Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Điểm diện 35: Nam Cao





35. Nam Cao
     (1917-1951)

Anh còn đôi mắt ngây thơ
Sống mòn sao vẫn đợi chờ tương lai
Thương cho Thị Nở ngày nay
Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo.
                                       Xuân Sách


-Chí Phèo: truyện ngăn 1941
-Sống mòn: tiểu thuyết 1944
-Đôi mắt: truyện ngắn 1948


Bài tham khảo

Vũ Bằng viết về Nam Cao
                                              Lê Hoài Nam
Trong bài Nam Cao: Nhà văn không biết khóc, in trên tờ Văn học số 95, ra ngày 15 tháng 10 tại Sài Gòn, văn Vũ Bằng đã viết “...Nhắc đến Nam Cao, bây giờ tôi có tiếc điều gì, ấy là tiếc đã không biết Nam Cao sớm hơn một chút...”

       Vũ Bằng

Sở dĩ Vũ Bằng có niềm tiếc như thế là bởi Vũ Bằng nhận ra khi gõ cửa làng văn, Nam Cao gặp không ít những trở ngại.
Vũ Bằng kể: “Ngay lúc Tiểu thuyết thứ bảy ra khổ lớn, Nam Cao đã có viết mấy truyện gửi về nhà báo, nhưng toà soạn cũ không đăng, tôi quả quyết không phải là vì vấn đề dìm nhau, đố kỵ nhau, nhưng có nhiều phần chắc chắn là vì vấn đề lười nhác hay không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện...”.
“...Không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện - là vì lúc đó Tiểu thuyết thứ bảy “ăn” về độc giả bình dân, đối tượng là đàn bà con gái, thích đọc truyện ướt át, lâm ly một chút mà ly kỳ một chút, chớ những truyện “tây” quá nghĩa là khô khan, không có thương nhớ, không “khóc được ”thì không “ăn tiền”.
Bởi vì nguyên tắc lựa truyện để được đăng tải đã được ấn định như thế, cho nên thí dụ thư ký toà soạn có đọc một truyện ngắn như loại truyện của Nam Cao thì Nam Cao cũng ít hy vọng được lưu ý và truyện của anh chưa chắc đã được may mắn đăng trên mặt báo...”.
Tuy nhiên,với một ngòi bút như Nam Cao thì người ta đâu có thờ ơ, ghẻ lạnh mãi được!
Vũ Bằng viết tiếp: “...Một sự ngẫu nhiên: Ngọc Giao có ý định muốn đi Nam để kinh doanh với một người bạn nhập cảng sắt cũ, ông Vũ Đình Long (chủ bút Tiểu thuyết thứ bảy - LHN chú thích) có nhã ý bảo tôi làm thư ký toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy khổ lớn.
Bao nhiêu những bài lai cảo chất đống ở toà soạn, tôi khuân cả về nhà. Tình cờ một buổi chiều xấu trời, không đi chơi tếu được, tôi rút một vài bài ra coi thì trong số đó có một truyện của Nam Cao.
Chỉ đọc độ nửa trang đầu, tôi đã cảm thấy một truyện “đăng được”, đọc xong thì tôi bị Nam Cao cám dỗ. Ngay buổi tối hôm đó, tôi hì hụi dở hết cả chồng bài cũ ra kiểm thì thấy Nam Cao còn có hai truyện nữa (Trong đó có truyện người say rượu ngã ra như một cái bóng). 
Tôi đọc luôn một hơi và ngay sáng hôm sau, tôi sửa qua vài chữ, vẽ maket, đặt truyện của Nam Cao lên trang nhất, kèm một cái sa-pô giới thiệu một văn tài mới...”.
Đọc đến đây và căn cứ vào tài liệu, chúng ta đã biết Vũ Bằng đang nói đến truyện Đôi lứa xứng đôi, hay Cái lò gạch cũ mà sau này đổi thành truyện Chí Phèo nổi tiếng.
Vũ Bằng kể tiếp:
“...Sau khi đăng được mươi truyện của anh ở trên mặt tờ Tiểu thuyết thứ bảy rồi, tôi mới biết Nam Cao bằng da bằng thịt. Anh đi thẳng vào nhà tôi ấp úng tự giới thiệu. Cảm giác đầu tiên của tôi sau buổi gặp gỡ này là Nam Cao là một người hiền lành,chân thật và nhũn nhặn...”.
“...Lúc đó Nam Cao độ hai mươi ba hai mươi bốn tuổi, nhưng nếu bảo là anh ba mươi lăm ba mươi sáu cũng có thể được vì anh có vẻ già trước tuổi, không ngây thơ, bụ bẫm như Tô Hoài...”.
Hình dáng Nam Cao qua ngòi bút mô tả của Vũ Bằng  rất gợi, rất chuẩn:
“...mặt dài, má hơi hóp, da đúng như màu dâu, nhưng mỗi khi nói một câu chuyện gì với ai thì ửng đỏ lên đủ để cho người ta thấy là anh thẹn. Tay chân anh dài lêu nghêu, lúc đi thì hơi đẩy cái đầu về phía trước.
Có ai đi bát ở các đường Tự Do Sài Gòn hay Đồng Khánh Chợ Lớn, vô công rồi nghề,nhìn vào các cửa hàng, đã thấy các con cò máy từ từ ngửng đầu lên rồi lại từ từ cúi xuống để mổ vào một chén nước không? Ấy đấy, Nam Cao đi đứng cũng từa tựa như con cò máy ấy...”.
Vũ Bằng mô tả tiếp:
‘’...Anh có vẻ tính toán từng cử động, thỉnh thoảng lại đưa tay lên vuốt lại mấy cái tóc xõa xuống mang tai.Đầu anh không bù theo kiểu Tô Hoài, mà cũng chẳng như Nguyễn Tuân, nhưng bờm vì thường thường tóc dài quá, có khi phủ cả gáy và che mất cả tai.
Tội nghiệp, đừng có ai tưởng anh để tóc kiểu hippy, tóc anh dài quá chỉ là vì anh lười hớt, mà nguyên nhân do lười hớt mười lần thì chín là vì không có tiền.
Mùa rét chỉ có trần một bộ màu đen sọc đỏ lợt, giầy không há mõm nhưng lúc nào cũng đầy bùn. Có lẽ tại vì từ nhà anh lên Hà Nội phải đi qua nhiều quãng đường đê lầy lội, mà anh lại là một tay ‘’kiết” không thèm mượn trẻ con đánh giầy - ‘’Cái tiền đánh giầy để dành cho con ăn quà còn thú hơn ‘’.
Ngày một ngày hai, đi sâu với Nam Cao hơn, tôi biết anh là một nhà văn nghèo túng còn hơn cả Vũ Trọng Phụng...’’.
Nghèo thế, nhưng Nam Cao không một lần để mất tư thế, làm nhoè nhân cách.
Vũ Bằng mô tả nhân cách Nam Cao như sau: ‘’...Trong suốt cả một thời kỳ đi lại thân mật với nhau, anh không cho tôi biết anh có mấy con cả thảy, nhưng anh đã nói như thế này: ’’Nhà thì nghèo chật, nền nhà thì là đất nện, mưa thì dơ, nắng thì bụi, mà một lũ con như dessins animée (phim hoạt hình - LHN chú thích) oánh nhau chí choé cả ngày... Không cố viết mà kiếm tiền nuôi chúng thì làm thế nào được hở anh \?’’.
Bắt đầu viết Tiểu thuyết thứ bảy, Nam Cao được mười lăm đồng một tháng; sau đó hình như tăng lên được hai mươi hay hai mươi lăm đồng.
Hình như Nam Cao cho như thế là tạm đủ. Ngô Hoan, Ngọc Giao, Thâm Tâm thường tỏ vẻ uất ức là bị bóc lột, riêng Nam Cao không thấy phàn nàn bao giờ về tiền nong...’’.
‘’...Hỏi ra thì trước khi viết báo như thế, tất cả sự sinh sống của gia đình anh dựa trên một giàn trầu. Cứ đến phiên chợ thì bà anh lại hái trầu đem bán. Nhưng bán trầu mà sống được cả nhà ư?
Tôi băn khoăn tự hỏi như thế nhiều lần, nhưng không tài nào biết được Nam Cao đã làm cách nào để sống dù là sống khổ ở một cái làng hẻo lánh nhất, nghèo khổ nhất tại một miền quê xa xôi nhất thành Nam. Nam Cao không hề cho ai biết sự thật trầm hùng đó...’’.
Nhận xét về giá trị tác phẩm của Nam Cao, Vũ Bằng viết: ‘’...Đặc điểm của Nam Cao theo tôi là ở sự giản dị chân phương. Cũng như người anh,văn anh không cầu kỳ, nhưng ’’đánh phát nào trúng phát ấy”, đi sâu vào tâm hồn người ta...’’.
Một lần tâm sự với Vũ Bằng, Nam Cao cũng nói về quan niệm sáng tác của mình: - Tôi quan niệm cuộc đời giản dị lắm.đời không có nhiêu khê như người ta vẫn viết trong tiểu thuyết trữ tình. Đói thì ăn, khát thì uống. Tôi thấy thế nào cứ viết in như thế, không thêm bớt. Thế cũng đủ rồi, lọ là phải bầy đặt thêm ra làm gì.
Đây là một quan niệm hầu như đã quán xuyến toàn bộ đời văn của Nam Cao. Những chuyện buồn tủi, trớ trêu của cuộc đời giáo Thứ (Sống mòn), Điền (Giăng sáng), Hộ (Đời thừa) đều được chắt ra từ chuyện của cuộc đời của chính nhà văn.
Còn những Thị Nở, Bá Kiến, Binh Chức, Lão Hạc, Dì Hảo, Lang Rận, Trạch Văn Đoành... đều là những mẫu người thật ở cái làng Đại Hoàng nghèo, heo hút bên bờ sông Châu Giang, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn. Những tác phẩm đặc sắc nhất, căn cốt nhất làm nên tên tuổi, sự nghiệp của Nam Cao đều lấy bối cảnh, mẫu nhân vật trong cái làng Đại Hoàng ấy.
Nét đặc sắc nữa: Nam Cao ngồi ngay trong ngôi nhà gỗ ba gian hai chái, lợp mái rạ trong khu vườn chuối cạnh dòng sông Châu Giang mà viết. Ông viết trong âm thầm, thậm chí trong sự dửng dưng, ghẻ lạnh của người đời…
Vũ Bằng từng in tới hàng chục tập tiểu thuyết, truyện dài,truyện ngắn, tiểu luận, nhưng sở trường của ông vẫn là bút ký-tuỳ bút. Vị trí nhà văn của ông chẳng kém Nam Cao là mấy.
Tác phẩm ký Thương nhớ mười hai đặc sắc của ông có thể xếp ngang hàng với những tiểu thuyết,tập truyện đầu bảng của văn chương hiện đại Việt Nam.
Mặc dù có công phát hiện và làm ‘’bà đỡ mát tay’’ cho Nam Cao nhưng Vũ Băng không ứng xử với Nam Cao theo kiểu kẻ cả, ban ơn; trái lại,ông có thái độ bình đẳng, thân tình của những người đồng nghiệp với nhau và khi Nam Cao nổi tiếng ông còn công khai bộc lộ sự ngưỡng vọng, thèm khát muốn được như Nam Cao.
Ông viết: ‘’...Riêng tôi, được biết thêm Nam Cao, tôi rất lấy làm hãnh diện. Mỗi khi có bài của anh gửi về, tôi chưa đọc mà đã tin chắc là hay. Quả nhiên như thế: văn Nam Cao mỗi ngày viết mỗi chắc chắn và sâu sắc hơn lên.
Chừng một năm sau tôi thú thực là tôi đã buồn se sắt một thời gian vì tôi biết rằng Nam Cao còn tiến, và vẫn tiến, chắc chắn tôi không thể nào theo kịp...’’.
‘’...Thực tình như thế, bởi vì tôi thấy Nam Cao nổi lên dữ quá, văn anh hay quá, nhiều khi đọc xong một truyện của anh tôi lấy làm ‘’quái lạ’’ sao người ta lại có thể lẩm cẩm và tài tình như thế, sao lại có thể chọn lựa những hình ảnh, những danh từ ‘’mả’’ thế, sao lại có thể tạo nên một truyện giản dị mà lạ lùng đến thế...’’.
Về đời tư và những cá tính có liên quan đến văn chương Nam Cao, Vũ Bằng viết :
‘’...Nhân lúc ngà ngà (Nam Cao bị ép uống rượu chứ thực ra ông không biết uống-LHN chú thích) có một anh gạ chuyện thì biết thêm từ thủa bé anh không quen biết một người đàn bà nào khác, ngoài vợ ra.
Bảo là thực thà, người ta có thể nói Nam Cao là người thực thà, chân chỉ hạt bột nhất trong các văn nhân tiền chiến. Bây giờ trong các khách thính, trong các cuộc họp báo hay trong các cuộc đối diện đàm lãm, một số người vẫn yên trí nhà văn nhà báo là những người hư hỏng,uống uýt ky, hút thuốc phiện, trai gái bậy bạ và cho như thế văn mới hay, ý mới lạ.
Một lần nữa tôi lại bật cười vì thấy họ lầm. Nam Cao không những không chơi bời, trai gái lãng mạn, mà lại còn là một người hiền lành, giá đi làm thầy để làm gương cho thanh thiếu niên thì hợp...’’.
Rồi Vũ Bằng còn so sánh Nam Cao với những nhà văn nước ngoài :
‘’...Tôi vốn là một người nhút nhát và có mặc cảm. Từ lúc bước chân hẳn vào nghề văn bút, không có một lúc nào tôi dám nghĩ rằng văn chương Âu Mỹ, đó là một nhược điểm tôi biết như thế nhưng không có cách gì thoát ly được, nhưng có một lúc tôi đã nghĩ rằng những hạng văn sĩ như Deuc Lucien, Tom Kromer, Selina Layerloff nhứt định không thể ăn đứt Nam Cao.
Về sau này vào đây (tức vào Sài Gòn-LHN chú thích) nghe thấy nói nhiều sách mới truyện mới, trong đó có truyện của Nam Cao, được dịch ra nhiều thứ tiếng để phổ biến đi các nước, tôi ngờ ngợ là có lẽ tôi đã nghĩ đúng mà có rất nhiều người ngoại quốc bây giờ đã có một quan niệm khác về văn nghệ Việt Nam.
Riêng về Nam Cao theo sự hiểu biết thiển cận của tôi thì quả tôi chưa thấy có một nhà văn nào ‘’dớ dẩn mà ăn người’’ như thế...’’.
Còn đây là đoạn Vũ Bằng viết về cảnh loạn ly, chia đàn xẻ nghé của anh em bạn hữu văn nghệ Việt Nam giai đoạn đó:
‘’...Thế rồi đến những ngày tao loạn, khói lửa bốc lên, anh em tản mát mỗi người một ngả. Tôi về ở một cái nhà cỏ ở đầm Linh Đường trên đường về Hà Nam. Phần đông những người tản cư về phía đó đều ghé qua nhà tôi, nên căn nhà ấy được coi là ‘’trạm nghỉ chân’’ của nhiều anh em văn nghệ.
Hầu hết những anh em làm việc cho ba tờ Tiểu thuyết thứ bảy,Truyền báPhổ thông bán nguyệt san đều làm công việc của những người biết suy nghĩ là bỏ thành theo kháng chiến ‘’xếp bút nghiên theo việc cung đao’’...
‘’...Chính trong thời kỳ này, tôi được tin Nam Cao làm bí thư cho tướng Nguyễn Sơn. Thế rồi thì thôi. Tôi làm báo kháng chiến, lê chân đi trên nhiều nẻo đường đất nước và gặp hầu hết các anh em cũ, nhưng không có một lần nào gặp Nam Cao.
Thì một ngày mưa phùn giá rét căm căm, tôi thấy Nam Cao tóc phủ mang tai, đội nón lá, đi dép Bình-Trị-Thiên lắc lư cái đầu bước vào căn nhà tôi tạm trú, như thể đã ra vào quen thuộc lắm rồi...’’.
Rồi Vũ Bằng mô tả cái đêm tri ân ấy như sau:’’..Chúng tôi toàn nói chuyện lăng nhăng, y như không hề xa cách nhau bao giờ cả. Phần tôi, cũng không hỏi xem có phải anh làm bí thư cho Nguyễn Sơn không, anh làm việc ở khu nào,gia đình anh có chạy và có mang theo giàn trầu đi không...’’.
‘’...Quá giấc ngủ,chúng tôi dậy cùng uống nước, tình cờ Nam Cao thấy bộ Tam Quốc của Phan Kế Bính dịch mà tôi mang theo, anh mang vào mùng đọc.
Đến lúc ấy tôi mới biết Nam Cao chưa hề đọc Tam Quốc bao giờ. Đoạn anh mở ra đọc nói về Tào Tháo giết Lã Bá Sá. Anh mê ngay. Chúng tôi chia nhau ra một người đọc một người nằm nghe; một người nằm nghe thì người kia đọc.
Quả tình tôi chưa thấy Nam Cao cười sung sướng như thế bao giờ, anh vỗ tay vào đùi bôm bốp và thỉnh thoảng lại muốn nói to lên,nhưng kịp thời nghĩ rằng mình không nên làm mất giấc ngủ của những người xung quanh, anh lại bịt chặt mồm lại, nói khe khẽ: “Thánh thật. Cái thằng Tào Tháo này thánh thật!”.
Về sau này,buổi nói chuyện và đọc Tam Quốc đêm hôm ấy, Nam Cao thuật lại trong một tạp chí, bài trang nhất “văn nghệ” của kháng chiến...”.(Ở đây, Vũ Bằng muốn nói đến truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao-LHN chú thích).
Cái đêm tưởng chỉ là chia ly ấy ngờ đâu lại là đêm biệt ly mãi mãi. Nam Cao sau đó đi theo đoàn thuế nông nghiệp, hy sinh tại Gia Viễn, Ninh Bình. Còn Vũ Bằng thì vào tận Sài Gòn tiếp tục nghề văn.
Vũ Bằng đã viết những điều tiếc nuối,thương đau ấy: “...Chỉ đau có một điều là những nhà văn cỡ Nam Cao chết đi giữa lúc chiến tranh sôi động thật là một thiệt thòi rất lớn cho riêng phe văn nghệ.
Nếu trời mà bỏ quên đi mà cho anh được sống đến pha trót của chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh hiện nay, ai tôi không dám biết chứ riêng tôi thì tôi yên trí anh sẽ hiến cho văn nghệ rất nhiều cái mắt thấy tai nghe “gia rít” có thể thi đua với ngày trước và Larteguy bây giờ...”
                                                                                      


Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Điểm diện 34: Ngô Tất Tố




34. Ngô Tất Tố
     (1893-1954)

Tài ba thằng mõ cỡ chuyên viên
Chia xôi chia thịt lại chia quyền
Việc làng việc nước là như vậy
Lộn xộn cho nên phải tắt đèn.
                            Xuân Sách


-Tắt đèn: tiểu thuyết 1937
-Việc làng: phóng sự 194o
-…

Bài tham khảo

Gia đình nhà văn Ngô Tất Tố bức xúc về quyền nhân thân
Vợ chồng con gái nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng sách “Lều chõng” và “Việc làng”, do NXB Hội nhà văn và Nhã Nam ấn hành, vi phạm quyền nhân thân. Trong khi đơn vị thực hiện phủ nhận cáo buộc này.
Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1894, mất năm 1954. Đến nay ông mất đã 60 năm, nên quyền tài sản của ông đối với các tác phẩm không còn (Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định 50 năm). Tuy nhiên, quyền nhân thân được bảo hộ vĩnh viễn. Quyền nhân thân cho phép tác giả: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác phẩm”.


Sách "Việc làng" do NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam phát hành năm 2014.


Tác phẩm Lều chõng xuất hiện lần đầu trên báo “Thời vụ” năm 1939, được Nhà xuất bản Mai Lĩnh in thành sách năm 1941. Còn Việc làng đăng lần đầu trên báo “Hà Nội tân văn”, được NXB Mai Lĩnh in thành sách năm 1940. Hai tác phẩm này được nhiều nhà xuất bản in lại nhiều lần. Gần đây, con gái nhà văn - bà Ngô Thị Thanh Lịch cùng chồng - ông Cao Đắc Điểm - lên tiếng về những bản in mà theo họ là bị cắt xén nhiều đoạn. Cụ thể, đó là hai bản Lều chõngViệc làng do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành năm 2014. Cả hai cuốn đều nằm trong bộ “Việt Nam danh tác” do Nhã Nam thực hiện.
Trong buổi gặp với phóng viên VnExpress chiều 15/12, ông Cao Đắc Điểm cung cấp nhiều tư liệu liên quan đến các bản in Lều chõngViệc làng. Theo ông, bản in Lều chõng 2014 của Nhã Nam đã cắt bỏ gần 1.000 chữ và dẫn sai nội dung ở gần 20 chỗ so với bản đăng trên “Thời vụ” năm 1939. Ví dụ, bản 2014 của Nhã Nam cắt bỏ các đoạn: “Cô Nghè Thúy ngồi võng trong lễ vinh quy” - 79 chữ; đoạn “Bói Kiều” - 90 chữ; đoạn “xử phạt tội trai gái của một nho sĩ” - 196 chữ; đoạn “làm bài thuê ngay tại trường thi" - 282 chữ... Còn bản in Việc làng của Nhã Nam đã cắt bỏ hai đoạn văn, một ở “Phần VI - Góc chiếu giữa đình” và đoạn khác ở “Phần XII - Một tiệc ăn vạ”. Số chữ bị cắt là 789 chữ. 
Đại diện gia đình nhà văn Ngô Tất Tố còn chỉ ra nhiều chỗ trong sách in sai từ và cụm từ. Ví dụ, “vặt diệt” in sai thành “vật diệc”, “tiêu trường hạ” in thành “tiêu tường hạ”, “đãi dạ lai” in thành “đáo dạ lai”. Ngoài ra, ông Cao Đắc Điểm cho rằng Nhã Nam đã quá lộng hành khi ghi lên bìa lót của sách Lều chõng Việc làng năm 2014 dòng chữ: “Ấn bản đã được bảo hộ. Mọi hình thức xuất bản, sao chụp, phân phối, dưới dạng in ấn hoặc văn bản điện tử, đặc biệt là việc phát tán trên mạng Internet mà không có sự cho phép văn bản của Nhà xuất bản là vi phạm pháp luật…”. 
Với những dẫn chứng đưa ra, ông Cao Đắc Điểm rất bức xúc khi cho rằng bản in 2014 của NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam đã vi phạm quyền nhân thân, được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ. 



Hai công trình khảo cứu, biên soạn của vợ chồng ông Cao Đắc Điểm đã được bảo hộ (trên) và bản photo báo Hà Nội tân văn.


Ông Cao Đắc Điểm cho biết thêm từ hơn 10 năm nay, ông và vợ đã thực hiện các công trình khảo cứu về văn bản nhằm khôi phục, giám định nguyên bản gốc và khảo cứu các sai lệch khi tái bản các tác phẩm của Ngô Tất Tố. Các công trình này đã chính thức đăng ký, được Cục bản quyền cấp chứng nhận “bản quyền tác giả biên soạn” và “quyền chủ sở hữu”. Tuy nhiên, khi NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam in sách đã không chịu tham khảo công trình khảo cứu của họ.
Trao đổi với phóng viên sáng 16/12, ông Vũ Hoàng Giang - Phó giám đốc công ty Nhã Nam - cho rằng họ không hề vi phạm quyền nhân thân của tác giả
Theo ông Giang, nhà xuất bản và nhóm thực hiện bộ sách “Việt Nam danh tác” đã ưu tiên in lại sách theo bản mà họ cho là bản in đầu tiên. Cụ thể, cuốn Lều chõng in theo bản của NXB Mai Lĩnh năm 1941, và Việc làng in theo bản của NXB Mai Lĩnh năm 1940. “Tôi nghĩ văn bản mà nhóm làm sách dựa vào là bản khả tín nhất. Ông Cao Đắc Điểm muốn nói bản nào giá trị hơn, thì có lẽ cũng cần phải đưa ra tư liệu cụ thể” - ông Giang nói. 

Các bản "Lều chõng" và "Việc làng" in năm 2014 của Nhã Nam (trên) và của NXB Mai Lĩnh (dưới)

.
Với ý kiến của ông Cao Đắc Điểm cho rằng Nhã Nam tự ý cắt bỏ nhiều chỗ, ông Giang nói: “Ấn bản Lều chõng Việc làng của Nhã Nam và NXB Hội nhà văn không tự ý cắt bỏ bất cứ đoạn văn nào so với hai bản in của NXB Mai Lĩnh. Nếu như ông Điểm so với bản in trên báo thì đó là quan điểm nghiên cứu riêng của ông, không thể coi là bắt buộc áp đặt cho cả giới nghiên cứu và xuất bản được”. 
Về các lỗi in sai từ, ông Giang cho biết: “Chúng tôi có biết ông Điểm thống kê những lỗi morat do quá trình biên tập và chế bản ở hai cuốn sách. Ông nêu ra sáu lỗi chính tả ở bản Việc làng và tám lỗi chính tả ở bản Lều chõng. Về mặt làm nghề mà nói, sai lỗi chính tả là điều mà không một đơn vị xuất bản nào mong muốn. Chúng tôi xin ghi nhận và sẽ kiểm tra lại và nếu đúng thì sẽ chỉnh sửa khi tái bản”.
Không đồng ý với ý kiến cho rằng nhóm làm sách đã lộng hành khi in dòng chữ trên bìa lót, ông Giang nói: “Dòng chữ ‘Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ…’ chỉ là một mẫu câu công thức, mà các đơn vị xuất bản trong và ngoài nước vẫn ghi, mang tinh thần thượng tôn pháp luật nói chung, để cảnh báo ngăn cản việc làm sách giả, sách lậu, in ấn và làm ebook trái phép… mà thôi. Đó chỉ là suy diễn do hiểu nhầm, chứ dòng ghi nhận bản quyền đó không hàm ý gì đến việc xác lập quyền sở hữu một tác phẩm cụ thể nào. Ai làm trong ngành xuất bản cũng đều rõ điều đó”. Đại diện Nhã Nam cho rằng phía gia đình nhà văn Ngô Tất Tố đã quá suy diễn đối với mẫu câu chuẩn mực này.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân là người đang nghiên cứu nhiều văn bản tác phẩm văn học cũ, đồng thời tham gia cộng tác và viết lời giới thiêu cho tác phẩm này. Ông khẳng định NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam không vi phạm quyền nhân thân của Ngô Tất Tố. Ông nói: “Khi làm sách người ta có quyền chọn văn bản. Bản thân văn bản đó như thế nào phụ thuộc vào trình độ ngành nghiên cứu văn bản của nước ta. Tôi biết người nhà Ngô Tất Tố có căn cứ vào một văn bản để khẳng định đó là toàn vẹn. Nhưng đó là một nghiên cứu riêng, giống như ý kiến của nhà chú giải này ở bên cạnh nhà chú giải khác, chúng đứng cạnh nhau chứ không có ai vi phạm ai”. 
Thạc sĩ Luật Sở hữu trí tuệ Điêu Ngọc Tuấn sau khi xem xét sự việc đã cho rằng: “chưa đủ cơ sở để khẳng định đơn vị làm sách có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả". "Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì việc sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả mới bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Ở đây chưa thấy Nhã Nam có hành vi này”. 
Ông Điêu Ngọc Tuấn phân tích trên ba luận điểm chính:
Thứ nhất, hai bản mà NXB Hội Nhà văn xuất bản (như khẳng định của Ông Vũ Hoàng Giang) là nguyên vẹn từ bản in thành sách lần đầu của NXB Mai Lĩnh ấn hành (năm 1940, 1941) khi Ngô Tất Tố còn sống. Ngoại trừ những lỗi morat thì Nhã Nam không tự thực hiện việc sửa chữa, cắt xén hay xuyên tạc nào đối với tác phẩm. Như vậy, nếu nói là sửa chữa, cắt xén thì là từ bản in của NXB Mai Lĩnh chứ không phải là do Nhã Nam.
Thứ hai, chưa đủ cơ sở để nói hai ấn bản được nêu ra (bản in trên báo và bản in sách của NXB Mai Lĩnh) đâu là bản chuẩn hoàn thiện của tác phẩm. Có thể bản in trên báo (công bố trước) là bản gốc của tác phẩm nhưng bản in sách sau đó của Mai Lĩnh hoàn toàn có thể đã được tác giả sửa chữa hoặc tác giả cho phép sửa chữa trước khi in thành sách cho phù hợp mục đích hoặc bối cảnh xuất bản. Hiện nay, khi tác giả đã mất thì, trừ khi có bằng chứng rõ ràng tác giả khẳng định đâu là bản hoàn thiện của mình, không ai có thể thay tác giả để khẳng định đâu là bản chuẩn.
Thứ ba, bản in do Mai Lĩnh phát hành (năm 1940, 1941 khi tác giả vẫn còn sống) đã được sửa chữa, cắt xén so với bản đăng trên báo trước đó nhưng không thấy có bằng chứng thể hiện việc tác giả khiếu kiện, phàn nàn hay phản đối. Điều này cho thấy khi đó tác giả không cho rằng đó là sự sửa chữa, cắt xén gây phương hại đến danh dự và uy tín của mình. 
Ông Điêu Ngọc Tuấn cũng cho rằng việc cáo buộc Nhã Nam vi phạm quyền nhân thân của tác giả có thể xuất phát từ nhiều lý do, nhưng cũng có thể do sự thiếu thống nhất trong quan điểm đâu là ấn phẩm chuẩn nhất của tác giả; cũng như sự thiếu thống nhất về cách hiểu sửa chữa, cắt xén tác phẩm như thế nào là vi phạm quyền nhân thân. 


Lam Thu

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Nắng sớm







29/10/2016
Đỗ Đình Tuân

Điểm diện 33: Chu Văn




33. Chu Văn
    (1922-1994)

Một con trâu bạc già nua
Nhờ cơn bão biển thổi lùa lên mây
Trâu ơi ta bảo trâu này
Quay về đất mới kéo cày cho xong.
                                  Xuân Sách

Bài tham khảo


NHÀ VĂN CHU VĂN
VÀ NHỮNG ỨNG XỬ THI CA

        Cuối năm 1967, tại nơi sơ tán của Ty Văn hoá Nam Hà, thôn Đức Bản, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, Hà Nam có một cuộc chia tay cảm động: tiễn nhà văn Chu Văn vào chiến trường. Người đi trong trang phục thời chiến bên dòng sông Châu tháng Chạp giá lạnh, gợi cái ý vị "Tiễn biệt bên sông Dịch": Thử địa biệt Yên Đan/ Tráng sĩ phát xung quan (Nơi này biệt Yên Đan/ Tóc tráng sĩ dựng ngược -Thơ Lạc Tân Vương). Giữa những đồng nghiệp, đồng chí vừa chuẩn bị xong số Sáng tác xuân Mậu Thân, Chu Văn xúc động đọc một bài thơ ứng tác "Chia tay":
                             "Chia tay nhằm thẳng nẻo tiền phương,
                              Hỏi lại lòng ai có vấn vương?
                             Việt Bắc gọi vào nơi tuyến lửa,
                             Miền Nam yêu dấu nghĩa quê hương.
                             Đánh giặc, giữ nhà, đôi gánh nặng,
                             Cây chông, ngòi bút một con đường.
                             Xa nhau là để gần nhau mãi,
                             Mưa nắng hề chi vượt dặm trường".
      Bài thơ ứng tác nói được cái chí của người từng trải cuộc kháng chiến chống Pháp, khi đất nước bước vào giai đoạn chiến đấu ác liệt chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, chuẩn bị tổng tấn công giải phóng miền Nam. Thơ nói được tâm lý của các nhà văn, nghệ sĩ  lúc bấy giờ: "Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương" (Tố Hữu).
     Chu Văn đến chiến trường. Trong chuyến đi thực tế dài ngày tại các vùng trọng điểm mặt trận Đông Trường Sơn với đoàn văn nghệ sĩ Phòng Văn nghệ Quân đội: Chính Hữu, Hải Hồ, Ngô Văn Phú, Sĩ Hanh, Trọng Khoát, Vũ Minh, Đồng Văn Thuyết..."nhà văn dân sự" Chu Văn nhanh chóng thích nghi như một chiến binh thực thụ. Những lần bị vây, những lần bị bom đạn rượt đuổi, những lần mưa lũ lở núi, sạt hầm hút chết. Ông cũng có dịp chia sẻ miếng lương khô, hớp nước cuối trong bi đông với cán bộ, chiến sĩ nơi trận mạc để được thực mục sở thị bộ mặt chiến tranh tàn bạo của kẻ xâm lược. Ông thay mặt Tỉnh uỷ Nam Hà đến uý lạo lực lượng thanh niên xung phong ở chiến trường. Dọc đường Trường Sơn, ông hai lần thay mặt Tỉnh uỷ tặng quà, động viên anh chị em cán bộ diễn viên văn công xung kích phục vụ chiến trường, đoàn Chèo Nam Hà, tại binh trạm Đoàn 559. Gần một năm có mặt ở chiến trường khu V, ông may mắn không bị "dính" bom, pháo nhưng ra Bắc hàng năm còn bị những cơn sốt rét rừng hành hạ.
    Năm 1974, nhà văn Chu Văn còn đi thực tế chiến trường một chuyến nữa, vào Phước Long, miền Đông Nam Bộ, trong đoàn công tác của Tỉnh uỷ Nam Hà. Chuyến đi theo tuyến Tây Trường Sơn thuận lợi hơn, ông không quên bài thơ nhà viết kịch Tào Mạt chia tay ông ở một binh trạm Đông Trường Sơn ngày nào:  
TẶNG CHU HUYNH
                             Chấp Kim Tinh bút hướng Nam dao,
                             Đông hải minh thiên khởi nộ đào.
                             Bác viết :"Văn nhân giai chiến sĩ",
                             Dục vi Quan Vũ tất huy đao.
                                                                        Tào Mạt
      Bài thơ chữ Hán, thủ bút của Tào Mạt năm 1967 đưa tặng nhà văn, mãi đến năm 1992, tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh tổ chức trang "Mừng thọ nhà văn Chu Văn 70 tuổi" ông mới đưa in (cùng bản "tạm dịch" của Phạm Trọng Thanh):
                             TẶNG ANH CHU VĂN
                             Dắt bút Kim Tinh kịp chuyến vào,
                             Dậy trời sóng giận bể dồn cao.
                             Bác nói:"Nhà văn là chiến sĩ",
                             Muốn làm Quan Vũ phải hoa đao.
     Với nhà văn Chu Văn, trong mỗi chuyến đi ấy, trang sổ tay của ông càng đầy lên những ý đồ sáng tác, những hình tượng trong chiến đấu, không thể ngồi ở nhà mà "bịa" được. Những năm tháng ấy thuộc về sự dũng cảm của nghĩa lớn, khí phách và tâm hồn của một thời oanh liệt. Chất liệu thực tế ngồn ngộn, vốn sống dày dặn, tài năng văn chương cất cánh, ông là nhà văn thành đạt chậm nhưng vững chãi, bề thế với những tác phẩm: Bão biển, Đất mặn, Giáp mặt, Sao đổi ngôi, Mây thành (tiểu thuyết); Con đường lầy, Cô lái đò sông Ninh, Ánh sáng bên hàng xóm, Hương cau hoa lim, Bông hoa trắng, Mùa chim phượng bay về,Tiếng hát trong rèm, Ngọc tương tư (truyện ngắn); Tiếng hát trên sông (bút ký),Tuyển tập Chu Văn... "Nhà văn chiến sĩ" Chu Văn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1989 và truy tặng giải thưởng Nhà nước (đợt I) năm 2001, lúc ông qua đời vừa đúng 7 năm.
     Thành đạt ở tiểu thuyết, truyện ngắn... nhưng nhà văn Chu Văn lại khởi sự văn nghiệp từ thi ca. Xuất thân trong một gia đình Nho học ở Đông Quang, Đông Hưng, Thái Bình, Chu Văn có một thời hoa niên thích làm thơ, xem chèo, diễn kịch. Khi trở thành cán bộ hoạt động cách mạng ở Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định thì cái sở thích thuở thiếu niên lại trở thành phương tiện cho công tác tuyên truyền. Tác phẩm đầu tay của Chu Văn là truyện thơ "Ai qua Phát Diệm". Ông còn viết vở chèo "Cô gái làng Dương", được dàn dựng và được Văn nghệ in năm1955.Truyện thơ của ông là chuyện chống cưỡng ép di cư năm 1954, được phổ biến và khơi mào cho các truyện thơ ra đời ở Nam Định sau đó: "Cô gái tóc trắng" (Bạch Mao Nữ) của Trần Tường,"Lấn biển Đông" của Kim Ngọc Diệu...
      Năm 1962, đoàn Chèo Nam Định đưa điệu thức "cung văn hầu bóng" thành tiết mục hát văn. Và người soạn lời mới cho tốp nữ múa hát là nhà văn Chu Văn. Tiết mục thành công rực rỡ trên sàn diễn. Riêng tôi, mỗi lần nghe lại tiếng đàn nguyệt của nghệ sĩ Thế Tuyền, giọng hát văn của tốp nữ do nghệ sĩ Kim Liên lĩnh xướng năm ấy, tôi thấy lòng mình nhuần thắm lại:
                             Hỡi cô thắt dải lưng xanh
                             Có về Nam Định với anh thì về.
                             Dạt dào gió lượn ven đê,
                             Đồng thơm hương cốm, cây che rợp làng.
                             Biển xanh, cá bạc, tôm vàng
                             Buồm căng lộng gió thênh thang ra vào
                             Sông Ninh, sông Đáy, sông Đào
                             Phù sa lớp lớp nao nao sóng dồi
                             Chiều trưa vang dậy tiếng còi
                             Đường xưa bến Vị, non Côi nượp người...
                                               ( Nam Định quê tôi -1962 )
     Với cương vị Tổng biên tập Tập san Sáng tác của Ty Văn hoá Nam Hà rồi Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh, chủ tịch Hội đồng Tủ sách Quê hương...cách "điều binh khiển tướng" của ông cũng thật đáng nể. Từ lúc dựng đề cương, phân công viết, đặt bài, phân công biên tập... đến ngày tổng duyệt, nhất nhất mọi việc đều có tâm lực của ông. Thiếu bài thì viết bổ sung, có khi viết lại cả một bài dài mà không cần đứng tên.Thơ xuân, câu đối Tết, nhiều phen ông Tổng biên tập phải "bù" dưới các bút danh Thạch Mã, Kim Mã, Nghĩa Thanh...
      Còn đó những vế mời đối, thách đối của Thạch Mã, Kim Mã ...bao năm chưa có người đối được.Trên số Tết năm 1970 tập san Sáng tác Nam Hà, nói về Bác kính yêu sau ngày Bác đi xa:
          Người là Cha, là Bác, là Anh
          Chết như sống anh hùng vĩ đại !
      Nhà văn ghép hai câu thơ Tố Hữu trong bài "Sáng tháng Năm" và trong bài "Hãy nhớ lấy lời tôi" để mời đối. Hay như vế thách đối đầu năm 1967 (trên tập san Sáng tác Nam Hà), đùa các chiến sĩ phòng không (cao xạ pháo, tên lửa), ông viết: Tiểu đội phòng không, mười hai cậu đều không có vợ!
     Thuộc thơ Việt, thơ Đường, thơ Pháp, Chu Văn là người biết làm giàu vốn hiểu biết của mình, chủ yếu là tự học.Tiếng Pháp đủ để giao tiếp, chữ Hán đủ để đọc các nguyên bản. Ngoài sáu mươi tuổi, ông còn theo học tiếng Anh khá chăm chỉ. Đọc sách và nhớ sách. Ông yêu thi ca, niềm yêu của một trí thức Nho học, tâm đắc câu nói của Khổng Tử: "Hứng ư thi, lập ư lễ,thành ư nhạc" (Hứng khởi trước điều thiện là nhờ thi ca, đứng vững trước mọi việc đời là nhờ ở lễ và hàm dưỡng được nội tâm chính đáng là nhờ ở sự hài hoà của âm nhạc).
      Thơ ông viết, có lẽ sự chú tâm đầu tiên là khí chất toàn cục? Ở bài Xuân đề, nguyên tác chữ Hán, in trên "tờ hoa" tập san Sáng tác Nam Hà số Tết Bính Thìn (1976), mừng đất nước thống nhất, ông viết:
                             Vạn lý đào hoa tiếp cẩm vân,
                             Sơn hà phong cảnh tổng hồi xuân.
                             Tứ thiên niên quốc trùng hưng hội,
                             Thành dã ca thanh xứ xứ văn.
                                                         (Xuân đề- Nghĩa Thanh)
    Tác giả tự dịch:
                             ĐỀ THƠ XUÂN
                             Dặm xa, mây thắm hoa đào,
                             Non sông rầy đã bước vào hồi xuân.
                             Nông thôn, thành thị xa gần,
                             Hát mừng nước bốn nghìn năm vươn mình.
      Mùa xuân năm 1977, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh nhận một yêu cầu "đền ơn đáp nghĩa" do Ty Thương binh -Xã hội đề xuất. Tỉnh cần có thơ, câu đối làm thành hai bức trướng kính viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.Còn nhớ, tại trụ sở Hội sớm xuân ấy tề tựu đủ cán bộ biên tập, sáng tác của cơ quan. Đồng chí cán bộ Ty Thương binh-Xã hội, nhà văn Chu Văn chủ tịch Hội, nhà viết kịch Hồng Vũ, phó chủ tịch Hội lần lượt phát biểu, nêu ý tưởng,chủ đề. Một cuộc "Phát động sáng tác" bắt đầu và thời hạn chỉ có một tuần thôi, tất cả chúng tôi cùng vào cuộc. Đến hẹn, chúng tôi cùng nộp bài, một cuộc bình văn do nhà văn Tổng biên tập chủ trì khá sôi nổi. Điều đáng nói là thơcâu đối đã chọn đều được chủ và khách hài lòng.
       Câu đối được chọn (của nhà thơ Vũ Quốc Ái):
                   Đất nước nhớ anh hùng, hồn vang động trống đồng Ngọc Lũ,
                   Quê hương ơn liệt sĩ, tên sáng ngời bia đá Trường Sơn !
      Bài thơ được chọn (của nhà văn Chu Văn):
                             Trai tài, gái giỏi Hà Nam Ninh,
                             Nghĩa Đảng, tình dân, hiến trọn mình!
                             Tiếng hát Trường Sơn muôn thuở vọng,       

                                Ngời trang sử mới ánh bình minh.
      Nhà văn Chu Văn là người quí trọng nhân tài. Mùa thu năm 1970, tại thành phố Nam Định còn ngổn ngang công sự và ụ pháo phòng không, Ty Văn hoá Nam Hà tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm, ngày sinh nhà thơ Trần Tế Xương (1870-1970), có sự tham gia của Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam. Là Trưởng Ty Văn hoá, ông đứng ra lo liệu mọi việc cùng với cán bộ của nhiệm sở, các cố lão Vị Xuyên và thân tộc nhà thơ. Lần đầu tiên, một lễ kỷ niệm danh nhân văn học quê hương được tiến hành thật trang trọng. Sự nghiệp thi ca của nhà thơ thành Nam được nhìn nhận,đánh giá một cách thoả đáng, góp phần khẳng định Trần Tế Xương là nhà thơ lớn của dân tộc, giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phần mộ nhà thơ dời từ Cồn Vịt về công viên Vị Xuyên. Tuyển tập Thơ Trần Tế Xương 100 bài được biên khảo, hiệu đính, xuất bản với bài tiểu luận xuất sắc"Đọc thơ Tú Xương" của nhà thơ Xuân Diệu cùng Lời giới thiệu của nhà văn Chu Văn. Ông viết: "Xã hội thực dân phong kiến với các thứ rác rưởi, chướng tai gai mắt từng làm rầy nhà thơ lớn Trần Tế Xương đã  dứt khoát trôi đi không bao giờ còn trở lại... Trần Tế Xương vẫn sống mãi trong tâm hồn người Nam Định. Nhà thơ lớn là niềm tự hào, như người ta vẫn tự hào về lịch sử oai hùng của địa phương còn ghi trong các văn bia nơi chùa Phổ Minh, đền Cố Trạch. Cả một nền văn học đất Sơn Nam, xây dựng từ bao đời với những tru cột vững vàng như Nguyễn Khuyến,Trần Tế Xương, được bồi đắp, xây dựng thêm, đã đóng góp được những người như Nam Cao... và sau này với vị trí quan trọng của tỉnh Nam Hà, nền văn học đó còn rực rỡ biết bao nhiêu nữa".
    ..."Chúng ta không đòi hỏi ở Trần Tế Xương những gì mà ông không có. Riêng mặt cống hiến về văn học của nhà thơ thiên tài ấy đã đủ làm vinh quang cho quê hương non Côi, sông Vị". (Trích lời giới thiệu Tuyển tập Thơ Trần Tế Xương, Ty Văn hoá Nam Hà, 1970, tr. 9).
      Mùa xuân năm 1985, nhân kỷ niệm 150 năm sinh Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh phối hợp với Viện Văn học và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I tổ chức Hội thảo Khoa học về thân thế, sự nghiệp nhà thơ. Hội thảo đã quy tụ nhiều nhà nghiên cứu văn học, cán bộ giảng dạy, các giáo sư, học giả hàng đầu toàn quốc về thành phố Nam Định. Nhiều tham luận chuẩn bị công phu, đóng góp những nhận định sâu sắc về vị trí, tài năng của Nguyễn Khuyến trong nền văn học Việt Nam. Tuy nhiên, tại hội thảo, cũng có những "lập luận" phát sinh mâu thuẫn làm cho các nhà tổ chức những ngày cuối cảm thấy bối rối vì xu hướng phân tán, có thể dẫn đến việc hội thảo không thành công, không đạt được mục đích.
      Nhà văn Chu Văn được phân công tổng kết hội thảo. Sau một đêm chong đèn chấp bút, bản báo cáo tổng kết của ông khi đọc lên, mọi người đều thấy năng lực tổng hợp, phân tích rất vững vàng, thấu lý, đạt tình. Báo cáo tổng kết Hội thảo Khoa học về nhà thơ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến của Chu Văn đã đánh giá một cách khoa học, xác đáng với tất cả các bản tham luận, các ý kiến trao đổi của các nhà nghiên cứu, những thẩm định thấu đáo, công bằng của các học giả. Báo cáo tổng kết hội thảo dẫn đến việc mọi người đồng thuận thừa nhận vị trí xứng đáng của cụ Tam nguyên Yên Đổ trong lịch sử văn học Việt Nam. (Xin đọc thêm Thi hào Nguyễn Khuyến đời và thơ -Viện Văn học- Nguyễn Huệ Chi chủ biên- NXB Giáo dục, Hà Nội,1994).
      Cùng năm 1985, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh, Nhà xuất bản Văn học tiến hành liên kết xuất bản Tuyển tập Nguyễn Bính sau hai mươi năm vắng bóng thi nhân.Việc làm thủ tục xuất bản tưởng không có khó khăn gì. Thế nhưng việc "đưa" Nguyễn Bính trở lại với bạn đọc trong Nam, ngoài Bắc đã có những vướng mắc phải tháo gỡ. Chính nhà văn Chu Văn đã "gõ cửa những người có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương" để Tuyển tập Nguyễn Bính đến với bạn đọc năm 1986, làm nên một "hiện tượng xuất bản" thời điểm ấy. Cùng với "Lời giới thiệu" của nhà văn Tô Hoài, nhà văn Chu Văn đã viết "Lời bạt" với cả tấm lòng nhân hậu và quí trọng nhà thơ "Chân quê" Nguyễn Bính.
      "Ông cũng là người luôn quan tâm sâu sát tới các văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Ông trực tiếp đề xuất với lãnh đạo tỉnh để lão hoạ sĩ Nguyệt Hồ được sửa chữa gian nhà cho cao ráo, sáng sủa hơn, cùng nghệ nhân ca trù Đặng Thị Sim có một khoản trợ cấp giảm bớt khó khăn cuộc sống. Ông trực tiếp can thiệp với người có trách nhiệm để mẹ con bà Trần Thị Lai, vợ nhà thơ Nguyễn Bính có chỗ ở yên ổn. Cuối năm, ông nhắc nhở Văn phòng Hội có quà thăm hỏi gia đình nhà văn Nam Cao, mẹ nhà văn Nguyễn Thi và một số văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm vào dịp Tết, cơ quan Hội tổ chức họp mặt gia đình anh chị em cán bộ công nhân viên cơ quan. Chẳng mâm cao cỗ đầy gì, nhưng là một dịp để mọi người được sum họp trong không khí gia đình ấm áp". (Lương Đức Vinh - "Nhà văn Chu Văn, tôi đã từng ở gần ông"- Bài gửi tạp chíVăn nhân,2004).
      Lao động nghệ thuật nói chung, sáng tác thi ca nói riêng, là những ứng xử văn hoá."Văn tức là người".Với nhà văn Chu Văn - vị Tổng biên tập uy tín của tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh đã quá cố, những ứng xử cho thấy "một cốt cách tâm hồn nhà văn - kẻ sĩ đáng trọng", đúng như lời nhà thơ Nguyễn Bính sinh thời đã nói về ông.


Phạm Trọng Thanh
(Rút trong tập Thức cùng trang viết - NXB Hội Nhà văn, 2008) 

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...