Đồi Thông
(Viết nhân kỷ niệm 40 năm
thành lập trường THPT Chí Linh 1966-2006)
Tôi không phải là lớp giáo viên đầu tiên về trường phổ thông cấp 3 Chí Linh (Trường THPT Chí Linh ngày nay). Khi trường thành lập (1966), tôi còn đang là giáo viên tập sự bên Trường phổ thông cấp 3 Nam Sách mới được có một năm ( ngày ấy thời gian tập sự quy định là 2 năm). Đến năm 1967, tuy đã hết thời gian tập sự, nhưng lại “nặng tình” với khóa học sinh đầu tay (1965-1968) nên tôi vẫn ở lại Nam Sách để “theo lớp”. Mãi đến năm 1968, sau khi đã hết thời gian tập sự và tiễn khóa học sinh đầu tay ra trường, tôi mới xin về Trường phổ thông cấp 3 Chí Linh.
Lúc ấy Trường phổ thông cấp 3 Chí Linh đã sang tuổi thứ ba và vẫn đóng ở nơi sơ tán – thôn Đồi Thông thuộc xã Chí Minh ngày nay. Thực ra Đồi Thông cũng chỉ là một địa danh mới đặt, có lẽ do ở trên đỉnh ngọn Đồi Công, thuộc địa phận của làng, có mấy cây thông còi, từ xa trông chỉ thấy nó lơ thơ gầy guộc ( ngày nay tôi không thấy còn nữa, chỉ còn mấy cây thông ở lưng sườn đồi phía thôn Khang Thọ). Nhưng ở giữa một vùng đồi trọc, mấy cây thông còi ấy bỗng trở thành một dấu hiệu độc đáo khá gây ấn tượng. Vì thế nó trở thành tên của ngọn đồi, rồi thành tên của làng từ sau cách mạng tháng Tám. Người đời cũng tự nhiên bỏ đi cái tên cũ của ngọn đồi ấy- Đồi Công và cái tên cũ của làng ấy-làng Hậu Quan.
Theo các cụ già ở xã Chí Minh kể lại thì làng Hậu Quan cũng là một làng rất mới. Vào khoảng đầu thế kỷ XX, dưới thời Khải Định gì đó, có một ông quan người họ Dương, quê gốc ở ngoài Xuân Quan, Hưng Yên, làm quan tri phủ Nam Sách, khi về hưu mới chiêu dân đến đây khai khẩn lập ra một làng và đặt tên làng là làng Hậu Quan ( làng lập ra sau khi làm quan). Khi đã thành làng thành ấp rồi. Một tên chủ người Pháp lại mua lại và lập ra một đồn điền ở đây dân trong vùng vẫn gọi là đồn điền Hậu Quan. Ông chủ này là một người Tây lai (bố Pháp, mẹ Việt). Bố ông ta là viên chủ đồn điền Bắc Nội (thuộc địa phận xã Bắc An ngày nay), một lần đi qua vùng Kẻ Sặt, thấy một cô gái đang móc cua bên bờ ruộng nhưng lại rất xinh đẹp, đã đem lòng yêu mến và tìm kiếm người mối lái lấy cô ta bằng được. Chính cô gái móc cua ấy sau này đã sinh ra ông chủ đồn điền Hậu Quan. Có lẽ phải đến sau cách mạng tháng Tám(1945), khi thành lập xã Chí Minh, thì cái tên Hậu Quan kia, theo quan điểm chính thống thời đó, nghe nặng chất “phong kiến, đế quốc” nên mới bị phế bỏ và thay bằng tên mới là Đồi Thông.
Làng Đồi Thông cũng hình thành hai khu dân cư (xóm) khá rõ rệt: xóm Đá Bia gồm chủ yếu là người họ Dương. Ở đây có đền thờ ông quan họ Dương đã có công lập ra làng Hậu Quan, nay đã thành nhà thờ tổ của dòng họ Dương thôn Đồi Thông, vốn là con cháu của ông; và xóm Núi, người dân đa phần có quê gốc bên Nam Sách vào làm phu đồn điền rồi sinh cơ lập nghiệp tại đây. Hai xóm dân cư đó chính là dấu tích của hai thời kỳ phát triển khác nhau của làng Hậu Quan : thời làng Hậu Quan và thời đồn Điền Hậu Quan.
Lúc ấy huyện Chí Linh còn là một vùng xa xôi và hẻo lánh lắm. Đi lại đò giang rất cách nhỡ. Phương tiện chủ yếu chỉ là xe đạp nhưng không phải giáo viên ai cũng có. Thành thử trong tâm thức của giáo viên trong tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ Chí Linh chính là vùng “Xi bê ri” của Hải Hưng. Về Chí Linh công tác vẫn còn là một nỗi khiếp đảm của không ít giáo viên trong tỉnh. Cũng năm 1968 ấy, tôi đã chứng kiến một cô giáo văn, từ Đại học Sư phạm Vinh ra, được phân công về Chí Linh, cô ấy ngồi khóc suốt. Mấy ngày sau thì nghe nói anh người yêu cô ấy, nghe nói đâu là một cán bộ giảng dạy đại học đã phải vội về “rước” đi ngay. Ấn tượng còn lại trong tôi là hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo với những dòng lệ tràn trề trên gương mặt héo hắt. Nhưng công bằng mà nói việc đi lại về Chí Linh ngày ấy quả là đáng ngại. Một lần kia,một thày giáo trong tổ văn quê Hà Nội, ngày nghỉ về thăm nhà đã phải “cuốc bộ” ra Hải Dương để đi tầu về Hà Nội. Ai ngờ đi đến Bến Bình lại nhỡ đò không đi được. Không hiểu ông bạn ấy sau này phải vượt sông như thế nào nhưng sau về kẻ lại chuyện nhỡ đò với một thái độ đầy tức giận, thì tôi buồn cười quá bèn nhại mấy câu thơ của Bạch Cư Dị để trêu anh ta như sau:
Bến “Bất Bình” chiều thu đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Mình cuốc bộ, hắn ngừng chèo
Tức mình ông phải lộn lèo về Thiên
Thiên chính là tên phủ lỵ cũ của huyện Chí Linh, tồn tại trong khoảng thời gian từ 1889 đến 1946, cách Bến Bình (mà tôi nhại thành Bất Bình) khoảng 3 cây số.
Nhưng những “khiếp đảm” và “ngại ngùng” ấy đều không thể có đối với tôi, vì tôi là người trong huyện. Khi tôi về, Trường cấp 3 Chí Linh mới chỉ có tám hay chín lớp gì đó (nhớ không rõ lắm). Tốc độ phát triển như thế cũng là khá nhanh. Năm đầu mới thành lập trường mới chỉ có 3 lớp: 2 lớp 8 mới chuyển vào và 1 lớp “9 nhô” thu góp các học sinh đang học nhờ bên các huyện Đông Triều và Nam Sách về. Điều mới mẻ đối với tôi khi ấy là thấy nhà trường đã có hẳn một “khu tập thể giáo viên” ở ngay nơi sơ tán (bên trường Nam Sách tôi không thấy có). Đó là một khu nhà tranh vách đất làm tạm bợ trên một khu đất không rộng lắm, ở ngay cạnh đường làng và chân dốc Núi Con nên cũng khá ẩm thấp. Đa phần những giáo viên chân son mình rồi được bố trí ở đây. Tôi được nhận ở riêng một phòng, nhưng phòng rất nhỏ và chật, chỉ vừa đủ kê được một chiếc giường cá nhân và một chiếc bàn con dùng làm bàn viết. Tư trang của chúng tôi ngày đó sơ sài lắm nên cũng bớt cảm thấy chật chội. Mấy năm dạy ở bên Nam Sách, chúng tôi toàn phải trọ nhà dân ở nơi sơ tán, nay về đây, được ở nhà tập thể lại riêng một phòng nên tôi cảm thấy rất tự do thoải mái. Sống trong khu tập thể cũng mỗi thầy một cá tính riêng, cũng lỉnh kỉnh “nồi niêu soong chảo mắm muối tương cà...” như một gia đình. Một số thày khác tuy vẫn báo cơm tập thể nhưng lại có cải thiện thêm các món ăn tự nấu... Trong làm việc cũng vậy, có thày có vẻ rất nhàn tản, nhưng cũng có thày thì cặm cụi vất vả ngày đêm... Ngày ấy về sinh hoạt vật chất còn rất nhiều thiếu thốn: ăn còn đói, mặc chưa đẹp, thậm chí còn rách nữa, đi lại thì thiếu thốn phương tiện, chủ yếu là “cuốc bộ”. Những thư như đèn điện, nước máy thì không ai dám mơ tới. Điều kiện sinh hoạt tinh thần cũng rất sơ sài: trong khu tập thể, không thấy có báo chí gì; cũng không thấy ai có đài cá nhân. Duy nhất tôi thấy thày Chiêu có một cây đàn Ghi ta và thày Nghị thỉnh thoảng về Hà Nội lên lại mang theo một tập cắt dán những bài báo có liên quan đến bộ môn sinh vật của thày. Trong những tập “hồ sơ” ấy, tôi thấy có nhiều bài phổ biến khoa học kỹ thuật khá bổ ích và lý thú. Công việc chuyên môn thì còn khá nhẹ nhàng. Do trường còn ít lớp nên các môn học tự nhiên và các môn ít giờ khác còn khá nhàn rỗi. Nhiều thầy ngoài giờ lên lớp ra thấy rất ít làm việc. Có thầy thì “xuất ngoại” (hoặc đi chơi, hoặc đi chợ); có thầy thì tụ tập “chuyện gẫu”. Vì đa số các thày giáo còn rất trẻ, nên sôi nổi nhất vẫn là những cuộc “mạn đàm” về các cô gái. Đây thật sự là những buổi giới thiệu khá nhiều thông tin về các cô gái ở trong vùng...Nó vô tình trở thành những “hội nghị tư vấn” giúp cho các thày giáo trẻ “chưa có con trai, con gái” (chưa có đôi) phần nào có định hướng để đi “tìm người yêu”...
Năm học 1968-1969, năm đầu tiên về Chí Linh, tôi được phân công dạy văn 2 lớp 10 và làm chủ nhiệm lớp 10B. Đây chính là hai lớp 8 do nhà trường tuyển vào từ khi mới thành lập. Nếu không kể lớp “9 nhô” thì đây mới là “khóa 1” của nhà trường. Lúc mới tuyển vào sĩ số các lớp đều đủ theo quy định 55 hs/lớp. Nhưng ở thời chiến, cứ sau mỗi lần tuyển quân, lớp học lại vãn đi một ít. Khi tôi tiếp quản thì lớp 10B chỉ còn có 27 em, tức là đã vơi đi quá nửa. Lớp 10A do thày Nghị chủ nhiệm lại còn ít hơn thế. It vậy, nhưng tinh thần tập thể và nhiệt tình học tập của các em lại rất cao. Tôi cảm nhận được điều này qua những bài hát đồng ca của các em. Ngày ấy các em hay hát lắm và đặc biệt là hát đồng ca, hát cả lớp. Vào tiết học nào cũng hát và bất cứ buổi sinh hoạt tập thể nào cũng hát. Tôi còn nhớ buổi đầu tiên được thầy Vĩnh giới thiệu vào tiếp quản lớp 10B của thầy ở tại nhà cụ Trãi(ngay trước cửa khu tập thể giáo viên). Các em ngồi quây tròn cả ở trong nhà. Khi chúng tôi vừa bước vào đến cửa, thì một em nữ sinh, tóc phi rê, mặt tròn, người thấp béo, bắt giọng: “Rầm rập bước quân ta đi...”. Cả lớp lập tức đồng loạt hát theo, sôi nổi, hùng tráng và rất đồng đều. Như say theo tiếng hát, các em còn hát liên tiếp mấy bài liền. Tôi đã thật sự xúc động: những sợi tóc đằng sau gáy cứ như muốn dựng lên và ở trên khóe mắt thì lệ cứ như muốn ứa ra. Những bài hát của các em đã làm tôi nhớ lại buổi học chiều ngày 5 tháng 11 năm 1965. Hôm ấy lớp 8D của tôi đang học nhờ trong một căn nhà dân trong làng Đông Thôn xã Quốc Tuấn huyện Nam Sách, thì máy bay Mỹ đến bắn phá cầu Lai Vu. Các cỡ súng phòng không của ta bắn lên giòn giã. Một lúc sau thì bỗng nghe những tiếng reo dậy đất “Cháy rồi! Cháy rồi!”. Thế là tự nhiên tất cả các em học sinh trong lớp đều bỏ lớp chạy ùa ra cả bìa làng xem, vẫn còn kịp nhìn thấy chiếc máy bay đang cháy và rơi xuống trong nắng chiều mùa đông. Tất cả mọi người đều phấn khích đến cực độ. Khi các em trở lại lớp học vì tinh thần các em quá phấn khích cũng không sao học lại được nữa. Thế là lại hát và bài “Không cho chúng nó thoát” tự nhiên cất lên. Các em hát rất to như muốn vỡ cả ồng ngực. Lời của bài hát ấy đến nay vẫn như còn văng vẳng bên tai tôi: Nghe tiếng súng oai hùng trừng phạt quân cướp Mỹ đang điên cuồng / Vui đón chiến công đầu từ biển khơi cho tới nơi biên phòng / Đồng lúa mênh mông dạt dào / Nhà máy khói bay đầy trời / Sức chúng ta làm ra bay đừng hòng đến cướp phá / Ta giăng lưới lửa trên trời / Ta giăng lưới thép ngoài khơi / Chắc tay súng / Bộ đội và dân quân sãn sàng / Không cho chúng nó thoát / Không cho chúng nó thoát / Chúng bay vào sẽ không có đường ra...”
Suốt buổi chiều hôm đó, cả lớp chỉ hát đi hát lại một bài đó thôi mà say sưa không dứt. Càng hát càng cảm thấy tâm hồn mình phấn khích, lâng lâng, bồng bềnh mây gió. Ở Nam Sách cũng như ở Chí Linh tôi đều có chung một cảm nhận rằng thế hệ học sinh ngày đó còn rất có tâm hồn. Dạy văn với các em tôi còn cảm thấy rất hào hứng, bởi các em còn tỏ ra rất nhạy cảm với những vẻ đẹp của văn chương. Trong những giờ học văn các em đều hết sức chăm chú và đồng cảm được với không khí tác phẩm văn học. Dạy đến những tác phẩm như Truyện Kiều, Chí Phèo, Thép đã tôi thế đấy...Thì các em say sưa đến mức đã nghe tiếng trống hết giờ (gần 12 giờ trưa) mà các em vẫn không muốn rời lớp cứ đề nghị thày giảng tiếp. Chính điều ấy là nguồn cổ vũ vô cùng lớn lao và sâu sắc đối với tôi. Trong cuộc đời dạy học của mình, tôi vẫn coi đây là một điều may mắn lớn. Nhất là sau này, có một thời gian tôi đi dạy hợp đồng trở lại, thấy học sinh quá lộn xộn và thờ ơ với văn chương thì tôi càng thêm quý lớp học sinh ngày trước.
Ngay từ những năm đó, ở Trường cấp 3 Chí Linh cũng đã có phong trào “luyện thi”. Ban ngày các phòng học đều chật cứng cả hai ca sáng- chiều, mà các thày thì quá lo lắng cho kết quả học tập của học sinh, nên ngay giữa những ngày chiến tranh phá họai, máy bay Mỹ bắn phá như thế, nhà trường vẫn cứ tổ chức “luyện thi” vào ban đêm. Hàng năm, cứ sau ngày Bộ thông báo môn thi là phiên họp Hội đồng tháng ấy lại bàn bạc và lên lịch “luyện thi”. Thường thì vẫn bố trí cho mỗi môn thi tốt nghiệp học thêm một buổi tối. Trong những buổi học thêm gọi là “luyện thi” ấy, các thày phải lên lớp vừa quản lý vừa hướng dẫn học sinh ôn tập bộ môn của mình. Riêng tôi thường làm theo cách sau: đầu giờ nêu nội dung và yêu cầu ôn tập của buổi, rồi để học sinh tự học. Tôi giành khoảng 30 phút cuối để kiểm tra “chốt hậu” , rồi dựa vào những câu trả lời cụ thể của học sinh mà uốn nắn bổ sung. Những mùa thi thời ấy thường gắn bó với ngọn đèn dầu. Tối tối những ngọn đèn dầu từ các ngõ xóm lại tốp năm tốp ba tụ về lớp học và khuya khuya những ngọn đèn dầu ấy lại lung linh bồng bềnh tỏa về các ngõ xóm. Hình ảnh những ngọn đèn dầu ấy lưu giữ trong ký ức của tôi một ấn tượng vừa ấm áp mà lại vừa huyền hoặc, ám ảnh khó quên.
Cuối năm 1968, Giôn xơn tuyên bố ngừng “leo thang” miền Bắc, nhưng trường cấp 3 Chí Linh vẫn ở Đồi Thông. Mãi đến đầu năm 1970, thày trò mới khênh khênh vác vác chuyển trường về Sao Đỏ. Nhà “hai tầng” mới bắt đầu khởi công. Khu “trường lá” đặt ở khu vườn vải bây giờ, gồm ba ngôi, bẩy phòng, bố trí theo lối “gọng bừa” khá gọn gàng chuông chắn. Năm 1972, Ních sơn lại giở trò bắn phá miền Bắc. Nhà trường lại phải sơ tán lần thứ hai. Các lớp học lại phải làm rải rác và tản sâu vào trong rừng Sao Đỏ. “Những ngôi trường lá ven đồi / Bạch đàn kín mái tiếng cười đầy sân”(Nhớ rừng Sao Đỏ) là những câu thơ tôi viết về những lớp học sơ tán trong rừng lần thứ hai ấy.
Chí Linh 22/9/2006
Đỗ Đình Tuân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
AI MUA...TÔI KHÔNG...?
Ai mua , tôi bán tôi cho Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông, ...
-
1.. 礼尚往来,来而不往非礼也。 ( 礼 记 ) Lễ thượng vãng lai, lai nhi bất vãng phi lễ dã. (lễ ký) (Lễ coi trọng việc...
-
(Nảy từ một ý thơ của Hồng Nga) Tuổi thơ là TUỔI THIÊN THẦN Ai mà chẳng ước cởi trần tắm mưa Lớp người sắp hóa người xưa...
-
81. 君子之德 风,小人之德草,草上之风,必偃。 ( 孔子 ) Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong, tất yển. (Khổng Tử) (Đức củ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét