Thời tôi dạy học nơi đây
Đến trường tôi đội mũ rơm
Về nhà chong ngọn đèn con soạn bài
Mái tranh, luỹ vững, hào dài
Xen trong buổi học vút bài ca vang
Học trò cả lứa ríu ran
Môi tươi mắt sáng như đàn chim tơ
Bầu trời lồng lộng ước mơ
Trăm mong ngàn đợi vẫn chờ đợi chung
Từ trong khói khét lửa nồng
Nhà thơ và những anh hùng sinh ra
Bây giờ thế kỷ chưa qua
Nhưng nghề dạy học tôi xa lâu rồi
Trường xưa mở hội tin mời
Lòng riêng bỗng nhớ lại thời đạn bom.
Đỗ Đình Tuân
1997
2-Gặp mặt nhóm nhà ông tụ
(Nhân kỷ niệm 50 năm Trường THPT Nam Sách)
An (1) thì mới gái một con
Miệng cười má núm cho mòn mắt ai
Dung (2) thì vẫn khá “điển trai”
Chuyên cơ cuốc bộ đường dài cũng đi
Hạnh (3) thì tiếng nói khê khê
Dậy văn nhưng lại rất mê bóng chuyền
Tuân (4) thì bề bộn sách đèn
Suốt ngày chép chép biên biên soạn bài
Ba năm chung một đoạn đời
Hết di Quốc Tuấn (5) lại dời Hồng Phong (6)
Những là vất vả long đong
Thân không quản ngại, tâm không cảm phiền
Thoắt đà hơn năm mươi niên
Trong lòng vẫn giữ vẹn nguyên chút tình
Về hưu thôi việc triều đình
Những mong có dịp chúng mình gặp nhau
Chuyện trò thăm hỏi đôi câu
Cho lòng hể hả cho đầu thảnh thơi
Bóng câu chớp mắt cuộc đời
Mấy đâu mà sẽ ra người trăm năm…?
Chú thích:
Nhóm nhà ông Tụ" gồm:
1. An: tức cô giáo Nguyễn Thị An (sinh 1937, dạy hóa) có mẹ và con mọn, trọ nhà bên cạnh nhà ông Tụ.
2. Dung: tức thầy Đỗ Bá Dung (sinh 1939, dạy Nga văn…) trọ nhà ông Tụ
3. Hạnh: tức thầy Vũ Đức Hạnh (sinh năm 1940, dạy văn) trọ nhà ông Tụ
4. Tuân: tức thầy Đỗ Đình Tuân (sinh 1942, dạy văn) trọ nhà ông Tụ
"Hết di Quốc Tuấn lại dời Hồng Phong":
5. Quốc Tuấn: tên xã nhà trường sơ tán về năm học 1965-1966
6. Hồng Phong: tên xã nhà trường sơ tán về từ năm học 1967 cho đến khi trở về thị trấn Nam Sách.
31/12/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét