11. Khúc vĩ thanh
Năm 1956, dân công cả tỉnh Hải Dương được điều về Chí Linh để đào một con sông kéo dài suốt từ cống Phao Tân chạy dọc theo dãy bờ hào nhà Mạc, qua Đuôi Nheo ngọn Sông Đào, rồi tiếp tục qua các cánh đồng Kỳ, Thượng, Dọc, Trại chua, Mật Sơn, Thanh chung, Ninh Chấp…vòng xuống tơi Cống Vạn. Công trình đó được mang tên là công trình thủy lợi Trung Thủy Nông. Nhưng dân gian thì gọi nó là sông Trung Thủy Nông. Về mùa cạn sông Trung Thủy Nông sẽ lấy nước từ sông Lục Đầu qua cống Phao Tân vào tưới cho đồng ruộng Chí Linh. Về mùa mưa sông Trung Thủy Nông lại đón nước rừng về dẫn xuống cống Vạn rồi tháo ra hạ lưu sông Kinh Thày mà ra biển. Từ đó con Sông Đào bị cắt nguồn và làng tôi cũng không còn úng ngập nữa. Đồng trên, đồng dưới làng tôi đều năm hai vụ lúa chiêm mùa. Mấy năm đầu khi hệ thống mương nổi và trạm bơm thủy lợi chưa được xây dựng đồng bộ thì Sông Đào còn có ít nhiều tác dụng như một con sông nhánh của sông Trung Thủy Nông để dẫn thủy nhập điền. Nhưng từ khi Trạm Bơm Kỳ Đặc được xây dựng và một con mương nổi cỡ bự chạy dọc suốt bờ đông con Sông Đào từ Đuôi Nheo xuống trạm bơm thì Sông Đào trở thành gần như con sông chết. Người ta cắt nó ra thành nhiều khúc để cho dân đấu thầu. Nhà trồng sen, nhà thả cá,… lại có đoạn chỉ thấy có bèo tây, rất linh tinh lộn xộn. Nhất là đoạn gần làng, nhiều nhà còn bắc “cầu khỉ” sang bờ đông để tận dụng bờ mương nổi tròng nhãn, trồng chuối. Tận dụng không gian lòng sông để bắc giàn bầu, giàn bí. Ven bờ thì tận dụng làm nơi đổ rác: túi ni lông, bao xác rắn, rác tổng hợp… bập bềnh trôi nổi trông rất là phản cảm. Con Sông Đào thơ mộng tắm táp tuổi thơ tôi đã thật sự không còn.
Năm 1995 làng tôi xây lại đền làng. Nhưng nền đền cũ thì huyện đã trưng dụng và xây một cơ sở của Phòng Thủy lợi từ lâu rồi. Hai cây đa ông Trương Tự trồng thì cây đa trơn cũng đã chết. Làng tôi đành ké cái nền đền mới ở chỗ gốc cây đa ấy. Đền làm nhỏ thôi. Cũng gọi là có một gian cung để thờ bà TRẦN TRIỀU CÔNG CHÚA. Nhưng bà là ai và hành trạng của bà thế nào thì làng tôi không ai biết cả. Ban kiến thiết cử cụ Hướng, cụ Tường vào nhờ tôi làm hộ công việc này. Tôi cũng thấy rất bí nhưng chẳng lẽ lại không làm. Dù sao thì tôi cũng là người được học hành nhiều nhất làng và có học vị cao nhất làng. Làng không nhờ tôi thì còn nhờ ai? Mà ở cương vị ấy tôi cũng từ chối làm sao được? Nhưng thực tình tôi cũng chẳng biết gì về sự tích bà Trần triều công chúa cả. Tôi hỏi lại hai vị xem trong làng còn có ai nhớ được một điều gì về bà ấy không. Hai vị đều trả lời “ Chỉ biết bà ấy tên là TRINH, không chồng, không con và giỗ vào ngày mồng sáu tháng Giêng”. Từ chi tiết này tôi đoán định “Trinh” không phải là tên thật. “Trinh” chỉ là chữ chỉ người con gái chưa lấy chồng, chưa làm vợ mà thôi. Tôi đi tham khảo thêm một số cụ biết chữ nho già cả ở quanh vùng thì được các cụ cho biết thêm một gợi ý “Ở thời Trần thực hiện chế độ hôn nhân đồng tộc nên nhiều công chúa không lấy được chồng, họ thường xin về các miền quê chiêu dân lập ấp”. Tôi nghĩ đây là một gợi ý tốt. Rất có thể bà Trần triều công chúa thờ ở đền làng tôi là một trong những bà công chúa như thế. Nhưng muốn xác định cụ thể thì vẫn phải có bằng cứ. Tôi về hỏi lại các cụ xem làng có còn giữ được vật chứng gì ở ngôi đền cũ hay không. Các cụ hội ý và cuối cùng cũng nhớ ra là có một số vật chứng: Một bức phù điêu vẽ bà Trần triều công chúa gửi trên làng Thủy bây giờ xin lại. Một lư hương bằng đá xanh mà người làng Kỳ lấy về thờ trong nghè Kỳ cũng vẫn còn. Hai cột trụ đá vuông chôn ở cầu giếng trông vẫn thấy có nhiều chữ. Một tấm bia đá nữa bắc ở cầu ao nhà ông Trình cũng có thể khênh lên mà nghiên cứu được.
Thế là tôi bắt đầu làm việc với các vật chứng. Bức phù điêu sơn son thếp vàng, nhưng sơn đã xỉn mầu và thếp vàng đã ngả bạc. Giữa bức phù điêu có hình một “vua bà” ngồi xếp bằng tròn rất phương phi và mô phạm. Hai bên tả hữu có bốn thị nữ đứng hầu quạt và hầu nước. Chắc cũng chỉ là hình ảnh tượng trưng để thờ chứ không phải là chân dung. Chiếc bát hương đá thì khá to, trông tựa như một chiếc ly vuông : đế, chân ly rồi đến thân ly. Phần miệng thân ly hơi loe ra rộng hơn so với phần đáy. Đây chính là phần để cắm hương. Mặt trước có bốn chữ Hán khắc nổi古袾下社(Cổ Châu Hạ xã). Hai thứ đồ thờ này coi như không khai thác được gì. Tôi đi tìm trong hai tấm bia.Thời đó tôi cũng chưa có và chưa biết sử dụng hanoikey nên cũng chưa tự tra cứu được. Tôi phải sao chép lại, rồi đi hỏi các vị biết chữ Nho. Để cẩn thận tôi hỏi những hai vị: cụ Thoại người Nam Gián Đông và cụ Nguyễn Văn Lập người thôn Tiền Định. Có bản phiên âm rồi mà tôi đọc thấy trúc tra trúc trắc nghe cứ như búa đấm vào đầu, rất khó dịch cho xuôi và thoát nghĩa.
Nhưng cứ rút lấy cái tinh thần thì tôi cũng hiểu được nội dung tấm bia khênh ở cầu ao nhà ông Trình lên ghi lại một hương ước của làng về bốn mẫu tự điền của đền làng. Bốn mẫu tự điền này nằm ở các xứ Đồng Phương, Mả Bà và Đống Lôi. Luật lệ thì đã có từ trước đó, ở tấm bia này các hương lão chỉ cam kết sẽ “chiểu y lệ cũ” mà thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ . Nếu ai sinh tình bội bạc cố ý không nộp lợn gạo cho làng để tế lễ hàng năm thì các quan bản thôn cùng với bản tộc và quan viên trong làng sẽ truy cứu, đòi lại ruộng cho người khác cày cấy…Phần cuối bia có ghi rõ năm tháng ngày lập bia và tên những hương lão tham gia ký vào hương ước cùng với tên soạn giả. Cụ thể như sau:
景興四十五年三月一十日立碑
同豋楨記
鄉老陶廷华記, 黄世禄記,阮進財記, 杜廷進記,朱相憭記, 阮陳遵記
潘曰表記, 阮必成記
村長同豋理記
仝村上下共記
海南至傑黄甫撰
Cảnh Hưng tứ thập ngũ niên tam nguyệt nhất thập nhật lập bi
Đồng Đăng Trinh ký
Hương lão Đào Đình Hoa ký, Hoàng Thế Lộc ký, Nguyễn Đình Tài ký,
Đỗ Đình Tiến ký, Chu Tương Liêu ký, Nguyễn Trần Tuân ký, Phan Viết Biểu kí, Nguyễn Tất Thành ký
Thôn trưởng Đồng Đăng Lý ký
Đồng thôn thượng hạ cộng ký
Hải Nam Chí Kiệt Hoàng Phủ soạn.
Tính ra thì tấm bia ấy lập vào ngày mồng 10 tháng ba năm Giáp Thìn (1784) thời vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 45.
Căn cứ vào tấm bia này có thể biết vào thời Lê làng Cổ Châu đã chia hai thôn thượng hạ nhưng chỉ là một đơn vị hành chính và chung một trưởng thôn. Đền làng vẫn còn chung của cả hai thôn.
Hai cột trụ đá chôn ở hai bên cầu giếng làng thì hai mặt tiền khắc hai hàng chữ to nổi. Đó là một đôi câu đối xưng tụng công đức và uy linh của bà Trần triều công chúa
立巿开津存舊跡
Lập thị khai tân tồn cựu tích
其晴搗雨仰余灵
Kỳ tình đảo vũ ngưỡng dư linh
Nghĩa là: lập chợ, mở bến đò vẫn còn dấu tích cũ, trời nắng hạn dân làm lễ đảo vũ cầu mưa vẫn thấy có linh ứng.
Các mặt còn lại của cột đá ghi họ tên, số lượng tiền và cột gỗ của những người cung tiến trùng tu ngôi đền. Thời gian làm cột đá là vào ngày 22 tháng 11 năm Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838). Nhưng ngoài ra cũng không biết gì thêm về nhân vật được thờ ở ngôi đền.
Trong khu đình làng cũng vậy. Dân đã ở kín cả bốn chung quanh. Chỉ còn lại cái nền đình cũ. Làng xây lại đình mới trên cái nền cũ ấy. Cũng không ai nhớ được sự tích các Thành hoàng. Mọi người chỉ mang máng nhớ rằng đình làng thờ hai vị Thành hoàng thôi. Có một vị đâu có cái tên là Nghị, hai vị đi đánh giặc về và hình như hóa ở đây. Làng không giữ được một sắc phong nào nên cũng không rõ danh tính của các vị Thành hoàng làng là chi cả. Làng tôi vẫn ở vào tình trạng mồ côi Thành hoàng.
Năm 2009 thì các xà gỗ của đền làng và đình làng đều mục. Làng tôi phải sửa lại thay bằng xà bê tông cốt thép. Nhân dịp này tôi có soạn đôi câu đối:
弍位城潢庇民护囻
Nhị vị thành hoàng tí dân hộ quốc;
千年本社香 火 知恩
Thiên niên bản xã hương hỏa tri ân.
Làng thuê thợ cho đắp vẽ đôi câu đối ấy lên hai cột cổng đình.
Làng thuê thợ cho đắp vẽ đôi câu đối ấy lên hai cột cổng đình.
Mãi đến năm ngoái (2010) tình cờ, có một người làng Dâu (thôn Cổ Châu thượng cũ) lên Viện thông tin khoa học xã hội tìm lại thần tích Thành hoàng làng mình. Họ hỏi tên làng cổ là gì, ông ta đáp “Làng Cổ Châu”. Họ tìm cho một văn bản viết bằng chữ quốc ngữ do hương lý của làng gửi lên năm 1938. Nhưng văn bản ấy lại không phải của làng Cổ Châu Thượng mà lại là của làng tôi: Làng Cổ Châu Hạ. Ông ta vẫn xin về rồi mang xuống tận làng biếu lại làng tôi. Làng tôi lại đưa văn bản đó vào cho tôi tìm hiểu. Tôi chỉ đánh lại bằng vi tính cho rõ ràng, làm thêm mấy chú thích (cố nhiên là theo cách hiểu của tôi chưa chắc đã chính xác) để người làng đọc thì hiểu rõ hơn. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên cách viết của các cụ hương lão ngày ấy, không sửa chữa gì, kể cả lỗi chính tả. Coi như là “sao y bản chính”:
VIỆN THÔNG TIN KHOA HỌC XÃ HỘI
TT – TS
FQ 40 18 / I X , 9…
F. 2
|
THẦN TÍCH – THẦN SẮC
Thôn :………………………………………………
Làng : ……Cổ Trâu Hạ……………………………
Xã :…………………………………………………
Tổng :……Cổ Trâu………………………………..
Huyện :…… Chí Linh…………………………….
Phủ :………………………………………………..
Tỉnh :……..Hải Dương…………………………….
VIỆN THÔNG TIN
KHOA HỌC XÃ HỘI
|
TTTS..‘………….9196
|
THƯ VIỆN T HẢI DƯƠNG
PHÒNG ĐỊA CHÍ
|
ĐC 3174
|
HÀ NỘI - 1995
Cổ Trâu Hạ b 12 amil 1938
Monsum b Tri Huyện
de Chí Linh
Chúng tôi là Hương Lý của Cổ Trâu Hạ xin khai 10 vấn đề về việc Hương Tục như sau này:
I/ Làng chúng tôi là làng Cổ Châu Hạ 古鄒下 tên nôm gọi là làng Giêng tổng Cổ Châu 古鄒 huyện Chí Linh 至灵 tỉnh Hải Dương
II/ A-Làng chúng tôi thờ 3 vị Thần Thành Hoàng :
1.Vị Thạch Sùng Vũ Nghị Tôn Thần
2.Vị Hùng Đạt Linh Ứng Tôn Thần
3.Vị Trần Triều Công Chúa Chinh Nữ Tôn Thần
B- Các ngài đều là nhân-thần
C- Vị đệ nhất(1.) và vị đệ nhị(2.) dân chúng tôi không biết sự tích thế nào-Còn vị đệ tam(3.) có sự tích là: “Ngài là Gia Chinh công chúa Chinh Nữ Tôn Thần, em gái ngài là Gia Thạch công chúa người ở làng Linh Giàng灵江 (cùng tổng) bố mẹ chết năm ngài sắp 10 tuổi, chị em ngài ở với dì, về thời vua Trần Minh Tôn Hoàng Đế. Vua Trần Minh Tôn Hoàng Đế ngự giá qua bến đò Linh Xá (bây giờ thuộc về phủ Nam Sách) thấy hai đám mây che giao nhau ở bên xã Linh Giàng. Vua truyền chở Long chu (thuyền rồng) đến thấy hai chị em ngài đứng đấy. Hai chị em ngài thấy vua Trần Minh Tôn bèn về trong làng. Vua Trần Minh Tôn sai vời hai ngài ra, đến đầu thuyền đều biến lên giời mất, hóa ra hai đám mây đỏ từ đầu thuyền rồng bay đến bãi xứ Di Đà không tan. Vua Trần Minh Tông hạ sắc lập miếu ra xứ ấy thờ ngài, cho nên họ là Trần Thị. Dân chúng tôi thờ ngài từ ấy.
Năm Khải Định thứ 9 1dịp tứ tuần đại khánh 3 vị đều được sắc sơ phong:
-Vị đệ nhất là vị Thạch Sùng Vũ Nghị được phong là “ Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần” 2
-Vị đệ nhị là vị Hùng Đạt Linh Ứng được phong là “ Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần” 3
-Vị đệ tam là vị Trần Triều công chúa chinh nữ phong là “ Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần” 4
D-Sự tích Đức đệ tam như thế chỉ là truyền khẩu chứ không có sách bia gì cả.
E-Dân tôi không biết có làng nào thờ các ngài không
F-Vị đệ nhất, đệ nhị thì thờ bằng ngai, vị đệ tam (âm thần) thì thờ bằng Tượng
III / Vị đệ nhất, đệ nhị thì thờ ở đình, vị đệ tam thì thờ ở đền
A. Chỗ có Đình và Đền nguyên xưa là chỗ đất bằng của công dân.
B. Nơi có Đình, Đền nguyên xưa đến giờ vẫn thế.
C. Gần Đình, Đền và cửa Đình, Đền cấm không được để mồ mả, dốt súc vật, chứa đổ đồ ô uế và không được cưỡi ngựa đi qua cửa.
D. Đình Đền chỉ riêng để thờ các ngài mà thôi
IV / Trog năm có 4 lệ tế lễ:
A.Ngày mồng 5 tháng Giêng lệ giỗ vị Trần Triều Công Chúa Chinh Nữ Tôn Thần
B. Lễ Đại Kỳ Phúc tại ngày 15 tháng 3
C.Lễ Hạ điền tại ngày 1 tháng 4
D. Lễ Thượng điền tại ngày 1 tháng 9
V / A. Đồ lễ cúng tế 4 lệ kể trên:
-Lệ giỗ vị Trần Triều Công Chúa Chinh Nữ và lễ Đại Kỳ Phúc thì cúng bằng xôi-lợn
-Lệ Thượng-Hạ điền thì cúng bằng xôi-gà
-Từ ngày có cải lương hương tục đồ lễ có giảm đi ít chút.
B.Đồ lễ cúng tế 4 lệ kể trên dân đã có ruộng hàng năm giao luân thứ Tế Đám cầy cấy lấy hoa lợi chi biện. 5
C. Đồ lễ cúng tế xong thì đem quân phân 6 cho Hương ẩm thụ huệ.
VI / Những người dự tế tự toàn là người có chân trong Cựu chức dịch, tùy theo thứ vị cao thấp mà cắt cử vào công việc hơn kém, như người thứ vị cao nhất thì vào Mạnh Bái, thứ nhì đến Thông Xướng, thứ nữa đến Tiến Tước, Thượng Hương vân vân…Tả văn , độc chúc thì cắt Lý Trưởng đương thứ.
VII / Trước ngày lễ và trong khi tế lễ thì những người dự tế kiêng ăn thịt chó, phải tắm gội sạch sẽ và kiêng kỵ những người có tang chở.
VIII / Lúc tế lễ thì những người dự tế mặc áo tế, đội mũ tế
IX / A. dân chúng tôi chỉ phải kiêng gọi và nói chữ “chinh” phải nói là chữ “chiêng” mà thôi vì chữ ấy là tên hèm vị Trần Triều công chúa
B. Người nào tế lỗi thì dân bắt lỗi 0đ30. Người bị lỗi nộp cho dân sung công. Ai không nộp thì không được đi tế nữa. Người bị lỗi không được đi kêu ca oan uổng đâu cả.
X / Trong mấy năm gần đây:
1.Thay đổi đồ cúng lễ
2.Việc phân phát đồ cúng
3.Chỗ thờ cúng
4.Số người dự tế lễ
5. Sự trai giới
6. Sự kiêng kỵ về Hèm Thần
Đều không có thay đổi gì cả.
Nay thừa khai
L. chánh hội
Đóng dấu tròn
Của Cổ Trâu Hạ Chánh Hương Hội.
Chú Thích:
1. Khải Định năm thứ 9: năm 1924 ( Khải Định 40 tuổi có tổ chức Tứ tuần đại khánh tức lễ mừng thọ 40 tuổi
2. Tên đầy đủ đọc là: Thạch Sùng Vũ Nghị Linh phù dực bảo trung hưng tôn thần
3. Tên đầy đủ đọc là: Hùng Đạt Linh Ứng Linh phù dực bảo trung hưng tôn thần
4. Tên đầy đủ đọc là: Trần Triều Công chúa chinh nữ Linh phù dực bảo trung hưng tôn thần
5. Giao luân thứ tế đám cầy cấy: ruộng tự điền của làng giao luân phiên cho những người đến phiên Tế Đám cầy cấy
6. Quân phân: chia đều
7. Mạnh Bái : đứng đầu đội tế
8. Thông xướng: đọc lệnh điều hành các quan viên đứng tế
9. Tiến tước: dâng lễ vật
10. Thượng hương: dâng hương
11. Tả văn độc chúc: đọc văn tế
12. Lý trưởng đương thứ: chánh, phó lý đang làm của làng
Vậy là bà Trần triều công chúa làng tôi lại không phải con vua. Hai chị em Gia Chinh và Gia Thạch chỉ là những người phụ nữ lao động, mở lò gốm lập ra khu dân cư “làng Gốm”, dạy nghề trồng dâu nuôi tằm lập ra khu dân cư “làng Dâu”, rồi lập ra “chợ Bến” (một tên khác là “chợ Cống”), mở ra bến đò Cống cho thông thương trong vùng thuận lợi. Thực chất họ chính là những doanh nhân thời cổ, những người giữ vai trò chính trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở vùng tôi.
Nhưng hai vị Thành hoàng thờ ở đình làng tôi là ai vậy thì vẫn chưa trả lời được. Vâng theo lời khuyên của một câu ca dao hiện đại: “ Dân ta phải biết sử ta / Những gì chưa biết thì tra gu gờ (google)”. Tôi tra google thì có đến ba nguồn tài liệu khác nhau: Một ông Thạch Sùng là tướng thời Tây Tấn bên Trung Quốc. Phiên bản chuyện này sang Việt Nam biến thành chuyện cổ tích: “Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho”. Nhưng làng tôi thì thờ cái ông này làm gì? Cái ấn tượng bền vững nhất trong ký ức của dân làng tôi là “một ông có tên là Nghị, hai vị đi đánh giặc về và hình như hóa ở đây”. Được gợi ý từ suy nghĩ này tôi đi tra Vũ Nghị. Quả là có một người học trò rất thông minh từ thời Hùng Vương tên là Vũ Nghị thật. Đây là đoạn tôi sao chép được: “Người con giai là Vũ Nghị: Con ông Vũ Huy Hiển, bà Hoàng Thị Việt. Năm 12 tuổi cha mẹ cho đi học ở thôn Trung xã Vĩnh Lại tên nôm là làng Giải Thượng huyện Cẩm Giàng – Hải Dương. Thời Hùng Hy Vương có giặc Cao Man, giặc Ân ông đã cùng với người cậu là Hoàng Công Độ, lạc tướng ở kinh thành Văn Lang đi đánh giặc lập nhiều chiến công. Ông Vũ Nghị đã hoá theo Thánh Gióng ở núi Sóc Sơn”. Có lẽ đây mới là các vị thành hoàng mà làng tôi thờ đây. Đối chiếu với những làng lân cận trong vùng như làng Chí Linh, làng Nam Gián đều thấy có thờ hai, ba vị Thành hoàng như làng tôi vậy. Mà sự tích các vị Thành hoàng ấy đều là những nhân vật có liên quan đến thời Hùng Vương. Làng tôi cũng khó mà không theo cái định hướng chung ấy.
Dù sao thì bây giờ làng tôi cũng đã tìm lại được Thành hoàng. Cho dù mới chỉ có một cái tên. Nhưng biết tên rồi, người làng tôi có thể gọi được các ngài về. Thần Vũ Nghị ơi! Thần hãy về mà phù hộ nâng cao dân trí cho làng tôi. Bà Trần triều công chúa ơi! Bà hãy về mà phù hộ cho dân làng tôi có thêm nhiều doanh nhân. Hỡi vong linh của lớp người sống trong thời biến loạn! Hãy trở về mà chia vui với dân làng, con cháu. Nhưng vẫn còn buồn lắm bà con ơi! Người làng tôi bây giờ không ai muốn làm doanh nhân cả. Cũng nhiều người có vốn, nhưng chỉ dùng vào việc xây nhà cao cửa rộng, sắm ti vi, xe máy đắt tiền…Chưa kể còn đỏ đen, hút sách lao vào tệ nạn. Những người đứng đắn họ cũng chỉ làm ăn cầm chừng, cốt sàng sê lấy cái đút mồm. Hỏi họ thì họ bảo: “Còn nhiều bức xúc lắm bác ơi, chưa thể làm ăn được. Bỏ vốn vào kinh doanh nhiều khi chẳng khác nào như vứt tiền đi. Bởi cứ hết tiền đút lót là hết luật. Chẳng còn ai bảo vệ cho mình!”. Thì ra muốn làm ăn bây giờ vẫn tắc. Tắc ở đâu hỡi làng nước ơi ?
Viết xong lúc 7 giờ 54 phút ngày 26/5/2011
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét