Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (4)


Em xin chào "cô giáo Hương" ạ!
"Trò Tuân" đã chăm chú nghe "cô giáo Hương" giảng tiết 1 về "cách viết truyện ngắn". "Trò Tuân" đã  "ngộ" ra một điều là muốn dựng truyện thì đầu tiên là phải có "ý"  mà "ý" lại được lấy từ những điều "chợt thấy" ở trong đời. Đó là công đoạn 1 phải không ạ? Còn muốn chuyển từ "ý" thành "truyện" thì lại phải "hư cấu", phải "diễn khác đi". Một trong những cách mà "cô giáo Hương" đã làm là "lắp ghép" từ nhiều truyện có thật ở trong đời thành một truyện hư cấu trong văn chương phải không ạ? Chẳng hạn như truyện "Cha và dì" là ghép từ hai truyện có thật ở trong đời mà nên. Trong bài giảng của cô giáo, "trò Tuân" cũng còn "ngộ" thêm một điểm nữa là ngoài "ý", ngoài "chi tiết sống" còn phải có cả "sự mong muốn" nữa phải không ạ? Như cô Hương khi viết truyện thì thường mong muốn cho con người ta được sống thánh thiện và cao đẹp. Có lẽ cũng vì thế mà đọc truyện của cô Hương "trò Tuân" thấy nó rất giàu chất thơ, chất lãng mạn và thường là "có hậu".
Cô giáo cũng đã "phê bình khéo" "trò Tuân" 2 điểm là "quá tôn trọng sự thật nên không muốn diễn khác đi" và "quá khắt khe với mình nên không chấp nhận mình đấy thôi". Vâng đúng như vậy đấy."Trò Tuân" xin tiếp thu và cố gắng sữa chữa để tập viết truyện ngắn xem sao. Nếu viết được truyện nào thì "trò Tuân" sẽ gửi cho "cô giáo Hương" "ngửi" trước. Nếu "cô giáo Hương" mà "ngửi " được thì "trò Tuân" mới dám cho những người khác "ngửi". Cô giáo có đồng ý với em như thế không ạ?
Với tiết giảng lần này "trò Tuân" xin trừ cho "cô giáo Hương" 1 năm "nợ dạy" như thế có được không ạ? Cô giáo cứ ghi chép vào sổ thanh toán nợ để cuối cùng ta "quyết toán" một thể. Cám ơn cô giáo về những lời chia sẻ. Nhưng vì lý do gì mà cô giáo cứ phớt lờ yêu cầu của "trò Tuân" kỳ trước thế. "Trò Tuân" chờ đấy. Lần này "trò Tuân" gửi cô một bài thơ tình. Đó là bài "Tình yêu và Thượng đế" chuyển thể từ một truyện cổ tích của Liên Xô cũ.

13/6/2010

Kính thưa thày!
Em sẽ cố gắng để lại được là học trò của thày. Tuy thày tính lãi 10 năm, em biết em cố suốt đời cũng không thể trả được ơn thày, và em cũng không dám nhận được làm cô giáo Hương (dù chỉ là cô giáo trong ngoặc kép ạ), nhưng em sẽ cố gắng để thày trừ nợ cho em. Còn việc gửi ảnh thì em xin lỗi,  vì hiện em không có một bức hình nào trong máy cả, mà việc ken hình thì em lại chưa biết. Em xin khất với thày, hôm nào có dịp lên cơ quan cũ, hỏi lại xem các bạn có lưu hình, hoặc có chụp mới thì em sẽ gửi cho thày ạ.
Hôm trước, thày có nói trong truyện Cha và Dì, có một lỗi, em đã xem lại, do đánh máy nhầm thôi ạ. Là quyên sinh, không phải nguyên sinh. Em đưa cho các cháu tập đánh máy, khi dò lại không phát hiện ra.Truyện này em đã đăng trên Báo phụ nữ Việt Nam cách đây hơn 13 năm.
Thưa thày, khi xưa thày dạy chúng em, Văn là Người. Em hiểu Người ở đây không phải chỉ là người viết, điều đó nhỏ lắm, mà là cái lớn hơn, rộng hơn là Người trong cảm nhận, trong lý tưởng của người viết về thế giới xung quanh. Vì vậy khi đọc truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tản văn, tạp bút... em luôn tìm xem trong đó "Người " ở đâu? họ như thế nào? và  rất chú trọng tính nhân văn, hướng thiện của tác phẩm. Một xã hội tiến bộ là xã hội luôn hướng đến tầm nhân văn, hướng đến Chân, Thiện, Mỹ. Văn học không chỉ phản ảnh hiện thực xã hội mà còn phải hướng cho con người đến cái đẹp, cái thiện. Trong truyện Vườn mai, từ một tâm sự của người bạn đồng nghiệp, chuyện mất vàng là có thật, chuyện gia đình nghi kỵ là có thật,  chuyện anh bạn đó phải bị hàm oan vì không muốn để cha mẹ mình mất thể diện là có thật và người đó phải chịu như vậy cho đến bây giờ, khi cả ông bà thân sinh đã qua đời từ lâu. Có một điều là bí mật này, ngay cả vợ con của anh bạn cũng không được biết, có thể em là người duy nhất được nghe kể lại. Anh ta nói, cho mọi người biết cũng chẳng để làm gì, mình tự hiểu mình để không vướng bận lương tâm là được, không nên để người thân của mình phải bận tâm về mình... Em viết truyện này vì trong cuộc sống thật, cùng công tác với anh bạn đó, em rất nể trọng phong cách sống của anh ấy, nhất là tình cảm và trách nhiệm đối với vợ, con, bạn bè, đồng nghiệp. Vì vậy mà em lặn vào cái hồn của con gái anh ấy để viết tâm sự này, với mong muốn là "Đời sẽ hiểu và giải oan cho anh ấy". Cái phần kết là em lý tưởng hóa lên để muốn nói rằng: Nếu cuộc sống không có niềm tin thì cuộc sống sẽ tăm tối, nặng nề, khủng khiếp lắm. Cái Niềm tin mà em muốn nói ở đây không phải là niềm tin mù quáng vào một cái gì đó siêu hình, bí ẩn hay niềm tin theo kiểu hô hào chung chung. Đó là niềm tin vào chính bản thân mình, tin vào những người thân yêu của mình. Nếu mình đúng, thì mình không sợ gì cả. Chính cuộc đời của Thày và cô Thu cũng nhờ có niềm tin này mà có được hạnh phúc. Nếu ngày ấy, thày không tin vào chính nghị lực của mình, không tin vào sức mạnh của tình yêu, thày sẽ không dễ gì đổi cả sự nghiệp của mình cho tình yêu ấy. Em trân trọng cái "Người" ấy của thày lắm lắm đấy ạ. Nếu ngày ấy thày lựa chọn sự nghiệp và hy sinh tình yêu với cô Thu, không chỉ đơn giản là thày đã mồ yên mả đẹp lâu rồi như thày nói, mà em đặt giả thuyết, nếu thày vượt qua được cái mệnh để sống đến bây giờ, công thành, danh toại, thì điều chắc chắn trong sâu thẳm trái tim mình thày luôn bị đau khổ, dằn vặt và cảm thấy có lỗi. Nếu cô Thu lấy chồng, hạnh phúc thì thày cảm thấy có lỗi ít, nếu cô Thu bất hạnh hoặc không lấy ai, sống đơn thân thì thày đau khổ vô cùng, và như vậy phần xác của thày được sung sướng,  dù thày có nhà cao cửa rộng, nhiều tiền bạc bao nhiêu cũng chỉ để "phô"  để  "khoe" với người đời, chứ trái tim của thày, cái phần hồn của thày thì mãi mãi bị tổn thương, thày có đồng ý với em như vậy không ạ?. Và thực lòng, khi viết truyện này, em có phần ngại là người đọc không hiểu được mong muốn của mình (vì trong cuộc sống hiện nay, nhiều người có kiểu niềm tin kỳ quặc lắm, để rồi đối xử rất thậm tệ với chính bản thân mình và mọi người xung quanh), do vậy em có nói hơi nhiều cái phần ngộ ra của Cô con gái. Điều này đã được thày chỉ ra rồi đấy ạ. 
Còn bối cảnh truyện “Vườn Mai” xảy ra trong thời điểm cải tạo tư sản của Nhà nước, em để nó diễn ra tự nhiên như nó vốn tồn tại trong dòng chảy của Lịch sử, chẳng cần bôi vẽ thêm làm gì. Chính sách cải tạo đó đúng hay sai, chỉ cần làm phép tính nhỏ là biết, chính sách đó dồn người dân phải phân tán tài sản của chính họ làm ra để được bảo toàn, rồi từ đó mới dẫn đến các bi kịch của những người dân tội nghiệp kia!? 
Em rất mong thư của thày, em mong thư này thày tính lãi cho em 2 năm được không ạ? Em còn phải học thêm ở thày, và học lại nhiều kiến thức thày đã giảng nay đã bị quên nữa chứ ạ. Thư sau em sẽ nói chuyện với thày về truyện Nỗi đau. Sau đó em sẽ gửi tiếp cho thày vài truyện ngắn nữa ạ.
Em chào thày ạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...