật nhiều niềm vui trong cuộc sống.
TRI ÂN CUỘC ĐỜI0 nhận xét


Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

THƠ ĐỌC TRONG NGÀY SINH NHẬT 11/7/2011

Một năm hưởng "lãi tri ân"*
Tôi thành một "Đỗ Đình Tuân ngời ngời"
Văn chương "kéo ngọn" bời bời
Thày trò, bầu bạn bao người sẻ chia**
Lòng già thức dậy hồn quê
Làng xưa một thưở hiện về hôm nay
Trăm năm còn được bao ngày
Dành tri ân
                 Mảnh đất này
                                      Quê hương.
                    10/7/2011
               Đỗ Đình Tuân 


 
*"lãi tri ân": lòng thơm thảo của trò cũ, lòng cảm thông của bạn xưa và cả sự hạ cố của bạn đọc đều có thể được xem là "lãi tri ân".
**Trang DoDinhTuan’s blog lên mạng đầu tiên ngày 14 tháng 10 năm 2010 tính đến ngày 10/7/2011 có 16.667 lượt truy cập

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...