Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (2)

                                          Bài 2


                    ĐƯỜNG ĐẾN "QUÁN THƠ"

Trong bài “Bàn về thơ con cóc”, ta đã chạm tới vấn đề cốt lõi của thơ là phải biểu hiện “nội giới” của con người. “Nội giới” là chữ rút gọn của “thế giới nội tâm” tồn tại trong tâm hồn sâu kín của con người. Khác với “ ngoại giới” là “thế giới hiện thực  khách quan” tồn tại ở bên ngoài tâm hồn con người. Hai thế giới này cố nhiên là có quan hệ và tương tác lẫn nhau. Thế giới bên ngoài gồm có  môi trường thiên nhiên và cộng đồng xã hội. Còn cái thế giới nội tâm, người xưa từng khái quát trong “thất tình-lục dục” (bảy thứ tình cảm và sáu sự ham muốn”.
Sáu điều ham muốn của con người gồm: 1.Sắc dục: mắt thèm nhìn cái đẹp; 2. Thính dục: tai thèm nghe những âm thanh êm ái; 3. Hương dục: mũi thèm ngửi những mùi thơm tho; 4. Vị dục: miệng thèm nhai những thức ăn ngon; 5.Xúc dục: thân xác thèm được sung sướng; 6. Pháp dục: ý nghĩ thèm được thỏa mãn. Còn bảy thứ tình cảm của con người thì các sách tổng kết có so le nhau một chút: 1. Phật học từ điển là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn); 2. Kinh lễ của nho giáo là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn); 3.Đại thừa chân giáo là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ ( mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ); Dưỡng chân tập là: hỷ, nộ, ai, lạc, ưu, khủng, kinh ( mừng, giận, buồn, vui, lo, sợ, hoảng); Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục ( mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn). Nếu cộng cả lại thì phải thành mười một thứ tình cảm. Nhưng xét ra những cái "cụ" với "khủng" và "kinh" thực ra chỉ là một bởi chúng chỉ khác nhau về mức độ chứ cũng đều là "sợ "cả. Cụ-Khủng-Kinh gộp vào là một thứ cũng không hề sai. Cho nên nói “Thất tình” cũng chỉ là một thói quen, một giáo điều, chứ đúng ra phải là “Cửu tình”(chín thứ tình cảm) mới đúng. Cụ thể gồm: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục, ưu, cụ (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn, lo, sợ). Riêng sách “Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp còn phân chia “thất tình” ra ở ba cấp độ tích cực và tiêu cực khác nhau để khuyên con người phát huy những tình cảm tích cực và chế ngụ những tình cảm tiêu cực. Ba thứ tình cảm thuộc loại tích cực là hỷ, ái, lạc (mừng, thương, vui). Ba thứ tình cảm này con người cần phát huy. Cố nhiên vẫn ở mức độ cần thiết cho phép. Bốn thứ tình cảm còn lại đều thuộc loại tiêu cực nhưng ở hai mức độ khác nhau. Ở mức độ trung bình có ố và dục (ghét và muốn) con người cần phải chế ngự nó ở mức độ vừa phải. Ở mực độ cao có nộ và ai (giận và buồn) thì con người phải chế ngự nó một cách mạnh mẽ.
Chưa kể trong thế giới nội tâm, ngoài phần “ý thức” mà con người tương đối kiểm soát được, còn có phần “vô thức” nữa. Mà đã là “vô thức” thì ta đâu có nhận ra nó và cũng không thể điều hành được nó. Nó nằm ở trong ta nhưng ẩn sâu nấp kín. Với rất nhiều những con người “tỉnh táo” thì cái anh chàng “vô thức” này hoàn toàn tê liệt. Nhưng ở một số người, có thể rất bình thường, thậm chí có thể hơi ngớ ngẩn, còn chập chập cheng cheng  nữa là đằng khác…Nhưng cái anh chàng “vô thức” của anh ta lại hay quẫy đạp, thỉnh thoảng nó lại “đốc chứng” vùng lên, thức dậy…Khi ấy tâm hồn anh ta sẽ rơi vào cái trạng thái “lên đồng”, “thăng hoa”. Nếu có ý thức viết anh ta dễ có khả năng “xuất khẩu thành chương”, “nhả ngọc phun châu” ra những câu thơ lạ lùng, kỳ diệu mà những người “tỉnh táo” trong chúng ta có thể mất cả đời cũng không nghĩ ra được. Nhưng những hiện tượng “trời cho” như thế thường rất ít. Đa phần những người làm thơ xưa nay thường khởi điểm từ lòng đam mê, yêu thích hoặc khắc khoải một nỗi niềm bày tỏ mà cầm bút. Rồi vừa làm vừa mầy mò tự học, tự tích lũy, làm phong phú và khôn lớn con người tinh thần của mình. Đến một mức nào đó bỗng “thành tài”. Có thể cũng trở thành những tác giả danh tiếng hẳn hoi. Trong rất nhiều những người đi con đường này tìm đến “quán thơ” cũng chỉ hiếm hoi lác đác vài người “ghé đít” được vào quán thôi chứ đâu có nhiều. Nhưng có sao đâu? Chính lúc họ đi trên đường, chính lúc họ cầm bút, họ mầy mò tự học…là niềm hạnh phúc của cuộc đời họ đấy. Nói như Trần Nhương:
Ta đắm đuối với câu thơ, bức hoạ
Cũng vớ vẩn thôi nhưng ta được là ta…
Cỏ cứ mướt chân đê ngày tháng mới
Hoa cứ tàn bạc cánh lối người qua
...
Cho nên dù có “khả năng” hay “không có khả năng” nếu yêu thơ xin cứ mạnh dạn mà cầm bút. Thơ ta bây giờ có thể mới chỉ là thơ con cóc. Nhưng biết đâu đấy sẽ có ngày nó lại thành trái ngọt hoa thơm …và đó là một khả năng  hoàn toàn thực tế. Trong CLB thơ văn Cánh Phượng có một “nữ sĩ” cách đây chừng 10 năm, thơ cô ấy viết cũng thật thà như đếm, cứ có sao nói vậy thôi. Chưa biết chọn lọc và biến hóa gì.  Câu thơ vì thế thiếu hẳn sự lung linh cần thiết. Ấy  vậy mà đến vài ba năm gần đây, cô ấy bỗng viết những bài thơ ám ảnh và rưng rưng lạ. Bài nào cũng là một bức tranh thuần túy tâm trạng đầy biến ảo và thao thiết lắm. Xin dẫn ra đây một bài cô ấy vừa mới viết:-bài Ký ức học đường:
Mượn cây bàng chiếc ô che
Xưa cùng chơi dưới lửa hè nắng chan
Xế chiều ngược bến thời gian
Mượn chùm hoa phượng sưởi làn heo may

Mượn câu lục bát cầm tay
Để tôi tìm lại những ngày ấu thơ
Sân trường tôi đứng ngẩn ngơ
Lắng nghe lớp trẻ ngây thơ học vần

Muôn bàn tay lá ân cần
Lao xao vẫy đón bước chân tôi về
Tìm trong ký ức trường quê
Chúng tôi vui học say mê một thời

Tôi đi tìm những nụ cười
Bạn tôi bỏ lại trong thời chiến tranh.

            Riêng tôi, tôi cứ tin rằng, những người chơi thơ chúng ta, ai cũng có thể làm được thơ hay cả, khiêm tốn nhất là một bài và có thể còn nhiều hơn thế, nếu chúng ta biết lắng nghe mình, biết tự trang bị cho mình một vài công cụ để sẵn sàng “chộp giật” lấy nó  khi nó vừa hé lộ trong cõi lòng sâu kín của ta.                              25/7/2011                                                                                                                    
                                                                          

  

 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...