Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

TẢN MẠN XUNG QUANH TẬP “GIÓ LÀNH”



     Ngày tôi còn dạy học cùng ông Trường, tôi chưa thấy ông làm thơ. Thời ấy, bây giờ chúng ta gọi là “thời bao cấp”, đời sống giáo viên còn khó khăn lắm. Ông lại rơi vào hoàn cảnh con đông, vợ làm nông nghiệp nên càng khó khăn, vất vả hơn. Như thơ ông sau này kể  lại thì ngay từ khi còn là sinh viên sư phạm, ông đã phải đi vác tre nứa thuê, để: “Góp gạo góp tiền nuôi bọn trẻ / Thêm quần thêm áo đỡ phu nhân”(Thoáng nghĩ thương thân). Lúc đã thành thày giáo ở trường cấp 3 Chí Linh rồi, tôi vẫn thấy ông phải bươn chải làm thêm nhiều nghề “tay trái” để cùng vợ nuôi con. Chẳng mấy lúc thấy ông thư nhàn rỗi rãi. Gặp ông, toàn thấy ông  lo tính chuyện làm ăn, lo tính đến đồng tiền bát gạo...
Ấy vậy mà giờ đây trước mắt tôi đã có hẳn một tuyển tập thơ “Gió Lành” chuẩn bị ra mắt bạn đọc. Tôi lại được ông tín nhiệm giao cho việc viết lời giới thiệu. Vinh hạnh thì có vinh hạnh thật nhưng cũng khó cho tôi quá. Bởi thông thường đây là công việc của những người đã thành danh, nghĩa là đã có hàm, có mác gì đó khiến người đời nể trọng thì tập thơ mới thêm sang. Còn tôi vốn vô danh tiểu tốt, viết giới thiệu về ông cũng tiểu tốt vô danh thì phỏng có ích gì ? Liệu chúng ta có “nâng” được nhau lên không hay lại “chết đuối vớ phải bọt” mà chìm luôn cả thể. Tôi thổ lộ điều băn khoăn đó với ông, nhưng ông lắc đầu: “Không sao, không sao, cứ hiểu nhau là được”. Chao ôi ! Thế là ông đã liệt tôi vào hạng “tri âm tri kỷ” của ông rồi, còn từ chối làm sao được nữa ?
Tuy là một nhà giáo nhưng ông Trường chịu thương chịu khó và cần cù lao động y như một nông dân thực thụ. Ngày xưa thời bao cấp, vợ mọn con thơ, đời sống khó khăn phải bươn chải  đã đành. Nhưng ngay cả bây giờ, khi tuổi đã cao, con cái đã trưởng thành, kinh tế khấm khá dư dật, ông vẫn rất chăm chỉ làm việc. Năm nào tôi cũng thấy tên ông trong danh sách những người làm kinh tế giỏi của thị trấn. Từ làng lên phố, nhưng ông  không ở mặt đường mà lại chọn một nơi xa trung tâm có đồi cao vườn rộng. Ông bảo vì ít tiền, nhưng có lẽ lý do chính là vì ông còn muốn  vui với vườn đồi:
Lên đồi ta sống lại duyên
Nhãn, na, dứa, mít, hồng xiêm, vải thiều...
Ngày ngày, sớm sớm, chiều chiều
Chăm cây ngắm cảnh mà yêu cuộc đời
Vợ con cũng được thảnh thơi
Bỏ nghề chạy chợ vườn đồi chung vui.
                   (Vui với vườn đồi)
Trong giáo giới ít thấy có người nào lại quyết tâm phấn đấu thoát nghèo như vợ chồng ông:
Ông quyết dựng xây vườn vải nhãn
Bà bàn xen kẽ luống na dai
Ông nuôi ong mật chừng kha khá
Bà thả mái tơ cũng phát tài
Thoáng chỉ vài năm xem đã khá
Chẳng còn bao nữa sẽ bằng ai.
                    (Phấn đấu)
Bây giờ thì vợ chồng ông đã hoàn thành mục tiêu phấn đấu về kinh tế. Phần là do vợ chồng chịu thương chịu khó tần tảo làm ăn, phần cũng do gặp may và được “trời cho” nữa. Trong một bài thơ vừa mới viết, chưa cho in trong tập này, ông kể:
Tuổi bảy tư quãng cuối đời
Tiền giờ đã có nhờ trời giúp cho
Xưa vỡ đất tài ra trò
Sắp lên thị xã đất cho ra tiền
Xẻo đi hai mảnh đầu tiên
Đất hoang thành tiền vàng có vài cây...
                  (Có voi đòi tiên)
Điều đáng nể hơn là bên cạnh việc làm giầu, ông còn biết làm vui, làm đẹp. Ông có mặt trong những 7 câu lạc bộ thơ và ở đâu ông cũng là một hội viên hăng hái, thủy chung. Vợ chồng ông cứ như một cặp uyên ương. Đi đâu cũng nhũng nhẵng đèo nhau, nhất là đi văn nghệ. Tuy tuổi đã cao nhưng ông bà vẫn sống hồn nhiên như lúc còn mười tám đôi mươi. Trong nhiều cuộc biểu diễn ở khu phố, ở thị trấn...người ta vẫn thấy ông bà lên hát đôi. Khi thì “Nhạc tuổi xanh”, khi thì “về quê” khi thì lại là một tiết mục tự biên tự diễn...Nhưng muốn hiểu sâu, hiểu kỹ về chuyện tình của họ thì có lẽ phải đọc Gió Lành.
Gió lành có cả thảy 70 bài thơ và được tác giả tự chia ra làm 6 mảng: Mảng viết về quê hương đất nước...gồm 10 bài; Mảng viết về bà vợ của ông gồm 28 bài; Mảng viết về con cháu bạn bè gồm 11 bài; Mảng viết về bản thân gồm 16 bài; Mảng tập làm học trò Hồ Xuân Hương gồm 3 bài; và một phần phụ lục chép 2 bài thơ của Đỗ Đình Tuân và Kim Cúc nhận xét về thơ ông.
Đọc Gió Lành thấy thơ ông viết còn khá giản đơn, thậm chí ở nhiều bài còn  dễ dãi. Nhưng nhờ có một chút “duyên hài” mà thơ ông có được một giọng điệu riêng và một tiếng cười cũng khá hồn nhiên, ít nhiều có sức lan truyền sang người đọc, người nghe. Trước sau ông chỉ có một cách kể chuyện, một cách gây cười đó là mang chuyện mình với bà vợ mình ra cười đùa. Chẳng ai khai thác vợ mình triệt để được như ông. Sau khi đã tận dụng hết “buồng trứng” để sinh nở một đàn con 3 trai, 2 gái, bây giờ bà đã già xọm, da xanh, người gầy lại nay ốm mai đau; vậy mà ông vẫn tìm thấy ở bà một “nguồn thơ sâu xa” để viết những bài thơ trẻ trung thì hỏi có tài, có lạ hay không? Nhưng xét cho cùng, với lối viết của ông thì bắt buộc phải làm như thế. Bởi lẽ đùa với vợ hàng xóm làm sao được ? Trong thơ ông, người vợ vừa là đối tượng để miêu tả lại vừa là phương tiện để gây cười.
Tuy ông thường mang vợ ra làm trò đùa, nhưng thật ra trong những bài thơ ấy vẫn thấp thoáng một nỗi niềm hoài cựu. Rải rác ở nơi này, nơi khác thỉnh thoảng lại hiện ra những chi tiết khá cảm động nhắc lại câu chuyện tình của họ ngày xưa. Họ là một đôi trai gái cùng làng, thường chăn trâu cắt cỏ với nhau, hồn nhiên vô tư lắm. Rồi một hôm hai đứa rủ nhau kết bè chuối bơi sang cồn con sông Luộc cắt cỏ. Dè đâu mới bơi được một quãng xa xa thì giông tố nổi lên. Người con gái hãi quá bèn níu chặt lấy chàng trai. Trái tim người con trai bỗng nổi trống thình thình, các mạch máu như căng phồng lên cả. Từ đấy xuất hiện trong người con trai một thứ tình cảm gì lạ lắm. Cứ thoáng thấy người con gái ở đâu là chàng trai lại bồi hồi lúng túng như sợ hãi. Muốn gặp mà không dám gặp, chỉ liếc trộm người ta thôi. Chỉ khi nào ở nơi thật vắng vẻ giữa cánh đồng chàng mới dám đánh bạo xông ra chặn lối. Ngày tháng cứ qua đi, những lần liếc trộm nhau, chặn lối nhau cứ nhiều dần không sao tính xuể nữa. Tình yêu trong lòng người con trai cũng dâng đầy...Đến một hôm chàng trai đánh bạo đến nhà người con gái để “ra mắt” bố vợ tương lai. Con gà đang nhốt trong bu bỗng được thả ra kêu quang quác. Tiếp chàng chỉ có mắm tôm và cà muối. Khúc sông kia với bữa cơm này đều trở thành để đời đối với người con trai.
Nhưng duyên trời đã định, cuối cùng thì người con trai vẫn cưới được người con gái mình yêu. Hình ảnh cô dâu ngày ấy cũng không có gì là lộng lẫy. Có lẽ vì thời ấy còn nghèo và những cô gái nhà quê cũng thường giản dị:
Ngày nào tôi đến đón dâu
Thấy bà trong chiếc áo nâu vải dầy.
                 (Nét xuân về bà)
Từ khi làm vợ rồi làm mẹ, người con gái ấy không mấy lúc được sung sướng thảnh thơi. Chỉ toàn là những lam lũ, tần tảo thay chồng nuôi mẹ, nuôi con. Cho nên khi đã trở về già, nhớ lại... ông thương bà lắm. Năm 1997, ông được lĩnh tiền thưởng huân chương, việc đầu tiên ông nghĩ đến là phải mua một đôi hoa tai để mừng xuân cho bà:
Tiền nhà nước thưởng tôi đây
Đôi hoa mua sẵn xuân nay mừng bà
Nhìn về quá khứ xa xa
Ngày tôi yêu bà đã tặng gì đâu
Nay ngoài sáu chục tuổi đầu
Tặng hoa tuy muộn nhưng sâu ân tình
Lại thêm cái tết hòa bình
Tuy chưa nâng chén mà hình như say
                   (Mừng xuân cho bà)
Câu chữ thì mộc mạc giản dị thôi, nhưng tình thì thật nặng. Cái cử chỉ và tấm lòng tri ân ấy của ông đối với người vợ tao khang  thật là đáng nể.
Ông Trường làm thơ chủ yếu dựa vào cái vốn bản năng trời phú. Đọc thơ ông thấy ở nhiều bài còn khá non yếu về mặt kỹ thuật. Nhưng đôi khi có cảm hứng xuất thần ông lại viết được những bài thơ khá đặc sắc. Chẳng hạn như bài “Mười phút cuối trận”:
Tiền đạo quyết thắng một phen
Hai chàng tiền vệ cũng lên sút bồi
Thủ môn đâu có chịu tồi
Hai chân chụm xoạc một hồi xông pha
Bóng vào lại đẩy bóng ra
Cuối cùng là một trận hòa...Tuyệt hay.
Đây chỉ là một sự bắt chước thi pháp của Hồ Xuân Hương , nhưng bắt chước tuyệt khéo. Phải coi là một đóng góp thêm cho kho tàng thi pháp Hồ Xuân Hương ở thời hiện đại. Bài thơ đã miêu tả thật đúng những giây phút cuối cùng gay cấn nhất của một trận đá bóng và cũng thật đúng với giai đoạn cao trào của “chuyện ấy”. Có thể kể thêm một trường hợp nữa là bài “Tâm sự cùng bạn đàn”:
Biết rằng bác hết nguy nan
Thật thà hỏi bác đã đàn được chưa
Nhớ tôi đi mổ dịp vừa
Kiêng khem ba tháng cũng chưa dám đàn
Bác tuy có gặp nguy nan
Song không bị mổ hẳn đàn sớm thôi
Cứ theo kinh nghiệm của tôi
Đàn rung giây rồi đau đớn giảm ngay
Bác cười đứng dậy bắt tay
Rằng khoản đàn này ông đoán đúng ghê
Ngay hôm xuất viện ra về
Vui vui cũng gẩy cũng vê một bài.
Ở bài này tiếng cười cứ nổ giòn suốt từ đầu chí cuối. Làm được như thế chính là vì tác giả đã biết sử dụng lối vừa chơi chữ lại vừa biểu tượng hai mặt rất giỏi: “đàn” vừa là chuyện đánh đàn thật, nhưng lại vừa là “chuyện ấy” . Chính sự lấp lửng này đã khiến cho câu chuyên hỏi thăm sức khỏe của hai ông già  không nghiêm chỉnh nữa. Cuối bài thơ, tác giả lại để cho cụ Quất đứng dậy bắt tay thừa nhận “Ngay hôm xuất viện ra về / Vui vui cũng gẩy cũng vê một bài” . Lại thêm hai chữ “gẩy”, chữ “vê” thật chính xác và đắc địa nữa đã làm tiếng cười vỡ òa ra thật là giòn giã .
Riêng bài thơ này thì tôi có làm một cuộc thẩm tra bí mật. Tôi đem bài thơ đến, đọc cho cụ Quất nghe, rồi chất vấn cụ xem có thực như thế hay không ? Nhưng cụ Quất cứ cười khành khạch và chối đây đẩy: “Đâu...đâu...làm gì có thế... Hắn đổ oan cho tôi đấy...”. Tôi lại hỏi: “Thế sao cụ không kiện ?”. Cụ lại cười khành khạch đến híp cả mắt lại và vừa cười cụ vừa nói như giải thích: “ Chỗ bạn bè...người ta trêu thế thôi...:”.Trước kia tôi cứ tưởng chỉ có trong trận mạc người ta mới nghi binh nói dối để lừa nhau. Ai ngờ trong cái việc làm thơ người ta cũng “vu oan giá họa” cho nhau quá lắm. Chỉ có khác là lừa nhau trong trận mạc, tất yếu dẫn đến chuyện đầu rơi máu chảy, dù bên này hay bên kia. Còn “vu oan giá họa” cho nhau trong lĩnh vực làm thơ thì chẳng ai làm sao cả. Người vu oan cũng như người bị vu oan đều nhận được những trận cười giống như những ngọn gió lành làm hớn hở tâm can.
Nhưng không phải ai cũng làm được kiểu thơ vui như ông Trường. Bản thân tôi cũng hay làm thơ vui. Thơ vui của tôi cũng được nhiều người khen. Thế là tôi thêm hứng trí càng hay làm thơ vui. Ai ngờ, có một lần, sau khi bia rượu đã tưng tửng, tôi mới phởn trí đọc mấy câu tếu táo. Bài thơ ấy lập tức được mọi người nhập tâm và truyền miệng cho nhau rồi thêm thắt mỗi người một câu, một ý. Cuối cùng thì bài thơ lại đến tai những nhân vật được bài thơ nhắc đến, vốn có máu mặt ở trong vùng. Các ngài ấy nghe thơ xong thì bực lắm. Mấy hôm sau có mấy tên “đầu gấu” vác gậy đến nhà tôi. Chúng gọi tôi ra cảnh cáo. Đứa nào cũng trùm đầu bằng một cái túi đen, chỉ hở có đôi mắt. Đứa thì cầm gậy, đứa thì đút tay túi quần, đôi mắt vè vè, như sẵn sàng xông ngay vào mà tác chiến. Một ông giáo già loẻo khoẻo, chân yếu tay mềm, không có võ thì đối lại làm sao được với “ngũ cường”? Tôi đành phải xin lỗi các hắn và hứa sẽ không làm thơ như thế nữa. Đầu và tai tôi hôm ấy tuy vẫn nguyên lành nhưng trong lòng tôi thì run lắm.
Lâu dần thì nỗi sợ hãi cũng nguôi đi. Tôi lại nổi máu làm thơ vui. Nhưng tôi chuyển hướng. Nhìn gần nhìn xa, tôi thấy cứ bắt chước lối thơ ông Trường là tốt nhất. Chẳng động chạm đến ai, chỉ có cười vui thôi. Thế là tôi lại đem chuyện vợ tôi ra làm trò đùa. Nhưng vợ tôi không hiền được như vợ ông Trường. Đụng đến hắn, hắn tru tréo lên ngay. Rồi mặt nặng mày nhẹ hờn giỗi, cấm vận đến hàng tuần. Có khi cả tháng. Tôi lại phải khúm núm dỗ dành mãi mới làm lành được. Thì ra trong cái việc làm thơ cứ phải “ngõ nhà ai người ấy đi” chẳng có cái ngõ nào chung cho hai người cả.
Trên đây chỉ là vài nhận xét tản mạn của riêng tôi về tập thơ của ông Trường. Chắc chắn là chưa thể nói hết được những cái hay, cái đẹp của thơ ông. Nhưng bài viết của tôi cũng đã dài, viết thêm nữa sợ làm người đọc mỏi mắt mà buồn ngủ mất. Vả lại cũng phải để dành ra một khoảng trống rộng rãi cho bạn đọc xa gần cùng khám phá. Bởi thế tôi xin phép được khép bài viết lại. Cuối bài, nhân dịp đầu xuân mới xin có lời chúc riêng tác giả: Càng già, càng khỏe, càng vui; Thơ hay thu nhập vườn đồi cũng tăng.
                                                                  2/2010
                                                                      Đỗ Đình Tuân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...