Được xây dựng từ thời Lý, cầu Thượng ở làng Kênh (huyện Trực Ninh, Nam Định) là cầu mái lợp lá duy nhất còn lại tại Việt Nam.
Cầu Thượng ở làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) được xây
vào đời Lý sau khi triều đình cho đào một con kênh dẫn nước từ sông Hồng
vào để tưới tiêu cho cả một vùng thuộc trấn Sơn Nam hạ.
Con đường độc đạo dẫn tới chùa Cổ Lễ, ngôi chùa lớn nhất khu vực được
xây vào thời vua Lý Thần Tông (trị vì từ năm 1127 đến 1138) cách làng 4
cây số đã bị cắt ngang bởi con kênh đào, khiến việc đi lại trở nên khó
khăn cho các Phật tử. Theo các bậc cao niên, khi đó một phụ nữ giàu có
nhưng không có con đã bỏ tiền xây dựng cầu cho bà con đi lại.
Cụ Lương Thế Hoạt, 85 tuổi, cho biết theo tiền nhân kể lại thì toàn bộ
hệ thống mố cầu xưa kia được làm bằng đá xanh nguyên khối, nặng hàng
tấn, vận chuyển bằng bè theo đường sông Hồng. Những thợ mộc có tay nghề
cao khắp trấn Sơn Nam xưa được thuê về dựng cầu.
Cầu có 5 gian, dài hơn 10 m, rộng 4 m, cao 3 m tính từ mặt sàn lên, hai
bên đều có bục để ngồi. Từ sơ khai, mái cầu được lợp bằng cây bổi (cây
cói) chứ không lợp ngói, do bổi nhẹ hơn, xốp hơn, chịu được gió bão. Chỉ
khi nào lớp bổi đã mục thì người dân lợp lớp mới. Ngày nay, cầu được
lợp bằng lá cọ.
Cầu đã được tu bổ nhiều lần với quy mô lớn vào các năm 1883, 1904 và
2014. Trong khi tu bổ, đặt thượng lương, thợ đều khắc ghi trên hệ thống
vỉ cột bằng chữ Hán. Trong ảnh là hàng chữ: “Kiến Phúc nguyên niên Giáp
Thân mạnh hạ nguyệt thập nhị nhật lương thời thượng lương thụ trụ” (đặt
thượng lương vào giờ tốt ngày 12 tháng 4 năm Giáp Thân niên hiệu Kiến
Phúc thứ nhất - 1884).
"Trước đây mỗi buổi trưa hè, người dân thường ra cầu nghỉ ngơi, hóng
mát, buổi tối trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ ngay phần sân
trước cầu", ông Lương Minh Lại, người sống gần cầu cho biết. Trên bục
cầu hiện vẫn còn khắc một bàn cờ cổ do người xưa lên cầu chơi cờ để lại.
Hà Thành
Nguồn: Vn Express (Tin nhanh Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét