Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Sự gắn bó của các câu thơ trong thơ Đường luật

      
   



Thơ Đường luật vốn là một thể thơ rất chặt chẽ nghiêm nhặt. Nó quy định số câu cụ thể trong từng bài: hoặc là bát cú (tám câu) hoặc là tứ tuyệt ( bốn câu). Nó còn quy định chữ nào trong câu bắt buộc phải là thanh bằng, chữ nào trong câu bắt buộc phải là thanh trắc. Cụ thể được đúc kết trong câu “Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh” nghĩa là các chữ thứ hai, thứ tư, thứ sáu bắt buộc phải theo luật, còn các chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm thì có thể linh động tùy ý. Nó còn quy định nhiệm vụ cụ thể cho từng cặp câu nữa. Hai câu đầu gọi là hai câu đề phải nêu ra chủ đề của bài thơ. Hai câu ba và bốn là hai câu thực phải đi vào cụ thể hóa chủ đề ấy. Tiếp đến hai câu năm và sáu gọi là hai câu luận mới bình luận vấn đề và hai câu cuối cùng phải gói lại vấn đề.
Chẳng hạn như bài Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến thì ờ hai câu đề Nguyễn Khuyến đã giới thiệu tông thể về ông tiến sĩ giấy: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai; Cũng gọi ông nghè có kém ai” . Qua cách giới thiệu của Nguyễn Khuyến người đọc hiểu rằng về mặt hình thức và danh nghĩa ông Tiến sĩ giấy này chả khác gì những ông tiến sĩ thật ở ngoài đời bằng xương bằng thịt.
Đến hai câu thực Nguyễn Khuyến mới đi vào nói cụ thể thực chất của ông Tiến sĩ giây: “Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng; Nét son điểm rõ mặt văn khôi”.Vậy là cái “thân giáp bảng”, cái “mặt văn khôi” của cái ông tiến sĩ này chỉ được làm bằng giấy, được vẽ bằng son chứ không có thực chất gì là tài danh cả.
Đến hai câu luận Nguyễn Khuyến mới cầm cái ông Tiến sĩ giấy ấy lên tay mà cân nhắc đánh giá (bình luận): “Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ; Cái giá khoa danh ấy mới hời”. Cái “nhẹ”, cái “hời” là những chữ hết sức chính xác để nói lên cái giá trị rẻ bùn của ông Tiến sĩ giấy này.
Đến hai câu kết Nguyễn Khuyến cũng gói lại hình ảnh ông Tiến sĩ giấy rất chính xác và tài tình: “Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe; Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Đọc xong bài thơ ai cũng nhìn thấy hình ảnh một ông Tiến sĩ giấy thường được bán vào dịp tết Trung thu làm đồ chơi cho con trẻ, lại vừa hiểu ngay được ngầm ý của tác giả muốn mượn hình ảnh của ông Tiến sĩ giấy để chửi thẳng thừng, chửi vỗ mặt vào những ông Tiến sĩ rởm bất tài, vô dụng mua danh bằng tiền thời bấy giờ. Có điều là Nguyễn Khuyến không thể ngờ sau ông hàng trăm năm, vấn đề ông nêu ra trong bài Tiến sĩ giấy lại thành khá phổ biến trong đời sống hiện tại…?
Chặt chẽ nghiêm nhặt như vậy nhưng vẫn tự nhiên sinh động cụ thể chính xác như nó vốn có trong đời thực. Nhưng để có được những câu thơ tự nhiên và gắn bó với nhau như thế góp tạo ra một bức tranh tổng thể lại không dễ. Nhiều khi còn phải có cơ duyên mới tìm gặp được. Tôi xin kể một giai thoại văn học để làm rõ việc này. Đó là câu chuyện xung quanh việc sáng tác bài thơ vô cùng  nổi tiếng Phong Kiều dạ bạc của nhà thơ Trương Kế. Lần ấy Trương Kế đi thi tiến sĩ nhưng không đậu.  Khi trở về đến bến Phong Kiều ngoài thành Cô Tô thì trời tối. Ông phải nghỉ lại ở đây. Trong lòng buồn bã tức cảnh sinh tình tự nhiên nảy ra mấy câu thơ:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô thành ngoại Hàn Sơn tự…
(Trăng lặn quạ kêu sương đầy trời
Gió trên sông, lửa thuyền chài với giấc ngủ buồn
Bên ngoài thành cô tô có chùa Hàn Sơn…)
Nhưng đến đây thì mạch thơ bỗng tịt không thể nghĩ ra được câu kết. Trương Kế cứ nằm trong thuyền trằn trọc mãi mà không sao tìm được một câu thơ phải có.
Cùng lúc đó nhà sư trụ trì trên chùa Hàn Sơn thấy trăng thượng huyền đang lặn phía trời tây cũng tự nhiên nảy ra hai câu thơ:
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung…?
(Mồng ba mồng bốn trăng mờ ảo
Nửa như lưỡi câu bạc nửa như cánh cung)
Rồi cũng không sao nghĩ tiếp được hai câu nữa. Nhà sư đành vào chùa khép cửa đi nằm. Nằm vậy thôi chứ đàu óc vẫn suy nghĩ tiếp về bài thơ dang dở. Bỗng chú tiểu lên gõ cửa xin được gặp để nhờ một việc. Thì ra chú tiểu cũng vừa nghĩ ra hai câu thơ:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không…?
(Một mặt nước hồ như ngọc phân ra làm hai đoạn
Một nửa chìm dưới mặt nước, một nửa treo ở trên trời)
Rồi cũng tắc tị không làm được mới định lên nhờ thầy gợi ý để viết tiếp.
Nghe xong hai câu thơ của chú tiểu nhà sư vô cùng mừng rỡ bởi thấy đó chính là hai câu thơ mình đang cần tìm. Thế là nhà sư và chú tiểu đã đồng tác nên một bài thơ tuyệt phẩm:
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lương đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không
Trần Trọng San dịch:
Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không.
Lúc đó đã vào khoảng giữa đêm, nhà sư cao hứng bèn sai chú tiểu cho
gióng một hồi chuông ngoại lệ để cám ơn Trời Phật đã ngầm xui khiến để hai thày trò ông cùng hoàn thành một bài thơ. Không ngờ chính cái hồi chuông ngoại lệ vào lúc nửa đêm ấy lại vọng đến thuyền của Trương Kế còn đang thao thức với bài thơ chưa hoàn thành. Nghe hồi chuông ấy thì Trương Kế đọc ngay ra câu kết: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyến” (Nửa đêm tiếng chuông vọng đến khách thuyền)
Toàn văn bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương kế hoàn thành như sau:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Bài thơ này có nhiều người dịch, nhưng tôi thích nhất là bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh dưới đây: *
Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

* Bản này nhiều người vẫn nhầm lẫn với bản của Tản Đà như sau:
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Gần đây phong trào sáng tác thơ Đường luật rất rầm rộ. Tín đồ của thể thơ này ngày càng đông vì những người làm thơ Đường dường như đang được xem trọng hơn trong các CLB. Ngoài những yêu cầu cơ bản của thể loại được hình thành từ thời Đường, còn thấy thêm đủ loại kiểu cách và quy định chặt chẽ thêm nhiều. Theo đó thì nhiều bài thơ thuộc hàng kinh điển, mẫu mực của thơ Đường luật của người xưa cũng đều vi phạm cả. Nhưng trong thực tế sáng tác họ lại viết rất bừa bạt, phần lớn là bất cập, rất thiếu tự nhiên gắn bó và trong sáng.


15/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...