Từ bi với mình, Sống vui từng ngày, bon chen gì nữa !
Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào
không hay ! Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác... Hình như ta chẳng bao
giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng
phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi
đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ ! Nhỏ
mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú ! Tóm lại, ta chẳng biết
quý những giây phút hiện tại.
Từ ngày "thế giới phẳng", ta còn sống với
đời sống ảo. Ta ngồi đây với bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười
đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu
chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp ! Hiểu ra
những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở
đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa ! Hiện tại
thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó,
thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để
phát hiện, để khám phá.
Một
người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi
khi 80, họ sẽ càng tiếc 75 ! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình
lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải
tội nghiệp nó không ? Ta đang ở cái tuổi nào
thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi,không thể có tuổi nào
đẹp hơn nữa!
Ta
cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ
này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn
cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Cơ thể ta cứ tiến triển theo một
"lộ trình" đã được vạch sãn của nó, không cần biết có ta ! Mà hình
như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết
thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết
cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các
khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Anh chàng Alexis Zorba nói:
" Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó
ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó
nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi" (Nikos
Kazantzaki).
Từ
ngày biết thương "con lừa" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ
tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó
ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái
khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng
nhiều muối quá ! Một người cô tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn
không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con
thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống ! Sữa giàu năng lượng, nhiều
chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được?
Giá nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy
ngon, thấy sướng ! Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ
giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin
vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được !
Bảy
trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì
ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua
nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc
Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra
tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp !
Mỗi
người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy,
cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương
pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy
nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính
cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải
cảnh giác!
Cũng
nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu
óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém
tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi!
Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại mắt kém mà muốn thấy
gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với
"trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng
vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!
Rồi
một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém
mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh
vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện
tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành.
Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm
của trời, ai dè trong mắt mình! Chỉnh cái "tưởng" của ta nhiều khi
làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao
năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra
khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến
người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.
Khi
20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến
40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả ! Tóm
lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Nhưng muốn vậy, phải...
chuyển đổi cách thở. Thở ư ? Đúng vậy! Một bác sĩ có thể biết rất nhiều về bộ
máy hô hấp, về cơ thể học, sinh lý học, bệnh lý học của bộ máy hô hấp nhưng
chưa chắc đã biết thở !
Già
Lâu nay cứ tưởng mình già
Bây giờ mới biết quả là y chang
Suốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa
Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn
Đọc chữ
phóng đại mấy trăm
Lại còn
đãng trí, tần ngần, hay quên
Cả ngày
mỏi mắt đi tìm
Hết tìm
khoá cửa lại tìm khoá xe
Nhiều
hôm thăm viếng bạn bè
Được
dăm ba phút nằm phè ngủ ngon
Tóc bạc
chen chúc tóc non
Không
dám nhổ nữa sợ còn bình vôi
Kiến
thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra
khỏi cửa trùm người áo len
Ra
đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi
chú, bác có phiền hay không ?
Khi lên
xe buýt dẫu đông
Dăm
người nhường chỗ 'Mời ông cứ ngồi
Lại hay
nhạy cảm, tủi đời
Thích
được săn sóc hơn thời ngày xưa
Thấy
tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng
chua xót phận vừa cuối thu
Suốt
ngày trung tiện lu bù
Cơm thì
phải nhão, phở cho thật mềm
Thích
nghe tiếng hỏi, lời khen
'Lúc
này thon thả, trẻ hơn dạo nào'
Thức ăn
cứ lấy ào ào
Ăn thì
chẳng nổi mà sao cứ thèm
Ngủ
trưa giấc cứ dài thêm
Đứng,
ngồi, 'chuyện ấy' ngày thêm chậm rì
Đánh
răng, tìm thuốc loại gì
Để răng
được trắng không thì khó coi
Cà phê
chỉ hớp một hơi
Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao
Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi 'Bác thế nào ? Khoẻ không?'
Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời
Để chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?
Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường
Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài
Đi chơi càng khổ gấp hai
Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe
Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to
Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này
Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì
Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên
Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào
Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!
Vô danh
52 năm trước đây mình mới
được kết nạp vào Đoàn thanh niên, do Phạm Tiến và Đảo giới thiệu. 51 năm trước đây,
mình được tổ chức sinh nhật Đoàn tại lớp Văn 3C trường ĐHSP Hà Nội ở phân đoàn.
Phân đoàn trưởng lúc ấy chính là Nguyễn Thị Phương Thảo. Trong cuộc sinh nhật
Đoàn ấy mình đã tâm sự khá cởi mở về hoàn cảnh riêng của mình (Cũng đúng vào cái ngày 9 tháng 2 này và đó cũng là lần sinh nhật Đoàn duy nhất). Sau đó thì...
Khi già người ta sống lại thời tuổi trẻ
là tự nhiên hợp quy luật. Đó chính là một cách làm trẻ lại tuổi già (chí ít là về đời sống tinh thần), chào tạm
biệt quá khứ để chuẩn bị sang thế giới khác. Chỉ chăm sóc cái hiện tại sẽ hết
sức nghèo nàn và đáng thương.
Đỗ Đình Tuân
9/2/2014
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm, bình luận)
"Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm"
Trả lờiXóaNuốt không nổi vẫn thích thêm
"Lúc này thấy khỏe , trẻ hơn dạo nào'
Nhìn phở ngon,nước mắt trào
"Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm"
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaSo với lúc trẻ anh Tuân chỉ không ăn được "mía dước", đầu xương... còn lạc rang, bánh đa, Hồng Nga, cùi dừa...anh Tuân vẫn còn nhai tốt. Hồng Nga cứ "tự ròn" đi để anh đỡ phải "rang lại" đấy nhé.
XóaVề già ,thèm phở:đương nhiên
Trả lờiXóaCơm nhà khô cứng,họa điên mới dùng
Thèm này là nỗi thèm chung
Của tất tần tật những ông thất tuần...
Bốn câu thơ của Nặc danh khái quát thói "Thèm Phở" của các ông già tuổi thất tuần, chỉ đúng về mặt tâm lý thôi. Còn trong đời sống thực tế chưa hẳn đã như vậy. Bởi vì "cơm" thời nay cũng đã khác với "cơm" thời trước nhiều. Tương tự "phở" thời nay cũng khác với "phở" thời trước. "phở" thời trước ngon hơn "cơm" là cái chắc. Còn "phở" thời nay, tuy sẵn và dịch vụ tốt nhưng càng ngon thì càng độc. Nếu bỏ được thói quen "chuộng lạ" thì cơm cũng rất ngon lại còn lành, bổ và tiện dụng nữa.
Trả lờiXóa