Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

TRUYỀN THUYẾT XUNG QUANH ĐỀN KIẾP BẠC (5)

                                                     



                                                  Nghè Bà Cơm

          Tương truyền trên bờ sông Lục Đầu ngày ấy có một bà mở quán bán hàng cơm. Khi Trần Hưng Đạo đánh giặc Phạm Nhan, không làm sao thắng được vì quân giặc có phép lạ, cứ chém rụng đầu này  nó lại lập tức mọc ra đầu khác. Trần Hưng Đạo đã mất nhiều công sức tìm cách trừ giặc nhưng vẫn chưa tìm ra được bí quyết.
          May sao một hôm, Phạm Nhan vào quán bà hàng cơm chè chén no say. Trong cơn say hắn bèn lảm nhảm để lộ ra điều bí mật. Nghe rõ được điều ấy, vốn căm ghét bọn giặc Phạm Nhan thường hay quấy nhiễu nhân dân, lại biết Trần Hưng Đạo đang tìm cách trừ khử nhưng chưa thành công, Bà hàng cơm bèn bí mật xin gặp Trần Hưng Đạo. Khi được phép lên yết kiến Trần Hưng Đạo bà đã tâu trình toàn bộ điều bà nghe thấy từ miệng tên giặc Phạm Nhan cho Trần Hưng đạo biết. Hưng Đạo Mừng lắm bèn cho quân lính làm theo đúng như điều bà hàng cơm mách bảo: Lấy phân gà sáp trộn với vôi và bồ hóng rồi đem bôi vào lưỡi kiếm. Lần ấy ra trận quả nhiên hiệu nghiệm. Quân Phạm Nhan không mọc lại đầu được nữa. Quân ta chém hết quân Phạm Nhan và cuối cùng bắt sống được Phạm Nhan giao nộp lên Trần Hưng Đạo.
          Trần Hưng Đạo bèn đem Phạm Nhan ra chém. Trước lúc chết Phạm Nhan cứ nằn nì xin ăn để hắn được “chết no”. Căn giận và khinh bỉ tên tướng giặc, Trần Hưng Đạo quở rằng: “Đồ mày chỉ đáng cho ăn máu đẻ”. Rồi vung gươm chém đứt làm ba đoạn. Một đoạn Trần Hưng Đạo cho vứt xuống sông chúng hóa thành loài đỉa. Một đoạn cho vứt ra bãi chúng hóa thành các loài muỗi. Còn một đoạn vứt vào trong rừng chúng lại hóa thành loài vắt. Vì thế các loài ấy sau này chuyên tìm ăn máu và rất sợ vôi, bồ hóng và phân gà sáp. Tục ngữ vẫn có câu “giẫy như đỉa phải vôi” là như thế. Ngày nay dân ta vẫn thường dùng hỗn hợp ba thứ này dể trừ đỉa, vắt. Riêng muỗi thường vẫn phải hun khói vì trong khói cũng có chất bồ hóng.
          Khi bà hàng cơm mất, Trần Hưng Đạo cho lập một ngôi nghè thờ bà  ở ngay chỗ ngày xưa bà mở quán bán hàng cơm để ghi nhớ công lao của một người dân thường yêu nước. Dân địa phương gọi nghè ấy là Nghè Bà Cơm. Nghè Bà Cơm ngày nay không còn nhưng khu đất dựng nghè dân địa phương vẫn gọi tên là Nghè Bà Cơm.

12/01/2015
Đỗ Đình Tuân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...