Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Chí Linh phong vật chí (18)

                                          LONG ĐỘNG
                                 (Kỳ 4)

Lại một lần công chúa nhà Nguyên chết, đến lúc tế, cắt ông vào đọc văn tế. Khi vào đọc thì chỉ thấy trang giấy trắng, đầu trang 4 dòng chỉ đề 4 chữ “nhất”. Ông ứng khẩu đọc luôn:
“Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Quảng Hàn nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán tuyết tiêu
Hoa tàn nguyệt khuyết”
Nghĩa là: Một đám mây trên trời xanh/ Một mẩu tuyết trong lò hồng/ Một cánh hoa vườn thượng uyển/ Một mảnh trăng cung Quảng Hàn/ Than ôi! Mây tán tuyết tan/ Hoa tàn trăng khuyết”!
Người Tầu kính phục cái tài làm văn của ông, ghi chép vào.
Khi ông ở Trung Quốc, người nhà Nguyên rất lấy làm lạ cái tài của ông, mà xét về tướng mạo thì không có gì là “quý tướng”. Họ rình khi ông ra nhà xí, ngầm dò xét, thì thấy “đại tiện ra phân khuôn vuông’, cho là ông có ẩn tướng quý ở đó.
Sau khi ông đi sứ trở về, nhân xét phong thủy, xem lại các mồ mả của tổ tiên đời trước đều không có ngôi nào được cả, khi tới thân phụ ông, ông mới tấm tắc ngợi khen mà rằng: “Thật là đất phát tích ở đây!”. Nay xét lại ngôi mộ này hình thế rất đẹp, tuy con mắt tầm thường trông cũng thấy là “quý cách”. Nhưng thủy không tụ lại, chỉ sang mà không giầu. Cho nên ông là người thanh liêm, ít bồi dưỡng cho mình. Vua Minh Tông xét thấy tình hình của ông như vậy, sai người đến bỏ tiền xanh, lúc tối để vào trong cổng nhà ông. Sáng mai, ông vào chầu vua, tâu rõ sự việc như vậy. Vua nói: “Tiền không có chủ nhân, nhà ngươi đem về mà tiêu dùng”. Ấy tiết tháo thanh liêm của ông đại loại là như vậy.
Sau Thoát Hiên tiên sinh có thơ vịnh ông rằng:
Đệ nhất (1) khôi nguyên thọ trí thân
Cư quan bất cải cựu thanh bần
Phiến Minh trọng ngự yên đại dự (2)
Sử tiết phương tri quốc hữu nhân.
Dịch nghĩa:
Đỗ đầu nhất giáp thân sớm hiển đạt
Làm quan mà vẫn giữ nếp thanh bần cũ
Thơ quạt được vinh dự ghi trong đài yên Minh
Đi sứ mới tỏ nước ta có người giỏi.
Dịch thơ:
Thư nhất bảng vàng sớm nổi danh
Làm quan vẫn giữ nếp nhà tranh…
Yên đài lừng tiếng thơ đề quạt
Sứ sự được người nước cũng vinh.
Ông đi sứ về, ông cho sung chức “Thái liêu sam phục” *. Ông có bài biểu tạ, sau đến đời vua Hiến Tông được làm chức Nhập nội thị hành khiển, hữu ty lang trung, rồi làm đén chức Nhập nội đại hành khiển, thái bảo tả bộc xạ, kiêm trung thư, Tổng chính trị quân dân trọng sự. Ông làm quan thanh liêm, giữ lòng trung thứ tiếng vang cả hai nước, ơn thấm khắp một thời, thường làm huấn thư để lại cho đời sau, đến nay thất truyền (thấy ghi ở bia An lăng). Lúc thường ông viết văn rất nhiều, nhưng được lưu hành ở đời chỉ có bài thơ Quạt, văn tế và 4 đôi câu đối (xem tập sách Việt âm), 1 bài phú (Xem tập quần hiền), 1 bài biểu tạ (xem tập Quốc triều biểu tập), ngoài ra không thấy có gì nữa. Ông sang nhưng lại nghèo, cho nên phúc trạch của ông để lại…(thiếu 1 trang) …ở làng Cao Đôi để thờ, bờ phía bắc sông lớn trước điện Kinh chương đặt lên một cái đống, các quan đi qua tới đó bái vọng. Nay chỗ ngôi mộ thân phụ ông, người ta nói là có lăng, đến (Bác bang đôi điện kỳ nhất biển, bác đại giang tại nhị hương Trung đông đôi xã, đôi ở thảo). (3)
Với các học đường (một ở chùa Quất Lâm, một ở huyện lỵ thuộc xã Cao Đôi di tích hãy còn. Trong làng có miếu thờ ông, đời này quan đời khác. Ông xưng là Huệ cảm linh ứng đại vương, bà vợ xưng là Lưỡng quốc từ chính công chúa, phong hiệu dựng miếu, người làng kính thờ, khởi từ đời nào đều chưa khảo cứu được. Đến nay vẫn là phúc thần. Lời phê phán của người nhà Nguyên đến nay thấy đúng.
Lại truyền rằng khi ông ở kinh đô, nhà riêng ở phía đông nam kinh thành gần sát sông cái gọi là xứ ông Hàn.
Người đời sau bàn luận rằng: “Từ khi nước Việt ta mở khoa thi, đỗ đầu đời nào cũng có, mà được xưng là trạng nguyên hai nước, chỉ có một ông, danh sĩ các triều kể sao xiết được mà đến nay đàn bà con trẻ cũng biết tên tuổi, chỉ có một ông mà thôi. Nói về sự nghiệp của ông rờ rỡ như việc ở trước mắt, đọc văn chương của ông, sừng sững như hãy còn có sinh khí. Thế thì ông tài đức như vậy, khoa danh như vậy, đức hạnh tiết tháo lại như vậy, sở dĩ gọi là bậc tài ba khoáng chế, nhân vật khác thường thì ông có thể xứng đáng như vậy”.
Chu Xán là người Tầu sang sứ nước Nam về, khen nhân vật nước ta, cho ông là một nhân vật bậc nhất, ai lại chẳng tin. Há có phải vì cớ con cháu mà làm vết được đâu? Đáng tiếc thay! Văn chương sự nghiệp của ông không được truyền hết. Cho nên tôi là bậc hậu sinh, kiến văn quê kệch, hoặc được gia đình nói chuyện, hoặc được thế tục truyền ngôn, tham khảo các sách, thuật lại những điều đại khái, họa là còn lại mười phần nghìn, một phần trăm đó thôi.
Xét sự nghiệp của ông đáng truyền, không nên lấy cớ con cháu mà làm mất cái hay. Cho nên chép ra đây để người đời sau thấy rỗ đầu đuôi, xin người đọc lượng tình cho.
Xét: Tham khảo bài phụ lục rằng: tương truyền quan trạng nguyên sinh giờ thân ngày 8 tháng 6 năm Giáp Thân chưa biết có đúng không?
Lại truyền thuyết: ông gặp người thị tỳ dẫn đi xem việc ở âm phủ, vả thuộc về sự quái gở, hoặc có người nói ông thường làm văn quốc ngữ để ghi chép việc đó, nhưng nay không còn không thể xét được.
Chỉ có chùa cổ trăm gian, cầu 9 dịp ở huyện Siêu Loại xứ Kinh Bắc, thường truyền là ông biết được việc ở âm phủ mà xây dựng nên, người sau lại sửa sang lại. Hiện nay di tích hãy còn.

Ghi chú
(1)- Đệ nhất: có bản là “Giáp đệ”
(2)- Trọng ngự: có bản là “danh trọng”
(3)- 20 chữ trong ngoặc đơn có lẽ sách chép nhầm hoặc xót chữ nên không rõ nghĩa, sao lại nguyên âm để kê cứu sau.

1/1/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...