Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Chí Linh phong vật chí (22)

                                    XÃ KIỆT ĐẶC
                                         (Kỳ 3)

                         NGUYỄN QUANG TRẠCH

Thơ vịnh phiên âm:
Cánh hữu đồng hương Nguyễn Quang Trạch
Ngang nhiên tiếp bộ thướng hanh cù
Nhã linh tố kiến phong tư dị
Đối cú tiên trưng khí khái thù
Vãn tuế vị thành ưng hữu đãi
Tam nhân tất dự quả nhiên phù
Thạch đăng bảng tịnh song thời vọng
Sách phú danh trì biến quốc đô
Kiều mộc dư niên chiêm vũ lộ
Cẩm y bạch trú lạn phần du
Nhất hướng dịch diệp thư hương phúc
Cụ tại nhân tuyền bất tận phô.
Dịch nghĩa:
Lại có người cùng làng Nguyễn Quang Trạch
Ngang nhiên theo bước lên đường tốt đẹp
Thường nghe thấy phong thư lạ lung
Câu đối chứng minh ngay trước khí khái người khác
Luống tuổi chửa thành là do có điều phải đợi
Ba người cùng đợi quả nhiên lời nói phù hợp
Trạch đăng cùng bảng là điều người thời ấy mong mỏi
Văn sách và phú tiếng khen khắp kinh đô
Cây cao nhiều năm về sau còn thấm nhuần mưa móc
Áo ấm mặc bay ngày làm rạng vẻ quê hương
Một làng vinh hiển hương thơm nức
Miệng người đồn khắp nói ra không hết.
Tạm dịch:
Cùng xã có Nguyễn Công Quang Trạch
Cùng thang mấy hiển hách theo đường
Phong tư dĩnh ngộ lạ thường
Đối niên khí khái hiên ngang khác người
Đăng khoa muộn hẳn thời tại số
Rằng ba thôi cũng đỗ mà thiêng
Trạch đăng cùng bảng có tên
Kẻ sách người phú vang truyền đế đô (1)
Cây cao được ơn nhờ mưa móc
Giữa ban ngày gấm vóc về làng
Tử phần rạng vẻ thư hương
Miệng đời truyền tụng há rằng phải khoe.
Nguyễn Quang Trạch người xã Kiệt Đặc, theo học thư ký tiên sinh xã Kỳ Đặc cùng tổng. Ngay khi còn bé, ông đã tỏ ra rất thông minh. Năm ông 7 tuổi, cụ thân phụ ông, liền ra câu đối rằng: “THất tuế thần đồng tử”, nghĩa là “Con thần đồng 7 tuổi”. Lúc ấy ông đọc Kinh thư vừa đến tiết Đại Vũ đời Hạ, liền ứng khẩu đối rằng: “Bát đại hoàng đế ton”, nghĩa là “Cháu hoàng đế 8 đời’. Cụ thân phụ lấy làm kinh dị bụng bảo dạ: “Sau này nó tất thành danh lừng lẫy”. Ông đậu đạt chậm. Khoa Giáp Thìn cả thẩy 13 người đậu tiến sĩ, mà ông thì trượt. Cụ thân phụ tức giận nói rằng:
-Tiến sĩ lấy 13 người mà không đậu, muốn đợi đến bao giờ mới thành danh?
Ông kiêu hãnh đáp:
-Mười ba không đậu, nhưng ba thì đậu.
Năm ông 36 tuổi, tức là năm Cảnh Trị thứ 5, triều Lê. Khoa Đinh Mùi, quả nhiên chỉ lấy có 3 tiến sĩ, mà ông được trùng tuyển. Phải chăng đó là người bảo như thần bảo?
Khi vào thi đình, có người hỏi ông đậu thứ mấy, và ai là người cùng bảng? Ông trả lời rằng ông và ông Nguyễn Đăng người xã Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, xứ Sơn Nam cùng đậu. Vì bấy giờ người ta đã có câu: “Phú ông Trạch, sách ông Đăng”. Đó là vì ông thì giỏi về thể phú, mà ông Đăng thì sở trường về văn sách.
Lúc làm quan, ông là người có tính cương trực không chịu khuất. Sauk hi làm đến chức Hình khoa đô cấp sự trung, ông được về hưu. Hai con ông đều đậu tiến sĩ: Người con cả là Nguyễn Quang Hạo, năm 21 tuổi đậu đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi, năm Chính Hòa thứ 12, làm quan đến chức Tham chính. Người con thứ hai là Nguyễn Quang Tứ, năm 27 tuổi, đậu đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần, năm Vĩnh Thịnh thứ 6, làm quan đến chức Đông các đại học sĩ. Trong huyện ta, trong các họ lớn có người làm quan tại triều, con cháu nội ngoại, hiển đạt giầu sang, họ ông là đứng vào bậc nhất.
Tục truyền rằng ông cùng ông Mai đánh cờ, ông Mai đùa nói:
-Con sớ mở quân in miệng dọc
Ông ngạo nghễ đối ngay:
Thằng chái ghệch đái đái đầu Mai.
Thường khi cùng người nghị luận, ông không chịu ai, và ai cũng chịu ông là người trực tính.

(1)   Phú và sách là hai thể văn trong lối thi của thời xưa (ND)


18/1/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...