Trần
Quý Nha 2
2. THƯỢNG THƯ NGHIÊM SƠN HẦU
NGUYỄN DOÃN KHÂM
Ông người xã Kiệt Đặc, huyện Chí
Linh, lúc nhỏ ông không được học, chỉ chuyên làm nghề nông.
Bấy giờ lỵ sở của ty Thừa chính sứ xứ Hải Dương đóng ở Phao Sơn, con đường về tỉnh
phải đi qua làng Kiệt Đặc. Một buổi ông đang cày ở ruộng, có một quan nhân đi
qua, có lính dẹp đường. Ông tránh xa, nhưng không biết là quan gì. Ông hỏi người
ta rằng:
-Người ấy là hạng nhân vật gì mà
hách dịch thế?
Mọi người bảo: đấy là quan Thừa
ty. Ông lại hỏi:
-Làm thế nào mà được chức ấy?
Mọi người bảo đi học thì được
làm. Ông nói:
-Thế thì ta phải đi học chứ không
đi cày nữa.
Ông bèn theo thầy học tập, rồi đỗ
Đệ nhị giáp Tiến sĩ, đứng trên Đồng Hãng.
Tương truyền tay ông dài quá đầu
gối, có sức khỏe và rất giỏi về nghề đánh vật, dẫu thị vệ, lực sĩ cũng không địch
nổi. Trong khi ông đang làm Đô Ngự sử, nhân ngày tết Nguyên đán, ông về chơi
nhà. Khi đi qua làng Giao Tất huyện Gia Lâm, gặp lúc làng ấy đang mở hội đánh vật.
Một lực sĩ giữ giải nhất đã ba ngày rồi, mà không có ai dám địch nổi. Ông nghe
nói, bèn dừng xe lại, sai người nhà đi mua một con cá chép lớn và một mâm bánh
đúc đem về ăn hết không thừa một tí nào. Ăn xong, ông cười nói rằng:
-Tên kia không khiêng nổi cái bụng
của ta, lại còn dám đấu sức ư?
Rồi ông lấy khố của người theo hầu
đóng vào, và đến xin vật. Lực sĩ giận lắm, định bụng đánh chết ông. Ông vừa vào
keo thứ nhất, thì xách ngay lực sĩ vất ra ngoài róng, làm cho lực sĩ trở tay
không kịp. Ông nói to lên rằng:
-Ta là Đô Ngự sử đài Nghiêm Sơn hầu.
Rồi lên xe đi ngay. Dân làng đem
giải thưởng chạy theo để tặng ông, nhưng ông không lấy và cho lại lực sĩ.
Sau ông làm đến Thượng thư. Khi
nhà Mạc mất, ông đến sống yên ở núi Huyền Đinh, khi ông đã ngoài 70 tuổi.
Quốc triều trung hưng, triệu ông ra làm quan. Ông lấy
búa bổ vỡ đầu gối thác bệnh không ra. Ông thọ ngoài 80 tuổi mới mất.
3. HOÀNG GIÁP ĐỒNG HÃNG
Ông quê ở xã Triều Dương, huyện
Chí Linh. Thủa bé, người ta gọi ông là thần đồng. Nhưng tính ông phóng túng,
không chịu khuôn phép. Năm ông 14 tuổi, nhà Thái học ra bài phú Trùng tu Quốc
tử giám cho học trò làm. Ông làm một lúc hai bài. Các khảo quan đều cho vào
ưu hạng và hỏi ông vì cớ gì làm hai bài. Ông thưa rằng:
-Vì đầu bài có chữ “trùng”.
Tính khí ông ngang tàng đại loại
như thế.
Ngày trước, trị sở của Thừa ty xứ
Hải Dương ở địa phận xã Triều Dương. Một buổi, ông vào công đường đánh ba hồi
trống. Các viên chức ở ty Thừa chính xứ tưởng có việc quan, đều đội mũ, mặc áo
đến họp. Họ thấy ông, hỏi vì cớ gì mà đánh trống, ông thư rằng:
-Hàn sĩ đến xin ăn. Nhưng sợ
không đạt đến tai các ngài, nên phải đánh trống để liệt vị quý nha đến cả công
đường thì dễ xin, chứ không có việc gì khác.
Viên Thừa ty nói:
-Anh là học trò, hay chúng tôi ra
cho anh một bài thơ, anh làm được hay, thì chúng tôi sẽ cho anh tiền gạo.
Ông xin ra một trăm bài để làm một
thể, chứ một bài không bõ làm. Viên Thừa chính xứ cùng ba viên chức trong Thừa
ty hội nhau ra đầu bài. Bài nào ông cũng cầm bút viết ngay, về sau ra đầu bài
không kịp. Một lúc làm xong một trăm bài thơ lời lẽ ý tứ rất hay, các viên chức
Thừa ty đều lấy làm thán phục, bèn tư cấp cho ông 5 quan tiền và một thúng to gạo.
Gần đây, Trăm bài thơ ấy vẫn còn. Sau vì loạn lạc mất cả, thực là đáng tiếc.
Tương truyền nhà ông nghèo. Một
người hào phú trong làng gả con gái cho ông và cho ông ở gửi rể. Ông bèn học tập
chăm chỉ, thường tự phụ thừa tài đỗ đầu thiên hạ. Mà đời bấy giờ cũng có câu rằng:
“Chí Linh Trạng Bảng, phi Hãng tắc Trĩ” nghĩa là: “ Trạng nguyên và Bảng nhãn ở
huyện Chí Linh chẳng phải là ông Hãng thì làông Trĩ”. Vì người bấy giờ đều cho
là ông học giỏi hơn ông Trĩ nhưng sau ông không được đỗ Trạng mà ông Trĩ lại được
đỗ Trạng không đúng như lời đồn đại.
Khoa trước, ông tin chắc thế nào
cũng đỗ. Hôm đóng quyển thi, ông xin bố vợ giết con trâu và bảo dân làng sắm sửa
cán xe làm cờ để đón rước ân mệnh.
Vào kỳ đệ nhất, ông viết kiêm tự
năm kinh. đầu bài Kinh Thi ra rằng: “Doanh doanh thanh dăng, chỉ vu cức chương”.
ông không hiểu chú giải ở chương ấy, bài không làm bài nữa, bỏ thi đi ra. Bên cạnh
có một ông đồ già lấy làm lạ hỏi ông. Ông cứ thực nói. Ông đồ ấy bảo rằng: nếu
ông ra thì còn ai thi? Tôi tuy già nua lẩm cẩm, nhưng vẫn nhớ được cả chương ấy
và xin ông cố ở lại làm bài.
Ông phủi áo nói rằng:
-Có lẽ nào người đỗ đầu thiên hạ
mà lại học mót kẻ khác ư?
Nói xong ông ra ngay. Ra khỏi trường
ông bảo:
-Không ngờ bọn họ ra đầu bài hiểm
hóc, để ta học thêm ba năm nữa, tha hồ cho họ muốn ra đầu bài gì thì ra.
Đến khoa sau, hôm đóng quyển thi
ông lại xin bố vợ giết trâu như khoa trước. Bố vợ ông bảo ông rằng:
-Ta đối với anh, thực không tiếc
cái gì, nhưng vì khoa trước giết trâu mà bị trượt. Khoa này lại giết, chả bõ để
người ta cười cho.
Ông nói nếu không giết trâu thì
ông nhất định không đi thi. Rồi ông sang xã Lôi Đồng đang đêm vào một nhà ghẹo
vợ người ta, bị chủ nhà bắt giữ lại. Bố vợ ông phải đem 60 quan để chuộc ông về
và bất đắc dĩ phải giết một con bò cái. Vào kỳ đệ nhất, ông huyênh hoang nói rằng:
-Nếu quan trường ra được đầu bài
để Đồng Hãng phải quên thì mới là tay giỏi. Quả nhiên Khoa ấy ông đỗ Hoàng
giáp. Ông tuy học giỏi nhưng kiêu ngạo nên bị người đời bấy giờ chán ghét. Vào
thi Đình, bài ông đáng đỗ Đệ nhất giáp, nhưng bị truất xuống Đệ nhị giáp, ông rất
lấy làm phẫn uất. Hôm về vinh quy, ngựa xe võng lọng ông không đi, mà đi bộ. Đến
sông Triều Dương nước chảy mạnh, ông cũng lội qua chứ chẳng ngồi đò, lấy việc ấy
làm cái hận chung thân.
Em ông là Đồng Đắc tài không bằng
ông, mà học cũng kém cỏi. Một hôm, vợ Đắc ngồi cùng một chiếu với vợ ông. Bố chồng
trông thấy bảo vợ Đắc rằng:
-Chồng nó là Tiến sĩ, chồng mày
là Tú tài, sao mày lại dám ngồi cùng chiếu với nó. Từ nay trở đi, không được ngồi
như thế nữa. Vợ Đắc lấy làm phẫn uất lắm, về bảo chồng rằng:
-Nếu chàng không đỗ được Tiến sĩ,
thì thiếp không làm vợ chàng nữa.
Một hôm, Đắc nhân lúc rỗi hỏi ông
rằng:
-Em có thể học được không?
Ông nói:
-Tiến sĩ như anh thì ít có, còn
thì đều làng nhàng như chú cả, có khó gì mà chả học được.
Đắc bèn chăm chỉ học tập rồi đỗ
Tiến sĩ, cũng được hiển quý như ông. Đó là do vợ khích lệ mà được thành danh.
Tác phẩm của ông rất nhiều, nhưng
hiện chỉ còn hai bài phú Trùng tu Quốc tử giám, còn thì đều mất cả.
4. ĐÔNG CÁC NGUYỄN XUÂN QUANG
Ông người xã Đột Lĩnh huyện Chí
Linh. Ông đặc biệt tối dạ, nhưng rất chăm học. Ông học cả ngày cả đêm, không
nghỉ lúc nào. Tiếng ông thô và to, hàng xóm nghe thấy đều phải bịt tai chê cười.
Nhà ông có một vườn cau. Mỗi khi ngồi đọc sách, ông thường vừa đọc vừa gõ vào
thân cây cau, nên cây nào cũng bị khô héo.
Chị ông thấy ông vất vả, có lòng
thương và bảo ông rằng:
-Đất sỏi làm gì có chạch, việc gì
mày tự làm khổ như thế.
Việc từ trước đến giờ làng ấy
chưa có ai đỗ đạt hiển quý, cho nên chị ông lấy câu “đất sỏi không có chạch” để
chế riễu ông. Nhưng ông cứ học. Lâu ngày biến hóa khí chất, bèn trở nên một
danh sĩ.
Khoa Kỷ Mùi (1559), niên hiệu
Quang Bảo đời Mạc Phúc Nguyên, ông đỗ Tiến sĩ, lại đỗ luôn khoa Đông các. Hôm
vinh quy, ông làm cỗ khoản đãi chị. Ông để con chạch lớn ở trên mâm và bảo chị
rằng:
-Đất sỏi vốn không có chạch.
Nhưng nếu có, thì phải to như thế đấy!
Rồi cả nhà cùng nhau vui cười.
Ôi! Hữu chí cánh thành, tức là
ông vậy. Tương truyền bài phú Thư trung túc (thóc trong sách) là của ông
làm ra. Còn các tác phẩm khác đều không thấy truyền.
6/8/2012
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm, giới thiệu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét