Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Lai lịch Phó Bèo



Ngày xưa hồ ấy vắng teo
Những năm có bèo lại hóa đông vui
Bà con xóm phố tới lui
Vớt bèo nuôi lợn nói cười râm ran
Phố Bèo từ ấy thành tên...

26/02/2017
ĐĐình Tuân


PHỤ CHÉP

"BÈO"- MỘT BÀI THƠ ĐẬM ĐÀ Ý VỊ



            Ngay sau nhà tôi có một cái đập lớn. Trước đây, khi còn hợp tác xã nông nghiệp, người ta cho đắp  con đập này để giữ nước nhằm cung cấp cho nhiều héc ta lúa của hợp tác. Đến khi  khoán Mười, con đập vẫn còn thực hiện đúng chức năng của mình. Nhưng từ ngày “ Mở cửa”, diện tích đất nông nghiệp phải thu hẹp lại. Nhiều héc ta lúa của nơi này bị quy hoạch hóa thành khu đô thị. Thế là con đập mất chức năng tưới nước cho ruộng đồng. Người ta lại cho đấu thầu nuôi cá. Nông dân khốn đốn vì mất ruộng còn mọi người ở xung quanh bờ đập thì nhiều phen cơ khổ vì phi vụ đấu thầu này. Bởi người trúng thầu giữ nước quanh năm nên nếu gặp trận mưa lớn là nước không tiêu kịp làm cho vườn tược ngập úng, không cây nào chịu được. Lại còn cảnh ô nhiễm nặng nề, mỗi khi cá chết hàng loạt thì mùi xú uế bốc lên nồng nặc thật kinh khủng. Năm nay  lại khổ vì nạn bèo. Bởi cái giống bèo tây (miền Nam gọi là lục bình ấy) sinh sản nhanh vô cùng. Mới hôm nào, trên đập nước mênh mông chỉ lơ thơ mấy đám bèo xanh ngắt, trông cũng đáng yêu. Sau vài trận mưa, bèo ken kín mặt nước, lá xanh, bông tím, đẹp ra trò. Nhưng người thả cá lại không thích cái đẹp đó của bèo vì nó phủ kín mít như thế thì còn đâu ô xy cho cá thở nữa. Thế là họ thuê người vớt bèo lên. Chao ôi, bèo chất như núi trên đường đi. Thật khổ cho người qua kẻ lại. Nhiều xe máy phải quay đầu tìm lối khác. Chính tôi cũng phải gửi xe ở nhà bên cạnh chứ không thể mang xe qua những núi bèo chết tiệt kia. Thế đã yên đâu. Còn cái mùi hôi của bèo và nước chảy qua cổng vào sân nữa mới thật là khó chịu. Vì thế, mấy hôm nay tôi ghét cay ghét đắng lũ bèo. Cho nên, hôm nay, vào blog Đỗ Đình Tuân, thấy bài “ Bèo”, tôi chắc mẩm là thể nào bác Đỗ cũng sẽ viết về nỗi bực mình với bèo như cảm giác tôi đang phải mang đây. Nào ngờ không đúng. Đó là một bài thơ ca ngợi nhiều vẻ đẹp của bèo rất chân thực nhưng lại tiềm ẩn nhiều ý nghĩa khá lý thú  Bài thơ ấy đây:

                                    BÈO…

                        Hồ nước sau nhà nay hóa sang

                        Hoa bèo phủ kín đẹp miên man

                        Kéo bè kết cánh nhanh hơn muống

                        Sắc thắm vẻ mềm chả kém lan

                        Gà mổ lợn ăn cho thỏa thích

                        Gió dồn sóng dập vẫn hiên ngang

                        Một lòng một dạ theo cùng nước

                        Còn nước còn tươi chẳng thấy tàn

                                                14-9-2012

                                                Đỗ Đình Tuân

            Quả là một bài thơ đường luật, thất ngôn bát cú đã chuẩn về niêm luật lại  không chút gò bó, cầu kì mà dân dã trong ngôn từ, tự nhiên trôi chảy trong mạch thơ. Tác giả  miêu tả chân thật, cụ thể về “Bèo”. Nào là sinh sôi nảy nở nhanh, gắn kết với nhau thật bền chặt “Kéo bè kết cánh nhanh hơn muống”; Lại có  sức sống mãnh liệt, chẳng hề khuất phục trước sóng cả gió to và còn là nguồn thức ăn vô tận cho lũ lợn đàn gà “Gà mổ lợn ăn cho thỏa thích/ Gió dồn sóng dập vẫn hiên ngang”;  Đã có dáng vẻ mềm mại lại có hoa đẹp  mê hồn “Sắc thắm vẻ mềm chả kém lan”  “Hoa bèo phủ kín đẹp miên man”. Tôi rất thích cụm từ “đẹp miên man” trong câu thơ trên. Vì nó không chỉ gợi  vẻ đẹp trải rộng ra mênh mông, kéo dài đến bất tận, một vẻ đẹp tưởng đến không cùng không dứt của bèo mà còn gợi cảm xúc thật thiết tha, thật mê đắm của thi nhân trước vẻ đẹp đó. Cứ tưởng như tác giả đang sà xuống mà ôm ấp, nâng niu rồi xuýt xoa thích thú vậy. Đúng là một cụm từ vừa chân thực, vừa mới lạ lại rất giàu sức biểu cảm!

            Một đặc điểm nữa của bèo được tác giả miêu tả rất giỏi trong hai câu kết bài :

                        Một lòng một dạ theo cùng nước

                        Còn nước còn tươi chẳng thấy tàn

            Đúng là loại bèo tây này sống chết cùng với nước thật. Nếu cứ ở dưới nước thì chúng chẳng bao giờ chết. Nhưng chỉ cần tách khỏi môi trường nước là chúng: hoặc chết khô héo tóp, khi bị tản ra, phơi ra; hoặc sẽ thối nhũn nếu bị ấp lại, ủ vào. Nghĩa đen là như vậy, cố nhiên rồi. Nhưng tôi muốn nói đến cái nghĩa bóng, ẩn đằng sau câu chữ của bài thơ, cái ý nghĩa mà khi đọc bài thơ khiến ta liên tưởng tới. Đó là hình tượng nhân dân, hình tượng đất nước. Liệu có đúng chăng, khi đọc bài thơ này, tôi cứ thấy vẻ đẹp của nhân dân, sức sống của nhân dân, sức mạnh của nhân dân cũng như sự gắn bó sống chết của nhân dân với đất nước non sông?

            Trong thơ văn xưa nay, đã nhiều người sử dụng hình ảnh bèo để nói tới thân phận nổi trôi, lênh đênh, phiêu dạt của con người:

                        Nghĩ mình mặt nước cánh bèo

                        Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân

                                                ( Kiều- Nguyễn Du)

            Hay:

                        Lênh đênh muôn dặm nước non

                        Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh

                                                ( Bèo- Phùng Cung)

            Nhưng tôi chưa  thấy ai ca ngợi vẻ đẹp của bèo như tác giả Đỗ Đình Tuân. Vì thế, với tôi, bài thơ trên của bác Đỗ đúng là một khám phá mới lạ. Rất chân thực và rất đậm đà ý vị.

                                    Sao Đỏ: 15-9-2012

                                    Vũ Thị Song Thu

 

1 nhận xét:

  1. Ông tung bà hứng đến là tài
    Cặp vợ chồng này chả giống ai
    Bè bạn anh em ? thì cũng đúng
    Tình nhân bồ bịch ? vẫn không sai
    Ban ngày đóng cổng nằm tâm sự
    Sẩm tối mở Phây dậy nói hài
    Xóm lảnh tha hồ ông diễn kịch
    Thảnh thơi chồng vợ thỏa ...lai rai !!!

    Trả lờiXóa

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...