Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Một người bạn cũ

PGS.TS. NGUYỄN VĂN VỴ

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN – NIỀM ĐAM MÊ VÀ SỰ CỐNG HIẾN



PGS.TS. Nguyễn Văn Vỵ khi dạy rường Đại học Công nghệ.

Đam mê khoa học đến với ông do bản tính ham hiểu biết từ khi còn nhỏ, khi nghe thày giáo kể về sự phát hiện một hiện tượng tự nhiên thường tình như quả táo rơi xuống (mà không rơi lên trời) của một nhà khoa học lớn, hay nghĩ mãi bỗng dưng lại tìm ra lời giải của một bài toán mà trước đó sao mà khó thế. Mỗi lần như vậy, ông lại nhận ra cái thế giới tự nhiên xung quanh đầy bí ẩn và kỳ thú. Hình như có một cánh cửa của kho báu đang hé mở trước mặt, thôi thúc ông cố gắng vươn lên, những mong có thể làm một cái gì có ý nghĩa. Rồi ông đã trải qua, cứ tạm gọi là những gian nan và thử thách: từ cuộc sống tuổi thơ khốn khó, tuổi thanh niên thời chiến ác liệt cho đến cuộc sống thời bình với hơn nửa thế kỷ trên chặng đường gian nan của đất nước. Bên cạnh sự nỗ lực cá nhân, nhiều may mắn trời cho như là phúc đức của cha ông để lại: Mặc dù làm việc ở một cơ quan “sản xuất”, không được như bạn bè ở các trường đại học hay viện nghiên cứu, ông được cơ quan cử đi thi nghiên cứu sinh và đã trúng tuyển ngay lần thi đầu để đi học nước ngoài. Thành công này như hòn đá tạo cái bậc đầu tiên giúp ông có cơ hội và động lực bước xa hơn trên quãng đường sự nghiệp sau này. Sau những tháng năm học tập ở nước bạn, ông trở về nước, được may mắn làm việc ở những cơ quan khoa học có tầm cỡ của đất nước bấy giờ như: Viện toán kinh tế, Trung tâm phân tích hệ thống ứng dụng. Khi sắp đến cái tuổi về hưu, ông chuyển về làm việc “trồng người”, với mong muốn truyền đạt những kiến thức tích lũy được cho thế hệ kế tiếp, thắp lên trong trái tim họ niềm say mê suốt đời về khoa học công nghệ thông tin. Âu cũng là cái duyên, cái phận khiến ông gắn bó với thế hệ trẻ, với công việc đào tạo bồi dưỡng họ và làm cái công việc song hành là nghiên cứu và tìm tòi cái mới. Ông về dạy ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà nội, Khoa Công nghệ thông tin: Một ngành mà gần ba chục năm trở lại đây đã tiến bộ như vũ bão, làm thay đổi thế giới đến mức kinh ngạc. Cũng vì thế mà ông say đắm. Khi nhắc đến chuyên ngành này, ít ai trong giới khoa học chuyên ngành không biết đến ông: PGS. TS. Nguyễn Văn Vỵ, một cựu giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học với những tài liệu chuyên khảo và giáo trình được sử dụng giảng dạy ở nhiều trường đại học và cao đẳng. Ông là người sáng lập và chủ nhiệm đầu tiên của bộ môn Công nghệ Phần mềm, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Gian nan một chặng đường đi...
PGS.TS Nguyễn Văn Vỵ sinh ngày 17 tháng 03 năm 1943. Ngày ấy, sống trong vùng tạm chiếm. Lớp học mà ông ngồi trong những ngày đầu đến trường là một lớp học tư, do thày giáo làng dạy. Khi vùng quê được giải phóng, trường cấp 1 ở xã được thành lập chỉ có lớp 1 và lớp 2, ông thi và đậu vào lớp 2. Đang học lớp 2, huyện ông bị một trận càn của Tây làm nhiều người thiệt mạng. Theo lời khuyên của bạn bè và người thân, ông bỏ lớp 2 để xin vào lớp 3 của trường huyện cách nhà hơn 4 cây số. Do thiếu học sinh sau trận càn, chỉ sau một số phút kiểm tra của thày phụ trách lớp, ông nghiễm nhiên trở thành học sinh lớp cao hơn của một trường Huyện. Hòa bình lập lại, xã mở trường cấp 1, ông trở về học lớp 4 ngay tại xã mình.
Ký ức về những ngày còn đi học vẫn như còn nguyên vẹn trong ông, đó là những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông nhớ lại: “Lên được lớp 3, quả là sướng thật. Nhìn con cháu bây giờ, nghĩ lại cái hồi ấy, không thể tưởng tượng được rằng sao mình lại chịu đựng được giỏi đến thế: ở cái tuổi lên chín, lên mười, với cái thân hình gày gò, bé quắt xà leo (được đặt cho cái tên là Nhắt), cứ chiều đến, khi mặt trời lặn xuống đàng Tây, lại cùng các anh chị lớn hơn nhiều tuổi (có anh đã có vợ), hồ hởi đến lớp học ban đêm (để tránh máy bay ném bom) cách làng hơn 4 cây số. Đi học mà như đi làm thợ: tay xách đèn ống bơ tự tạo, tay chống gậy tre, sách bọc trong chiếc khăn vuông buộc vào thắt lưng, vừa đi vừa chạy cho chóng đến trường. Khi đêm tan học về, tay soi đèn để nhận ra bóng dáng lối đi, tay khua gậy vừa chống vừa dựa để đỡ vấp ngã. Vào những ngày mưa gió, ngã là chuyện thường tình, đèn quăng một nơi, gậy quăng một nẻo, mò mẫm tìm lại đủ mọi thứ, lắp đèn, châm lửa và tiếp tục cuộc hành trình thường nhật. Hú vía nhất là một đêm trời mưa, đi cạnh mép đường, trượt chân ngã lăn xuống bên mộ còn mới ở chân đê của nguời vừa chết sau trận càn. Vội vàng bò dậy, bụng bảo dạ; “chẳng có gì đáng sợ cả”, nhưng khi đã đi một quãng dài rồi, mà người vẫn còn run. Nhiều đêm, đang học có tiếng máy bay, cả lớp tắt đèn nhảy xuống nấp trong hố đào ngay dưới gầm bàn. Trường cách Thị xã chưa đầy mười cây số. Địch từ Thị xã thường bắn cối về làng nơi có trường. Có đêm, sau một tiếng nổ “đùng”, kèm theo là tiếng réo như mooc chê rót đến, cả lớp chẳng ai bảo ai, nhảy tót xuống hầm, nằm im nín thở, chẳng kịp tắt đèn. Một hồi lâu yên tĩnh, cả lớp mới bò dậy, hóa ra cậu bé nhà dưới làm một cuộc thử thần kinh các anh chị”.
Ông kể tiếp, vào ngày mưa gió, bố mẹ không muốn cho đi học, ông vẫn cứ đi. Khoác chiếc áo tơi đi trên mặt đê, không ít lần gió thổi bạt xuống chân đê, nhưng rồi lại lóp ngóp bò lên đi tiếp. Đoạn đường từ huyện lộ vào trường hơn một cây số, có những hôm trời mưa, ruộng ngập nước mênh mông. Cả bọn lõm bõm lần từng bước theo con đường đất có chiếc cầu đá bắc qua sông để vào làng nơi có lớp. Có hôm, theo gót các anh lớn, ông cũng lội tắt ruộng, để quần áo và sách vở vào chiếc nón con, dơ cao lên trời bơi qua sông để đi cho gần, rồi sau đó tỏ vẻ tự hào với bạn bè cùng lớp.
Học hết tiểu học, ông vào học cấp 2. Chưa có lớp, nhà trường phải mượn các nhà trống của một xứ đạo cách quê nhà khoảng bảy, tám cây số làm lớp học. Cuộc hành trình cho những tuần đi học trọ bắt đầu vào sáng thứ hai, lúc tinh mơ. Hành lý là gạo, thực phẩm, sách vở và cả các thứ khác đủ cho một tuần trọ học. Chiều thứ bảy lại trở về nhà chuẩn bị cho tuần tiếp theo. Gạo mạng từ nhà, thức ăn cho một bữa bình thường là bát canh rau cải, với một đồng bạc rau và năm hào mắm tôm cho cả nhóm ba người. Khi ở trọ, nhà chủ rất tốt, nhường cho ba đứa cả một tràng kỷ, tha hồ vùng vẫy. Buổi chiều không phải lên lớp, cả bọn bảo nhau quét nhà, quyét sân, quét ngõ, gánh nước giúp chủ nhà. Ngày mùa thì đi gặt, gánh dạ, trục lúa hỗ trợ gia chủ. Học chủ yếu vào buổi tối với chiếc đèn dầu. Tốt nghiệp cấp II, ông học lên cấp 3, cả tỉnh Hải Dương có duy nhất một trường cấp 3: trường Hồng Quang. Cả làng có hai người thi đậu vào trường này. Nhưng rồi một người bỏ đi học chuyên nghiệp để sớm đi làm có tiền đỡ đần gia đình. Còn ông, vì còn bé nên cố ở lại học. Trong những năm tháng học cấp 2 và cấp 3, ông thường thuộc nhóm học sinh dẫn đầu về các môn khoa học tự nhiên. Nhiều bài kiểm tra của ông ở cấp hai về toán được thày dán lên chỗ báo tường để các bạn tham khảo.
Học cấp ba lại là những tháng năm đi trọ. Ba anh em ở cùng một nhà của người bác một bạn trong nhóm. Bác cho một luống đất để tự trồng rau cho bữa ăn hàng ngày. Gạo mang từ nhà, thức ăn có gì ăn nấy. Nhưng có đợt, ăn uống rất rôm rả: Số là, ông là tay từng lần mò đánh dậm, bắt tôm, bắt cá ở quê cho bữa ăn gia đình. Vì thế, có những chiều đi thả ống lươn hay tổ chức cả bọn đi câu tôm ở sông cầu Cất, thế là có tôm, có lươn ăn dè cả tuần. Với những cậu học trò từ quê ra tỉnh, sau buổi học sáng thứ bảy hàng tuần là lúc tất tưởi trở về làng. Những đôi chân trần hổi hả vừa đi vừa chạy trên quãng đường đất gần hai chục cây số để về quê xay lúa, giã gạo và chuẩn bị vài thứ cần thiết, để chiều chủ nhật hôm sau lên đường: bao tải gạo trên vai, vài thứ lủng liểng hành quân ra tỉnh cho một tuần học trọ mới. Để có gạo ăn, những ngày hè thường phải cố làm việc “bằng hai”, bằng cách nhận những việc khó như nhổ mạ nước, lặn lấy bùn dưới sông, làm ruộng triều … miễn sao kiếm nhiều điểm để hợp tác xã trả nhiều thóc hơn khi cuối vụ. Do bố yếu, ở nhà chỉ có mẹ và em, những ngày hè ông cố gắng làm việc cùng gia đình, nhưng cũng có năm không đủ gạo ăn cho cả vụ. Đấy là cuối năm lớp 10, khi ông về đến nhà, trông vào buồng không còn hạt thóc. Thương mẹ, hôm sau lặng lẽ lên đường, chân bước nhẹ tênh vì chẳng có gì để mang theo.

Nhóm ba anh em cùng trọ học cấp III: 1959 -1962, từ trái sang phải: Đỗ Đình Tuân, Phạm Đình Tiến, Nguyễn Văn Vỵ
Một cuộc họp nhóm trọ ba anh em đầy bức xúc diễn ra: Hai thằng trong nhóm nghèo hơn để nghị được ăn riêng, chỉ có bạn có bác sẽ ăn cùng với bác họ, nhưng hắn nhất định không chịu. Cuối cùng, chẳng còn cách nào, hắn đành đồng ý và nhận sẽ về quê (vùng Châu Giang khá trù phú của Hải Dương) vay gạo giúp hai đứa ăn riêng. Những ngày ăn bữa rưỡi bắt đầu: nửa bò gạo cho vào phích ủ tối hôm trước, đủ cho mỗi thằng một bát cháo đặc của bữa sáng điểm tâm hôm sau. Sáng học xong, nấn ná vào thư viện đọc sách, hơn một giờ chiều mới quay về nhà để chuẩn bị một bữa trưa thịnh soạn, đủ sức chịu đựng cho đến sáng hôm sau. Ở cái tuổi mười bảy, mười tám, ăn không biết no, những bữa ăn nào cháo, nào cơm chỉ lưng lửng dạ dày sao mà ngon đến thế, ngon hơn nhiều lần cái “mầm đá” vua ăn lúc đói. Gần ba tháng giáp hạt rồi cũng qua, cả nhóm trở lại ăn chung. Ba người bạn như ba anh em, cùng ăn, cùng học, giúp đỡ chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn và sự nỗ lực suốt ba năm. Năm ấy cả ba thằng trong nhóm đều thi đỗ tốt nghiệp và đều đỗ vào đại học.
Thi vào đại học, ông đăng ký vào ngành Lý của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với số điểm thi đạt khá cao, ông được nhà trường chuyển sang khoa Toán. Từ nông thôn ra, vốn ngờ nghệch đành chịu vậy thôi, nhưng ông hơi ngán ngẩm vì toán chỉ có trong sách, chẳng liên quan đến thế giới tự nhiên nhiều sắc màu mà ông yêu thích. Những khó khăn của cậu học trò quê nghèo thời đó khó mà kể hết, nhưng ông đã cố gắng và nỗ lực hết mình, chỉ mong sao chẳng đến nỗi kém bạn, kém bè. Học hết năm thứ 3 đại học, phần lớn bạn bè trong lớp ra trường, ông được ở lại cùng hơn 20 người khác tiếp tục học năm thứ 4 theo chuyên ngành Vận trù học và tối ưu hóa. Một chuyên ngành dưới sự hướng dẫn của thày Hoàng Tụy - Trưởng khoa Toán của trường Đại học Tổng hợp lúc bấy giờ.
Bước đầu của con đường nghề nghiệp
Học xong, ông được phân công về làm việc tại Ban Vận trù học thuộc Bộ GTVT, một bộ thuộc lĩnh vực “sản xuất”. Xem ra đúng ngành, đúng nghề, nhưng ông lại có một nỗi buồn man mác: Là một trong những người học giỏi của nhóm chuyên đề, nếu được về một cơ quan nghiên cứu như Ủy ban Khoa hoc Kỹ thuật Nhà nước hay một trường Đại học thì có điều kiện nghiên cứu và có cơ hội tăng tiến hơn. Tuy vậy, với bản tính ham học hỏi, thích cái mới và thích được công hiến của tuổi trẻ lúc bấy giờ, ông vẫn làm việc một cách hồ hởi, nhiệt tình. Hơn nữa, xét cái tên cơ quan là “Ban Vận trù học”, ông là người được đào tạo bài bản hơn cả trong Ban, mặc dù đó chỉ là những gì từ sách vở. Ông rất may mắn tham gia vào rất nhiều hoạt động liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Tổ chức những trạm trữ hàng dọc đường vào Nam để xe chở hàng có thể chở được nhiều và nhanh nhất cho miền Nam, trong điều kiện địch không kích thường xuyên. Xây dựng các phương án bốc, xếp hàng từ tàu và giải tỏa hàng ở cảng Hải Phòng nhanh nhất. Tổ chức cách tháo, lắp cầu phao nhanh nhất để kịp cho xe chở hàng qua sông vào ban đêm không bị máy bay địch oanh tạc. Chẳng hạn, như cầu Phú Lương, từ phương án ban đầu thao lắp 8 giờ, nhờ ứng dụng PERT, sau rút xuống chỉ còn 2 giờ. Nhờ vậy, 5 giờ chiều lắp cầu thì 7 giờ đã thông xe, và kịp thời tháo và cất dấu cầu phao xa nơi lắp đặt trước 7 giờ sáng hôm sau. Tổ chức phương án đại tu đầu tầu hỏa rút ngắn được 50% thời gian so với phương án ban đầu vẫn làm ở nhà máy toa xe Hà nội. Tổ chức phương án đóng tàu thủy nhằm rút ngắn thời gian tàu ra xưởng ở nhà máy đóng tàu Bạch Đằng,…
Ở một bộ “sản xuất”, công việc cần giải quyết luôn trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” của thời kỳ chiến tranh phá hoại. Không chỉ có lãnh đạo, mà nhiều cán bộ của Bộ không ưa thích những anh hay đọc sách, nhất là đọc sách nước ngoài. Vì thế, ông và anh đồng nghiệp, anh Nguyễn Hữu Nguyên, một bậc đàn anh đã từng đậu tú tài, có nhiều năm làm chỉ huy pháo binh và tham gia đánh Điện Biên Phủ, thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Trung, sống trung thực, chịu khó, vui vẻ và hài hước, như một ngọn đèn cạnh ông. Nhờ “gần đèn thì rạng”, đêm đêm ông say sưa đọc sách, học ngoại ngữ, nghiên cứu chuyên môn tại phòng ngủ tập thể đến tận khuya. Phần lớn sách chuyên môn lúc ấy là sách nước ngoài (như sách về ngôn ngữ lập trình chỉ có bằng tiếng Anh). Nhờ chịu khó nghiên cứu, lăn lộn để thử nghiệm nhiều đêm (Cơ quan có máy tính Minsk22 duy nhất bấy giờ chỉ có thể phân cho các bộ sản xuất được sử dụng vào các giờ ban đêm), ông và người anh đồng nghiệp cùng phòng vẫn có thể lập được chương trình và tiến hành tính toán thử nghiệm thành công nhiều bài toán vận trù học của cơ quan, không kém những cán bộ ở các viện, các trường Đại học cùng làm máy tính. Sự chuẩn bị chuyên môn vào thời gian này đặc biệt giúp ông rất nhiều cho thi cử và làm tốt nghiên cứu sinh sau này.
Năm 1972, ông thi đậu nghiên cứu sinh và đi học Nga văn. Cuối năm 1973, ông sang Liên Xô làm Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Kiep, nước cộng hòa Ucraina, chuyên ngành Điều khiển học kinh tế. Vào những năm 70, Điều khiển học kinh tế ở Liên xô và các nước Xã hội chủ nghĩa chưa phát riển, phần lớn tài liệu tham khảo là tiếng Anh từ các nước Âu, Mỹ. Nhờ chuẩn bị tốt ngoại ngữ, ông đọc được nhiều tài liệu nước ngoài nên có điều kiện làm tốt luận văn. Cũng nhờ nhiều đêm lăn lộn để sử dụng máy tính trong nước, ông đủ kỹ năng để lập trình và thử nghiệm thành công các thuật toán do mình đề xuất trên các máy tính hiện đại của Liên Xô. Cho đến lúc ấy, nghiên cứu điều khiển kinh tế vẫn là làm các mô hình và thuật toán toán học. Giống như những người học và làm toán khác, ông yêu những vần thơ và những câu chuyện tình lãng mạn.

Hội đồng bảo vệ luận văn TS của NCS Nguyễn Văn Vỵ, tại trường Tổng hợp Kiep năm 1977. NCS đứng thứ 3 từ trái vào, Giáo sư hướng dẫn (Kornilova L.E.) đứng thứ 2 từ trái vào
Có lẽ, vì chúng làm tăng thêm chí tưởng tượng, làm dịu đi sự khô cằn và cô đơn của trái tim những người làm toán. Chả thế, ông được trao giải hai (không có giải nhất) về thơ trong cuộc thi văn nghệ của lưu học sinh Kiep năm 1975 cho bài thơ “Bông hoa tặng em”:
Muốn tặng em một bông hoa
Khi tình yêu đang thành sự thật.
Đắn đo nhiều, hoa nào đẹp nhất,
Trên trái đất này có trăm vạn thứ hoa:
Nở trắng rừng, hoa Ban bao la
Đồi nhuộm tím, hoa Sim màu chung thủy.
Hoa dại, hoa rừng em ơi có quý?
Hoa Cúc, hoa Lan, hoa Huệ hoa vườn.
Sợ em chê: không sắc chỉ có hương!
Muốn tặng bông Hồng nhưng nghĩ lại thương:
Gai hồng sắc lỡ đau bàn tay nhỏ.
Hoa Chun pan, hoa Hồng xanh xa lạ.
Em ưa chăng hoa đất nước người?
Hoa San hô mang sắc nước hương trời,
Em lại bảo: hoa khô không tình cảm!
Hoa tặng người yêu em ơi khó chọn.
Có ngại đâu, cuối biển cùng trời,
Dù núi cao, hay đất lạ xa xôi.
Anh muốn tự mình trồng những bông hoa
Có tất cả những gì em thích.
Chắt chiu ý từ trăm ngàn trang sách
Gom ánh đèn bao đêm thâu.
Như cây xanh gom nắng, chắt màu
(Luyện nhựa, xây hoa phải đâu đơn giản).
Cây đơm hoa tính ngày tính tháng
Hoa anh trồng dẫu sớm cũng tính năm.
Giấc ngủ tuổi xuân nhường nỗi băn khoăn.
Ruột bút bi thay bao lần không nhớ nữa!
Trang giấy viết đầy, trong đầu đã ngàn lần vạch, xóa:
Tìm sắc, tìm hương cho những bông hoa.
Bông hoa tặng em trong ngày tới không xa.
Những công trình, anh gọi những bông hoa
Vẫn hình dung với bao vẻ đẹp.
Có tiếc đâu không đem tặng hết
Chỉ sợ em cười: anh đến ngẩn ngơ
Có ai tặng “hoa khoa học” bao giờ!
Kiep, 1/1975.
Bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ với bảy bài báo, trong đó có bài đăng trên tạp chí “Cibernetic” của viện Hàn lâm khoa học Liên xô. Ông trở về nước và may mắn được làm việc ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tại Viện toán kinh tế, nơi tập trung nhiều anh tài của Việt Nam lúc bấy giờ về toán học và điều khiển học. Ông luôn nghiêm túc và có trách nhiệm trong công việc, nên sớm được giao phụ trách phòng “kế hoạch hóa ngành lãnh thổ”. Từ cấp Phó phòng, ông được giao trách nhiệm trưởng phòng năm 1981. Năm 1988, ông chuyển về công tác ở Viện quản lý Kinh tế Trung ương, tại Trung tâm Phân tích Hệ thống ứng dụng, đảm nhận vị trí Phó giám đốc Trung tâm. Khi Trung tâm giải tán, ông chuyển sang làm Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế Doanh nghiệp. năm 80, cuộc sống của mọi người dân ta ở vào thời kỳ cùng cực nhất: thiếu đủ mọi thứ, ngay cả những thứ tối thiểu. Nhưng cũng chính thời gian này, ông tham gia nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ với tư cách thư ký, chủ nhiệm hay thực hiện nghiên cứu trực tiếp và đã có nhiều kết quả nghiên cứu được công bố trong tạp chí hay kỷ yếu hội thảo. Người ta thường nói, đằng sau thành công của ông chồng là bóng dáng của người vợ. Chính nhờ có người vợ khéo tay, chăm chỉ lo việc nhà, không những nuôi con khỏe, dạy con ngoan mà còn giỏi kiếm thêm bằng nghề phụ (dệt len, dạy thêm) nên con cái no đủ, phát triển tốt và học hành tấn tới. Và cũng nhờ vậy, khi Nhà nước tổ chức phong chức danh khoa học chính thức lần đầu năm 1991, ông có được những kết quả đủ tiêu chuẩn để được phong phó giáo sư.
Năm 1998, ông chuyển về làm giảng viên của Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Sau một thời gian ngắn, vì là phó giáo sư, ông được Trưởng khoa đề nghị tham gia Ban Chủ nhiệm. Hai tuần sau, ông Trưởng khoa hỏi lại, ông xin lỗi không thể tham gia được, vì mới về trường, ông muốn tập trung vào chuyên môn để trở thành một người thày thực thụ (trước đây làm quản lý và nghiên cứu, ông cảm thấy nhiều yêu cầu của người thày còn thiếu hụt). Ông cũng giới thiệu cho Trưởng khoa một người thay thế có đủ tiêu chuẩn và chỉ có một đề nghị: sau này, khi thành lập bộ môn mới, nếu phù hợp ông xin được làm chủ nhiệm bộ môn.
Về trường, ông chọn ngành Công nghệ phần mềm còn là mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ, và đi sâu vào lĩnh vực Phân tích và Thiết kế mà ông cho là khó nhất nhưng cũng thích thú nhất. Kinh nghiệm thực tiễn dạy cho ông biết rằng, để phát triển một lĩnh vực mới cần có một đội ngũ chung ý chí và cùng góp sức. Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu thành lập Khoa Công nghệ trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có khoa Công nghệ Thông tin. Sau một thời gian Khoa đi vào hoạt động ổn định, ông gặp và thuyết phục Giáo sư cho thành lập thêm bộ môn mới, bộ môn Công nghệ phần mềm. Lúc đó không ít người ở Khoa Công nghệ Thông tin phản đối, cho rằng chưa cần thiết hay không có người cho biên chế bộ môn. Nhờ sự thuyết phục Giáo sư Hiệu và những người liên quan, Giáo sư đồng ý cho làm đề án. Giáo sư Hiệu là người có hiểu biết rộng, có tầm nhìn xa, biết nghe và giám quyết. Khi nghe trình bày đề án về bộ môn Công nghệ Phần mềm, nhu cầu, nhiệm vụ và tương lai của nó, Giáo sư rất thích thú và ký ngay quyết định thành lập. Sau đó, có nhiều dịp đến nhà thăm Giáo sư, Giáo sư khuyến nghị thành lập Trung tâm Công nghệ phát triển phần mềm, và sẵn sàng cho mượn cả tầng hai (rộng gần 100m2) nhà mình để trung tâm làm việc. Rất tiếc, ý tưởng của Giáo sư bộ môn không thực hiện được, vì quá ít người. Bộ môn Công nghệ phần mềm ra đời với bốn thành viên: một phó giáo sư Nguyễn Văn Vỵ, một thạc sĩ và hai kỹ sư. Chỉ hơn hai năm sau, năm 2002, số sinh viên của khoa Công nghệ Thông tin đăng ký làm đồ án tốt nghiệp ở bộ môn đã đông không kém vào bất kỳ bộ môn nào, và có điểm học trung bình cao hơn các em đăng ký vào các bộ môn khác. Mặc dù có ít giáo viên đủ tiểu chuẩn hướng dẫn tốt nghiêp, nhờ có uy tín và quan hệ tốt, bộ môn đã huy động được các đồng nghiệp từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Công nghệ Thông tin để hướng dẫn tốt nghiệp cho hơn ba chục em mỗi khóa. Hiện nay Bộ môn có 14 người, 3 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, 5 sinh viên đã tốt nghiệp để tạo nguồn.
Trong những sự kiện này, phải kể đến người thày đã hướng dẫn ông tốt nghiệp khi học ở khoa Toán: Phó giáo sư Trần Quốc Toản. Thày rất thông minh, triết lý sâu sắc, chuyện trò dí dỏm như một người bạn. Thày đã tư vấn cho ông ý tưởng và bước đi để phát triển bộ môn Công nghệ Phần mềm. Chính Thày đã tham gia vận động lãnh đạo Khoa và những người có ảnh hưởng cho việc thành lập bộ môn, và Thày cũng là người tư vấn để phát triển chuyên môn của bộ môn Công nghệ Phần mềm sau này.
Một số thành quả gặt hái được
Theo ông, một người thày không chỉ có kiến thức chuyên ngành sâu, còn cần các kiến thức liên quan đủ rộng để có thể trả lời mọi câu hỏi của sinh viên thuộc chuyên ngành và có thể định hướng đúng cho sự phát triển chuyên ngành. Người thày cần có phương pháp truyền đạt tốt, biết sử dụng công cụ và tìm ra ví dụ gần gũi để trình bày vấn đề trở nên ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu. Người thày giỏi phải viết ra được các tài liệu có tính tổng hợp, hệ thống hóa và phương pháp để sinh viên và những người khác tham khảo nhiều nội dung mà không thể trình bày trên lớp, hay họ chưa có khả năng và điều kiện để tiếp cận đến, nhất là một lĩnh vực mới. Cuối cùng người thày phải nghiên cứu khoa học, tổ chức và hướng dẫn sinh viên và người khác nghiên cứu để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực của mình và tiếp cận được trình độ chung của thế giới. Với suy nghĩ như vậy, ông miệt mài làm việc để kịp tiếp thu khối kiến thức khổng lồ với nhiều điều mới mẻ của ngành đang phát triển nhanh mà trước đây ông chưa biết đến. Một năm sau khi về trường (1999) ông đã xuất bản tài liệu chuyên ngành (Hệ thống thông tin - Chủ biên, NXB ĐHQGHN) và bốn năm sau (2002) ông đã có một tài liệu chuyên khảo về chuyên ngành của mình (Phân tích thiết kế HTTT hiện đại , hướng cấu trúc và đối tượng - Chủ biên, NXB Thống Kê) với gần 400 trang, khổ rộng, được nhiều người tham khảo mãi sau này. Ngoài ra ông cũng viết nhiều tài liệu và những giáo trình chính của chuyên ngành cho các trình độ khác nhau, được các nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, nhà xuất bản ĐHQGHN và nhà xuất bản Giáo dục ViệtNam xuất bản (như Giáo trình kỹ nghệ phần mềm (2007, 2009), Giáo trình Phân tích thiết kế HTTT (2008, 2010))…
Trong suốt những chặng được làm việc và nghiên cứu, ông đã có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước: Time Transportation Problem with Additional Limitations (“Kiberneticka”, No.5, 1978, Kiev); Một phương pháp dự đoán nhu cầu năng lượng (trên tạp chí “dự đoán kinh tế” 1979); Một bài toán sắp xếp (tạp chí “Kinh tế vận tải” , số 15, 1980); Phương pháp dự đoán khả năng thực hiện vốn đầu tư (tuyển tập báo cáo khoa học hội nghị “Dự báo” 1981); Hệ thống các mô hình và phương pháp tính toán các phương án phát triển kinh tế dài hạn (tạp chí “Vận trù học và nghiên cứu hệ thống” 1985); Ứng dụng máy tính và kỹ thuật tính toán trong quản lý (“Tạp chí Kế hoạch hoá”, số 5, 1989); Mô hình các quan hệ cho hệ thống hướng đối tượng (Hội thảo quốc gia lần VIII: “Một số vấn đề chọn lọc của CNTTvà truyền thông”, 8/2005”); ... và gần đây là bài: Một thuật toán mới lập mạng công việc AOA (Tạp chí “Kinh tế phát triển”, số 180, 2012). Business Process Management - An Approach to Deploy the Web-Based (“Sofware Lecture Notes on Software Engineering”.Vol.2, No. 3,2014).
Ông tham gia nghiên cứu các đề tài, các dự án khoa học các cấp, tiêu biểu là một số công trình sau: Mô hình và phương pháp toán kinh tế trong xây dựng kế hoạch 5 năm, (đề tài cấp Nhà nước 48-05-04, thư ký); Áp dụng các phương pháp toán kinh tế trong quy hoạch vùng, (đề tài cấp Nhà nước 48c-14-03, tham gia nghiên cứu) ; Cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu kinh tế vĩ mô (đề tài cấp Bộ, chủ trì); Sự phát triển của mô hình kinh tế lượng và một số kinh nghiệm nghiên cứu của các nước Châu Á, (đề tài nhánh, đề tài cấp Nhà nước KX- 03- 23, chủ trì)...

PGS.TS. Nguyễn Văn Vỵ và các sinh viên do ông hướng dẫn tốt nghiệp khóa K45, ĐHCN, năm 2004
Trên đây chỉ là một số công trình khoa học tiêu biểu của ông trong những tháng năm công tác. Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, ông không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào liên quan đến vấn đề mình đang theo đuổi. Là một giảng viên có kinh nghiệm và có chuyên môn cao, ông được mời giảng dạy và hướng dẫn các sinh viên, Thạc sĩ và NCS cho nhiều trường Đại học: Đại học Công nghệ, Đại học Kinh tế Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bắc Hà, Đại học Dân lập Hải phòng, Đại học Công nghệ và truyền thông Thái Nguyên, Đại học khoa học tự nhiên Huế.
Ông từng công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, làm việc và quản lý nhiều hoạt động kinh tế, kỹ thuật khác nhau, nên có hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn rộng rãi, sâu sắc. Vì thế, ông đặt ra được được nhiều bài toán từ thực tiễn cho sinh viên, học viên cao học làm đồ án hay luận văn tốt nghiệp. Thêm nữa, ông rất tận tình giúp đỡ các em, và luôn mong rằng, các em học tập có kết quả tốt để ra đời có đủ bản lĩnh, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và bản thân có một cuộc sống tốt đẹp hơn…
Tính đến năm 2015, ông đã hướng dẫn hơn 178 sinh viên, 60 học viên cao học và 2 tiến sĩ đã bảo vệ thành công các đồ án hay luận văn. Có đến bốn nhóm sinh viên (thường là ba hay bốn người) ở các khóa khác nhau có đồ án đều đạt điểm 10, nhiều học viên cao học có luận văn tốt nghiệp đạt điểm tối đa. Và luận văn tiến sĩ của nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn vừa bảo vệ đầu năm 2015 được hội đồng đánh giá là xuất sắc.

Hội đồng bảo vệ luận văn cao học của HV Phan Thị Hoài Phương (đứng giữa), là HV thứ 2 do PGS.TS. Nguyễn Văn Vỵ (bên cạnh) hướng dẫn. Học viên nay đã là tiến sĩ.
Năm 2008, về nghỉ hưu nhưng ông tiếp tục tham gia giảng dạy cho các lớp sinh viên và cao học vì tình yêu nghề giống như “một thói quen” khó bỏ được. Ông nhận làm giáo viên kiêm nghiệm của trường Đại học Công nghệ (2008-2010), làm trợ lý cho Trưởng khoa công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc tế Bắc Hà (2010-2012), làm cán bộ cơ hữu giúp Đại học Dân lập Hải Phòng xây dựng hồ sơ xin đào tạo cao học và đào tạo cao học (2012-2015), tham gia Hội đồng khoa học Khoa Hệ thống Thông tin Quản lý, trường Đại học Kinh tế Quốc dân và tham gia hướng dẫn NCS của Khoa này (2010-2015).

Hội đồng bảo vệ tiến sĩ của NCS Phan Thanh Đức (thứ 3 từ phải vào) do PGS.TS. Nguyễn Văn Vỵ (đứng giữa mặc áo véc trắng) và PGS.TS. Trần Song Minh (thứ 2 từ phải vào) hướng dẫn, tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tháng 4/2015.
Cuộc sống không thể thiếu bạn bè. Về hưu ông lại ở gần người bạn cùng công tác. Đó là Tiến sĩ Khoa học, Phó giáo sư Nguyễn Văn Quỳ, từng là Giám đốc Trung tâm Phân tích Hệ thống ứng dụng (khi đó ông là Phó Giám đốc). Tiến sĩ Khoa học Quỳ là người thông minh, chuyên về các mô hình kinh tế lớn, tham gia nhiều hội thảo quốc tế, có nhiều bài báo đăng tạp chí nước ngoài được trả hàng ngàn đô la. Không phải là dân chuyên máy tính, nhưng ông Quỳ biết sử dụng thông thạo nhiều phần mềm chuyên dụng cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Từng cùng cơ quan, cùng đam mê khoa học, về hưu cùng tham gia giảng dạy, hai người rất thân thiết. Hai ông thường trao đổi về những cái hay, cái mới trong khoa học, và cả các công cụ trợ giúp kỳ diệu của công nghệ thông tin. Khi nhìn lại quá khứ, cùng đồng cảm, ông Quỳ trầm ngâm nói: chúng mình không phải là những hạt giống tồi trong vườn cây khoa học, nhưng đã không cho được nhiều hoa thơm, quả ngọt như bạn bè nước ngoài. Rất tiếc vì không gian mà chúng mình được nuôi trồng đã thiếu nhiều điều kiện rất cơ bản.

Gia đình PGS.TS. Nguyễn Văn Vỵ, tết Ất Mùi, năm 2015
Về hưu nhưng chưa hết đam mê
Về nghỉ hưu, ngoài hoạt động giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, thạc sĩ và NCS, ông có thú vui sáng tác các Slide âm nhạc với các hình ảnh đa dạng, sinh động về thế giới tự nhiên và con người (mà cần biết sử dụng các công cụ công nghệ thông tin) để thưởng thức và chia sẻ cùng bạn bè các thông tin, các nhận thức mới và những niềm vui nảy nở. Ông xem đó là một đam mê hợp với tuổi già và cũng là một cách để làm việc hiệu quả hơn khi xen kẽ công việc chuyên môn và hoạt động giải trí. Về điều này, ông tâm niệm rằng: “Làm cho người khác vui thì bản thân đã thấy vui và hạnh phúc rồi”. Bên cạnh người vợ hiền là giáo viên cấp II về hưu, 2 con đều đã trưởng thành và thành đạt. Giờ đây, được làm những điều mình thích, được sống với những đam mê và đóng góp một chút công sức cho cuộc đời này để có được những thành quả - cuộc sống với ông như vậy có lẽ là tạm đủ và có ý nghĩa.

11/07/2015
Đỗ Đình Tuân
(Theo: Tấm gương người làm khoa học, tập XI, 
Nhà xuất bản Hồng Đức) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...