Sau khi có lời phúc đáp của
ông tôi đã sửa lại những chỗ sai biệt giữa bản gốc Phạm Thế Minh và bản lưu
truyền trong dân gian mà tôi được biết. Thực ra sự sai biệt giữa hai bản không
có gì lớn và chưa có ảnh hưởng gì đáng kể đến bài thơ. Nó chỉ làm thay đổi chút
ít tâm trạng cụ thể. Chẳng hạn câu “Cũng
là xong nợ công danh” thì tâm trạng tác giả lúc ra về còn vương chút gượng gạo
luyến tiếc nhưng cũng chấp nhận được. Còn ở câu “ Thế là hết nợ công danh” thì
tâm trạng lúc ra về thật thoải mái nhẹ nhàng không còn gì là vương vấn nữa.
Thậm chí đây còn là điều mà tác giả đã chờ đợi từ lâu. Theo nhận xét của riêng
tôi thì câu nguyên tác của ông đúng với tâm trạng của ông hơn. Còn câu lưu truyền
thì dân gian đã lồng tâm trạng của mình vào. Trong trường hợp này thì giữ lại
câu nguyên tác của tác giả hay hơn.
Nhưng ở câu “Phẩm hàm to, cái
thấp hèn càng cao” thì lại không hay bằng câu trong bản lưu truyền “Phẩm hàm
cao, sự thấp hèn càng cao”. Về mặt nội dung ý nghĩa hai câu trong hai bản đều
không có gì khác nhau cả. Có thể nói nó hoàn toàn tương đương. Nhưng về ngôn
ngữ thì bản lưu truyền hay hơn bản nguyên tác ở mấy điểm cụ thể sau:
1/Trong tập quán ngôn ngữ khi
nói về quan chức dân ta hay nói “quan to, quan bé” , rồi “quyền cao chức trọng”
. Nhưng nói về “phẩm hàm” (cũng là quan tước thôi) thì lại hay kết hợp với cao
thấp chứ ít nói phẩm hàm to, phẩm hàm bé. Có lẽ chỉ có lần làm câu đối tặng cô
Tư Hồng là cụ Nguyễn Khuyến nói đến “hàm cụ lớn”:
Cửu phẩm sắc phong hàm cụ lớn
Trăm năm danh giá của bà to
Nhưng chữ “hàm” cụ Nguyễn
Khuyến dùng thì đã chuyển nghĩa rồi. Nó không còn là cái “hàm cửu phẩm” mà cô
con gái Tư Hồng bỏ “tiền làm đĩ” ra để mua danh cho bố nữa. Mà “hàm” đã trở
thành cái miệng của ông ta. Và ở vế sau tác giả mang cái “ miệng này” để đối
với cái “của bà to” thì cay độc biết chừng nào ?
2/Trong khi đó ở bản lưu
truyền lại dùng “ Phẩm hàm cao” hợp với tập quán ngôn ngữ hơn. Nhưng quan trọng
nữa là nó lại tạo ra được một hợp âm rất hài hòa với phần sau của câu “sự thấp
hèn càng cao”. Hai cái “cao” này đã dìm “sự thấp hèn” đến tận đáy và dường như
không có cơ để “nổi lên” được nữa.
3/ Một điểm nữa cũng cần nói
là về chữ “cái” và chữ “sự” thì chữ nào hay hơn ? Về chức năng ngữ pháp thì chữ
“cái” và chữ “sự” cũng hoàn toàn giống nhau. Dù dùng “cái” hay dùng “sự” thì
cũng đều làm danh hóa hai chữ “thấp hèn”
mà thôi. Nhưng về thanh điệu thì chữ “cái” thuộc thanh nổi còn chữ “sự” thuộc
thanh chìm. Dẫu không có một quy định nào, nhưng trong trường hợp cụ thể này
thì chữ “sự” thanh chìm dịu nhẹ êm tai hơn là chữ “cái” thanh nổi. Thế nên theo
nhận xét của riêng tôi thì về nghệ thuật ngôn ngữ câu trong bản lưu truyền hoàn
thiện hơn và nó làm cho câu thơ hay hơn hẳn câu nguyên tác.
Ở câu 14 và câu 15 thì nguyên
tác của ông hay hơn bản lưu truyền. Cụ thể hai câu
Quên đi ganh ghét tị hiềm
Quên đi cả những ưu phiền được thua.
Rõ
ràng là hay hơn hẳn hai câu:
Để quên đi những tị hiềm
Và quên đi những nỗi niềm được thua
Tôi cũng rất cảm ơn ông đã
gửi tặng tôi hai bài thơ trong chùm thơ ba bài với TA VỀ in trong tập VAI DIỄN.
Đó là bài VAI DIỄN:Và bài : NÓI CHUYỆN VỚI NGUYỄN CÔNG TRỨ
Phải nói ngay rằng cả ba bài
thơ của ông đều hay cả, đều là những bài thơ đáng đọc cả. Theo lời bộc bạch của
ông: “Tôi vốn là người làm khoa học- công
nghê, rồi làm quản lý ít năm. Sự hiểu biết và viết là về KHCN chuyên ngành. Còn
viét văn hay làm thơ chỉ là niềm vui , giúp mình tự tu dưỡng và tự động viên
mình vượt qua khó khăn và cả những cám dỗ trong đời. Vì thế nếu có câu văn hoạc
bài thơ nào được người đọc yêu thích thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng
là niềm vinh hạnh ngoài sự mong chờ của tôi”.
Trong văn chương thường có
chuyện như thế đấy ông ạ. Nhiều người bỏ cả đời ra làm văn chương để cầu danh
thì danh lại chẳng đến. Nếu như anh “bất tài” và “vô hạnh” chỉ có mỗi cái thói
xấu là “háo danh” thì thậm chí còn “tiếng xấu để đời”.
Chúng tôi làm nghề giảng dạy
văn học trong nhà trường phổ thông. Thực chất của công việc này cũng chỉ là một
dạng của việc “truyền bá văn chương” thôi. Nhưng vợ chồng tôi cũng đều “mất
dạy” cả rồi. Bây giờ rỗi rãi lại thêm “bệnh nghề nghiệp” nên rất thích tìm đọc
những áng thơ hay để chia sẻ cùng bầu bạn. Tôi gặp bài TA VỀ của ông trong một
dịp đi họp lớp cũ (Lớp D, khóa 4, Trường cấp 3 Hồng Quang Hải Dương,
1959-1962). Một ông bạn tôi đã say sưa đọc bài TA VỀ của ông và tôi đã xin về
một bản. Đáng buồn là bây giờ thơ ra đời nhiều nên tỷ lệ thơ dở cao chúng gây
nhiễu và làm người đọc nản đọc thơ. Thơ phong trào thì nhàm nhạt chủ yếu ai làm
ra thì người ấy tự đọc lấy. Chứ công chúng thì mấy ai chịu nổi tra tấn mà nghe
mà đọc (nhất là công chúng trẻ). Còn giới thơ chuyên nghiệp thì lại thiên về
phi truyền thống cũng không vào được lòng công chúng. Cuối cùng chỉ người đọc
là bơ vơ. Nhưng đọc những bài thơ của ông tôi tin vào sức sống của thơ truyền
thống cũng như tin vào sức sống của nhân cách người.
Cũng là nhân mấy lới phúc đáp
và tặng thơ của ông, tôi xin có mấy lời
thành thật chia sẻ cùng ông và mọi người. Chúc ông quãng đời “vĩ thanh”
này luôn thanh thản để ngắm hoa mai và nếu có thể thì sinh nở thêm vài cô cậu
thơ xinh đẹp nữa. Xin chào ông.
Chí Linh 12/6/2014
Đỗ Đình Tuân
Sau đây là ba bài thơ trong chùm thơ của Phạm Thế Minh
(Bài Ta Về đã sửa lại theo
bản của tác giả)
Bài 1: Ta về
Cũng là xong nợ công danh
Ta về gặp lại chính mình từ đây
Mặc trời cao kệ đất dầy
Ta về làm gió làm mây riêng mình
Đã ăn nhầm bả hư vinh
Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen
Đã vào vòng xoáy bon chen
Phẩm hàm to cái thấp hèn càng cao
Ta về bạn với trăng sao
Quên xe máy lạnh bỏ chào bắt tay
Ta về vui giữa tỉnh say
Để quên đi những tháng ngày đáng quên
Quên đi ganh ghét tị hiềm
Quên đi cả những ưu phiền được thua.
Sáng nay thanh thản vãn chùa
Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa
Bài 2: Vai diễn
Khi vào vai Thị
Mầu
Lẳng lơ sao nhất chị
Lúc sắm vai Đào Huế
Chị ghen còn ai hơn?
Cũng là phấn là son
Chị bôi gì cũng đẹp
Em mười năm theo nghiệp
Không đóng nổi Vai Hề
Cười người ta đã chê
Khóc người ta cũng chán
Chỉ vì không dám diễn
Cái vai không thật mình
Nay về lại sân đình
Chiéu chèo dăm bè bạn
Dưới trăng làm Lão Say
Rượu vui tràn tới sáng
Rời ánh đèn hào nhoáng
Chị ơi tìm về đâu?
Đào Huế hay Thị Mầu
Vai nào như cũng chết!
5/1994
Lẳng lơ sao nhất chị
Lúc sắm vai Đào Huế
Chị ghen còn ai hơn?
Cũng là phấn là son
Chị bôi gì cũng đẹp
Em mười năm theo nghiệp
Không đóng nổi Vai Hề
Cười người ta đã chê
Khóc người ta cũng chán
Chỉ vì không dám diễn
Cái vai không thật mình
Nay về lại sân đình
Chiéu chèo dăm bè bạn
Dưới trăng làm Lão Say
Rượu vui tràn tới sáng
Rời ánh đèn hào nhoáng
Chị ơi tìm về đâu?
Đào Huế hay Thị Mầu
Vai nào như cũng chết!
5/1994
Bài 3: Nói chuyện với Nguyễn Công Trứ
Kính chào Uy
Viễn Tướng công
Con xin làm một cây thông cùng Người
Vén mây, khuấy nước mệt rồi
Lại mê tom-chát của thời Ông Cha
Cụ không lắm đất , nhiều nhà
Kim Sơn, Tiền Hải đều là của dân
Một đời ái quốc, trung quân
Thị phi ai cũng một lần mà thôi
Bảng vàng bia đá nhiều người
Mấy ai có được khoảng trời lòng dân?
Mỗi lần về lại Nghi Xuân
Con nghe cụ dậy vững tâm làm người
Dân vạn đại, quan nhất thời
Lời người xưa cứ học rồi lại quên !
6/2005
Con xin làm một cây thông cùng Người
Vén mây, khuấy nước mệt rồi
Lại mê tom-chát của thời Ông Cha
Cụ không lắm đất , nhiều nhà
Kim Sơn, Tiền Hải đều là của dân
Một đời ái quốc, trung quân
Thị phi ai cũng một lần mà thôi
Bảng vàng bia đá nhiều người
Mấy ai có được khoảng trời lòng dân?
Mỗi lần về lại Nghi Xuân
Con nghe cụ dậy vững tâm làm người
Dân vạn đại, quan nhất thời
Lời người xưa cứ học rồi lại quên !
6/2005
17/6/2014
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét