Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

THẦN TÍCH ĐỀN CAO XÃ AN LẠC



                 

                             Bản dịch ngọc phả

                        Bản tóm tắt doNguyễn Bỉnh soạn
                          Thiếu Khanh Nguyễn Hiền sao

          Hoàmg triều Vĩnh Hựu thứ 3, tháng  mùa đông, ngày lành, Điện quản giám bách thần, nhân chức Thiếu khanh, tôi Nguyễn Hiền tuân phụng sao như chính bản tiền triều.

          Tiều Lê trong dòng người Việt công thần giúp nước có nhiều công lao lớn nổi bật đáng được sắc phong là:
          Ba vị Đại Vương, hai vị Công chúa ghi trong Ngọc Phả sau đây(Triều Lê bản chính, công thần quyể bốn thuộc tám bộ).
          Sự tích Việt Nam xưa Đức thánh tổ Hoàng Đế xây dựng cơ nghiệp, hoạch định cương vực khai sáng nước Việt là họ Hùng, mười tám đời ngự trị. Trời Nam đại quý sáng lập nên thành đô, dựng nên vạn vật làm nên cơ đồ rạng rỡ.
          Những người giúp nước có công lao trung nghĩa, dù thần thánh hay người trần, sống hoặc chết nhưng công loa sự nghiệp vẫn còn, tiếng thơm mãi mãi cùng sông núi, đạo đức sáng cùng mặt trăng mặt trời.
          Lại nói nước Nam có họ Đinh, Lê, Lý, Trần bốn họ đều anh hùng cai trị nước ta. Thời Tiền Lê vua Lê Đại Hành cai trị đất nước lòng nhân như trời như bể, trí dũng như thần như thánh chuyên việc lấy đức cùng dân làm gốc. Người đời đều gọi là vua quý.
          Lại nói cũng trong thời ấy ở Dược Đậu trang, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương có một gia đình ở vào bậc trung ăn ở nhân hậu có tiếng, họ Vương tên là Tĩnh, vợ họ Đào tên là Thanh. Vợ chồng thương quý nhau, gia đình thuận hòa đầm ấm. Bà Thanh có thai, ăn uống khác thường chọn toàn các thứ ngon mà trong sạch. Tới kỳ sinh nở bà sinh ra một bọc được 5 người con: ba trai, hai gái (Đó là ngày 26 tháng 10 vào giờ Mão). Con trai mặt mũi khôi ngô tuấn tú, vẻ võ tướng đã hiện trên nét mặt, khác hẳn người thường. Con gái mặt như hoa, da như phấn không vương chút bụi trần, môi tựa son tô dáng vẻ chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường, như bậc thần nữ trong giới quần thoa.
          Cha mẹ nuôi nấng được một năm mới đặt tên:
                   -Con trai thư nhất họ Vương húy là Đức Minh.
                   -Con trai thứ hai họ Vương húy là Đức Xuân.
                   -Con trai thứ ba họ Vương húy là Đức Hồng.
                   --Con gái thứ tư họ Vương húy là Thị Đào.
                   -Con gái thứ năm họ Vương húy là Thị Liễu.
          Sau khi đặt tên, thấm thoát thoi đưa, ngày qua tháng lại, năm người con đã mười hai tuổi, cha mẹ cho đi học. Học được hai năm đã làu thông văn, truyện. Năm anh em mười tám tuổi, chẳng may cha mẹ đều mất (Ngày 6 tháng 3).
          Lại nói, thời ấy nước ta nhà Đinh vận mạt không đương nổi gánh nặng Quốc gia, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi, niên hiệu là Thiên Phúc, phải lo phòng giữ đất nước.
          Cũng năm ấy, giặc Tống Xâm lược. Nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo, Quách Tiến làm tướng chia quân làm hai đường thủy bộ đánh thẳng vào thành trì nước ta. Nhà vua thân hành đi dẹp giặc. Qua trấn Hải Dương thuộc địa giới Dược Đậu Trang, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách thì trời đã chiều. Vua cho dừng lại và đóng đại bản doanh ở đó. Tại đây vua truyền hịch cho các bậc hiền tài ở khắp nơi về ứng tuyển.
          Năm anh em họ Vương đều vào yết kiến nhà vua. Sau thử tài vua thấy cả năm người trí dũng khác thường, nhà vua trọng dụng. Năm anh em cùng làm tướng theo vua chống giặc. Cả năm vào trận đều bách chiến bách thắng. Vua yêu mến phong cho ba người anh là Đại tướng, phong cho hai em là Mẫu nghi thiên hạ.
          Các vị nhận phong lại tiếp tục theo vua đánh giặc. Ba ông và hai bà chỉnh đốn quân ngũ chia quân thành hai đạo thủy bộ tấn công quân Tống. Giặc Tống không kháng cự nổi, thua to, hoảng sợ bỏ thành trì mà chạy. Từ đó nước ta yên bình.
          Quân chiến thắng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi rồi về Dược Đậu Trang. Vua cho hạ trại ăn mừng bảy ngày(từ ngày 14 tháng 11). Hết bảy ngày vua cùng các tướng trở về kinh đô. Năm vị tướng họ Vương xin được ở lại cho đủ năm để chịu tang cha mẹ, mãn tang sẽ vào triều đình bái yết
          Chẳng may năm ấy cả năm vị họ Vương cùng mất. Nhân dân trong vùng lấy làm thương tiếc và không khỏi lạ lùng. Đã làm biểu dâng lên nhà vua tâu trình về sự hệ trọng ấy. Vua xem biểu thương xóta năm vị công thần có công với nước liền sai sứ thần trở về dân trang tổ chức lễ phúng viếng. Và truyền cho nhân dân trong vùng lập nên bốn miếu để thờ phụng, ban cho hai mươi bốn mẫu công điền cầy cấy để cúng lễ. Vua sắc phong cho năm vị họ Vương Thượng đẳng phúc thần:
          -Ông thứ nhất: Thiên Bồng đại tướng quân Đại vương- Đền lập tại núi Thiên Bồng (tên gọi Đến Cao).
          -Ông thứ hai: Dực thánh linh ứng Đại vương-Đền lập tại khu đất bằng trước làng (tên gọi Bến Tràng).
          -Ông thứ ba: Anh vũ Dũng lược Đại vương-Đền lập tại trước trang cạnh sông (tên gọi Bến Cả).
          -Bà thứ tư: Đào Hoa trinh thuận Công chúa-Đền lập đầu trang (tên gọi Đền Cả).
          -Bà thứ năm: Liễu hoa linh Công chúa- Đền thờ cùng với Đền Cả.
          Cứ mỗi năm vào 24 tháng Giêng đầu Xuân lại làm đại lễ cả dân thờ cúng, lễ dùng hương hoa cỗ chay.
          Năm Hồng Phúc Nguyên niên mùa xuân ngày lành, tôi là Nguyễn Bỉnh, Hàn lâm các học sĩ kính soạn

                           Ngày 1 tháng 2 mùa xuân năm Canh Thìn
                                  Kính sao bản chính ở Đền Cao

21/01/2015
Đỗ Đình Tuân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...