Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Lời dẫn chương trình thơ

                                      
                          “TẾT VÀ XUÂN TRONG THƠ MỚI”

                                                                     Đỗ Đình Tuân

Ăn tết, mừng xuân đón năm mới là một nét sinh hoạt cộng đồng mang rất đậm bản sắc văn hóa của người Việt ta. Ngay từ thời còn là huyền thoại và cổ tích ông cha ta đã có những câu chuyện nói về tục ăn tết và đón xuân của người Việt như “Sự tích ông Công, ông Táo”, “ Sự tích bánh chưng, bánh giày”, “Sự tích cây nêu ngày tết”…Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, tiếp đến là hàng nghìn năm độc lập tự chủ về chính trị nhưng vẫn ảnh hưởng rất sâu đậm văn hóa Hán, Đến đầu thế kỷ XX, nước ta lại rơi vào ách thống trị của người Pháp. Ảnh hưởng của văn hóa Tầu nhạt dần, ảnh hưởng của văn hóa Tây đậm dần…Nhưng thực chất thì người Việt ta chỉ có học tập tiếp thu văn hóa Tầu, học tập tiếp thu văn hóa Tây để tự đổi mới và làm phong phú mình lên, chứ không hề đánh mất cái bản sắc văn hóa Việt, cái hồn, cái cốt của người Việt Nam ta. Thơ Mới là một minh chứng rất rõ ràng về điều này. Nhân dịp ăn tết, mừng xuân Tân Mão (2011) này, CLB thơ văn Cánh Phượng (Một sân chơi thơ văn của Hội CGC thị xã Chí Linh) xin có một chương trình TẾT VÀ XUÂN TRONG THƠ MỚI để chúng ta cùng nhau ôn lại và thưởng lãm những vẻ đẹp vô cùng đặc sắc của Thơ Mới qua một số bài thơ tiêu biểu.
1.Cái tết có lẽ được bắt đầu trước hết là ở phiên chợ tết. Thời ấy, chưa có ống kính Camera, nhưng có một ông giáo làng tên là Đoàn văn Cừ, đã dùng cái cặp mắt hóm hỉnh của mình làm ống kính và cái tâm hồn nhạy cảm của mình làm bộ nhớ ghi lại được hình ảnh một phiên chợ tết cực kỳ sinh động, rất tươi, rất vui mà kết thúc vẫn vô cùng man mác…Phiên chợ ấy họp bắt đầu từ lúc bình minh: “ Dải trắng đỏ dần trên đỉnh núi” và kết thúc vào lúc hoàng hôn xẩm tối “ Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Đây là cảnh người kéo đến họp chợ:
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon.
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu.
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Và đây là cảnh mua bán chen chúc, ồn ã của phiên chợ:
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ dim hai mất ngủ,
Ðể lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán.
Một thầy khoá gò lưng trên tấm phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhầm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo.
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết.
Con gà trống mào thâm như cục tiết
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem
Sau đây là toàn văn bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ qua giọng ngâm…?

                                                 *
2.Cũng trong bối cảnh ấy, nhưng cảnh  phố phường ngày tết trong thơ của nhà giáo Vũ Đình Liên lại khác hẳn: không thấy có những hình ảnh tươi tắn , ngộ nghĩnh của đời sống thực tại như trong thơ Đoàn Văn Cừ nữa. Phố vẫn “đông người qua” nhưng  thời thế đổi thay và lòng người cũng khác. Người ta mải mốt đi về phía hiện đại, không còn nhu cầu “chơi chữ” như những “tết xưa” và hình ảnh những ông đồ “bán chữ” trong ngày tết cứ ế ẩm dần, quên lãng hẳn… rồi không còn nữa. Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên gợi trong lòng ta một niềm xúc động đầy cảm thương, tiếc nuối, bâng khuâng:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngòai trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
Sau đây là toàn văn bài thơ “Ông Đồ” của vũ Đình Liên qua giọng ngâm…?
                                                 
            3. Nhưng cao trào nhất của ngày tết, vẫn là đêm  ba mươi tết đón giao thừa. Có lẽ khó có ai tả cảnh tết xưa trong đêm ba mươi lại khéo được như nữ sĩ Anh Thơ. Giữa cái đêm trừ tịch tối đen như mực ấy, cảnh trang trí ngày tết vẫn  hiện ra: mờ mịt nhưng cũng khá rõ ràng: Tiếng khánh treo trên các cây nêu ngày têt thì vẫn “khua thầm”. Những cung vôi vẽ trong sân nhà để phòng quỷ đến thì như bị “mờ xóa”. Đến những tờ giấy điều dán cửa cũng “đen thâm”. Cảnh mọi người trong nhà chờ đón giao thừa cũng được vẽ một cách rất tinh tế: Tất cả đều ngái ngủ nhưng vẫn cố thức đợi. Xung quanh cái “bếp ấm, nồi bánh chưng sùng sục” thằng cu thì “rụi mắt cố chờ ăn”; đĩ nhớn thì “mơ váy sồi đen nhức” còn bà già lại “tính tuổi sắp thêm năm”...Đến khi có tiếng pháo nổ báo giao thừa thì cả nhà như “bừng thức” “Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa!”  Một cảnh đón tết còn khá háo hức và háu ăn, chưa no nê và dửng dưng như chúng ta ngày hôm nay.
            Sau đây là toàn văn bài Đêm ba mươi tết của nữ sĩ Anh thơ qua giọng ngâm…

            4.Gắn liền với tết là mùa xuân. Thơ mới có rất nhiều bài viết về mùa xuân  thật hay và thật đẹp. Xuân về của Nguyễn Bính có lẽ là một bức tranh xuân chân thực, sinh động và cũng khá bao quát.Tất cả những đường nét, màu sắc vẽ nên bức tranh mùa xuân ở đây đều đã từng có và rất quen thuộc. Vậy mà với xuân về nét nào, màu nào cũng cứ tươi nguyên và mới mẻ. Chính điều này đã nói lên được vẻ đẹp và sức sống kỳ diệu của mùa xuân.
            Dưới đây là bài thơ xuân về của nguyễn bính qua giọng ngâm…

            5.Huy Cận cũng cảm nhận được cái sức sống kỳ diệu ấy của mùa xuân. Nhưng với Ý Xuân, ông lại miêu tả nó na ná như một đêm tình. Tất cả đều nhẹ nhàng êm ái nhưng đầy âu yếm “Đêm vừa nhẹ, gió vừa mơn”. Tất cả đều mới mẻ nhưng mong manh, say nồng mà e ấp…Để cuối cùng nó căng đầy và si mê.
            Sau đây là bài thơ Ý Xuân của Huy cận qua giọng ngâm…

            6. Xuân Diệu lại cảm nhận mùa xuân một cách thật ồn ã. Tâm hồn Xuân Diệu giống như một thấu kính hội tụ, nên màu nét nào của cuộc sống soi vào cũng được tập trung lại và nâng lên đến tột đỉnh.Trong cái buổi đầu xuân mà xuân Diệu cho là “êm ái thế” thì cũng được ông gợi ra bằng những âm thanh “inh ỏi tiếng chim vui”, bằng thứ ánh sáng “chói mặt trời”. Gió thì cũng cứ vô ý bả lả “đem đụng cành mai sát nhánh đào”. Màu xanh của liễu thì cũng “quá mỹ miều”. Đến mầu hoa cũng tươi đến không thể chịu được nên phải “thắm như kêu”…
            Dưới đây là bài thơ Nụ cười xuân của Xuân Diệu qua giọng ngâm…

            7. Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội. mà tả cảnh những đám hội vui rộn rã ngày xuân thì khó có ai sinh động hơn được Đoàn Văn Cừ. Dù là trong chương trình này ông đã “hết tiêu chuẩn” tôi cũng xin điểm qua vài khổ thơ ông viết về Đám hội: “Suôt ngày đêm chuông trống đánh vang rền/ Người lớn bé mê man về hát bội”. Sau đó là cảnh “Tổ tôm điếm” Cảnh những đám rước kiệu… Cảnh đua thuyền, thi vật:
Đoàn trải dài vùn vụt giữa dòng sông
Người lố nhố chèo trên làn nước lạnh
Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh
Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn
Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn
Lẫn tiếng trống bên đường khua rộn rã…
Đó là những cảnh vui ngoài thế tục. Trong chốn thiền môn, mùa xuân về, rằm tháng giêng tới cũng thật là nô nức. Bên cạnh những nét tâm linh thành kính, thơ mới vẫn ý vị đưa vào những cái liếc tình le lói và rộ lên những tràng cười trêu ghẹo. Ta sẽ thấy được tất cả những nét này trong bài thơ Đêm rằm tháng giêng của nữ sĩ Anh Thơ sau đây qua giọng ngâm …

8. Nhưng không phải cứ mùa xuân về thì cái gì cũng vui, lúc nào cũng vui và ai ai cũng vui cả. Bởi vì niềm vui là một thứ rất khó chia đều cho mọi cá nhân. Nam Cao từng triết lý : Hạnh phúc trên đời giống như một tấm chăn hẹp, người nay kéo được thì người kia lại hở ra. Nhất là trong lĩnh vực tình cảm riêng tư thì càng như thế và muôn đời như thế. “Sự đời nghĩ cũng nực cười/ Một con cá lội mấy người buông câu”. Con cá lội ấy dù đói mấy cũng chỉ có thể cắn được một cần câu thôi. Như vậy tất yếu sẽ có người  phải vác cần câu về không. Rượu xuân của Nguyễn Bính, nói về cái nỗi buồn của một người phải về không như thế.
Cao tay nâng chén rượu hồng
Mừng em: em sắp lấy chồng xuân nay
Uống đi! Em uống cho say
Để trong mơ sống những ngày xuân qua.

Đây tình duyên của đôi ta
Đến đây là…đến đây là…là thôi
Em đi dệt mộng cùng người
Lẻ loi chỉ một góc trời riêng anh.

Tôi xin mượn những câu thơ này để làm lời kết thúc chương trình thơ ngày hôm nay với một thông điệp: Nếu ai có nỗi buồn riêng tư thầm kín gì xin cứ trút cả vào trong thơ để cho thơ gánh hộ. Thơ xin nhận cái phần công việc nặng nề này để chúng ta nhẹ lòng mà vui với với cuộc đời. Xin chúc cho tất cả những người nghe thơ ngày hôm nay một mùa xuân gặt hái nhiều may mắn và không ai phải vác cần câu về không cả.
                                                                                9/1/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...