Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Tác giả cổ ở Chí Linh 8

                  Đền thờ Trần Nguyên Đán ở Côn Sơn Chí Linh  

                        Trần Nguyên Đán
              (1325-1390)

     Trần Nguyên Đán hiệu là Băng Hồ, người hương Tức Mặc, lộ Thiên Trường, thuộc Nam Định ngày nay. Ông là chắt của Trần Quang Khải và là ông ngoại của Nguyễn Trãi.
     Là người thuộc dòng dõi tôn thất nên ông làm quan từ rất sớm. Dưới thời Trần Dụ Tông (1341-1369) làm quan Đại phu ở Đài ngự sử. Khi Dương Nhật Lễ thoán ngôi nhà Trần, ông đã có công đánh dẹp và đưa Trần Phủ lên làm vua (tức vua Trần Nghệ Tông,1370-1372). Dưới thời Trần Nghệ Tông ông được phong chức Tư đồ. Thời vua Trần Duệ Tông (1373-1377) được giao coi thêm việc quân ở trấn Quảng Oai và ban tước Chương Túc quốc thượng hầu. Nhưng lúc này nhà Trần đã suy, quyền lực dần dần tập trung vào tay Hồ Quý Ly.
    Trong hoàn cảnh phức tạp ấy, Trần Nguyên Đán cuối cùng đã phải chọn con đường kết thông gia với Hồ Quý Ly để mong tìm sự yên ổn cho con cháu. Mùa thu năm 1385 ông xin về trí sĩ ở Côn Sơn, cho xây dựng Thanh Hư động, công trình kiến trúc này trở thành một danh thắng nổi tiếng trong lịch sử. Tại đây Trần Nguyên Đán đã sống cuộc đời nhàn dật những năm cuối cùng. Ngày 14 tháng 11 âm lịch năm Canh Ngọ (20 tháng 12 năm 1390) ông mất tại Côn Sơn.
    Khi ông đang còn ốm nặng, Thượng hoàng Nghệ Tông thường đến nhà riêng thăm bệnh và hỏi việc về sau, Trần Nguyên Đán chỉ nói: “ Xin bệ hạ kính nước Minh như cha, yêu Chiêm Thành như con, thì nhà nước được vô sự, tôi dầu chết cũng không nát xương”. Như vậy theo Trần Nguyên Đán muốn cho đất nước được “vô sự’ thì phải xây dựng được một nền ngoại giao hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, đặc biệt là đối với các quốc gia lân cận.Trong thời buổi ấy, tư tưởng này của Trần Nguyên Đán là quá mới mẻ nên ông thường bị các sử gia sau này phê phán.
     Trước tác của ông có: Băng Hồ ngọc hác tập và Bách thế thông kỷ nhưng đã mất mát hầu hết. Lưu được đến ngày nay chỉ còn có 51 bài thơ chép trong Việt âm thi tậpToàn Việt thi lục. Sau đây chúng tôi xin chọn giới thiệu một số bầi thơ của ông:

Bài 1

至櫺山鳳凰峰

雙鳳悠然望杳冥
鳳凰萬古愛芳名
麟峰塔倒如紅影
鼈水泉鳴作雨聲
危磴經年苍蘚合
断橋過雨黑芝生
松风日晚喧空響
相似来儀奏九成
                陳元旦

Phiên âm                                          
Chí Linh sơn Phượng Hoàng phong
Song phượng du nhiên vọng liểu minh,
Phượng Hoàng vạn cổ ái phương danh.
Lân Phong tháp bảo như hồng ảnh;
Miết thủy tuyền minh tháp vũ thanh.
Nguy đẳng kinh niên thương tiễn hợp;
Đoạn kiều quá vũ hắc chi sinh.
Tùng phong nhật vãn huyên không hưởng,
Tương tự lai nghi tấu cửu thanh.

Dịch nghĩa
Đỉnh Phượng Hoàng ở núi Chí Linh
Xa xa thấp thoáng đỉnh song phượng,
Núi Phượng Hoàng nổi tiếng tự ngàn xưa.
Tháp ở núi Lân nghiêng xuống như bóng cầu vồng,
Suối ở Miết thủy reo lên tựa tiếng mưa rơi.
Bậc đá cheo leo quanh năm rêu xanh phủ lấp,
Chiếc cầu gẫy sau cơn mưa rêu xanh mọc đầy.
Chiều tà gió nổi thông reo vang giữa trời,
Giống như chim Phượng hoàng về tấu chín khúc nhạc.

Dịch thơ
Song phượng dập dờn thấp thoáng xa,
Phượng Hoàng 1 nổi tiếng tự ngàn xưa.
Kỳ Lân 2 tháp ngả như vồng bóng;
Miết Thủy 3 suối gào giống tiếng mưa.
Dốc núi đá chồng rêu phủ lấp;
Tan mưa cầu gãy nấm đen mờ.
Chiều tà gió nổi thông reo hát,
Như phượng hoàng về tấu cửu ca 4.
         Đỗ Đình Tuân dịch

Chú thích
1.Phượng Hoàng: tên núi, nơi Chu Văn An đẫ về đây ở ẩn những năm cuối đời khoảng từ năm 1358- 1370, sau khi dâng “Thất trảm sớ” đòi chém 7 tên gian thần thời vua Trần Dụ Tông.
2.Kỳ Lân: tên núi ở Côn Sơn có nhiều am, nhiều tháp
3.Miết Thủy: tên suối, chắc là do vị trí của suối ở gần ao nuôi ba ba(Miết trì) nên gọi như vậy chăng?
4.Cửu ca: chín khúc ca.

Bài 2

題玄天紫

耿耿三花数仞開
蹇林鬱秀絕雰埃
玉皇校籙紅雲擁
金母朝元翠葆回
春日早移花影動
秋風晚送鶴聲來
流光殿下松千樹
盡是擎天一手栽
               陳元旦

Phiên âm
Đề Huyền Thiên Tử cực cung
Cảnh cảnh tam hoa sổ nhận khai,
Kiển lâm uất tú tuyệt phân ai.
Ngọc hoàng hiệu lực hồng vân ủng;
Kim mẫu triều nguyên thúy bảo hồi.
Xuân nhật tảo di hoa ảnh động;
Thu phong vãn tống hạc thanh lai.
Lưu quang điện hạ tùng thiên thụ,
Tận thụ kình thiên nhất thủ tài.

Dịch nghĩa:
Đề cung Tử Cực 1 trong động Huyền Thiên 2
Trên cao mấy nhận rực rỡ hoa một năm nở ba mùa,
Khu rừng xanh tốt cách biệt bụi bặm.
Ngọc hoàng 3 đi tuần sát có mây hồng che phủ,
Kim mẫu 4 vào chầu có lọng xanh rước về.
Buổi sáng nắng xuân đẩy bóng hoa lay động,
Buổi chiều gió thu đưa tiếng hạc về.
Phía dưới điện Lưu quang có hàng nghìn cây thông,
Hết thảy các cây chọc trời ấy đều do một tay trồng.

Dịch thơ
Rực rỡ ba mùa hoa nở tươi,
Rừng đây xanh tốt cách xa đời.
Ngọc hoàng tuần sát mây chào đón;
Kim mẫu vào chầu lọng rước lui.
Nắng sớm xuân lay hoa khẽ động;
Gió chiều thu gọi hạc kêu hoài.
Lưu quang dưới điện nghìn thông đứng,
Thảy được tay người trồng cả thôi.
                     Đỗ Đình Tuân dịch

Chú thích
1.Tử cực cung: tên một công trình tôn giáo trong động Huyền Thiên.
2.Động Huyền Thiên: động là một vùng đất; động Huyền Thiên là vùng đất mang tên Huyền Thiên. Thời Trần đạo sĩ Pháp Vân đã tu tiên và luyện thuốc ở đây.Động Huyền Thiên có thể bao gồm cả khu vực đồi núi của xã Kiệt Đặc ngày xưa. Đại Việt sử ký toàn thư nói rõ rằng: “mùa đông, tháng mười (Mậu Thân năm thứ 11-1368), cho mời đạo sĩ ở Chí Linh là Huyền Vân đến kinh để hỏi về phép tu luyện. Đặt tên  cho động của đạo sĩ là động Huyền Thiên”.
3.Ngọc Hoàng: đạo giáo gọi các vị thần cai quản trên trời là ngọc hoàng.Ngọc hoàng nói trong câu thơ không phải là Ngọc Hoàng thượng đế-vị thần tối cao nhất của các vị thần trên trời.
4.Kim Mẫu: tên chỉ những người đàn bà thành tiên như Tây Vương Mẫu.
 5.Lưu Quang: tên một công trình tôn giáo khác cũng nằm trong động Huyền Thiên.

Bài 3
                                   
山中偶成

長安紫陌厭輕肥
好向崟山閉隱屝
乾葉耳喧風北起
虚庭目送日西歸
谁將綠鬢逢青眼
笑把黃花待白衣
我醒皆自可
殺身沽礜屈原非
                 陳元旦

Phiên âm
Sơn trung ngẫu thành
Trường an tử mạch yếm khinh phì
Hảo hướng ngâm sơn bế ẩn phi
Can diệp nhĩ huyên phong bắc khởi
Hư đình mục tống nhật tây quy
Thùy tương lục mấn phùng thanh nhãn
Tiếu bả hoàng hoa đãi lục y
Chúng túy ngã tinh giai tự khả
Sát thân cô dự Khuất Nguyên phi.
                         Trần Nguyên Đán

Dịch nghĩa:
Trong núi ngẫu nhiên làm thành thơ
Trên đường tía Trường An chán mặc áo lông nhẹ cưỡi ngựa béo
Thích đến nơi núi cao khép cánh cửa ở ẩn
Gió từ phương bắc thổi tới lá khô xào xạc bên tai
Trong sân vắng vẻ đưa mắt tiễn mặt trời lặn về phía tây
Ai đem mái tóc xanh gặp mắt xanh
Cười kẻ cầm bông hoa vàng đợi khách áo trắng
Mọi người say riêng ta tỉnh đều do nơi mình cả
Tự sát để mua tiếng khen như Khuất Nguyên là sai.

Dịch thơ
Áo lông ngựa béo ngán thay
Thèm về núi vắng tháng ngày thảnh thơi
Lá khô xào xạc bên tai
Sân quang mắt tiễn mặt trời về tây
Tóc xanh mắt biếc ai hay
Hoa vàng áo trắng dạ này thầm chê
Đã rằng ta tỉnh người mê
Mua danh tự sát hay gì Khuất Nguyên.
                                              Đỗ Đình Tuân dịch

Chú thích
1.Trường An: tên Kinh đô của Trung Quốc từ thời nhà Hán, nay còn có huỵện Tràng An thuộc Thiểm Tây(Trung Quốc). Người đời sau dùng từ Trang An để chỉ kinh đô. Ở đây Tràng An chỉ kinh đô nước Việt, lúc đó là Đông Đô.
2.Aó lông nhẹ, ngựa béo: dịch chữ “khinh phì”, nghĩa là rét thì mặc áo ấm làm bằng lông nhẹ, đi lại thì được dùng loại ngựa béo khỏe. Ở đây chỉ cảnh sống của các quan chức cao cấp của triều đình. Ý câu thơ nói tác giả đã chán cảnh sống cao sang phú quý của người làm quan rồi.
3. Mắt biếc: dịch từ chữ “thanh nhãn” có nghĩa là mắt xanh, lấy từ tích Nguyễn Tịch người đời Tấn (Trung Quốc), cao khiết nhưng ngạo đời, thường làm mắt xanh, mắt trắng, đụng khách là người cao thượng đến thì làm mắt có màu xanh để tiếp, đụng khách là người phàm tục đê tiện thì làm mắt có màu trắng để tiếp. Như vậy “mắt biếc” là tỏ ý tôn trọng. Ý cả câu thơ nói mấy ai ngay từ lúc đầu còn xanh đã gặp được người tôn trọng.
4. khách áo trắng: dich chữ “bạch y”, nghĩa là người mặc áo trắng. Ngày xưa bên Trung Quốc, những người chưa ra làm quan thì mặc áo trắng. Như vậy khách áo trắng tức là người dân thường không có chức vị xã hội gì.
5.Khuất Nguyên: nhà đại chí sĩ và đại văn hào thời Chiến Quốc, làm tôi nước Sở, nhưng thấy vua mê muội, triều chính suy tàn, bản thân mình lại không được dùng nên đau đời ghét tục, viết thiên Ly Tao để bày tỏ chí khí. Sau cùng ông tự trầm mình xuống sông Mịch La mà chết. Người Trung Quốc cúng tế ông vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.

Bài 4

賀樵隐朱先生
拜國子司業

学海迴瀾俗再醇
上庠山斗得斯人
窮經愽史工夫大
敬老崇儒政 
韈杗鞋歸永日
青頭白髮浴沂春
勲華只是垂裳治
爭得巢由作内臣
                陳元旦

Phiên âm:
Hạ Tiều Ẩn Chu tiên sinh
Bái Quốc tử tư nghiệp
Học hải hồi lan tục tái thuần
Thượng tường Sơn Đẩu đắc tư nhân
Cùng kinh bác sử công phu đại
Kính lão sung nho chính hóa tân
Bố miệt mang hài quy vĩnh nhật
Thanh đầu bạch phát dục nghi xuân
Huân hoa chỉ thị thùy thường trị
Tranh đắc Sào Do tác nội thần.
                         Trần Nguyên Đán

Dịch nghĩa:
Mừng ông Chu Tiều Ẩn  1 được bổ chức
Tư nghiệp ở Quốc tử giám. 2
Xoay làn song biển học làm cho phong tục lại được thuần hậu
Nhà trường đã được bậc đạo đức như Thái Sơn, Bắc Đẩu đến dạy
Đọc hết kinh xem rộng sử công phu rất lớn
Kính đạo Lão sung đạo Nho chính sự và giáo hóa được đổi mới
Ngày ông mang tất vải giầy cỏ vừa đi vừa hát mà về
Người trẻ người già cùng tắm trong mùa xuân sông Nghi 3
Các vua Phòng Huân và Trùng Hoa  4 chỉ ngồi rủ xiêm trị nước
Bởi có ông Sào ông Do  5 làm bề tôi trong triều.

Dịch thơ
Xoay biển học cải tục thuần
Nhà trường đón được kỳ nhân trở về
Thông kinh bác sử ai bì
Sùng Nho kính Lão mọi bề canh tân
Ông về hài cỏ đẹp chân
Trẻ già tắm nước Nghi xuân thỏa lòng
Nhà vua rủ áo thong dong
Có Sào-Do sẵn góp công trị vì.
                          Đỗ Đình Tuân dịch

Chú thích
1.Chu Tiều Ẩn: tức Chu Văn An
2.Quốc tử giám: trường dạy con em các bậc công khanh, quyền quý trong nước.
3.Sông Nghi: tức Nghi Thủy, một con sông ở tính Sơn Đông, quê hương của Khổng Tử.
4.Phóng Huân, Trùng Hoa : tức vua Nghiêu và vua Thuấn
5.Ông Sào, ông Do: tức Sào Phủ và Hứa Do là hai ẩn sĩ đời Nghiêu Thuấn 

Bài 5

秋日

臨流茅舍板屝扃
小圃秋深兴轉清
梅早匊芳賢子弟
松苍竹瘦老公卿
樹喧風怒心難動
雲盡天高眼自明
西望煙花非昔日
鱸思遠不禁情
               陳元旦

Phiên âm
Thu nhật
Lân lưu mao xá bản phi quynh,
Tiểu phố thu thâm chuyển thú thanh.
Mai tảo cúc phương hiền tử đệ;
Tùng thương trúc sấu lão công khanh.
Thu huyên phong nộ tâm nan động;
Vân tận thiên cao nhãn tự minh.
Tây vọng yên hoa phi tích nhật,
Thuần lô tứ viễn bất câm tình.
                          Trần Nguyên Đán

Dịch nghĩa:
Ngày thu
Ngôi nhà tranh bên sông khép cánh cửa ván,
Trong vườn nhỏ giữa mùa thu cảm thấy rất thanh thú.
Mai nở sớm cúc đưa hương các đệ tử đều là người hiền,
Thông xanh trúc gầy giống như người công khanh già.
Cây rộn gió gào lòng không lay động,
Trời cao mây tạnh mắt ta sáng sủa.
Trông về tây cảnh yên hoa 1 đã khác xưa,
Rau thuần cá vược  2  nghĩ ngợi xa xôi mối tình khôn xiết.

Dịch thơ
Bên sông nhà ghép ván quanh
Ngày thu vườn nhỏ thú thanh thản lòng
Cúc mai đệ tử vui cùng
Trúc gầy thông biếc làm công khanh già
Trời trong cho mắt sáng ra
Gió gào cây rộn lòng ta vẫn bền
Phồn hoa ngoảnh lại nhìn xem
Rau thuần cá vược nỗi niềm mang mang.
                                     Đỗ Đình Tuân dịch

Chú thích
1.Yên hoa: khói và hoa, yên hoa ở đây chỉ cảnh sống phồn hoa. Yên hoa cũng là tên của một phường ở kinh đô, cho nên ở đây có ý chỉ cảnh sống nơi kinh đô.
2.Rau thuần cá vược: dịch chữ “thuần lô”, lấy ý từ tích  Trương Hàn nhà Tấn (Trung Quốc), thấy cơn gió thu, sực nhớ đến món canh rau thuần nấu với cá vược chốn quê nhà muốn bỏ quan trở về. Ở đây câu thơ nói tâm trạng tác giả đã gắn bó với cảnh sống ẩn dật ở chốn quê mùa(Côn Sơn Chí Linh).

Bài 6

山中遣兴

十年正省負秋燈
松下行吟倚瘦藤
隨馬望塵無俗客
叩門問字有詩僧
退閒綠野知何及
散級青苗謝不能
坐待功成名遂後
一丘老骨已崚嶒
                陳元旦

Phiên âm:
Sơn trung khiển hứng 
Thập niên chính tỉnh phụ thu đăng,                                        
Tùng hạ hành ngâm ỷ sấu đằng.
Tùy mã vọng trần vô tục khách
Khấu môn vấn tự hữu thi tăng
Thoái nhàn lục dã tri hà tập
Tán cấp thanh miêu tạ bất năng.
Tọa đãi công thành danh toại hậu,
Nhất khâu lão cốt dĩ lăng tằng.


Dịch nghĩa:
Trong núi cảm hứng
Mười năm lo việc chính sự phụ với ngọn đèn mùa thu,
Dưới hàng thông chống chiếc gậy song khẳng khiu vừa đi vừa ngâm.
Không có khách tục theo ngựa ngóng bụi trần,
Chỉ có vị thi tăng gõ cửa hỏi chữ.
Lui về sống an nhàn ở nơi lục dã biết còn kịp chăng?
Chia tiền theo phép thanh miêu 1 xin từ không giám.
Ngồi đợi đến sau này công thành danh toại,
Thì một nắm xương tàn đã vùi lấp thành gò cao.

Dịch thơ
Mười năm tham chính phụ đèn thu
Gậy bước dưới thông hát gật gù
Không kẻ theo xe vời cát bụi
Có người hỏi chữ một nhà sư
Kịp chăng lục dã lui về ẩn
Theo phép thanh miêu hãy cáo từ
Đợi lúc công thành danh được toại
Xương khô một nắm đắp trong mồ.
                          Đỗ Đình Tuân dịch

Chú thích
1.Phép thanh miêu: một chính sách kinh tế của Vương An Thạch, tể tướng thời vua Tống Thần Tôn, chủ trương khi lúa còn xanh thì nhà nước cho nông dân vay tiền, đến khi lúa chín thì nông dân phải trả lại nhà nước cả gốc lẫn lãi.

Bài 7

題譜賴山大明寺
用少保張公韻

塵起絲紛歲月流
飽帆風送倘來遊
鐘撞鯨吼天山動
塔湧鰲簪巨浪浮
關月塞煙悲客思
朝雲暮雨羨僧幽
平淮勲業鐫崖石
俯鑑清漪未白頭
                陳元旦

Phiên âm:
Đề Phả lại sơn Đại Minh tự              
Trần khối ty phân tuế nguyệt lưu,
Bão phàm phong tống thảng lai du.
Chung chàng kình hống thiên sơn động;
Tháp dũng ngao trâm cự lãng phù.
Quan nguyệt tái yên bi khách tứ ;
Triêu vân mộ vũ tiện tăng u.
Bình hoài huân nghiệp thuyên nhai thạch,
Phủ giám thanh y vị bạch đầu.
                      Trần Nguyên Đán

Dịch nghĩa:
Đề chùa Đại Minh 1 trên núi Phả Lại 2
Bụi rối tơ nổi năm tháng trôi qua,
Gió thổi buồm căng ngẫu nhiên có cuộc đi chơi.
Chuông khua như tiếng cá kình rống nghìn núi rung động,
Tháp nhô lên như con ngao cài trâm nổi cơn sóng dữ.
Trăng cửa ải khói biên cương lòng khách u buồn,
Mây buổi sớm mưa ban chiều hâm mộ cảnh thiền tịch mịch.
Công nghiệp bình hoài được khắc vào đá núi,
Cúi soi làn nước trong thấy mình chưa bạc đầu.

Dịch thơ
Năm tháng vèo qua loạn rối tinh
Ngẫu nhiên buồm gió dạo chơi quanh
Chuông khua kình rống nghìn non động
Tháp đứng ngao nhô ngọn sóng dềnh
Biên ải gió trăng lòng  quạnh vắng
Cửa thiền mưa nắng cảnh buồn tênh
Bình Hoài công nghiệp ghi bia đá
Dòng biếc nhìn coi tóc vẫn  xanh.
                               Đỗ Đình Tuân dịch

Chú thích
1.Chùa Đại Minh: tên ngôi chùa xây dựng trên đỉnh núi Phả Lại ngày xưa. Hiện nay không thấy còn dấu vết gì. Núi Phả lại đã trở thành một khu dân cư đông đúc.
2.Núi Phả Lại: tên quả núi độc lập đứng bên bờ sông, thuộc địa phận làng Phả Lại nay thuộc về huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Không hiểu từ bao giờ và lý do tại sao tên quả núi bên kia sông lại “nhảy”sang bên Phao Sơn để thành tên thị trấn Phả Lại ngàynay,khác hẳn với ngày xưa như ca dao đã nói: «Ai đưa em đến chốn này / Bên kia Phả Lại, bên này thành Phao » (?)

Bài 8

題玄天觀

白日升天易
致君堯舜難
塵埃六十載
回首愧黄冠
        陳元旦
                                   
Phiên âm:
Đề Huyền Thiên quán
Bạch nhật thăng thiên dị,
Trí quân Nghiêu Thuấn nan.
Trần ai lục thập tải,
Hồi thủ quy hoàng quan!

Dịch nghĩa:
Đề quán 1 Huyền Thiên 2
Ban ngày bay lên trời còn dễ,
Giúp vua để được như Nghiêu Thuấn 3 mới khó.
Sáu mươi năm sống trong cõi trần,
Ngoảnh lại vốn thẹn với người đội mũ vàng 4!

Dịch thơ
Ban ngày lên trời dễ
Giúp vua Nghiêu Thuấn khó
Sáu chục năm quay về
Thấy mũ vàng xấu hổ.
              Đỗ Đình Tuân dịch

Chú thích
1.Quán: nơi đạo sĩ - những người tu hành theo đạo Giáo - ở.
2.Huyền Thiên: tên vùng đất nay thuộc địa phận khu dân cưu Hữu Lộc phường Văn An thị xã Chí Linh, tương truyền xưa Huyền Thiên thượng đế xuống luyện thuốc đan ở đây.
3.Nghiêu Thuấn: hai ông vua thời cổ đại trong lịch sử Trung Quốc.Nghiêu, họ là Y Kỳ, tên là Phóng Huân, lên ngôi năm 2357 trước công lịch. Thuấn, họ Diêu, tên là Trùng Hoa, lên ngôi năm 2288 trước công lịch. Thời đế Nghiêu gọi là nhà Đường (khác với nhà Đường sau này).Thời Đế Thuấn gọi là nhà Ngu. Đây là hai thời đại được coi là  mẫu mực của thời thái bình thịnh trị, trở thành ước mơ của rất nhiều chính khách sau này.
4. Mũ vàng: dịch chữ “hoàng quan”, ở đây chỉ y phục của đạo sĩ. Ý câu thơ nói quay đầu lại thẹn với những người đạo sĩ. Khi bình bài thơ này Hồ Nguyên Trừng có nhận xét: “Có lẽ khi còn làm Tể tướng, thấy mình không có công trạng gì, mới thốt ra lời than như vậy, đó cũng là do ưu ái trong lòng, mối tình  trung hậu, đó là chỗ khả thủ của thi nhân chăng?”

9/4/2012
Đỗ Đình Tuân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...