Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

MẤY NGẪM NGHĨ VỀ CẤU TRÚC MỘT BÀI THƠ


        

Muốn viết một bài thơ cho ra một bài thơ, cho thành thân một bài thơ thì trước hết phải chú ý đến cấu trúc một bài thơ. Đành rằng cái động lực ban đầu, cái búng đầu tiên khiến nhà thơ cầm bút lại chính là cảm hứng. Gần đây tôi có đọc được trên nội san thơ Người Cao Tuổi phường Sao Đỏ một bài thơ của bác Nguyễn Dương Quất bàn rất hay về vấn đề cảm hứng:
          Nhiều khi bỗng nói thành thơ
Vội vàng ghi lại không ngờ thành công
Khi mà cảm xúc khơi dòng
Tập trung vào viết dễ xong một bài
Khi mà không cảm không hoài
Suốt đêm trăn trở mà bài không ra ?
             (Lạ thay-Nguyễn Dương Quất)
Nhưng cảm hứng cũng có mặt trái của nó: dễ tùy tiện. Nếu chỉ bằng vào cảm hứng, thì cũng rất dễ bị sa đà, lan man, đầu ngô mình sở… Nó không thành bài thơ nữa, mà lại thành một “bãi thơ”. Có phế thải gì cũng đùn ra đấy tất. Cho nên trong khi làm thơ vẫn rất cần sự kiểm soát của lý trí, của trí tuệ, của sự hiểu biết. Suy cho cùng thì làm thơ cũng giống như nhiều công việc kiến tạo khác mà con người thường làm: tạo một dáng cây, xây dựng một ngôi nhà, sinh thành và nuôi dưỡng một đứa con…đều là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều dụng công. Chưa kể còn cả sự may mắn và chờ đợi nữa. Có điều là quá trình ấy đa phần lại là những quá trình tích lũy ngầm. Ta không ý thức được về nó. Cho đến khi nó chín, nó đầy, nó phát lộ ra ta cứ có cảm giác như “của vớ được”. Nhưng thực ra không phải thế đâu. Tất cả đều là hồn vía, xương thịt, mồ hôi… của ta được trời sinh đất dưỡng mà có đấy. Cứ đọc những bài thơ của những cây bút già dặn kinh nghiệm, mà ngẫm nghĩ về “cấu trúc bài thơ” của họ ta cũng có thể rút ra được những bài học rất bổ ích. Sau đây chỉ là một vài ví dụ có tính chất gợi ý. Chẳng hạn như trong bài ĐÔI DÉP của Nguyễn Trung Kiên dưới đây:
Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đời vẫn biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Giống như mình trong những lúc vắng nhau
Bươc hụt hẫng cú nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh sẽ có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái ,
Nhưng tôi yêu em vì những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung...

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia...
Tất cả các câu thơ đều chỉ xoay quanh kể về chuyện ĐÔI DÉP. Nhưng Nguyễn Trung Kiên chỉ mượn hình ảnh ĐÔI DÉP để nói về mối quan hệ vợ chồng chung thủy giữa anh và em. ĐÔI DÉP là hình tượng trung tâm, tình yêu gắn bó thủy chung giữa vợ và chồng là chủ đề của bài thơ. Tuy có hơi nhiều lời, nhưng nó luôn luôn đi đúng khuôn khổ của hình tượng trung tâm và chủ đề của bài thơ. Nên cấu trúc của bài thơ rất chặt chẽ, gắn bó và hoàn chỉnh. Cấu trúc này đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của bài thơ.
Hình tượng trung tâm cũng có thể là một hình tượng “ẩn” không được gọi tên ra. “Ẩn” thôi chứ không “bí”. “Ẩn” nhưng người đọc vần nhìn thấy, vẫn hiểu được. Chứ “bí” thì bài thơ sẽ thành “hũ nút” thách đố người đọc. Nó sẽ nhảy sang địa hạt của thơ hiện đại và hậu hiện đại chứ không còn là thơ truyền thống nữa. Ta có thể bắt gặp trường hợp này trong bài BÁI BIỆT KINH ĐÔ của Đỗ Đình Tuân:
Bái biệt kinh đô rộn trống cờ
Trở về núi Phượng cảnh nguyên sơ
Hôm mai trước cửa hoa chào đón
Sớm tối bên hiên nguyệt sẵn chờ
Tím ruột không dung phường lại nhũng
Bền lòng trông đợi cõi thiên cơ
Trên bàn gió sẽ lay trang sách
Thơm một âu trà mấy cuốn thơ.
Hình tượng trung tâm có khi chỉ tồn tại trong một câu thơ nhưng đại diện cho ý của toàn bài. Ta có thể gặp trường hợp này trong TỰ THÚ của Hữu Thỉnh:
Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu
Cây đổ về nơi không có vết rìu
Ôi hoa tặng, chiều nay ai dẫm nát
Mưa dập vỡ trên đường em trở gót

Người yêu thơ chết vì những đòn văn
Người say biển bị dập vùi trong sóng
Người khao khát ngã vì roi mơ mộng
Ta yêu mình tan nát bởi mình ơi.
Có thể xem hình tượng “Cây đổ về nơi không có vết dìu” là hình tượng trung tâm của bài thơ. Vì tất cả các hình tượng khác đều mang ý nghĩa tương tự,  đều chứa đựng ý chủ đề: Những bất trắc, không ngờ nhất trong cuộc đời lại là từ phía những người yêu, người bạn.
Lại có những hình tượng trung tâm vốn chỉ là một cách nói, một lối chơi chữ tài hoa và độc đáo mà thôi. VỪA ĐỦ của Trần Nhương chẳng hạn:
Em vừa đủ để anh khao khát
Vừa đủ làm cho anh thật là anh
Trời chớm thu vừa đủ nét xanh
Quả chua ấy cũng vừa đủ ngọt
Em vừa đủ để qua thời non nớt
Nét thục hiền vừa đủ chút đành hanh
Trong vững bền vừa đủ sự mong manh
Trong đằm thắm vừa đủ lòng nghi kỵ
Em đàn bà vừa đủ men thi sỹ
Em trang đài vừa đủ nét chân quê
Thích cộng vào vừa đủ biết đem chia
Lòng ngay thẳng vừa đủ mưu che đậy
Em già dặn vừa đủ điều non bấy
Em tươi vui vừa đủ nét ưu phiền
Em lạnh lùng vừa đủ để thôi miên
Em gìn giữ vừa  đủ lòng nổi loạn
Anh khao khát với trái tim lãng mạn
Mong suốt đời vừa đủ để yêu em.
Đó đều là những sự “vừa đủ” quá tuyệt vời cả.Tuy hình tượng trung tâm của một bài thơ là rất khác nhau, thiên biến vạn hóa. Nhưng chức năng của nó thì đều làm một việc: làm cột xương sống, làm sợi chỉ xuyên tâm để các câu thơ gắn bó lại với nhau thành bài thơ và mang một chủ đề hay nhiều chủ đề, do ý đồ sáng tác của nhà thơ quy định. Không có cái cột xương sống này, cái sợi chỉ xuyên tâm này thì các câu thơ sẽ rời vụn, các ý trong bài thơ sẽ hỗn loạn, loại trừ lẫn nhau. Chưa có thể gọi nó là bài thơ được. Chỉ có thể gọi nó là “bãi thơ” thôi !
                                            23/4/2011



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...