Phê bình thơ, nên khen hay nên chê?
Ở đời, có một sự thật giản dị: thường nhân đi học để trở thành trí nhân. Ở đời, có một sự thật giản dị nữa, nhưng không phải tất cả chúng ta đều thấu hiểu: thường nhân làm thơ không phải để trở thành vĩ nhân hay để trở thành thánh nhân, mà mong mỏi trở thành hiền nhân. Bởi lẽ ấy, ngọn đèn ân cần bên trang giấy - cây bút ngày xưa, hay bóng điện quạnh quẽ bên màn hình - bàn phím hôm nay, đều không thể nào an ủi được cái bóng cô độc của nhà thơ. Niềm sáng tạo thi ca mệt mỏi trước nỗi ma lực chữ nghĩa đớn đau, chỉ khát khao góp cho khách tri âm chút đồng cảm nhỏ nhoi về số phận và phẩm giá từng con người trong xã hội. Tôi nghĩ, đó là những tiếng thở dài mơ hồ rất cần được lắng nghe và trân trọng. Và tôi nôn nao cúi xuống bao nhiêu ý tứ mịt mờ giữa nhộn nhịp vần điệu ngổn ngang, với ước nguyện chia sẻ ánh mắt bơ vơ phía đồng nghiệp nhọc nhằn trái tim giăng mắc đa đoan.
Có phải thi ca đang mất dần bạn đọc không? Chưa hẳn! Đành rằng thế kỷ 21 bộn bề có nhiều chọn lựa nhanh chóng và dễ dàng, nhưng các lĩnh vực giải trí náo nức khác không thể nào thay thế những câu thơ âm thầm có giá trị nâng đỡ bất hạnh tha nhân. Cuộc hội nhập toàn cầu luôn đặt ra nhiều thử thách cho cả nhà thơ và độc giả, khi đối diện những buồn vui không thể lập trình của thời đại tôn sùng phương tiện vật chất và khuyến khích hạnh phúc cá nhân. Khoảng cách từ sự thăng hoa trên bàn viết nhà thơ đến tác phẩm trên tay độc giả, dường như càng ngày càng vời vợi hơn, mà nhiều toan tính và nhiều xao xác đã bắt đầu nhen nhóm. Thực trạng có vẻ bẽ bàng kia đã làm tôi ái ngại, nhưng không hề khiến tôi tuyệt vọng về sức mạnh cứu rỗi của thi ca. Tất nhiên, tôi không dự định kỳ diệu hóa năng lực nhà thơ, nhưng tôi dám chắc sự gặp gỡ ngỡ tình cờ giữa những tâm hồn, đôi khi có thể chở che không ít u uẩn, đôi khi có thể xoa dịu không ít đắng cay!
Nhà thơ đích thực bao giờ cũng tạo nên những ám ảnh trên bản thảo trầm mặc. Độc giả bước vào thế giới của nhà thơ vẫn thường thiện chí đưa vai gánh bớt món quà sâu nặng phía sau những trang trống vắng, phía ngoài những dòng hắt hiu. Bằng thẩm định chủ quan, tôi lờ mờ nhận ra: về mặt tâm lý, đọc một bài thơ không giống đọc một tập thơ!
Với một bài thơ ngẫu nhiên, độc giả thưởng thức theo phép cộng, cộng vào cảm xúc bất chợt, cộng vào trí tuệ phán đoán, cộng vào hoàn cảnh phát sinh... Còn với một tập thơ nghiêm ngắn, độc giả thưởng thức theo phép trừ, trừ đi cấu trúc lỏng lẻo, trừ đi hình tượng cũ kỹ, trừ đi tâm sự phô trương... Nếu lấy thang điểm 10, thì chấm một bài thơ từ điểm 0 tính lên, và chấm một tập thơ hướng ngược lại. Có lẽ, chính sự khắt khe đối với mỗi tập thơ đã tạo cơ sở cho công chúng định vị mức độ đóng góp cũng mỗi nhà thơ trên chặng đường phát triển thi ca.
Tài thơ có thể rèn luyện chăng? Có đấy! Thiên khiếu chỉ cho câu thơ khai mở, còn từ câu thơ thứ hai sẽ biến chuyển và tung tẩy ra sao, lại tùy thuộc vào vốn sống, tùy thuộc vào trắc ẩn, tùy thuộc vào cá tính, tùy thuộc vào bản lĩnh của từng người. Một nhà thơ không còn thao thức với lương tri bền bỉ, không còn thao thức với đức hạnh thăm thẳm, không còn thao thức với mệnh kiếp long đong, thì chất thơ cũng tan biến như đám mây hững hờ trôi qua khung cửa muộn phiền!
Phê bình thơ không hoàn toàn mang tính khen chê, lắm lúc cũng va chạm thẩm mỹ và lắm lúc cũng tương tác ưu tư. Có nhà thơ quen thuộc đám đông mà xa lạ chính mình. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà thơ đốt lửa rừng rực trên chữ, nhưng cuối con đường thi ca chỉ thấy tro tàn. Và tôi đã phát hiện nhiều nhà thơ ủ lửa lặng lẽ dưới chữ, vẫn hâm nóng yêu thương thế hệ này sang thế hệ nọ. Nghệ thuật không có chân lý duy nhất, tôi biết vậy, và tôi thêm một lần tin: Trên cõi dân gian bịn rịn, làm gì có nhan sắc chuẩn mực và làm gì có âm thanh chuẩn mực, nhìn vừa mắt thì nên xem như là đẹp, nghe lọt tai thì đành thừa nhận là hay!
Sài Gòn, tháng 11/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét