Hà Văn Thùy
Trên trang
mạng Bách Việt, ông Trần Kinh Nghị có bài “Di sản Hán Việt”*. Sau khi nhận
định: quãng trên dưới 70-80 % từ vựng tiếng Việt có thành tố Hán-Việt, ông cho
rằng “nếu vì một lý do nào đó mà để ngôn ngữ nước mình bị một ngôn ngữ khác lấn
át và tình trạng lấn át kéo dài chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ bị đồng hóa hoặc
thoái hóa.” Kết thúc bài viết, ông đề nghị Nhà nước có biện pháp hạn chế việc
dùng từ Hán Việt để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Đồng cảm
với nỗi bức thúc của ông nhưng nhận thấy đây là vấn đề lớn và không hề đơn
giản, chúng tôi xin thưa lại đôi lời.
I. Có
đúng tiếng Việt vay mượn từ ngôn ngữ Hán?
Muốn giải
quyết thỏa đáng chuyện này, không còn cách nào khác là phải đi tới tận cùng cội
nguồn ngôn ngữ, không chỉ của người Việt mà cả của người Trung Hoa.
Nửa sau
thế kỷ XIX, ngay khi chưa đặt xong ách đô hộ trên toàn cõi Vệt Nam, những học
giả người Pháp đã có mặt để nghiên cứu thiên nhiên, con người, văn hóa, xã hội
xứ Annam. Từ kết quả nghiên cứu, năm 1898, nhà nước bảo hộ Pháp cho thành lập
Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội. Đứng đầu lĩnh vực khoa học nhân văn là những
nhà Hán học như E. Aymonier, L. Maspéro… Là học giả phương Tây, họ mang quan
niệm Âu trung: châu Âu là trung tâm của văn minh nhân loại. Là nhà Hán học, họ
theo thuyết Hoa tâm: Trung Hoa là trung tâm của châu Á. Họ cũng chịu ảnh hưởng
của tri thức sai lầm đương thời cho rằng, con người từ Tây Tạng xâm nhập Trung
Quốc rồi sau đó xuống Việt Nam và Đông Nam Á nên ánh sáng văn minh cũng từ
Trung Hoa lan tỏa tới phương Nam. Khi nghiên cứu tiếng nói của người Việt Nam,
họ có trong tay những bộ từ điển Trung Hoa đồ sộ như Từ Hải, Tứ khố toàn thư,
Khang Hy… Trong khi đó, tiếng Việt chỉ có Từ điển Việt-Bồ-La của Alexander de
Rhodes cùng Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, hai cuốn sách nhỏ, tập
hợp từ ngữ Việt chữ Latinh mới có khoảng 300 tuổi. Bằng thao tác đơn giản là
thống kê, so sánh những từ được cho là gốc Hán có trong tiếng Việt,
họ eureka: “Tiếng Việt mượn khoảng 70% từ Hán ngữ!”
Sự thật có
đúng như vậy không?
Vào năm
1898, H. Frey, một đại tá người Pháp, từng công tác ở Tây Phi sau đó có mặt ở
Việt Nam, đã xuất bản cuốn Tiếng Annam, mẹ của các ngữ (L’Annamite, mère des langues): Tiếng
Annam, xuất xứ của các ngôn ngữ: Cộng đồng các chủng tộc Xentơ, Xémit, Xuđăng
và Đông Dương. Bằng kinh nghiệm ở Châu lục đen, nhà ngữ
học chân thực này cho rằng tiếng Việt gần gũi với tiếng các sắc dân
châu Phi và là nguồn cội của mọi ngôn ngữ phương Đông. Tiếp đó ông còn cho
ra hai cuốn khác khẳng định quan điểm của mình. Tuy nhiên, các viện sĩ của Viễn
Đông Bác Cổ “không thèm chấp” gã tay ngang võ biền. Không chỉ vậy, vào năm
1937-1938 còn có cuộc tranh luận giữa nhà ngữ học trẻ người Ba Lan Prilusky với
viện sĩ Maspéro. Từ khảo cứu của mình, Prilusky phát triển quan điểm của H.
Frey nhưng kết cục phần thắng thuộc về bậc lão làng!
Kết luận
của Viện Viễn Đông Bác Cổ dáng đòn hủy diệt không chỉ vào văn hóa mà cả vào
tương lai dân tộc Việt Nam! Do ngón đòn ác hiểm này mà sau đó, khi phân loại
ngôn ngữ phương Đông, đề xuất một họ ngôn ngữ Annam bị bãi bỏ
do “không xứng đáng vì vay mượn quá nhiều từ nước ngoài!” Thay
vào đó là họ ngôn ngữ mang cái tên không tiêu biểu: ngôn ngữ Mon-Khmer.
Kết quả là cho đến nay, trong sách giao khoa ngôn ngữ của nhiều đại học hàng
đầu thế giới vẫn viết “Tiếng Việt vay mượn khoảng 60% từ ngôn ngữ Trung Hoa
(!)” Dù sao thì cũng được an ủi phần nào vì 60% ít hơn con số chúng ta tự nhận!
Điều khủng
khiếp nhất là, vào thập niên 1920, các học giả tiên phong người Việt như Trần
Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố… tiếp nhận tri thức sai lầm đó, dạy cho con dân Việt.
Ý tưởng tiếng Việt vay mượn tiếng Hán như cỏ dại lan rộng trên cánh đồng tư
tưởng, thấm tới toàn bộ người có học Việt Nam hiện nay! Gần suốt thế kỷ, học
giả Việt không một lời cãi lại. Ở thập niên 80, trong công trình ngữ học công
phu Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nguyễn Tài
Cẩn “khám phá”: ngoài cái gọi là “từ Hán Việt”, trong tiếng Việt còn lớp từ
Hán cổ và lớp từ Hán Việt Việt hóa (1). Không đưa ra con
số thống kê nhưng với hai lớp từ được bổ sung đó, có lẽ tỷ trọng vay mượn của
tiếng Việt còn tăng lên gấp bội!
Nhưng dù
sao, đấy chỉ là tính toán của nhà bác học, còn với người dân Việt, ít người
tin, chỉ vì lý do đơn giản: một dân tộc vay mượn đến bằng nấy tiếng nước ngoài
không thể là dân tộc trưởng thành, chắc chắn đã bị đồng hóa sau nghìn năm nô
lệ!
Năm 2006,
từ nghiên cứu của mình, chúng tôi công bố bài viết Tiếng Việt là chủ
thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa (2). Rất may là ý tưởng “điên rồ” đó chẳng
những không bị ném đá mà còn không rơi vào im lặng. Ít lâu sau, từ Sacramento
nước Mỹ, nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thành gửi cho chúng tôi những bài viết chấn
động: Phát hiện lại Việt Nhân ca, Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt
vương Câu Tiễn, Đi tìm nguồn gốc chữ Nôm…(3) trong đó dẫn ra hàng nghìn
bằng chứng không thể phản bác cho thấy, tiếng nói nguyên thủy của người Trung
Hoa là tiếng Việt. Người bạn Việt Triều Châu của tôi khẳng định: “Tất cả các
chữ tượng hình được làm ra là để ký âm tiếng Việt. Vì vậy, mọi chữ vuông chỉ
khi đọc và giải nghĩa bằng tiếng Việt mới chính xác!” Một sự ủng hộ vô giá!
Càng may hơn là đầu năm 2012, chúng tôi nhận được tin: Hội nghiên cứu văn hóa
Lạc Việt tỉnh Quảng Tây Trung Quốc phát hiện chữ Việt cổ khắc trên xẻng đá, giống
với chữ Giáp cốt (4)! Từ những nguồn tư liệu phong phú và vững chắc, chúng tôi
nhanh chóng hoàn thành bài viết: Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa
(5)!
Như vậy,
sang thế kỷ này, nhờ tiến bộ của khoa học thế giới, nhờ tấm lòng và công sức
của cộng đồng người Việt, không những chúng ta xác định được người Việt
có đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á, có nghĩa, Việt Nam là cái
nôi của các dân tộc phương Đông mà còn chứng minh được, tổ tiên ta để lại
trên đất Trung Hoa không chỉ tiếng nói mà cả chữ viết.
Chúng tôi
hình dung quá trình hình thành tiếng nói và chữ viết trên đất Trung Hoa như
sau:
Nhiều dữ
liệu khoa học cho thấy, 40.000 năm trước, người Việt cổ đã từ Việt Nam đi lên
khai phá đất Trung Hoa. Tới 4000 năm TCN, người Việt đã xây dựng ở đây nền văn
hóa nông nghiệp rực rỡ. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ do Hiên Viên dẫn đầu, vượt
Hoàng Hà vào chiếm đất Việt, dựng vương triều Hoàng Đế. Trong vương quốc Hoàng
Đế, người Mông Cổ hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ. Người Hoa Hạ
bú sữa mẹ Việt, học tiếng nói Việt. Do ngôn ngữ Mông Cổ nghèo nên tiếng Việt
thành chủ thể của tiếng nói vương triều. Cùng với thời gian, người Hoa Hạ thay
cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội, đã áp đặt dân chúng nói theo cách nói Mông Cổ
(Mongol parlance: tính từ đứng trước danh từ, hay như ta vẫn gọi là cách
nói ngược.) Trên thực tế, ngôn ngữ của dân cư
vương triều Hoàng Đế là tiếng Việt được nói theo văn phạm Mông Cổ.
Sau này, nhà Tần, nhà Hán mở rộng lãnh thổ, ngôn ngữ tại các vùng bị kiêm tính
cũng chuyển hóa theo cách tương tự. Do người Việt sống trên địa bàn rộng với
thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, nên ngôn ngữ bị phân ly thành nhiều phương ngữ.
Trong đó, tiếng nói vùng Quảng Đông (Việt Đông), Phúc Kiến (Mân Việt) là chuẩn
mực nên được gọi là Nhã ngữ với ý nghĩa ngôn ngữ thanh nhã. Đời nhà Chu, rồi
nhà Hán, triều đình khuyến khích nói theo Nhã ngữ.
Vấn đề
khác cũng cần minh định là ảnh hưởng của chữ viết tới sự hình thành ngôn ngữ
phương Đông. Chữ tượng hình được phát hiện sớm nhất ở văn hóa Giả Hồ 9000 năm
rồi ở văn hóa Bán Pha tỉnh Sơn Tây 6000 năm trước. Khảo cổ học cũng cho thấy,
khoảng 4000-6000 năm cách nay, chữ tượng hình được khắc trên xẻng đá ở di chỉ
Cảm Tang tỉnh Quảng Tây. Chữ Lạc Việt sau đó được đưa lên đồng bằng Trong
Nguồn, bây giờ là Trung Nguyên, vốn là một trung tâm lớn của người Dương Việt,
để khắc lên xương thú và yếm rùa, về sau được gọi là văn Giáp cốt.
Chữ viết
trên yếm rùa và xương thú là chữ đơn lập, không thể ghép vần. Tiếng Việt cổ vốn
đa âm nên muốn được ký âm buộc phải đơn âm hóa. Do đó, tại trung tâm đầu não
của người Việt, ít nhất là từ Quý Châu Quảng Tây tới Hà Nam, tiếng nói chuyển
dần thành đơn âm. Một vấn đề khác nảy sinh: tiếng nói thì nhiều nhưng số chữ
chế ra có hạn nên chỉ có những tiếng tiêu biểu mới được ký tự. Do vậy, chữ
tượng hình tập hợp được những tiếng nói tiêu biểu nhất của người Việt. Đây là
quá trình độc lập, diễn ra trong cộng đồng Việt mà người Hoa Hạ từ thời Hoàng
Đế tới giữa đời Thương không biết. Khi vua Bàn Canh chiếm đất Hà Nam, lập nhà
Ân (1384 TCN), mới biết chữ Giáp cốt của người Dương Việt. Với nhà nước được tổ
chức tốt, Bàn Canh đã tiếp thu và cải tiến chữ của người Việt để ghi việc bói
toán, cúng tế cùng địa lý, lịch sử (5). Trong triều đình nhà Ân, những “họa
sư”- người vẽ chữ, “bốc sư”- thày bói, người Việt, được “lưu dụng” làm công
việc này. Thay nhà Thương, nhà Chu chuyển sang viết chữ trên thẻ tre, trên lụa,
cũng sử dụng nhiều ông thầy người Việt. Nhà Tần vốn là bộ lạc người Việt, khi dựng
nước đã thể chế chữ Giáp cốt thành chữ Triện tồn tại tới nay. Như vây, có thể
nói, không chỉ sáng tạo ra chữ Giáp cốt mà người Việt còn tích cực góp phần cải
tiến, hoàn thiện chữ viết. Do đó quá trình đơn âm hóa tiếng nói được đẩy mạnh.
Sau đời
Hán, Trung Quốc loạn lạc, nhiều triệu người thiểu số phía Tây thâm nhập, khiến
cho tiếng nói bị pha tạp, theo hướng tăng cường giọng điệu du mục. Tiếng nói
của cư dân trong vương triều thay đổi, dẫn tới việc người trong nước không hiểu
được nhau. Để khắc phục, các vương triều dùng tiếng nói của kinh đô làm chuẩn
mực giao tiếp của triều đình: quan thoại ra đời. Nhà Đường lấy tiếng nói của
kinh đô Tràng An làm tiếng nói chính thức, được gọi là Đường âm. Đường âm là
tiếng Việt được người Tràng An nói thời nhà Đường. Đấy là bộ phận tinh hoa của
tiếng Việt được ký tự bằng chữ vuông. Đường âm được mang sang dạy và giao dịch
ở Việt Nam. Khi giành được quyền tự chủ, nước ta thoát ách đô hộ của phương Bắc
về chính trị, kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, văn tự tượng hình vẫn là chữ viết
chính thống và Đường âm được duy trì dưới tên gọi là chữ Nho, chữ Thánh hiền.
Trong khi đó, quan thoại của Trung Hoa biến cải theo sự thay đổi của vương
triều và kinh đô. Tới giữa thế kỷ trước, tiếng Bắc Kinh là tiếng nói chính
thống của Trung Hoa, chỉ được số lượng nhỏ người dùng. Nhà Mãn Thanh rồi chính
quyền Quốc dân đảng không làm nổi việc thống nhất ngôn ngữ. Chỉ tới năm 1958,
sau gần 20 năm nhà nước Trung Hoa nỗ lực thực hiện cuộc đồng hóa khốc liệt,
tiếng Bặc Kinh mới được phủ sóng trên phần lớn lãnh thổ. Tuy nhiên, tới nay
trong vùng Nam Dương Tử vẫn có khoảng 20% từ địa phương, truyền miệng trong dân
gian mà không được ký tự.
Một vấn đề
từ lâu được đặt ra: chữ Nho xuất hiện ở nước ta từ bao giờ? Chưa ai xác định
được ! Chúng tôi không biết, hàng nghìn năm trong nước Văn Lang, vùng đất bây
giờ là Việt Nam, chỉ cách Cảm Tang, Quý Châu khoảng 150 km, có sử dụng chữ
tượng hình? Nhưng biết chắc, bộ lạc Thủy, di duệ của người Lạc Việt ở Quảng
Tây, từ thời Tần Hán trốn vào rừng, bị thiểu số hóa, vẫn giữ được sách cổ ghi
bằng chữ Thủy, tương tự Giáp cốt văn của tổ tiên Bách Việt, gọi là Thủy thư
(5). Nay được coi là văn tự hóa thạch sống, một bảo vật văn hóa nhân loại. Một
điều chắc chắn khác là, muộn nhất, chữ Nho có mặt ở nước ta thời Triệu Vũ Đế.
Việc khám phá lăng mộ Triệu Văn Đế ở Quảng Châu với rất nhiều di vật khắc chữ
Nho chứng tỏ điều này. Chắc chắn rằng, trong 100 năm xây dựng và bảo vệ Nam
Việt, nhà Triệu đã dùng chữ Nho trong hành chính, luật pháp và dạy học.
Vì vậy, khi sang nước ta, Mã Viện phát hiện “Luật Giao Chỉ có tới 10 điều khác
luật nhà Hán”(6). Có phần chắc là luật Việt được viết bằng chữ Nho. Chúng tôi
cũng nghĩ rằng, muộn nhất, tiếng Việt vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và
Trung Bộ, được đơn âm hóa từ thời nhà Triệu. Và cùng với việc phổ biến chữ Nho,
tiếng Kinh ngày càng trở nên đơn âm.
Một câu
hỏi: khi sang nước ta, người của Triệu Đà rồi quan quân nhà Hán nói tiếng gi?
Sử ký viết, “Đà giết trưởng lại người Tần rồi đưa người của mình lên thay.”
Triệu là một tiểu quốc của người Việt, nên Triệu Đà và tâm phúc của ông là
người Việt (7). Xuống Giang Nam, người của ông gặp tiếng Việt Quảng Đông, Mân
Việt, thứ tiếng Việt thanh nhã chuẩn mực. Thời Hán cũng tương tự, vì ngoài một
số không nhiều quan cao cấp người phương Bắc thì tới nước ta phần lớn là người
Giang Nam. Họ là người Việt, cho dù có nói ngược theo cách nói Hoa Hạ thì vẫn
là tiếng Việt. Vì lẽ đó, rất có thể hai bên gần như hiểu được nhau. Vì vậy,
việc học chữ Nho khá dễ dàng.
Về sau,
qua mỗi thời đại, tiếng của quan quân phương Bắc lại khác đi. Đến thời Đường,
tiếng nói của kinh đô Tràng An được dùng làm quan thoại. Thực chất, đó là tiếng
Việt ở kinh đô Tràng An thời nhà Đường. Điều này cho thấy một bộ phận tiếng
Việt trải qua quá trình biến đổi dài từ đa âm, không thanh điệu, tới đây đã
thành đơn âm và sáu thanh. Có lẽ, tiếng nói của bộ phận cư dân mà sau này là
người Kinh cũng được chuyển hóa như vậy?
Sau thời
Đường, nước ta độc lập, chữ Nho trở thành quốc ngữ. Theo dòng thời cuộc, tiếng
nói của người Trung Hoa thay đổi, ngày càng xa gốc Việt. Chẳng những người Việt
không hiểu tiếng người phương Bắc mà người Trung Quốc cũng không còn nói được
Đường âm. Di sản vô giá thơ Đường chỉ còn người Việt Nam thưởng thức trong âm
điệu tuyệt vời.
Từ phân
tích trên chứng tỏ rằng, tiếng Việt không những không vay mượn mà trái lại, còn
là gốc gác, là mẹ đẻ của ngôn ngữ Trung Hoa. Cái mà nay người ta quen gọi là
“từ Hán Việt” là sự lầm lẫn lớn bởi chưa hiểu cội nguồn sinh học cũng như văn
hóa dân tộc, trong đó có quá trình hình thành tiếng nói và chữ viết.
II. Vai
trò của lớp từ Việt cổ trong văn hóa dân tộc
Như đã nói
ở trên, tiếng thì nhiều nhưng chữ làm ra quá ít nên tổ tiên ta bắt buộc phải
chọn thật kỹ những tiếng cần ký tự. Đó là những tiếng có nội dung sâu sắc, hàm
chứa ý nghĩa uyên thâm, mà sau này được gọi làngôn ngữ hàn lâm. Dù có áp
dụng cách tạo từ đồng âm dị nghĩa thì cũng còn vô số tiếng không được ký âm vì
không đủ chữ. Ở phía bắc Trung Hoa, dần dần những tiếng không được ký tự bị mai
một.
Trong khi
đó, ở miền nam, chúng trở thành từ địa phương, được truyền miệng trong dân
gian. Ở Việt Nam tình hình tương tự. Khi làm chủ đất nước, người Việt thấy quá
nhiều tiếng không có chữ, nên vào đời Trần đã mô phỏng chữ Nho để tạo ra chữ
Nôm. Tuy nhiên, vì nhiều lẽ, chữ Nôm không được coi là văn tự chính thức. Mọi
giao dịch hành chính đều phải dùng chữ Nho, nên nhiều địa danh phải chuyển sang
chữ Nho, việc làm bất khả kháng ngày xưa khiến nay nhiều người bức thúc.
Một vấn đề
cũng cần bàn cho ra lẽ, đó là tìm tên gọi xác đáng cho lớp từ đặc biệt này.
Thoạt kỳ thủy, nó là Đường âm. Tới lúc nào đó được gọi là chữ Nho. Ở miền Nam
cho tới năm 1975, gọi là cổ văn. Vào thập niên 1960, các học giả miền Bắc gọi
là “từ Hán Việt”. Một thời gian dài nửa thế kỷ ta chấp nhận tên gọi đó vì tưởng
rằng hợp lý. Nhưng bản thân khái niệm “từ Hán Việt” lại mâu thuẫn và vô nghĩa.
Thuật ngữ này hàm ý: chữ của Hán, còn cách đọc của Việt, ghép lại thành “từ Hán
Việt.” Nhưng như phát hiện của Nguyễn Tài Cẩn, cách đọc đó chính là tiếng nói ở
kinh đô Tràng An thời nhà Đường! Như vậy, theo cách hiểu hiện nay, cả chữ viết
và cách đọc đều của người Hán, nên không thể là “từ Hán Việt!”. Nay ta thấy
không thể tiếp tục dùng thuật ngữ sai lầm cũ. Nhưng dùng tên nào thích hợp hơn?
Đường âm
là đúng nhưng bây giờ không thể trở lại tên gọi này vì đó là sản phẩm của một
thời điểm lịch sử. Tiếng Hán không đúng vì đó không phải là tiếng nói thời nhà
Hán, càng không phải tiếng nói của người Trung Hoa hôm nay. Có lẽ tên gọi chữ
Nho phù hợp hơn cả, vì nó có nghĩa là chữ của nhà nho, sâu xa hơn,
như phát hiện của triết gia Kim Định, là sản phẩm của văn hóa Việt nho nguồn
cội. Sở dĩ gọi là “từ Hán Việt” vì người ta lầm tưởng đó là sản phẩm vừa của
Hán vừa của Việt. Tuy nhiên cách hiểu như thế vừa không chính xác vừa gây phản
cảm, đè nặng lên tâm trí chúng ta một cảm giác lệ thuộc bên ngoài. Thực chất,
đó không phải “từ Hán Việt” mà là tiếng Việt cổ. Khác với
nhiều ngữ khác, tiếng cổ là tử ngữ, thì trong ngôn ngữ Việt, tiếng Việt cổ vô
cùng sống động. Lý do nó trở thành cổ ngữ là vì lịch sử dân tộc có biến động
lớn, chữ Nho bị bãi bỏ để thay bằng thứ chữ viết khác. Mấy trăm năm trước, khi
chuyển giao chữ La Tinh quốc ngữ cho chúng ta, một học giả phương Tây từng nói
đại ý: Chúng ta trao cho người Annam một thứ chữ dễ học, giúp họ
nhanh chóng bắt kịp đà văn minh. Nhưng chắc chắn nó sẽ làm cho thế hệ tương lai
của họ cắt đứt với nguồn cội. Hôm nay, lời cảnh báo đó đã trở
thành hiện thực với toàn bộ nền văn hóa Việt. Về ngôn ngữ thì đó là lớp lớp
người Việt không hiểu tiếng nói của tổ tiên, như tác giả Trần Kinh Nghị than
phiền. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần nhìn nhận lại gia sản quý giá này để sử
dụng tốt nhất.
III. Kết luận
Hàng ngàn năm nay do ngộ nhận nên ta cho rằng,
bộ phận tinh hoa, quan trọng nhất của tiếng Việt là đồ vay mượn! Sự lầm lẫn này
đã tạo nên nỗi đau ngàn năm khi ta vừa căm ghét một công cụ mà trong quá khứ kẻ
thù dùng để đồng hóa, nô lệ mình lại vừa không thể chối bỏ! Không thể không
dùng nhưng rồi mỗi khi dùng lại day dứt nỗi niềm cay đắng mặc cảm vay mượn!
Nay chúng ta phát hiện ra sự thật: không hề có
cái gọi là “Từ Hán Việt”! Đó chính là chữ Việt, tiếng Việt được tổ tiên ta sáng
tạo trong quá khứ. Việc khẳng định bản quyền tiếng Việt cổ là khám phá có ý
nghĩa đặc biệt, nó giúp ta tự tin, làm chủ tài sản vô giá của dân tộc. Vấn đề
hiện nay là tuyên truyền để mọi người cùng hiểu. Công việc quan trọng khác là
nghiên cứu sử dụng vốn tài sản này, làm phong phú ngôn ngữ, góp phần xây dựng
văn hóa dân tộc.
Cái to nhất ngăn trở ta dám nhận lại tài sản
vô giá này là thói nô lệ, thói tự kỷ ám thị nặng nề khiến ta vô thức đẩy nhiều
di sản quý báu của tổ tiên cho người ngoài để rồi cúc cung làm chú học trò ngu
ngơ, bị đè bẹp dưới cái bóng hoang tưởng!
Một khi nhận ra chủ quyền, ta sẽ làm gì với
tài sản vô giá này?
Nhiều người đã hiểu cơ sự nên kiến nghị khôi
phục việc học chữ Nho. Đấy là việc không thể không làm. Trước hết vì giá trị
lớn lao của chữ Nho. Tính triết lý sâu xa, ý nghĩa thâm thúy của nó khác với
bất cứ chữ viết nào, giúp người học rèn trí thông minh, luyện tư duy… Chỉ điều
này mới giúp chúng ta tiếp nối với truyền thống, tránh được mối nguy mất gốc
như học giả nước ngoài cảnh báo mấy trăm năm trước. Đó là việc cần chủ trương
và kế hoạch lớn. Trước mắt, việc có thể làm ngay là, trong chương trình tiếng
Việt phổ thông, nên bổ sung một số tiết giảng tiếng Việt cổ, nhằm
giải nghĩa những từ thường dùng để học sinh hiểu và sử dụng đúng, đồng thời tập
cho họ cách tra Từ điển tiếng Việt.
Chúng tôi xin mạo muội đề nghị, cần một cuộc
cách mạng loại bỏ thuật ngữ “từ Hán Việt” khỏi ngôn ngữ Việt để thay vào đó tên
gọi đúng: tiếng Việt cổ! Đồng thời
dùng lại thuật ngữ chữ Nho để gọi văn tự của
tổ tiên mà xưa nay vẫn lầm tưởng là chữ nước ngoài.
Madrak, 1.
12. 2013
Tài liệu
tham khảo:
1. Nguyễn
Tài Cẩn – Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc
Hán Việt. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1979
2. Hà Văn
Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.
3. Đỗ Ngọc
Thành. Nhannamphi.com
4. Hà Văn
Thùy. Chữ Việt chủ thể sáng tạo chữ viết Trung Hoa http://huc.edu.vn/chi-tiet/1868/Chu-Viet-la-chu-the-sang-tao-chu-viet-Trung-Hoa.html
5. Lịch sử
hình thành chữ viết Trung Hoa http://khoahocnet.com/2013/11/11/ha-van-thuy-lich-su-hinh-thanh-chu-viet-trung-hoa/
6. Hậu Hán
thư- Mã Viện truyện
7. Hà Văn
Thùy – Nỗi bất an của lịch sử http://trannhuong.com/tin-tuc-15551/noi-bat-an-cua-lich-su.vhtm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét