Một cuộc thi thơ ở Trường THPT Phả Lại
Năm 1996, tôi dạy hợp đồng ở Trường THPT Phả Lại. Vào dịp kỷ niệm ngày
Nhà Giáo Việt Nam, Nhà trường và Đoàn thanh niên có tổ chức một cuộc thi thơ để
chào mừng. Tôi vinh dự được thày Nguyễn Hạm, Tổ trưởng tổ Văn-Trưởng ban giám
khảo cuộc thi mời tham gia “chấm thơ”. Các bài thơ dự thi cũng được “rọc phách”
để dấu tên thí sinh. Các thày giám khảo cũng được “phân cặp” để “khảo” y như là một cuộc thi
“quốc gia” vậy. Trong khi các cặp giám khảo đang hí húi và chăm chú làm việc
thì thày Đoàn Danh Hán bỗng cao hứng xướng to lên một bài thơ lạ:
Chú dế và giọt trăng
Lăn trên nền
cỏ biếc
Một giọt
trăng lung linh
Giọt trăng
lăn trên cỏ
Lấp lánh cả
lá hoa
Một chú dế
đi qua
Ngạc nhiên
tròn xoe mắt
Chú dế ta định
nhặt
Giọt trăng
đem về nhà
Loay hoay
mãi chú ta
Vẫn không sao nhặt được...?
À...Thì ta
hiểu rồi
Trăng dính
trên phiến lá
Tốt hơn là
đem cả
Giọt trăng
và lá cây
Nhưng giọt
trăng rơi ngay
Trên một nền
lá khác...?
Chú dế càng
kinh ngạc !?...
Thày Hán vừa dứt lời thì cả phòng rộ lên những lời trầm
trồ thán phục. Nhưng cũng có một thày (tôi không còn nhớ rõ là thày nào) tỏ ý
nghi ngờ: “khéo không nó lại chép ở đâu đấy”. Thế là mọi người quay sang bàn bạc
xem có ai đã từng đọc ở đâu đó một tứ thơ na ná như thế không. Tôi cũng lục lọi
trí nhớ mình nhưng không tìm thấy gì. Cuối cùng thì bài thơ được xác minh đúng
là sáng tác của em Nguyễn Thị Thủy, học sinh lớp 11C và bài thơ được trao giải
nhất cuộc thi thơ năm ấy. Mùa hè năm
1997 cũng do tình cờ tôi được đọc lại bài thơ ấy trên một tờ Thiếu niên tiền phong. Cuối bài thơ có
ghi rõ tên và địa chỉ tác giả: Nguyễn Thị
Thủy ( học sinh lớp 11C Trường THPT Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương).
Thấm thoát thế mà đã 14 năm rồi... Tôi cũng chưa có dịp
nào gặp lại tác giả . Nhưng ấn tượng về bài thơ thì vẫn y nguyên như ngày ấy và
mỗi lần có dịp nhẩm đọc lại tôi vẫn thấy vô cùng hào hứng và thích thú. Thích
thú bởi vì bài thơ đã vẽ ra được hình ảnh một chú dế hồn nhiên, ngây thơ và vô
cùng sống động.
Vẽ ra được một hình tượng sinh động và đầy thơ ấy
không thể chỉ bằng vào sự quan sát hay ký ức được. Nếu Nguyễn Thị Thủy không dựa
vào trí tưởng tượng của mình, không biết hóa thân và nhập vai làm một chú dế,
chui xuống cỏ, đi lang thang thì không
thể có chuyện tình cờ bắt gặp một giọt trăng...đẹp quá, thích quá, muốn lấy bằng
được để đem về hang mà không thể. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác chú dế
ngây thơ và ngốc nghếch nhà ta không hiểu vì sao cả ? Rõ ràng Nguyễn Thị Thủy
đã biết làm bé mình đi thành con giun, con dế để cho tứ thơ vụt lớn lên thành đặc
sắc và độc đáo. Thử hỏi đã có bao nhiêu cách tả trăng và yêu trăng rồi nhưng mấy
ai đã yêu trăng được thật sự “trẻ con” như Nguyễn Thị Thủy ?
Nguồn: DoDinhTuan’ Sbog
(2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét