Chu Văn Sơn
Nhà văn, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến (nguồn Internet)
Đoàn chúng tôi gồm những nhà văn, nhà lý luận và giảng viên đại học, phần lớn vào từ Hà Nội. Tôi nhớ những ngày ở khách sạn Chương Dương Mỹ Tho, cứ dạy về, đoàn lại tản thành từng nhóm nhỏ, vừa tản bộ trong hoa viên trước sảnh, vừa nói đủ thứ chuyện trên giời dưới biển. Một chiều, khi chỉ còn hai chúng tôi, chuyện vãn thành tâm tình, tôi mới nói nhận xét của mình. Đại ý rằng tôi đã đọc ông hồi còn là học trò chuyên văn, từ cái Triết lý Truyện Kiều, có khi đó là cái đầu tay của ông cũng nên. Và sau đó, bất cứ cái gì ông viết tôi đều đọc hết. Rằng hồi ông còn dạy ở Nguyễn Du, tôi cũng đến nghe ké rất nhiều. Rằng tôi đã cố hết sức để định danh cho mình Hoàng Ngọc Hiến là ai. Rằng tôi thấy các danh xưng quen thuộc mà người ta vẫn dùng gọi ông: nhà lí luận văn học, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học… đều không hợp, không ra. Riêng tôi, tôi thấy dù văn học là điểm nhấn, nhưng hoạt động của ông chả bó riêng gì trong văn học, mà ra nhiều lĩnh vực khác nhau của văn hoá, và tôi luôn thấy cảm hứng bao trùm mọi cái viết của ông là triết học. Cái tạng ấy dường như đã được phát lộ ngay từ cái đầu tay đó. Vì thế phải gọi ông là nhà triết luận mới đúng, mới đủ, chứ các danh xưng kiểu kia chả đâu vào đâu. Ông gật gù và chỉ nói “có lẽ thế”. Khi ấy tôi nghĩ: vẻ tán thưởng này chỉ là giao đãi để làm hài lòng người trò chuyện, chứ ông chả để tâm, chắc sẽ quên ngay thôi. Nào ngờ, mấy tuần sau, khi ra Hà Nội rồi, một hôm ông gọi điện rủ tôi ra chơi. Cách tiếp trịnh trọng khiến tôi ngỡ ngàng. Ông bảo: sau khi cậu nói, mình mới xem xét toàn bộ những gì mình viết và thấy cậu rất có lí, cậu đã giúp mình hiểu rõ mình hơn. Tôi quá bất ngờ. Làm sao ngờ được nhận xét của mình lại được một người như ông lưu tâm đến thế. Rồi ông rủ luôn đi ăn cháo vịt Vân Đình. Phải nói là tôi sướng rơn, cả hãnh diện nữa. Nhất là, chỉ ít lâu sau, ông cho xuất bản một cuốn sách, mà những khái niệm tôi trao đổi cùng ông đã được đặt làm nhan đề: Triết lí văn hoá và triết luận văn chương. Kể từ bấy, viết bài gì ông cũng chuyển cho tôi qua đường mail, in cuốn nào ông cũng dành cho tôi. Và tôi vẫn đọc ông chăm chỉ bằng tâm thế một học trò như thế. Sau cái lần làm xong Tuyển tập Nguyễn Đăng Mạnh, tôi tỏ ý muốn làm Tuyển tập Hoàng Ngọc Hiến. Thế là ông liền cung cấp cho tôi tất cả những tài liệu tôi cần. Đến nay, công việc đã hòm hòm, dù chưa xong hẳn.
Người khởi đầu giới nghiên cứu Minh triết Việt
Tìm hiểu một tác giả nào đó, người ta thường ngược về quá khứ để tìm những
mầm mống dự báo thiên hướng và tương lai của tác giả, đặng lí giải sự nghiệp
ông ta. Khỏi phải nói là tôi cũng tuân theo lề lối ấy. Tôi tin hôm nay ông trở
thành người khởi xướng và đứng đầu giới nghiên cứu Minh triết Việt là một tất
yếu. Cái xu hướng này dường như đã nằm sẵn đâu đó trong tố chất của ông. Tôi đã
được nghe kể về bệnh ham lí giải của cậu học trò Hiến. Gặp cái gì cũng muốn
giải thích ngay, giải thích bằng được, dù chả phải lúc nào cũng thuyết phục, cứ
lí giải cốt để tư duy được khởi động, vận hành. Mà lí sự thì rặt bằng những
phạm trù nọ, phạm trù kia, do vận dụng nhanh cũng có, do vừa lóe ra cũng có.
Tôi cũng được biết thuở còn học trung học phổ thông, cuốn sách mà cậu học trò
này ôm cả vào trong giấc mộng chính là cuốn triết của trường dòng, mà trong đó
triết học còn bao gồm cả mỹ học, lô gíc, đạo đức chứ chưa phân hoá chuyên ra
như bây giờ. Và tất nhiên, cậu cũng chưa ý thức đầy đủ đó là triết. Tôi cũng
biết sau này khi theo học đại học, không phải ngẫu nhiên mà trong các giáo sư
thời bấy giờ, ông phục Trần Đức Thảo và Cao Xuân Huy hơn cả, dù có lúc chưa
phải lắm với họ. Tư duy triết học của các bậc thầy này đã mê hoặc ông cũng như
ảnh hưởng đến thiên hướng tư duy của ông không ít. Tiếc rằng, thời ấy, tư duy
triết học ở ta không được khuyến khích lắm. Nếu khác đi, con đường học thuật
của ông hẳn đã khác nhiều…
Nhưng, xem ra, cái mầm sau này mọc thành cây, chính là nếp nghĩ theo triết
học, sống theo khoa học kiểu riêng của ông. Tôi rất ấn tượng về câu chuyện của
ông Lâm, một bác sĩ kì cựu, từng được học Hoàng Ngọc Hiến những ngày tò te làm
cậu giáo giữa đám trò quê. Chuyện rất vui. Thuở ấy tụi họ tuổi đều sêm sêm, cả
học lẫn chơi đều chung chạ tất. Có lần cùng nhau tắm truồng, đang tồng ngồng từ
dưới sông lên, thì gặp một toán phụ nữ. Đám học trò đứa nào đứa nấy cứ cuống
cuồng lấy tay che phần dưới, dúi dụi vào nhau, bước không nổi. Chỉ riêng cậu
giáo Hiến thì úp hai bàn tay che mặt và bước rất thản nhiên. Cả bọn ngơ ngác.
Hỏi, thì cậu giáo trẻ bảo: cái dưới thì ai chả giống ai, nhìn nó làm sao nhận
ra đứa nào, chỉ có cái mặt mới khác nhau thôi, có bị lộ mặt thì mới lộ mình… Ra
thế, cả bọn lại ồ lên, ngớ ra. Cái pha ngộ nghĩnh thời cận thành niên ấy mách
bảo tôi một điều nghiêm túc: biết đâu từ cái triết lí “truổng cời” đó Hoàng
Ngọc Hiến đã là nhà minh triết rồi.
Ai đã tiếp xúc với ông chắc sẽ ấn tượng ngay về một thói quen kì kì. Đó là
giới thiệu những trải nghiệm về sức khoẻ và thuốc thang của mình một cách rất
khoa học và… li kì. Thường những cuộc như thế đều y như một bài thuyết trình
công phu và tâm huyết. Tôi đã được biết về tính năng nhiều thứ thuốc từ ông.
Cái lần ông quảng bá cho hoạt huyết dưỡng não là thế. Ông kể rất đinh ninh: có
một dược sĩ cao cấp của ta nổi tiếng về các công trình nghiên cứu nhân sâm đã
được hội những người nghiên cứu nhân sâm quốc tế mời tham gia một dự án lớn. Họ
đã đem tất cả những loại sâm thượng thặng như nhân sâm Trung Quốc, Triều Tiên,
nhân sâm Xibêri… đến để nghiên cứu. Còn nhà dược sĩ ta thì đem theo củ đinh
lăng. Họ cùng nhau làm một thí nghiệm, đó là cho chuột bạch ăn, mỗi con ăn một
thứ trong cùng một khoảng thời gian. Đến kì hạn, họ quẳng tất lũ chuột xuống bể
nước và quan sát. Kết quả là: tất cả những con ăn các loại sâm khác cứ dần dần
theo nhau chìm hết. Duy có một con vẫn chống chọi cầm cự, hàng tiếng đồng hồ
sau nữa mới chịu chìm. Cậu biết con nào không, thật bất ngờ, đó là con ăn đinh
lăng. Rồi hăng hái: hiện nay, đinh lăng là một bí mật, một dược liệu chiến lược
của ta. Hoạt huyết dưỡng não được chế từ đinh lăng theo một công thức bí
truyền. Vô cùng hiệu quả. Cậu nên dùng, nên dùng. Còn ông thì nghiện hẳn rồi.
Tôi chắc, nếu chỉ đọc nhãn thuốc không thôi, ông chả mê thế đâu, dù nó hay ho
đi nữa. Ông bị cám dỗ chỉ bởi cái thí nghiệm rất chi là khoa học kia thôi. Phần
mình, tất nhiên là tôi bị đánh gục và bắt đầu xài luôn từ trưa hôm ấy.
Thế mà có lần, đang ở khách sạn Sóc Trăng, ông gọi lễ tân mang cho một chai
nước. Cô phục vụ mang lên thì thấy một ông già trên giường, đầu cắm xuống gối,
chân chổng ngược lên trần nhà, mặt đỏ gay, tay lẩy bẩy chống đỡ thân mình, cặp
giò lúc nghiêng phải, lúc ngoẹo trái, cứ chực đổ. Cô ta hoảng quá, chẳng hiểu
ra làm sao. Còn ông, cứ nguyên tư thế ấy mà ra hiệu đặt nước lên kệ, ra hiệu
cám ơn, ra hiệu tạm biệt. Mặt rất căng thẳng. Té ra, ông trồng cây chuối. Một
bài tập cho máu dốc lên não. Ô hay, đã có hoạt huyết rồi mà. Bài tập dồn huyết
này muốn phủ định bài thuốc hoạt huyết kia chăng? Đâu có. Cái này đâu phủ định
cái kia. Quan hệ của chúng là cộng sinh. Nhà triết luận của chúng ta hoàn toàn
tin thế.
Người ta vẫn kháo rằng đằng sau người đàn ông thành công bao giờ cũng có
bóng dáng một người phụ nữ. Tôi cũng nghĩ thế. Và tin rằng: Hoàng Ngọc Hiến đi
vào triết, chắc chắn là nhờ cả công… vợ. Bà Tố Nga là một phụ nữ thật đặc biệt.
Bà có cái thú rất nổi tiếng là “nói xấu chồng”. Hễ có khách đến, bà thường ra
tiếp trước. Và, trong lúc đợi ông xuống, thể nào bà cũng tố với khách đủ cái
“ngu dại” của chồng, chì chiết say sưa, giọng thì đầy hứng khởi, lời lẽ thì đến
là đáo để, gai góc. Thế nhưng, ai lại dại mồm vào hùa với bà để kể xấu ông
thật, thì bà tống ra cửa ngay lập tức. Lần sau thì đừng có mà vác mặt đến. Thì
ra, “tố Hiến” là một cái thú lạ, là tiết mục độc quyền của “tố Nga”. Ấy là cách
yêu chồng độc nhất vô nhị của bà. Người hiểu thì thấy rất thú vị, và chả dại gì
mà chêm vào hay xía vào. Vì thế, lần nào đến chơi, nghe chuyện bà, tôi cũng
thầm nhớ đến cái câu chuyện cổ Hy Lạp ấy. Chuyện một cậu học trò định lấy vợ đã
đến xin thầy mình là nhà hiền triết một lời khuyên. Nhà hiền triết đã khuyên
rằng: con cứ kết hôn đi, đằng nào thì con cũng được, nếu được vợ hiền, con sẽ
là người hạnh phúc; còn gặp phải vợ dữ thì con sẽ thành… một nhà triết học!
Triết lý sống độc đáo của một triết nhân
Một người có “máu” triết học thì tất phải có một thái độ triết học trong
đời sống. Thiếu điều này, triết nhân sẽ chỉ là một thường nhân thôi. Là một học
giả có cỡ được không ít nơi trên thế giới biết đến, nhưng đến nay nhiều người
vẫn cứ băn khoăn vì sao ông Hiến không có những học hàm như Giáo sư, danh vị
như Nhà giáo nhân dân giống bao nhiêu vị khác. Ông chỉ có một hàm vị duy nhất
là Tiến sĩ. Thực ra là Phó tiến sĩ. Bảo vệ ở Nga hồi còn Liên Xô. Mà thấy ông
chả có vẻ sốt ruột hay bất mãn gì. Lúc nào ông cũng thản nhiên. Dù quanh ông,
người ta cứ nhao lên, nhộn nhạo lên với những danh này vị nọ. Lạ. Giữa cái thời
chủ nghĩa duy lợi lên ngôi, thói cầu danh áp đảo thế này, sống được thế, tất
ông phải có một quan niệm, một triết lí sống độc đáo nào đó ? Đoán vậy, có lần
tôi đã hỏi. Thì ông cũng chả giấu diếm gì: điều mình tâm đắc và lấy làm phương
châm sống suốt đời là ý tưởng ở câu cuối cùng trong Đạo đức kinh của Lão Tử:
Thánh nhân chi đạo vi nhi bất tranh. Đạo của thánh nhân là làm mà không tranh
giành với ai. Ngẫm ra, tôi thấy ông đã sống trong đời đúng như vậy, không riêng
gì thái độ đối với danh vị.
Nhưng quả là cuộc đời này vẫn có những công bằng riêng của nó. Nó vẫn luôn
biết ai là ai. Lần vị hiệu trưởng trường Nguyễn Du là Huỳnh Khái Vinh được
phong học hàm giáo sư đã diễn ra một việc thú vị. Đám học viên Nguyễn Du hồi ấy
toàn những cây bút, những nhà văn đã thành danh cả. Họ đã chuẩn bị sẵn hai bó
hoa để chúc mừng. Khi lễ mừng tặng diễn ra, họ đã mời cả Huỳnh Khái Vinh và
Hoàng Ngọc Hiến cùng lên sân khấu. Người đại diện tặng hoa cho thầy Vinh trước
với lời chúc mừng “Đây là vị giáo sư do nhà nước phong”. Rồi quay sang tặng hoa
và ôm hôn thầy Hiến thật hoan hỉ : “Đây là vị giáo sư do nhân dân phong”. Cả
hội trường vỗ tay ầm ĩ. Thầy Vinh ôm hôn thầy Hiến đầy phấn khích. Còn thầy
Hiến sau một phút ngỡ ngàng, vẻ vẫn rất thản nhiên. Lạ hơn, bây giờ trên các
phương tiện truyền thông đại chúng, mỗi khi giới thiệu ông, bao giờ người ta
cũng cứ kèm danh vị giáo sư. Công chúng chẳng ai ngạc nhiên. Còn ông thì vẫn thản
nhiên.
Tôi cứ ngỡ ông là người thờ ơ, hoàn toàn không để ý gì đến những chuyện ồn
ào vặt. Nhưng không hẳn. Một lần đang trò chuyện vui vẻ, mặt ông bỗng đỏ gay,
lời lẽ hết sức bức xúc, chỉ vì nhớ ra hôm qua xem ti vi, bắt gặp Nguyễn Đình
Thi trên hình. Tôi chắc, trong cảnh đó, Nguyễn Đình Thi đã nói một điều gì đó
đại loại như cao giọng quá đà trước anh em hay hạ giọng quá mức trước bề trên
chăng. Nghe ông kể, thì không phải. Té ra, chỉ bởi Nguyễn Đình Thi đã đi đi lại
lại bên hồ Gươm, rồi làm bộ làm tịch đang suy tư xa xăm cho camera ghi hình,
thế thôi. Vậy mà, ông thất vọng không thể chịu nổi: vì sao một người như Nguyễn
Đình Thi mà lại đi diễn trò, một thứ trò vớ vẩn như thế. Tôi còn nhớ, không
kiềm được phản ứng của mình, ông đã văng tục ra nữa. Cứ như vừa bị mất một cái
gì rất lớn. Thoạt tiên, tôi rất buồn cười, vì thấy phản ứng của ông có vẻ thái
quá. Trò diễn ấy cho qua được mà. Ngẫm lại, thì hiểu ông hơn. Là người chân
thật đến … kì cục, ông ghét cay ghét đắng thói diễn. Bậc cao nhân lại càng không
nên diễn. Thì ra, ông luôn có một nguyên tắc sống, một quan niệm về giá trị
sống nào đó, chứ đâu phải ơ hờ.
Khi hình dung về một triết gia, ta có cái thói đòi hỏi người ấy phải là tác
giả của một triết thuyết nào đấy; nếu không sản sinh được một hệ thống triết
học nào, thì khó mà được thừa nhận là nhà triết học. Điều này xem chừng có thể
trở thành một đòi hỏi vô lối ở thời đại chúng ta. Hãy nghe Foukault - một triết
gia lớn của thế kỉ XX - nói: “Thời đại chúng ta chẳng thể sinh ra được một hệ
thống triết học lớn nào cả” và chỉ nhất nhất hiểu theo cái nghĩa xa xưa của nó,
thì xem chừng “triết học đã “chết” rồi”. Nhận xét của đại gia này khiến chúng
ta phải xem lại cách hiểu về triết học và triết gia đương đại. Hình như, không
phải lúc nào triết thuyết cũng hiện diện như một hệ thống kinh viện, không phải
lúc nào nó cũng tồn tại lộ thiên. Và không phải cứ nói thẳng chuyện triết học
và say sưa xây dựng các triết thuyết thì mới là triết gia thì phải.
Trong một lần sang hội thảo về triết học tại Hà Nội, Francoi Jullien có đưa
ra một nhận xét rất tinh: ở Việt Nam, triết học lẩn vào văn học. Không hẳn là
nhận định về tình trạng sơ khai của triết ở ta, mà có lẽ là về cách tồn tại đặc
biệt (cũng là thân phận ?) của triết Việt. Điều này trước hết ứng với Hoàng
Ngọc Hiến, nếu như không muốn nói rằng nó được rút ra từ chính ông.
Sự khốn đốn của một số triết gia là bậc thầy gần gũi hồi Nhân văn Giai phẩm
và Xét lại đã khiến cho nhiều người ham mê triết học đã chùn bước. Trong khi
tuyên truyền Mác Lê thành chuyên nghiệp và hùng hậu, thì tư duy triết học lại
thưa thớt và nghiệp dư. Không ít mầm non triết học đã phải âm thầm nảy nở trong
bóng đêm, thành một thứ triết học du kích, hoặc rẽ sang hướng khác, hoặc bứng
trồng vào mảnh đất khác (ví như Trần Đình Hượu bỏ triết học sang nghiên cứu văn
chương). Hoàng Ngọc Hiến cũng thế chăng? Nhưng, nếu hoàn cảnh hoàn toàn thuận
lợi thì Hoàng Ngọc Hiến có thể trở thành một triết gia không nhỉ? Hình như cái
tạng của ông cũng không phải là một triết gia thuần túy. Có lẽ ông thuộc “tạng
hai trong một” - tạng “văn triết bất phân”. Nghĩa là một nhà nghiên cứu văn
học, văn hoá trên tinh thần triết học, hoặc một nhà triết luận suốt đời bấn bíu
với văn hóa, văn học. Điều này ở ông khiến triết lẩn vào văn vừa như một thân
phận vừa như một định mệnh.
Tuy nhiên chính điều này đã làm nên đặc sắc Hoàng Ngọc Hiến. Ông sẽ đi vào
các lĩnh vực văn hoá với cảm hứng triết học, sẽ nhìn nhận các vấn đề từ văn học
đến văn hoá bằng con mắt triết nhân, ông sẽ đem những công cụ của tư duy triết
học để tường giải những vấn đề của văn hoá, văn học. Đây chính là nét khác biệt
của học thuật Hoàng Ngọc Hiến so với nhiều hiện tượng khác cùng thời. Có thể
nói triết luận Hoàng Ngọc Hiến là một dạng triết học lui về ở ẩn trong văn học.
Đắc đạo sau những cuộc chơi triết học
Ai biết Hoàng Ngọc Hiến đều thấy ông say mê các triết thuyết và đã miệt mài
suốt đời mình với triết Tây, triết Đông. Ông đã đọc và khảo hầu khắp các triết
gia cổ kim đông tây. Mà đâu chỉ có triết theo nghĩa hẹp, ông còn đam mê triết
theo nghĩa rộng nhất. Tức là say mê cả đạo đức học, tâm lí học, mỹ học nữa. Ông
dịch “Đạo đức học” của Banzelatde, ông giảng “Phân tâm học” của Freud, ông nói
về “các phạm trù mỹ học của Đông Á cổ”, ông dịch “Những phạm trù văn hóa trung
cổ” của Gurêvich… Một thời ông rất say mê Mác. Từ năm 1949, ông đã trở thành
hội viên trẻ của hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở khu IV mà đứng đầu
là Nguyễn Chí Thanh rồi. Có lẽ người được ông trích nhiều hơn cả trong các công
trình của mình là Mác. Mác thực sự đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nhỡn quan của
ông cho đến mãi sau này. Cái hồi ông viết bài “Phải đạo”, nhiều người không
hiểu lòng ông đã qui kết ông là phi Mácxit. Nhưng chính trong cái buổi hội thảo
nghiêng hẳn về qui kết ấy, sau một hồi lắng nghe ý kiến của ông và những người phản
bác ông, chính Lê Đức Thọ đã tỏ ra rất tỉnh đời khi kết luận: “Anh Hiến là
người Mácxit”. Và nhờ kết luận này mà các ý kiến công kích hăng tiết đã… ngãng
dần ra.
Hoàng Ngọc Hiến rất tâm đắc với nhận xét này của Robert N. Bellah về một sử
gia, đồng thời là chính trị gia và là nhà xã hội học người Pháp Alexis de
Tocqueville (1805 -1859): Khoa học xã hội của Tocqueville là một loại triết học
vị công (public philosophy). Nghĩa là nó quan tâm đến công ích, và coi trọng
công luận khi nêu ra những vấn đề khoa học của mình. Có thể nói, triết luận của
Hoàng Ngọc Hiến cũng là thứ triết học vị công như thế. Ai đã đọc ông đều không
mấy khó khăn để nhận ra điều này. Xem xét từng bước đường, thấy đam mê triết
của ông có những giai đoạn lớn. Hồi đầu ông say mê tìm hiểu tư tưởng Nga Xô,
rồi lại say mê tìm hiểu tư tưởng Pháp, đến cuối những năm 80 ông lại say mê
nghiên cứu tư tưởng và văn hóa Mỹ. Gần đây, tưởng chừng triết gia đương đại
Pháp là F. Jullien đã hoàn toàn hớp hồn ông, khiến những năng lượng học thuật
cuối cùng của ông sẽ bị hiện tượng triết học này vắt kiệt. Nào ngờ, lại thấy
ông bày “cuộc chơi triết học” mới, đầy đam mê, là quay về nghiên cứu minh triết
Việt. Không biết những người khác thế nào, còn tôi thấy trong đó một hành trình
nhất quán, và thấy càng ngày ông càng “đắc đạo” hơn. Ông nghiên cứu cái gì cuối
cùng cũng chỉ để tìm ở đó những bài học có ích cho nước nhà. Không phải ngẫu
nhiên mà sau mỗi một hồi triết luận về vấn đề nào đó mình khơi ra, nêu lên, bao
giờ ông cũng có ngay những đề xuất khá kịp thời. Có không ít những đề xuất ở
tầm vĩ mô, ví như về chiến lược văn hóa trong phát triển, về giáo dục đào tạo,
về việc nghiên cứu minh triết, về coi trọng việc dạy văn chương đối với bồi
dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hay chiến lược ngoại ngữ cho hiện tại và tương lai…
Hồi Nga Xô đang hưng thịnh, việc tiến hóa bấy giờ được xem như Nga hóa, ông
muốn biết thực chất nó thế nào. Rồi ngày nay, khi Mỹ đang là một siêu cường với
tầm ảnh hưởng toàn cầu của nó, đến nỗi hình thành trào lưu Mỹ hóa ở nhiều nơi
trên thế giới, ông cũng muốn xem nó thực chất ra sao… Ông muốn biết mỗi mô hình
ấy về mặt tư tưởng có điều gì khả thủ. Và ông say mê nghiên cứu các triết
thuyết không phải để truy tìm cho mình chỉ một triết thuyết độc tôn, rồi cứ thế
mà dùng nó làm một thứ công cụ tư duy vạn năng đến mức làm nô tài cho nó như
bao người khác. Trái lại, ông là người thủy chung với một tinh thần năng động
triết học, chứ không phải giam mình trong một thói nô lệ triết học như những ai
kia. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong các định nghĩa triết học, ông tâm
đắc nhất với định nghĩa của Thomas Carlyle, khi triết gia lớn này phát biểu:
“Triết học là gì, phải chăng là một cuộc chiến liên tục chống lại tập quán: một
nỗ lực luôn luôn đổi mới nhằm vượt siêu cầu trường của tập quán mù quáng?”. Có
thể, sau này ông mới gặp định nghĩa này. Nhưng toàn bộ hoạt động của đời ông
đối với triết học đã thực sự là một minh chứng cho định nghĩa ấy. Nói khác đi,
hành trình của ông dường như đã được dẫn dắt bởi định nghĩa kia một cách vô
thức. Cả đời ông là một cuộc chiến không mệt mỏi để chống lại tập quán mù
quáng, mỗi bài viết dù trực tiếp về triết học hay về văn hóa, văn học đều là
một nỗ lực đổi mới mình trong nhận thức, tư tưởng nhằm vượt siêu cầu trường của
những nhận thức hời hợt bị bóng đè bởi một đức tin mù quáng. Mà điển hình nhất
chẳng phải là bài “Về một đặc điểm của văn học Việt Nam trong giai đoạn vừa
qua”, vẫn được gọi nôm là bài “phải đạo” đó sao ? Một tinh thần năng động triết
học đó là phẩm chất đáng kể của học thuật Hoàng Ngọc Hiến.
Sau những cuộc thám hiểm triết học, ông đã trở về bến quê, về lại mái nhà
xưa để nâng niu gia tài minh triết của ông cha mình. Những cuộc phiêu lưu ấy đã
đủ khiến ông tự tin hơn khi nhìn ngắm cái di sản minh triết độc đáo của tổ
tiên. Nếu, sau những chuyến đi xa vào những xứ sở triết học khác để rồi trở về
khinh rẻ vốn hương hỏa quí báu của tiên tổ, liệu có phải là người đã đạt đạo
không ? Tôi nghĩ, điều đáng trân trọng ở hành trình triết học này của ông chính
là ở chỗ: nó nâng ông lên một tầm mới để có thể thấy được vàng ngọc trong minh
triết truyền thống và thấy cần thiết phải xây dựng một đội ngũ cho công cuộc
khai thác minh triết tiềm ẩn trong nền văn hóa Việt. Cầu mong cho ông luôn đủ
sức khỏe để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cao quí này và truyền cảm hứng cho những
người đi sau.
Khi viết “Triết lý Truyện Kiều”, cái tạng triết luận ở ông mới khởi lên
những nét đầu tiên thôi, còn chưa thật sắc nét. Nhưng càng về sau, thiên hướng
triết luận càng ngày càng nắm vị thế chủ đạo trong các luận giải văn chương và
văn hóa của ông. Đề cập bất cứ sự kiện văn học nào, dù đó là tác phẩm như
Truyện Kiều, Ơ đip làm vua, Đăm San…hay đó là tác giả như Nguyễn Du, Nam Cao,
Vũ Trọng Phụng, Maiacôpxki, Eptusenkô, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Hữu Thỉnh,
Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Trọng Tạo, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà…
nghĩa là cả những tác gia kinh điển lẫn những cái tên mới nổi, dù đó là một
giai đoạn văn học như Văn học Việt Nam thời chống Mỹ, văn chương Việt ở Hải
ngoại, hay đi sâu vào một bình diện nào đó của văn chương như thể loại, thể
tài, giọng điệu nghệ thuật hay ảnh hưởng của vô thức trong sáng tạo v.v… bao
giờ ông cũng muốn truy nguyên vào bản chất, vào bản thể, bao giờ ông cũng muốn
tìm cho ra những qui luật của sáng tạo, nhất là lật lên những bình diện triết
học của mỗi hiện tượng ấy. Truy tìm vào bản chất sâu xa, săn tìm những qui luật
phổ biến, lật tìm những ý nghĩa triết học và luận giải cho kì nổi bật mới thôi,
đó chẳng phải là cảm hứng triết học hay sao ! Ông viết bài “Phải đạo” luận về
những bình diện mỹ học và triết học khiến sản sinh nên cái đặc điểm của văn học
Việt Nam suốt ba mươi năm chiến tranh (viết về “cái hiện thực phải có” hơn là
“cái hiện thực đang có”) là theo tinh thần ấy, ông viết bài “Âm Dương”, muốn
dùng những phạm trù triết học cổ phương Đông để luận giải và tiên đoán về mạch
vận động của văn học ta qua bước ngoặt hậu chiến là theo tinh thần ấy. Ông khảo
về những thể loại văn học như bi kịch, trường ca, tiểu luận, trào phúng là theo
tinh thần ấy. Ông tường giải sáng tạo chân chính bao giờ cũng là sự giao cắt
giữa cái tuyệt đối và cái hiện tại là theo tinh thần ấy. Ông luận về nguyên tắc
tính nữ (thường gọi là thiên tính nữ) trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp cũng theo
một tinh thần như thế…
Một thủ lĩnh trận tiền trong đổi mới văn học
Những ai quan tâm đến việc sáng tạo văn học Việt Nam đều thấy Hoàng Ngọc
Hiến có một tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với không ít cây bút đương đại. Đó
không hẳn là kiểu ảnh hưởng của một tay viết bậc thầy lão luyện nghề chữ, cũng
không hẳn kiểu ảnh hưởng của một học giả uyên bác uyên thâm. Mà có vẻ là kiểu
ảnh hưởng khác: truyền niềm thiết tha với văn hóa, nhiệt hứng sáng tạo, nhiệt
hứng tư tưởng, tinh thần trí thức, kích thích tư duy. Mà trùm lên tất cả vẫn là
ảnh hưởng từ cái phẩm chất năng động triết học đó. Nếu Trần Dần được xem là thủ
lĩnh trong bóng tối, thì cũng có thể xem Hoàng Ngọc Hiến là một thủ lĩnh ngoài
trận tiền.
Ai đọc Hoàng Ngọc Hiến cũng thấy ở ông cái sở thích đối lập. Ông thường xây
dựng hoặc sử dụng những phạm trù đối lập với tham vọng đạt đến tầm phổ quát
nhất cho những những khái quát của mình: âm và dương, vi và vô vi, vị và vô vị,
ý và vô ý, ngã và vô ngã, văn hóa và văn minh, minh triết phương Đông và triết
học phương Tây, xây dựng Dự án và nương nhờ vào Thế, chủ nghĩa hiện đại và chủ
nghĩa cổ điển mới, tính dân tộc và tính hiện đại, trí thức tinh hoa và trí thức
bình dân, bi kịch và lạc quan, hiện thực và tuyệt đối, cái phải tồn tại và cái
đang tồn tại, có đáy và không có đáy, viết cho bõ hờn và viết để thỏa chí, kể
nội dung và viết nội dung, lý thuyết và nghiệm sinh, trí tuệ của trí tuệ và trí
tuệ của trái tim, danh và thực, có và là… Sự phân lập kiểu này là sản phẩm rất
đặc trưng của tư duy triết học. Lối đối lập này dần lâu dường đã thành một thứ
thương hiệu Hoàng Ngọc Hiến. Ông còn đặc biệt tinh nhạy về những khía cạnh
triết học của ngôn ngữ và giỏi mài rũa cái mặt triết tiềm ẩn nào đó để mỗi từ
ngữ sáng lên vẻ đẹp triết học của mình. Ít ai không nhớ lần ông nói về các
phương pháp khoa học bằng một chữ đích đáng, lần ông luận về quan niệm nhân cách
của người Việt qua một chữ hẳn hoi, hay lần ông tranh luận với một cây bút hải
ngoại xung quanh chữ moment trong tiếng Anh… Nhiều trường hợp, ông đưa ra những
đối chọi chữ nghĩa khiến chúng cũng ánh lên những tia sáng triết luận triết lí
bất ngờ nào đó. Ví như ông xem phê bình là làm sáng giá và sang giá cho những
sáng tạo văn học, hay ông chọi chữ có và là như một cách đối lập giữa danh và
thực, vốn là một mâu thuẫn phổ biến trong cõi người ta. “Một mâu thuẫn oái oăm
trong “cõi người ta”- ông viết - là mâu thuẫn giữa “có” và “là”. Có thể có vợ,
nhưng không là một người chồng, có thể có con nhưng không là một người cha, có
thể có học hàm nhưng không là một người thầy, có thể có học vị, nhưng không là
một trí thức,… có thể có tất cả nhưng không là gì cả”. Có thể nói năng lực ngôn
ngữ của một nhà văn đã giúp ông diễn đạt sắc bén những suy tư triết lí của một
nhà triết luận. Và có thể thấy lối phân lập ráo riết kia trong từ ngữ của ông
là khá bén nhạy và nhuần nhuyễn, nó đã thực sự trở thành một nét thuộc phong cách
triết luận của ông. Dù không khỏi có lúc cực đoan, nhưng bao giờ sự phân lập ấy
cũng gây hứng thú và có khả năng truyền cảm hứng tư duy cho người đọc, thậm chí
có lúc đã thực sự gây sốc. Không phải vô cớ mà người ta đã xem Hoàng Ngọc Hiến
là người khơi mào, gây hứng thú tranh luận, đối thoại cho người khác hơn là
người nói lời kết luận cho các vấn đề.
*
Hoàng Ngọc Hiến là một người uyên bác mà trẻ trung, là người nhất quán mà
năng động, là người thâm thúy mà rất đỗi hồn nhiên… Hình như tuổi tác cứ biến
ông thành người già, nhưng tinh thần và tư duy của ông không bao giờ chịu già.
Ai gần ông đều thấy cái vẻ lão hóa trong cơ thể muốn biến ông thành người già
nua. Nhưng cái tinh thần trẻ trung và tích cực trong ông luôn cưỡng lại. Cái
run run của tay chân, cái rè rè của giọng nói cứ muốn phanh ông lại, nhưng tư
duy đầy chất trẻ trong ông lại luôn dấn ga để tạo nên một chất sống băng về
phía trước, muốn vượt siêu cầu trường của trì trệ. Có lẽ ít ai ở vào tuổi ấy
vẫn còn say sưa với mọi công nghệ hiện đại, mọi phương tiện tối tân để cập nhật
tri thức nhân loại một cách hiệu quả như vậy. Ít ai vào tuổi ấy vẫn say sưa với
những dự án dài hơi về tri thức về nghiên cứu và đào tạo như vậy. Ít ai vào
tuổi ấy vẫn còn chơi với những người trẻ thoải mái hồn nhiên như vậy. Hồn
nhiên, luôn đổi mới mình, luôn muốn người khác cùng đổi mới, luôn muốn cuộc đời
đổi mới, có phải đó là những phẩm chất hiển nhiên của một người thực sự có cốt
cách triết nhân ?
Trong sự nghiệp của ông, người ta luôn thấy triết học ẩn dật trong văn học
và văn học sóng sánh cùng triết học. Nó là sự nghiệp “hai trong một” của một
văn nhân - triết nhân.
Dù cảm nhận của tôi được ông chia sẻ và tâm đắc, nhưng tôi luôn nghĩ ông
vẫn là một giá trị lớn mà hôm nay chưa dễ gì hiểu hết được.
Hà Nội, 2010
Lời thêm:
Do một linh tính nào đó mà tôi đã ép mình kịp hoàn thành bài viết này để
gửi ông trước khi đi một chuyến công tác đặc biệt phải cách biệt hoàn toàn với
bên ngoài. Và, may thay, ông đã kịp đọc nó ba ngày trước khi lên bàn mổ. Nếu
không, hẳn là tôi phải ân hận suốt đời. Theo nhà văn Văn Giá, thì có thể nó là
bản thảo cuối cùng ông đọc được trước lúc vào viện. Đến ngày được ra khỏi chốn
cách biệt đó, tôi đến viện thăm ông thì ông đã hôn mê sâu rồi. Thật oái oăm !
Trong bài viết, khi nói đến tâm huyết của ông đối với sự nghiệp nghiên cứu minh
triết Việt, tôi có một lời: “Cầu mong cho ông luôn đủ sức khỏe để tiếp tục theo
đuổi sự nghiệp cao quí này và truyền cảm hứng cho những người đi sau”. Khi viết
thế, tôi vẫn đinh ninh tuổi ông tuy đã cao, nhưng sức ông cũng chưa đến nỗi
nào. Đâu ngờ, trọng bệnh đã đem ông đi vĩnh viễn mất rồi !
Biết bao giờ cuộc đời mới lại có được một Hoàng Ngọc Hiến nữa đây !
Nguồn: vanvn.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét