Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Trích từ KÝ ỨC LÀNG



                                          Tên thật là Nguyễn Thị Tèo
                                          Sinh năm 1917
                                          Người Đột Lĩnh, Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương
                                          Cụ mất lúc 16giờ55phút ngày 7/7/2013 (30/5/Quý Tỵ)
                                          Hưởng thọ 97 tuổi




VÀI ĐOẠN VĂN VIẾT VỀ BÀ THÍM


Năm 1946:
Mãi đến năm 1946, chú mới cưới vợ. Vợ chú là người làng Đột Lĩnh bên Nam Sách, hơn chú những bốn tuổi và đã có một đời chồng. Chồng trước của thím là một chiến sĩ cộng sản (Bùi Văn Đạc) và hy sinh từ những ngày còn trong “bóng tối” (1942). Đám cưới của chú Đặng thì tôi cũng đã biên biết rồi. Tôi đã được các anh các chị lớn rủ rê ra phía cổng làng đằng Xóm Bến để xem mặt cô dâu và chơi trò căng dây chắn lối. Chúng tôi ngồi chờ ở cổng nhà ông Trương Hồi, hau háu nhìn ra phía ngoài đê. Khi thấy đoàn người lố nhố bước lên đê là chúng tôi đã bắt đầu rục rịch. Chúng tôi theo dõi đoàn người đi vòng vèo uốn lượn theo con đường mòn từ trên đê đi xuống và đi vào làng. Đoàn rước dâu bắt đầu đến bờ ao Ba Sào thì chúng tôi hò nhau ra căng dây chắn lối. Cứ hai đứa một dây. Mỗi đứa cầm một đầu dây căng ngang qua đường làng. Đoàn rước dâu đến dây nào cũng cho tiền để chúng tôi bỏ dây ra. Cũng có những đôi rất láu cá, nhận tiền xong họ lại rủ nhau chạy nhanh ra phía cuối đầu kia, căng dây tiếp. Thế là họ lại được nhận thêm tiền. Còn tôi vốn “ngây ngô chúa tầu” từ nhỏ, nên nhận được đồng tiền thì đã hí hửng chạy về khoe mẹ: “ Mẹ ơi ! Con có tiền đây này !”.

Khoảng từ 1948-1952:

*Ngoài các món ấy ra gái đẻ làng tôi còn hay tẩm bổ bằng  nước đái trẻ con. Nhất là nước đái trẻ con buổi sáng sớm khi vừa ngủ dậy. Ngày thím Đặng đẻ đứa đầu lòng, tôi mới lên năm, lên sáu tuổi. Sáng nào thím cũng bảo chị Bất, cháu thím bên đằng ngoại sang giúp việc, đem bát sang, đánh thức tôi dậy, bảo đái vào bát cho thím một bãi. Tôi mắt nhắm mắt mở, lậng chậng bước ra đầu hè. Chi Bất cầm bát hứng, còn tôi thì tự nhiên vạch cun ra tè vào bát. Tôi chỉ tè một lúc là đầy bát. Bát nươc giải nóng hổi, trong vắt. Cũng li ti một chùm tăm và làu nhàu một ít bọt. Chi Bất chun mũi bưng về. Tôi lại vào giường đi ngủ tiếp. Chị Bất kể: hôm nào về thím Đặng cũng một tay bịt mũi, còn tay kia bưng bát nươc giải quý của tôi để lên miệng tu một hơi cạn sạch.

**Tôi thường cũng giúp Hiến (người ở cho nhà thím Đặng), một số công việc  mà chủ nhà giao cho. Nhất là việc hái quả. Bởi Hiến là người phục phịch, trông dáng hắn nặng nề nên hắn trèo cây vụng lắm. Tôi gầy gò nhẹ nhõm nên trèo cây thạo hơn. Nhà thím Đặng tôi có bốn cây quéo và một cây thị. Cây thị là nó tự mọc từ lâu đời rồi. Bây giờ nó đã thành một cây to. Nó đứng trên bờ rãnh phía tay trái điện thờ thổ thần và cách điện thờ chừng ba mét. Còn bốn cây quéo là do bác Trương Hương trồng từ ngày mới ra khu đống Xộp này ở cách đây đã vài chục năm. Bây giờ nó đã thành bốn cây quéo rất to đứng thành hàng chữ nhất vắt ngang qua đống Xộp. Giống quéo năm được năm mất. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy nó có một năm sai quả. Những năm ấy tôi thường trèo cây vin cành hái hàng gánh quả để thím Đặng đem đi chợ bán. Giống quéo thường rất hay rụng quả mỗi khi có mưa dầm gió bắc tràn về. Vì thế cứ thấy có gió bắc to là chúng tôi lại chạy ra vườn và lần nào cũng mót được vài ba quả rụng. Nhưng quéo xanh ăn chua lắm. Nó chua gay, chua gắt. Chỉ cần một miếng to bằng ngón tay, đưa vào miệng nhai, cái chất chua lan ra là lập tức mặt mày nhăn nhó, run rẩy chân tay và ê ẩm cả người. Lúc ấy mà lại nhìn mặt nhau nữa thì càng buồn cười thêm. Mà cười trong lúc ăn chua cơ mặt rất hay bị chuột rút. Ở chỗ núm đồng tiền sẽ đau nhói và cứng đờ khó cân mặt lại được.Trông càng ngố đẫy.

1911
Lớp người đầu tiên ra xóm Đống Xộp ở chỉ còn lại duy nhất có bà Đặng, tức là bà thím ruột tôi. Thím sinh cả thảy sáu lần và nuôi đủ được cả sáu người: Tân, Tu, Thu, Thịnh, Đông, Quảng. Sáu lần sinh nhưng chỉ được có một mụn con gái. Các con trai thì cũng lần lượt “cơm chín vần ra” cho đi ở riêng cả. Bây giờ thì cụ ở với chú út. Ông trưởng cứ định kéo cụ ra ở với mình nhưng cụ không nghe. Dường như có một thói quen bền vững lắm đã gắn chặt cụ với ngôi nhà cũ. Năm nay bà cụ đã chín mươi nhăm tuổi. Tâm trí đã lẩn thẩn quên quên nhớ nhớ. Chuyện trò cũng chẳng đâu vào với đâu. Câu trước câu sau chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng tội nghiệp nhất là cái lưng của bà cụ, nó cong gập như hình một chữ u, nên dáng đi của bà cụ trông rất quái dị: Cái chân bà cụ ngón cái tõe ra như dạng chân của người Việt cổ từ thời Giao Chỉ. Cái lưng thì còng gập xuống mà cái đầu lại phải cố ngẩng lên cho cái mặt khỏi cong gập lại.. Suốt ngày cụ chỉ lần ăn. Vớ gì cũng ăn và ăn như không biết chua, biết chát, không biết no. Còng thế mà có lần cụ còn bắc ghế leo được lên điện thờ thổ thần lấy chuối và quất xuống ăn hết. Càng ăn nhiều thì đêm đến cụ càng “bĩnh” đẫy ra quần. Con dâu lại phải đi thay giặt cho cụ. Cái con người quái dị và lẩn thẩn ấy đang sống rất cô đơn, lủi thủi như riêng mình một thế giới. Đó không còn là thế giới của loài người, nhưng cũng chưa phải là thế giới của những âm hồn.


9/7/2013
Đỗ Đình Tuân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...