Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

Vài kỷ niệm với thơ Thanh Dạ

           



Thuyết minh ảnh: Tổ 1 lớp Văn 3C khóa học Nguyễn Văn Trỗi (1962 – 1965)

-Hàng trước tiên (từ trái qua phải): Nguyễn Văn Tính (Sơn Tây), Trịnh Văn Thênh (Nam Định), Nguyễn Thị Mỹ Hòa (Học sinh miền Nam tập kết), Nguyễn Duy Dự tức Thanh Dạ (Nam Sách,Hải Dương)
-Hàng giữa (Từ trái qua phải): Huỳnh Thê (Cán bộ miền Nam tập kết), Phan Văn Ngân (Phú Thọ), số 3 quên ?, Nguyễn Văn Túc (Thái Nguyên)
-Hàng sau cùng (Từ trái qua phải): số 1 quên ?, Đỗ Kim Hồi (Tương Mai, Hà Nội), Đỗ Đình Tuân (Chí Linh, Hải Dương), Nguyễn Văn Phượng (Kim Động, Hưng Yên)



Ngày còn là sinh viên, chúng tôi cứ mỗi năm lại có một tháng đi lao động tập trung tại nông trường Cửu Long trên Hòa Bình. Cuối năm 1963, chúng tôi lao động ngay tại thị trấn Lương Sơn. Lần ấy chúng tôi tham gia xây dựng một trạm phát điện của nông trường. Công việc của chúng tôi là rửa sỏi và rửa đá răm. Họ đổ đầy nước vào những cái thùng phi. Chúng tôi xúc sỏi vào sảo rồi cứ hai đứa ôm một cái thùng phi mà rửa. Rửa sạch rồi thì lại đổ ra một đống riêng. Suốt cả đợt chỉ thấy làm có một công việc như thế. Hồi đó phố xá Lương Sơn còn lèo tèo lắm. Nhà toàn là tranh tre nứa lá cả. Nhưng chỉ có khu nhà hành chính của nông trường bộ là ở trên phố thôi. Còn khu tập thể của nông trường, nơi chúng tôi ở thì lại nằm ở phía dưới đường số 6, trên một bãi đất rộng và ven một con suối chảy gần như song song với con đường. Ấn tượng nhất với chúng tôi chỉ có cái cửa hàng bánh mỳ ở giữa phố Lương Sơn. Bởi tối nào ở đây cũng đông đúc người mua và từ đó thấy phả ra một mùi thơm của bánh mỳ nướng nóng rất hấp dẫn. Nhưng chúng tôi cũng chẳng có tiền mua. Vả lại tối đến  cũng rét nữa nên chúng tôi cũng  ít đi chơi phố.
Ngày ấy hình như Thanh Dạ đã “thầm yêu” và tôi thì cũng đang “trộm nhớ”. Bởi thế mà cứ sau bữa cơm chiều, chúng tôi thường hay sán xuống khu nhà bếp, nơi các cô nàng đang bóc sắn, cho vào các vạc luộc chín, chuẩn bị cho bữa ăn sáng ngày hôm sau. Cái tâm trạng của những người đang yêu luôn nặng nề nhưng cũng ấm áp lạ. Nặng nề vì phải đè nén xuống và ấm áp nhờ những tia hy vọng luôn biết đường an ủi. Cho dù có thể rất bâng quơ. Trong những ngày ấy Thanh Dạ đã viết bài Bên bếp lửa gần như chuyển tải được nguyên vẹn cái tâm trạng của chúng tôi thành thơ:
Chiều nay ngồi bên bếp lửa
Hai người yên lặng nhìn nhau
Tim tím chiều hoa mua nở
Rì rầm suối chảy về đâu?

Cô gái đỏ hồng đôi má
Bập bùng ánh lửa trên môi
Hôm nay cô làm cấp dưỡng
Riêng ai dành củ sắn lùi?
Vừa tình tứ mà lại vừa ấm cúng. Cái không khí của bài thơ thật đầy chất trữ tình.

Phải đến 41 năm sau, cũng vào một mùa đông-mùa đông của năm 2004-Trong một buổi sinh hoạt thơ của CLB các nhà giáo yêu thơ huyện Chí Linh, tôi mới lại được nghe Thanh Dạ đọc một bài thơ tứ tuyệt, làm tôi giật mình. Tôi giật mình vì sự lạ lẫm và hết sức kỳ diệu của bài thơ: Bài Buổi sớm  mùa cày:
Tiếng máy cày vỗ sườn đêm sóng sánh
Đất trở mình thức dậy gọi mùa sau
Đêm bỗng rách theo đường cày lấp lánh
Mây bình minh thành luống ở trên đầu.
Cái đường cày ở đây sao lạ lùng đến thế. Nó đâu chỉ có việc cày ruộng làm “Đất trở mình thức dậy gọi mùa sau”. Nó còn cày vào thời gian, làm rách cả đêm ra, lật đêm sang ngày tạo ra những bình minh lấp lánh. Nó cày vào không gian lật tung cả trời lên, làm cho “Mây bình minh thành luống ở trên đầu”. Không có những ngẫu hứng xuất thần, những thăng hoa vụt đến, thì rất khó lòng tạo ra được những câu thơ như thế. Đọc xong bài thơ, tôi cứ tự hỏi mình, không biết trên đời này còn có thứ nghệ thuật nào tạo ra được vẻ đẹp cho những đường cày lấm láp như thế nữa hay không, hay chỉ có thơ?

Gần đây, xem một bộ phim Hàn Quốc, tự dưng tôi hình như “phải lòng” một cô nữ diễn viên. Mà cái bà xã nhà tôi, thì vừa đáo để lại vừa nhạy cảm. Hễ cứ thấy tôi bị cái cô diễn viên ấy “hớp hồn” là thị lại giơ nắm đấm lên “giờ giờ”, làm tôi phát hoảng. Tôi không dám hí hửng nữa. Nhưng trong bụng thì vẫn cứ “phải lòng”. Và  tôi rất thèm được như Thanh Dạ, cứ tự do mà bày tỏ sự “phải lòng” của mình như trường hợp bài Dịu dàng quá thể:
Em dấu nụ cười sau chiếc khẩu trang
(Cái ánh mắt mách giùm anh như thế)
Em dịu dàng
                       Dịu dàng quá thể
Khiến lòng anh
                       Chẳng dễ lặng yên nằm.

Đã cho anh xuất viện rồi ư ? Em !
Sao tàn ác
                       Sao em tàn ác thế?
Với cử chỉ dịu dàng
                               Dịu dàng quá thể
Em vô tình vò xé  trái tim anh.

Anh biết tìm ai
                         Chữa được cho lành
Anh bối rối
                        Anh trở thành cáu kỉnh
Em chẳng biết đem nụ cười
                                             Ấn định
Cứ vô tình. Cứ phân phát bình quân
Ra viện rồi
                       Anh vẫn cứ…bệnh nhân.
                                    
Một khám phá nho nhỏ thôi. Chỉ một nét tâm lý đời thường của một chàng trai đa tình. Nhưng cách diễn tả thì lại rất có duyên và giàu ý vị. Ý vị từ cái mở ngoặc “Cái ánh mắt mách giùm anh như thế”. Cái ý vị nằm trong chiếc khẩu trang che miệng…Cái ý vị còn từ cách điệp, cách láy ngữ “Em dịu dàng…dịu dàng quá thể”… Trong cái điệp ngữ này dường như có cả tiếng kêu, tiếng reo, tiếng xuýt xoa thán phục. Cái duyên dáng ý vị còn toát ra từ sự lệch pha không ăn ý giữa cô em thì cứ vô tình, còn cái anh chàng kia thì lại đầy hữu ý…Nhưng phải tinh tế, rất tinh tế thì mới diễn tả được như thế. Tôi không rõ là Thanh Dạ có phải trả giá gì cho cái bài thơ “ăn vụng” này không? Còn tôi, tôi thuộc loại “râu quặp”, tôi chưa bao giờ dám “biểu tình” như thế cả !

25/8/2011
Đỗ Đình Tuân

(Đăng lại ngày 28/08/2018)
Đỗ Đình Tuân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...